Hiện nay quan hệ Mỹ – Trung đã xấu đi rõ rệt, tình hình đặc biệt căng thẳng hơn trên Biển Đông, thế nhưng trong bầu không khí mà lâu nay quan chức “ngoại giao sói chiến” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) liên tục thể hiện cứng rắn, thì gần đây bất ngờ lại có điều chỉnh mềm mỏng. Có học giả chỉ ra, lý do vì ông Tập Cận Bình đang phải hứng chịu áp lực chỉ trích nặng nề từ nội bộ, Hội nghị Bắc Đới Hà được cho là đang diễn ra và ông Tập phải đối diện nguy cơ bị “đấu tố” hạ bệ.

Vương Nghị
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. (Ảnh: Alexandros Michailidis / Shutterstock).

Hôm 5/8, Bộ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ Vương Nghị đã nhận trả lời phỏng vấn của hãng tuyên truyền nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã. Trong bài đăng cuộc phỏng vấn dài 7.000 chữ, hầu hết ngôn từ của ông Vương Nghị đều lên án Mỹ đặc biệt gay gắt, tiêu biểu như “Thiếu tôn trọng nhân dân hai nước Trung Quốc và Mỹ”, “Phát tán virus chính trị”, “Không biết lượng sức”, “Tự chuốc phiền hà”, “Công khai ngang ngược”, “Kích động đối đầu và tạo chia rẽ”, “Kẻ hủy diệt trật tự quốc tế khủng khiếp nhất”, “Phải khắc vào cây cột ô nhục của lịch sử”…. Ngay cả khi đề cập đến vấn đề quan hệ giữa các lãnh sự quán giữa Mỹ và Trung Quốc, một lần nữa ông Vương Nghị đã đưa ra lời đe dọa rằng “Nếu Mỹ cứ phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác thì Trung Quốc sẽ đáp trả đến cùng.”

Tuy nhiên, sau những ngôn từ tấn công dữ dội, ông Vương Nghị lại chủ động cam kết “Không can thiệp vào bầu cử và công việc nội bộ của Mỹ”, đồng thời xác định “khuôn khổ quan hệ Mỹ – Trung”: “tránh đối đầu”, “đối thoại thẳng thắn”, “không chia rẽ”, “bảo đảm hợp tác”; cũng cho biết sẵn sàng tái khởi động cơ chế đối thoại với Mỹ để tránh đối đầu giữa hai nước, khuôn khổ quan hệ Mỹ – Trung nên tránh chia rẽ, duy trì hợp tác trong các lĩnh vực như phòng chống dịch bệnh và khôi phục kinh tế, đồng thời chủ trương đối thoại để xoa dịu căng thẳng hiện nay.

Quan chức “ngoại giao sói chiến” của ĐCSTQ lên án, gần đây Mỹ đã không ngừng tăng cường và phô trương hiện diện quân sự ở Biển Đông, chỉ trong nửa đầu năm nay nhưng máy bay quân sự của Mỹ đã thực hiện hơn 2.000 lần hoạt động ở Biển Đông. Tuy nhiên, có lẽ tuyên bố đáng kinh ngạc nhất của ông Vương Nghị là cho rằng “Biển Đông là ngôi nhà chung của các nước trong khu vực”, không thể là chiến trường của chính trị quốc tế.

Sau khi công kích Mỹ dữ dội, ông Vương Nghị lại nhấn mạnh xác định “thẳng thắn đối thoại, tránh đối đầu” với Mỹ, tình trạng “quay ngoắt 180 độ” này đã bị nhiều cư dân mạng chế giễu là “tâm thần phân liệt”, “tốc độ xoay cổ quá nhanh”…

Nhà bình luận Hồ Bình (Hu Ping) đã tweet chế giễu rằng: Chẳng phải từng vẽ đường 9 đoạn khẳng định lãnh thổ cố hữu đối với các đảo ở Biển Đông?

Trong khi một số cư dân mạng thì mỉa mai: “Sói chiến tranh đâu mất? Đừng mềm lòng!”

Thái độ mềm mỏng tương tự cũng thấy ở một quan chức ngoại giao khác của ĐCSTQ là Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) – Đại sứ của ĐCSTQ tại Mỹ. Tại Diễn đàn An ninh Aspen ngày 4/8, ông Thôi nói rằng Mỹ và Trung Quốc nên hợp tác với nhau, Trung Quốc không muốn leo thang căng thẳng Mỹ – Trung hơn nữa, cũng tuyên bố rằng ĐCSTQ không có ý định cạnh tranh với Mỹ để thống trị toàn cầu.

Về động thái “khác lạ” của ông Thôi Thiên Khải và ông Vương Nghị, có phân tích cho rằng dường như ĐCSTQ đang điều chỉnh chính sách ngoại giao “sói chiến”. Nhưng cộng đồng mạng có bình luận cho rằng động thái chửi bới Mỹ của quan chức ngoại giao ĐCSTQ là nhằm thể hiện cho người dân Trung Quốc trong nước, còn các tuyên bố về “đối thoại và hợp tác” là nói với Mỹ.

Theo Đài Á châu Tự do (RFA), một ngày sau kêu gọi hợp tác Mỹ – Trung của ông Thôi Thiên Khải tại Diễn đàn An ninh Aspen, chuyên gia về Trung Quốc là ông Bùi Mẫn Hân (Pei Minxin) đã tiết lộ tại một cuộc hội thảo trong khuôn khổ Diễn đàn rằng, có người quen thuộc tình hình cho ông biết, rằng bản thân ông Tập Cận Bình đang bàng hoàng trước chuyển biến đột ngột của quan hệ Mỹ – Trung bắt đầu từ hai năm trước.

Ông Bùi Mẫn Hân phân tích rằng trước những thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc đã khiến ĐCSTQ vô cùng khó khăn trong xây dựng chiến lược mới, đồng nghĩa là ĐCSTQ cần thực hiện hàng loạt điều chỉnh chính sách trong nước, đặc biệt là về các vấn đề như nhân quyền, đàn áp trong nước và cải cách kinh tế. Đồng thời, chiến lược mới cũng ngụ ý các chính sách của ông Tập Cận Bình trong những năm trước đã bị đảo lộn, khiến ông Tập khó nuốt trôi.

Người ta tin rằng nội bộ ĐCSTQ đang có những áp lực chỉ trích ông Tập, cho rằng ông đã chọc giận Mỹ quá sớm, và thậm chí thúc đẩy hình thành một liên minh quốc tế chống lại ĐCSTQ. Chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Hudson là Michael Pillsbury cho biết,  thậm chí ông còn nghe được từ quân đội ĐCSTQ rằng “Họ chưa sẵn sàng đối đầu với quân đội Mỹ. Vì vậy ông Tập Cận Bình đang bị chỉ trích nặng nề”.

Hội nghị Bắc Đới Hà đã được khởi động một cách bí mật?

Liên quan đến Hội nghị Bắc Đới Hà của ĐCSTQ mà theo thông lệ diễn ra vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 hàng năm, giới quan sát có suy đoán Hội nghị Bắc Đới Hà đã được khởi động một cách bí mật. Nguyên nhân vì lần xuất hiện gần đây nhất của giới chức cấp cao Trung Nam Hải và Tập Cận Bình là vào hôm 31/7, sau đó đã “ẩn thân”, đến ngày 8/8 ông Ủy viên Thường vụ Lật Chiến Thư mới xuất hiện tại Bắc Kinh chủ trì Hội nghị Nhân đại toàn quốc, báo hiệu Hội nghị Bắc Đới Hà đã kết thúc.

Những suy đoán cũng cho rằng bầu không khí tại Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay chắc chắn đặc biệt hung hiểm. Nguyên nhân là do ông Tập Cận Bình đang phải hứng chịu công kích giận dữ từ cả trong và ngoài nước, bao gồm các vấn đề liên quan đến Mỹ, Hồng Kông, Biển Đông, Tân Cương, cộng thêm thực trạng khốn đốn về kinh tế và sinh kế của người dân Trung Quốc do dịch bệnh và lũ lụt hoành hành, vì vậy ông Tập không muốn đến Bắc Đới Hà để tránh bị giới nguyên lão truy cứu trách nhiệm. Tuy nhiên, giới nguyên lão và phe chống đối nội bộ khó chấp nhận như vậy, họ nóng lòng mở Hội nghị Bắc Đới Hà để nhân cơ hội này gây sức ép hạ bệ ông Tập Cận Bình.

Một nguồn tin liên quan từ hãng tin Epoch Times Hồng Kông chỉ ra rằng, gần đây một thư ký thân cận của trưởng lão chính trị ĐCSTQ đã liên lạc với đặc phái viên mật của Mỹ. Phái viên Mỹ đã thảo luận với giới trưởng lão chính trị của ĐCSTQ về vấn đề tại nhiệm của ông Tập Cận Bình, đã được cho biết rằng ông Tập nên chuẩn bị để sớm rút khỏi vũ đài chính trị. Đây là thời kỳ mà ĐCSTQ đang chịu nguy cơ sinh tồn nghiêm trọng nhất kể từ khi xây dựng chính quyền, do đã công khai đối kháng với Mỹ khiến Mỹ thúc đẩy cuộc chiến mạnh mẽ và toàn diện trên các cấp độ ngoại giao, kinh tế, quân sự… Tuy nhiên, thông tin cho biết hiện chưa thể xác thực về vấn đề này.

Y Bình

Xem thêm: