Tình hình Hồng Kông trong vài tháng qua vô cùng hỗn loạn vì xung đột giữa người dân biểu tình chống Dự luật dẫn độ và giới chức Chính phủ. Hôm 18/9, Chủ tịch Hạ viện Mỹ là bà Nancy Pelosi đã gặp Tổng thư ký đảng Demosistō Hồng Kông Hoàng Chi Phong và ca sĩ Hà Vận Thi. Một ngày trước đó, Quốc hội Mỹ đã tổ chức phiên điều trần về Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, xem xét địa vị thương mại đặc biệt của Hồng Kông và Mỹ.

Embed from Getty Images

Theo thống kê năm 2013 của Trung tâm Tài chính quốc tế, Hồng Kông lần đầu tiên vượt qua Tokyo, xếp hạng thứ ba thế giới về địa vị tài chính quốc tế. (Ảnh:  Getty Images)

Trong hơn 20 năm Hồng Kông chuyển giao chủ quyền cho Trung Quốc, đã trở thành cầu nối giữa Trung Quốc và thế giới, giờ đây nếu Mỹ hủy bỏ địa vị đặc biệt của Hồng Kông sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế Trung Quốc. Có nhận định cho rằng, tình trạng “một nước hai chế độ” và địa vị đặc biệt của Hồng Kông mang lại 5 lợi thế lớn cho Trung Quốc, đây là những yếu tố không thể thiếu đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.

“Đầu tàu” kéo nguồn vốn nước ngoài vào Trung Quốc

Hôm 18/9, Bộ Thương mại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố dữ liệu mới nhất về đầu tư nước ngoài trong 8 tháng qua, theo đó 70% số tiền đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đi vào Hồng Kông, lên tới 62,9 tỷ USD. Ngay cả trong giai đoạn tháng 6 – 8 /2019, người Hồng Kông biểu tình phản đối Dự luật dẫn độ thì đầu tư nước ngoài tại Hồng Kông cũng không có dấu hiệu suy giảm.

Bộ Thương mại của ĐCSTQ không tiết lộ tình hình chi tiết mỗi tháng, nhưng tờ SCMP (Bưu điện Hoa Nam buổi sáng) dựa trên số liệu chính thức của ĐCSTQ đã thu được dữ liệu của ba tháng qua. Từ tháng 6 đến tháng 8, lượng vốn từ Hồng Kông chảy vào Trung Quốc Đại Lục đạt 25 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cần phải nhấn mạnh rằng nguồn vốn này không phải tất cả là từ doanh nghiệp ở Hồng Kông, mà là nguồn vốn toàn cầu chảy vào Đại Lục thông qua Hồng Kông.

Tháng 8 là 7,53 tỷ USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm trước; tháng 7 là 5,28 tỷ USD, giảm nhẹ so với mức 5,35 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Vào tháng 6, khi bùng phát biểu tình quy mô lớn bắt đầu thì nguồn tiền chảy từ Hồng Kông sang Trung Quốc Đại Lục là 12,19 tỷ USD, tăng nhẹ so với 11,85 tỷ USD vào cùng kỳ năm trước.

Không thể phủ nhận rằng những khoản đầu tư này đã được lên kế hoạch từ vài tháng trước đó. Tuy nhiên, SCMP chỉ ra rằng sự ổn định này là một chỉ số quan trọng về khả năng phục hồi kinh tế của Hồng Kông, cho thấy vai trò “đầu tàu” không thể thay thế của Hồng Kông trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc.

Năm ngoái giới truyền thông của ĐCSTQ cũng thừa nhận, tính đến cuối năm ngoái, Đại Lục sử dụng tổng cộng 1,02 nghìn tỷ USD từ Hồng Kông và Macao, chiếm tới 54%. Hồng Kông đã trở thành trung tâm thu hút vốn nước ngoài lớn nhất ở Trung Quốc Đại Lục.

Cánh cửa thương mại thế giới của Trung Quốc Đại Lục  

Nguồn vốn toàn cầu đã sử dụng Hồng Kông làm bàn đạp để đầu tư vào Đại Lục, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc cũng sử dụng Hồng Kông làm bàn đạp để xuất khẩu hàng hóa ra thế giới.

Năm ngoái, tổng thương mại giữa Hồng Kông và Trung Quốc Đại Lục đạt tới con số đáng kinh ngạc: 700 tỷ USD. Con số này gần bằng tổng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Như chúng ta đã biết, tổng khối lượng thương mại những năm gần đây giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc cũng mới hơn 700 tỷ USD. Vậy thì một nơi nhỏ như Hồng Kông với dân số chỉ hơn 7 triệu người thì làm sao có thể nuốt được số tiền lớn như vậy?

Rõ ràng, lượng thương mại qua lại này không thể là nhu cầu nội tại của Hồng Kông. Nhiều khả năng Trung Quốc đã sử dụng Hồng Kông làm điểm trung chuyển, trước tiên đưa hàng hóa qua Hồng Kông, sau đó dùng địa vị thuế quan độc lập của Hồng Kông để xuất khẩu ra toàn thế giới.

Nói cách khác, Hồng Kông đã trở thành một trung tâm phân phối quan trọng đối với hàng hóa Trung Quốc Đại Lục, là cánh cửa thương mại thế giới của Trung Quốc Đại Lục.

Lựa chọn tài chính hàng đầu của công ty Trung Quốc

Mặc dù Hồng Kông đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng do tình hình phản đối Dự luật dẫn độ nên có thông tin đồn rằng nội bộ ĐCSTQ có ý để cho Thâm Quyến thay thế địa vị của Hồng Kông. Quan điểm này hình thành một phần vì Hồng Kông cũng đã bị Thượng Hải và Thâm Quyến thách thức. Nhưng sự thật cho thấy Thượng Hải và Thâm Quyến không thể làm lay chuyển được vị thế của Hồng Kông.

Theo số liệu của Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông, trong danh sách 10 hoạt động niêm yết lớn nhất tại Hồng Kông kể từ năm 1986 thì có 9 hoạt động liên quan đến các doanh nghiệp nguồn vốn Trung Quốc. Trong đó, gã khổng lồ Internet Tencent và ông trùm ngành bảo hiểm là Tập đoàn Bình An đều được liệt kê trên Hang Seng Index (HSI). Cách đây chưa lâu, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba được niêm yết ở New York, cũng từng gây ồn ào về việc niêm yết tại Hồng Kông.

Theo số liệu năm ngoái của PricewaterhouseCoopers (PWC), gần 60% các công ty Trung Quốc Đại Lục đã được niêm yết ở Hồng Kông, lên đến 354 trường hợp. Trong 5 năm qua, gần 3/4 số IPO của Trung Quốc không niêm yết ở Trung Quốc Đại Lục mà là ở Hồng Kông. Đối với các công ty Trung Quốc Đại Lục, bao gồm cả doanh nghiệp Trung ương ĐCSTQ, thị trường chứng khoán Hồng Kông là không thể thiếu.

Tianlei Huang, một nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Mỹ, cho rằng các công ty Trung Quốc chọn Hồng Kông vì Hồng Kông có hệ thống niêm yết hàng đầu, giúp quá trình niêm yết nhanh hơn và dễ dàng hơn so với Đại Lục. Đặc biệt hơn là vấn đề ưu thế về chi phí vận hành và khung pháp lý hoàn thiện.

Trung tâm tài chính với dòng vốn luân chuyển thuận tiện

Địa vị của trung tâm tài chính Hồng Kông khó có thể lay chuyển, vì nơi đây thuận tiện cho dòng vốn các nước luân chuyển thuận tiện hơn.

Ngày 19/9 năm nay, hãng tư vấn Z/Yen tại Luân Đôn nước Anh đã công bố danh sách “Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu” (GFCI) lần thứ 26, cho thấy ba trung tâm tài chính hàng đầu toàn cầu là New York, Luân Đôn và Hồng Kông.

 Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã công bố danh sách năm nay về các quốc gia và khu vực thuận tiện nhất cho hoạt động kinh tế, không bị cản trở và được hệ thống pháp luật hoàn hảo đảm bảo, trong số đó Hồng Kông xếp thứ 4 và Trung Quốc Đại Lục xếp thứ 46.

Bảng xếp hạng thế giới này đã chứng minh Hồng Kông có địa vị rất quan trọng trong lĩnh vực tài chính thế giới. Vì thế mà nguồn tư bản từ các nơi không ngừng chảy về Hồng Kông. Nói cách khác, Hồng Kông là mối liên kết giữa Trung Quốc Đại Lục và thế giới. Tạp chí Phố Wall từng chỉ ra, đối với các công ty Trung Quốc thì địa vị trung tâm tài chính của Hồng Kông thậm chí New York cũng không thể dễ dàng thay thế được.

Giới truyền thông của ĐCSTQ cũng đã thừa nhận về địa vị trung tâm tài chính toàn cầu thì Hồng Kông chỉ đứng sau New York và Luân Đôn.

Khung pháp lý hoàn thiện hơn nên thị trường tin tưởng hơn

Do thương mại tự do và dòng vốn dễ dàng luân chuyển khiến Hồng Kông thành một trung tâm tài chính thế giới. Nguyên nhân quan trọng vì Hồng Kông có khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh, đây chính là nền tảng. Nhưng nền tảng này nhờ yếu tố cốt lõi của việc duy trì chính sách “một quốc gia, hai chế độ”.

Khung pháp lý này dựa trên Luật cơ bản khi chuyển giao chủ quyền, có thể xem là sự nối dài chính sách pháp lý của thời kỳ Hồng Kông thuộc Anh, trụ cột là nền tư pháp độc lập. Ngoài ra còn những vấn đề khác như đăng ký thương mại, cơ chế hòa giải tố tụng và hệ thống hải quan độc lập.

Ngân hàng Đông Á từng có nhận xét rằng Hồng Kông có hệ thống tư pháp “đẳng cấp thế giới”. Đây là lý do nhiều doanh nghiệp thường muốn ký thỏa thuận tại Hồng Kông, vì hệ thống tư pháp hoàn thiện có thể đảm bảo cho các bên không gây tổn hại lợi ích của nhau. Nếu ký kết tại Thượng Hải hoặc Thâm Quyến thì rất khó để có được bảo đảm như ở Hồng Kông.

Mới đây cộng đồng mạng đã phổ biến một đoạn video, trong đó cựu Thị trưởng Hoàn Cơ Phàm của Trùng Khánh đã chỉ ra lý do quan trọng khiến địa vị Hồng Kông không thể thay thế được là chính sách “một quốc gia, hai chế độ”.

Chính sách “một quốc gia, hai chế độ” bị ĐCSTQ tuyên truyền là “chế độ tư bản chủ nghĩa”. Tuy nhiên, chính vì chế độ này mà Hồng Kông mới tràn đầy sức sống, đóng vai trò quan trọng trong kinh tế thế giới, cũng trở thành nơi thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc. Một khi không còn tự do, hòn ngọc Phương Đông này sẽ trở thành vùng đất chết, cũng khiến sức sống của nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuyết Mai

Xem thêm: