Gần đây, một người Duy Ngô Nhĩ (Uighur) trốn khỏi Trung Quốc tên Yasin (Abdikadir Yasin), đã chia sẻ với tờ New York Times về những lo lắng mà vợ chồng anh phải đối mặt, câu chuyện thu hút chú ý trong cộng đồng người Trung Quốc ở hải ngoại.

Embed from Getty Images

Cảnh sát tại Tân Cương đi tuần vào ban đêm (Ảnh từ Getty Images)

Theo Yasin kể, ba năm trước, khi chính quyền Bắc Kinh tăng cường đàn áp đối với tộc người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, vợ chồng Yasin đã gia nhập hàng ngũ những người Duy Ngô Nhĩ rời khỏi miền Tây Tân Cương, cuối cùng họ đã đến được Thụy Điển.

Sau khi đơn xin tị nạn tại Thụy Điển của họ bị từ chối, họ đã phải sống trong sợ hãi triền miên, lo sợ bị trục xuất. Yasin kể rằng, trong nhiều tháng điều mà vợ chồng anh lo nhất là nhận được thông báo họ phải rời Thụy Điển và trở về miền tây Trung Quốc. Nơi đó nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc đã nhốt vào trại cải tạo lao động hàng trăm ngàn người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ như họ.

Theo thông tin, những người Duy Ngô Nhĩ chạy trốn khỏi Trung Quốc đang cố gắng để được thế giới bên ngoài chấp nhận cho tị nạn, nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc đã dùng nhiều thủ đoạn kiểm soát người Duy Ngô Nhĩ, tiêu biểu là hệ thống Camera giám sát có ở khắp nơi và tùy tiện bắt giữ người dân, nhưng đến gần đây tình trạng này mới được thế giới quan tâm. Những người Duy Ngô Nhĩ phải đối diện vô số khó khăn từ Chính quyền Bắc Kinh và nước tiếp nhận tị nạn. Nước chủ nhà Thụy Điển đã chấp nhận nhiều người tị nạn chạy trốn từ cuộc xung đột ở Syria, Iraq và Afghanistan. “Chỉ cần bạn là người Duy Ngô Nhĩ, sớm muộn sẽ rơi vào tình trạng khó khăn”, Yasin nói, “tình cảnh của tôi bây giờ là như thế”.

Yasin 36 tuổi đã học qua tiếng Trung và từng làm việc tại cửa hàng bán xe hơi ở thủ phủ Ô Lỗ Mộc Tề  (Urumqi) của Tân Cương. Vợ anh 30 tuổi, từng là một giáo viên ở trường mẫu giáo, đã từng là chủ một xưởng dệt vải.

Những rắc rối của Yassin bắt đầu vào năm 2015, anh kể rằng trong một cuộc tranh chấp về bồi thường giải tỏa, những người hàng xóm đưa anh làm người dẫn đầu. Khi tình hình tranh chấp căng thẳng hơn, cảnh sát đã bắt giữ Yasin. Anh kể rằng cảnh sát đã đánh anh bằng roi điện, buộc anh và những cư dân khác ký vào công văn để nhận tội.

Anh cố gắng qua giới truyền thông và mạng xã hội công khai thực trạng, vậy là anh lại bị bắt giữ. Anh kể rằng trong thời gian bị giam giữ này, anh tiếp tục bị đánh đập và tra tấn, sau đó được đưa đến bệnh viện để điều trị. Trong thời gian anh nằm viện, người thân đã chuẩn bị sẵn sàng để đưa anh cùng người vợ và con gái anh rời khỏi Trung Quốc.

Gia đình anh đã bay tới Kazakhstan ở Trung Á, sau khi ở đó một tháng họ lại bay tới Nga, và cuối cùng đến thủ đô Stockholm của Thụy Điển, họ đã nộp đơn xin tị nạn vào tháng 5/2015.

Fedja Ziga, luật sư đại diện cho họ chia sẻ rằng, sau gần hai năm và một lần kháng cáo, đơn xin tị nạn của vợ chồng anh đã chính thức bị từ chối. Sở Di Trú Thụy Điển chấp nhận thực tế rằng Yasin là người Duy Ngô Nhĩ, nhưng không tin lời kể của anh về cách anh trốn khỏi Trung Quốc.

Sau khi đơn xin bị từ chối, Yasin và gia đình anh lại đến Đức xin tị nạn. Nhưng sau khi chờ đợi một năm, họ lại bị gửi trở lại Thụy Điển, bởi vì theo quy định của Liên minh châu Âu thì chỉ có thể được xin tị nạn ở một quốc gia. Quan viên Thụy Điển đón họ tại sân bay Stockholm yêu cầu họ đến thành phố Gavle cách thủ đô khoảng hai giờ chạy xe. Họ đã trải qua đêm đầu tiên khi trở về Thụy Điển bằng cách nằm cuộn tròn trên một băng chiếc ghế dài ở Gavle.

Nỗi sợ hãi bất tận đã làm tổn thương Yasin và gia đình anh, đặc biệt là với vợ anh, người không muốn mọi người biết đến cái tên của cô. Cô đã mang thai đứa con thứ ba, nhưng cô đã bị sảy thai vào cuối tháng Chín năm nay.

Embed from Getty Images

Những người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương luôn bị theo dõi, bị đàn áp trong đời sống tôn giáo, và bị giam cầm quy mô lớn (Ảnh: Getty Images)

Theo tờ New York Times, có đến cả triệu người Duy Ngô Nhĩ sống ở ngoài biên giới Trung Quốc, đặc biệt là trong những năm gần đây khi bùng nổ làn sóng người Duy Ngô Nhĩ chạy trốn, họ thường cảm thấy cuộc đời bấp bênh. Do sức ảnh hưởng mạnh của Bắc Kinh đối với nước ngoài đã làm tăng nguy cơ khiến họ phải trở về nước.

Chính quyền Bắc Kinh gọi họ là những kẻ cực đoan nguy hiểm nhập cư bất hợp pháp, gây áp lực lên các nước láng giềng để thuyết phục các nước này cho hồi hương những người Duy Ngô Nhĩ nào không có giấy phép đi lại nếu bắt được.

Kể từ năm ngoái, chính quyền Bắc Kinh tăng thêm áp lực với người Duy Ngô Nhĩ bằng những thông báo qua phần mềm nhắn tin nhanh, hoặc đe dọa gia đình họ ở Tân Cương và yêu cầu họ trở về nước.

Chính quyền Bắc Kinh đã cho mở rộng các trại cải tạo nhằm đoạn tuyệt người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác với niềm tin tôn giáo và văn hóa truyền thống của họ, cách làm này của chính phủ Bắc Kinh ngay từ năm ngoái đã bị quốc tế lên án. Gần đây nhà cầm quyền Bắc Kinh đã cố gắng mô tả các trại cải tạo này là các trung tâm đào tạo việc làm, nhằm dập tắt những lời chỉ trích.

Yasin và luật sư của anh cho biết, các quan chức Thụy Điển khi xem xét đơn xin tị nạn của họ dường như không chắc chắn về mối đe dọa mà họ phải đối mặt ở Tân Cương, quê hương của 11 triệu người Duy Ngô Nhĩ.

Yasin kể rằng, mặc dù có bào chữa của luật sư, nếu anh bị gửi trở lại Trung Quốc, có thể anh sẽ bị giam giữ, nhưng Sở Di Trú Thụy Điển vẫn phán quyết anh không đáp ứng các tiêu chuẩn tị nạn. “Họ không tin rằng người Duy Ngô Nhĩ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nan giải như vậy ở Tân Cương”, Yasin nói. “Các quan chức xuất nhập cảnh không hiểu tình hình ở Trung Quốc”.

“Cân nhắc đến dòng người nhập cư lớn từ Bắc Phi và Trung Đông, Sở Di Trú Thụy Điển đã chịu áp lực rất lớn, vì phải đặt trường hợp của gia đình Yasin trong bối cảnh này”. Jojje Olsson, một nhà báo Thụy Điển trú tại Đài Loan cho biết. “Thụy Điển không có nhiều nguồn tin, họ cũng không chủ trương quan tâm thảo luận nhiều về Trung Quốc, điều này đã dẫn đến lỗ hổng thông tin rất lớn”.

Đồng thời, áp lực của các nhà chức trách Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài cũng ngày càng lớn hơn.

Nhiều người Duy Ngô Nhĩ đi du lịch sử dụng hộ chiếu Trung Quốc, và trong vài năm tới số hộ chiếu này hết hạn sẽ ngày càng nhiều, buộc một số người phải lựa chọn hoặc trở về Trung Quốc hoặc trở thành những người lưu vong không quốc tịch.

Cổ Lệ (Gu Li), một sinh viên Duy Ngô Nhĩ sống ở Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Nếu chúng tôi có con, đứa bé sẽ không thể có được quốc tịch Trung Quốc vì Trung Quốc từ chối cấp hộ chiếu, còn Thổ Nhĩ Kỳ cũng không cấp hộ chiếu cho chúng tôi”. Cô yêu cầu được giấu tên vì lo lắng người thân của cô ở Tân Cương sẽ bị tổn thương vì chia sẻ thẳng thắn của cô. “Nếu không thể có được quốc tịch từ bất kỳ quốc gia nào, thế hệ tiếp theo của chúng tôi sẽ phải đối mặt với những vấn đề lớn”.

Tháng trước, Yasin và gia đình anh đã được trì hoãn hồi hương. Với thực trạng đàn áp ngày càng tăng tại Tân Cương và mối quan tâm của quốc tế bắt đầu tăng lên, Sở Di Trú Thụy Điển cho biết sẽ ngừng việc buộc người Duy Ngô Nhĩ và người dân tộc thiểu số khác đến từ Tân Cương phải hồi hương.

Cho dù thế, những người phải sống lưu vong vẫn khó thoát khỏi những lo lắng về cuộc sống chông gai và bấp bênh. Hiện nay hai vợ chồng Yasin cùng hai đứa con của họ phải sống trong một ngôi nhà tạm bợ gần đường cao tốc, hàng xóm gần nhất của họ là một nhà hàng thức ăn nhanh và một cây xăng. Cho dù họ có thể được quyền ở lại Thụy Điển thì cuộc sống vẫn rất khốn khó. Vợ của Yasin nói: “Chúng tôi không cảm thấy an toàn, mỗi khi tôi xem tin tức và thấy mọi người bắt đầu hiểu những gì đang xảy ra ở đó, cảm giác vui mừng lại dâng trào trong tôi”.

Trí Đạt

Xem thêm: