Trưa ngày 25/10, danh sách Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới của Trung Quốc đã công bố, ngoài vị trí của ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường còn giữ lại, toàn bộ 5 người khác đã bị thay thế. Nhưng thái độ của người dân Trung Quốc đối với vấn đề này tỏ ra lạnh nhạt, thờ ơ.

anh 2
Công bố danh sách Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới, nhưng người dân Trung Quốc dường như thờ ơ (Ảnh chụp màn hình)

Trưa ngày 25, tại buổi gặp gỡ truyền thông trong và ngoài nước của Ban Thường vụ khóa mới, được đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc phát sóng trực tiếp. Theo Reuters đưa tin, qua quan sát thái độ của người dân, dường như rất nhiều người không quan tâm buổi truyền hình trực tiếp này.

Ông cụ Thái, 85 tuổi, chia sẻ với Reuters, ông không xem truyền hình trực tiếp: “Cho dù hôm nay có chuyện gì tôi cũng không quan tâm. Tôi là một tín đồ Cơ Đốc, sau bữa trưa phải đi lễ, nếu xem truyền hình thì tôi sẽ đi muộn. Tôi cũng không rõ truyền hình phát thứ gì.”

Bà Cốc, 58 tuổi, tuy có xem truyền hình trực tiếp nhưng khi nghe bình luận viên truyền hình nói “tầm quan trọng lịch sử của thời khắc này”, bà Cốc cho biết, tôi không thấy quan trọng ở chỗ nào, “tôi không quan tâm chuyện chính trị lắm”.

Theo thông tin, đa số công chúng thường chỉ quan tâm việc thiết thân với họ.

Ngay cả người dân sống ở Bắc Kinh dường như cũng rất thờ ơ với những nội dung liên quan Đại hội 19. Bà Bạch Lĩnh Tạ sống ở Bắc Kinh chia sẻ với “Tiếng nói nước Đức” (Deutsche Welle), dường như đây chỉ là “hội nghị mang tính hình thức”. Có lẽ “vì quá bận công việc”, bà cũng không biết những nội dung chủ đề của hội nghị là gì.

Thông tin chỉ ra, Đại hội 19 gây ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống thường ngày của người dân. Có người chia sẻ trên weibo, “thêm một lần nữa cầu mong các lãnh đạo đừng tổ chức hội nghị ở Bắc Kinh, vì gây ảnh hưởng quá nặng cho cuộc sống mọi người. Vì các lãnh đạo mà hàng ngày tôi phải ra ngoài sớm hơn cả tiếng, nếu không lại đi muộn….”

Ngày 23, hãng tin AP dẫn ý kiến của chuyên gia Lâm Hòa Lập chuyên về vấn đề Trung Quốc thuộc Đại học Trung văn Hồng Kông, cho biết: “Người dân Trung Quốc ngày càng khinh thường tuyên truyền chính trị của Đảng”.

Trước đó, tiến sĩ chính trị học Dương Kiến Lợi có phân tích, mọi người thờ ơ chuyện chính trị vì thể chế chuyên chế độc tài gây ra. Đài VOA dẫn ý kiến của ông Dương Kiến Lợi rằng, “Dưới thể chế độc tài, muốn người dân quan tâm thực sự với các vấn đề chính trị và xã hội dường như là không thể.”

Trong Sách xanh xã hội Trung Quốc năm 2016 do Viện Khoa học xã hội Trung Quốc công bố cũng chỉ ra, thái độ của người dân Trung Quốc đối với chính trị rất lạnh nhạt.

Nghiên cứu viên Thôi Nham thuộc Viện Nghiên cứu Xã hội học thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết, theo kết quả điều tra ý dân, có 49,9% người cho rằng, trong những cuộc bầu cử ở khu phố hay làng xã, cử tri không có ảnh hưởng gì đến kết quả cuối cùng; 46,6% người được phỏng vấn cho biết, Ủy ban thôn không liên quan gì đến người dân thường; 48,7% người được phỏng vấn cho biết tham gia vào hoạt động chính trị không có hiệu quả thực tế; 53,2% người được phỏng vấn cho biết không có hứng thú với chính trị.

Có học giả phân tích, vì người dân Trung Quốc hiện nay thừa biết vai trò mờ nhạt của họ, do không có đa nguyên chính trị, cho nên không mấy tin vào ý nghĩa tham gia của họ trong các hoạt động chính trị và xã hội.

Tuyết Mai

Xem thêm: