Sau khi Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam tuyên bố tại cuộc họp báo ngày 9/7 rằng Dự luật dẫn độ đào phạm “đã chết”, nhưng từ chối huỷ bỏ hoàn toàn dự luật này, các nhà lập pháp địa phương, các nhóm dân sự và các tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng.

Carrie Lam 1

Ngày 9/7, Trưởng đặc khu Hồng Kông, bà Carrie Lam, đã gặp gỡ các phương tiện truyền thông và tuyên bố Dự luật dẫn độ đào phạm “đã chết”.

Khi được yêu cầu giải thích rõ thêm, bà Lam đã lặp lại lập luận trước đây rằng chính phủ của bà không có kế hoạch tranh luận về dự luật bị đình chỉ trong phiên họp lập pháp hiện tại, trước khi nó tự động hết hạn vào tháng 7 năm 2020.

Bà Lam cũng đã nói thêm về những ẩn ý đằng sau những từ ngữ được lựa chọn hết sức cẩn thận của mình rằng bà không dùng từ “huỷ bỏ” vì các thành viên của Hội đồng Lập pháp vẫn có thể đề xuất lại dự luật sau đó.

Trong một tuyên bố được đưa ra sau phát biểu của bà Lam, Mặt trận Nhân quyền Dân sự (CHRF), nhóm tổ chức đứng sau ba cuộc tuần hành trong tháng trước có hàng triệu người Hồng Kông tham gia, cho biết họ sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình, vì bà Lam một lần nữa phớt lờ yêu cầu của người dân, bao gồm việc huỷ bỏ hoàn toàn dự luật.

Nhóm này cho biết thuật ngữ “đã chết” không có bất kỳ cơ cở pháp lý nào và chỉ có việc huỷ bỏ hay thu hồi mới có ý nghĩa pháp lý. 

“Bà Lam vẫn tiếp tục sự kiêu căng của mình và không chịu nhận ra bài học,” tuyên bố của nhóm viết ngày 8/7.

CHRF nói thêm rằng họ sẽ sớm thông báo chi tiết về các cuộc biểu tình sắp diễn ra.

Tổ chức Ân xá quốc tế cũng đưa ra nhận xét rằng bà Lam đang từ chối thừa nhận hậu quả của những sai sót chết người. Dự luật dẫn độ tiếp tục gây ra tình trạng nghiêm trọng tại Hồng Kông. Tổ chức này kêu gọi bà Lam chính thức huỷ bỏ dự luật.

Fernando Cheung, một nhà lập pháp ủng hộ dân chủ, cho biết tuyên bố của bà Lam là không đủ.

“Bà ấy vẫn không hiểu ra vấn đề. Nếu bà Lam không thành lập một uỷ ban điều tra độc lập, thì đó chính là cái chết của chính quyền của bà ấy, chứ không chỉ là của dự luật,” ông nói với Reuters.

Chủ tịch Đảng Dân chủ Hồng Kông Wu Chi-wai đã tổ chức một cuộc họp báo sau tuyên bố của bà Lam, nói rằng ông đã “rất thất vọng” với những tuyên bố của bà, và điều đó không giải quyết được vấn đề quan trọng là người dân mất lòng tin vào chính phủ. 

“Bà ấy không cố gắng lắng nghe ý kiến của mọi người, mà chỉ muốn làm dịu xuống cơn bão chính trị hiện tại.”

Đảng dân chủ Hồng Kông Demosisto của Hoàng Chi Phong cũng cho rằng bà Lam nên nói rõ từ “hủy bỏ” để chứng tỏ với mọi người rằng bà đang không chơi chữ, cũng như không cấp cơ hội nào cho dự luật được hồi sinh. 

Đảng này cũng kêu gọi chính quyền thực hiện quyền bầu cử phổ quát để mọi người có thể trực tiếp bầu các thành viên của Hội đồng lập pháp và Trưởng đặc khu – vị trí hiện tại do bà Lam nắm giữ.

Trong những tuần gần đây, những người biểu tình đã sửa đổi các yêu cầu, thêm vào đó việc ban hành quyền bầu cử phổ thông.

Trong cuộc khủng hoảng dự luật dẫn độ gần đây, nhiều người đã nói rằng việc thiếu đại diện thực sự trong cơ quan lập pháp và chính phủ mới là mấu chốt của vấn đề.

“Ngay cả khi dự luật dẫn độ “đã chết” ngày hôm nay, ngày mai có thể sẽ có một luật tương tự,” CHRF viết trong tuyên bố ngày 8/7.

“Vì vậy, nếu không có quyền bầu cử phổ thông thực sự, chính phủ sẽ không bao giờ đáp ứng các yêu cầu của cộng đồng hay trách nhiệm mà họ phải có đối với người dân.”

Theo tờ Apple Daily của Hồng Kông, từ ngày 12/6 đến ngày 8/7, ít nhất 67 người đã bị bắt liên quan đến các cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ.

Về việc người biểu tình yêu cầu những người bị bắt trong các cuộc đụng độ gần đây với cảnh sát không bị truy tố, bà Lam nói rằng “việc ân xá ở giai đoạn này … là không thể chấp nhận được” và sẽ vi phạm pháp luật.

Bà Lam cũng nhắc lại rằng chính phủ sẽ không thành lập một ủy ban điều tra độc lập như những người biểu tình đã yêu cầu, bởi vì cơ quan giám sát cảnh sát nội bộ của thành phố, Hội đồng Khiếu nại Cảnh sát Độc lập (IPCC), đã hứa sẽ tiến hành một nghiên cứu thực tế về các cuộc biểu tình gần đây và đệ trình một báo cáo trong vòng sáu tháng để thông báo cho công chúng.

Nhưng CHRF cho biết họ sẽ tiếp tục yêu cầu một cuộc điều tra độc lập, cho biết IPCC không hoàn toàn vô tư vì các nhân vật thân chính phủ hiện phụ trách cơ quan này.

Trong tuyên bố của mình, Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng kêu gọi một cuộc điều tra độc lập, vô tư, hiệu quả và nhanh chóng điều tra các hành động của cảnh sát vào ngày 12/6. Tổ chức này trước đó đã tiến hành phân tích các cảnh quay từ hiện trường, kết luận rằng cảnh sát sử dụng vũ lực “trái pháp luật.”

Bảo Minh

Xem thêm: