Ngày 11/7, trang web của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thông báo, một bản cáo trạng đã được gửi tới Tòa án liên bang ở Chicago cáo buộc kỹ sư IT gốc Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại của công ty sản xuất đầu máy ở Illinois và chuyển toàn bộ về Trung Quốc Đại Lục.

FBI Xu Dong Yao
Kỹ sư phần IT Trung Quốc Diêu Húc Đông đã bị cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại của công ty Mỹ và chuyển về Trung Quốc. FBI đã ban hành lệnh bắt giữ liên bang. (Ảnh chụp màn hình của trang web FBI)

Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ hôm thứ Năm (ngày 11/7), Diêu Húc Đông (còn gọi là William Yao) 57 tuổi sinh ra ở Trung Quốc và sau đó nhập quốc tịch Hoa Kỳ. Diêu Húc Đông bị cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại, hiện đã đào thoát khỏi Mỹ và nhiều khả năng đang trốn về Trung Quốc Đại Lục.

Bài báo cho hay, trợ lý bộ trưởng Tư pháp John Demers, công tố viên tại thành phố Chicago John Lausch và Jeffrey Sallet, người đứng đầu Văn phòng Điều tra Liên bang (FBI) tại Chicago Jeffrey S. Sallet cùng đồng thời gửi cáo trạng về vụ việc.

Theo bản cáo trạng, Diêu Húc Đông làm việc trong một công ty sản xuất đầu máy xe lửa ở Chicago kể từ tháng 8/2014. Tuy nhiên, chưa đầy hai tuần sau khi nhậm chức, ông ta đã bí mật tải xuống 3.000 tập tin điện tử có chứa thông tin bằng sáng chế và bí mật thương mại, trong đó bao gồm 9 bản sao hoàn chỉnh mã nguồn phần mềm hệ thống kiểm soát được thiết kế để vận hành đầu máy của công ty này. 

Diêu Húc Đông đã sớm bắt đầu tìm kiếm một công việc ở Trung Quốc và tiếp tục tải xuống nhiều tệp tin bí mật thương mại. Cho đến thời điểm tháng 2/2015, khi Diêu Húc Đông bị sa thải vì một lý do khác, hành vi đánh cắp các tệp tin của ông ta vẫn chưa bị phát hiện.

Đến tháng 7/2015, Diêu bắt đầu làm việc cho một nhà cung cấp hệ thống dịch vụ viễn thông ô tô tại Trung Quốc. Ngày 18/11/2015, Diêu Húc Đông bay từ Trung Quốc đến sân bay O’Hare International Airport của Chicago. Thời điểm đó, ông ta bị nghi ngờ mang theo bí mật thương mại mà mình đánh cắp của nhà sản xuất đầu máy xe lửa Mỹ. Một thời gian sau, Diêu Húc Đông quay trở lại Trung Quốc.

Ngày 13/12/2017, FBI đã ban hành lệnh bắt giữ liên bang. Nhưng mãi đến ngày 10/7 vừa qua, bản cáo trạng mới được công  bố. Hành vi đánh cắp bí mật thương mại có thể bị trừng phạt 10 năm tù.

Trong những năm gần đây, tòa án Mỹ đã truy tố nhiều vụ việc đánh cắp sở hữu trí tuệ, và hầu hết đều liên quan đến Trung Quốc. Ông Adam Hickey, Phó Trợ lý Tổng chưởng lý Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, đã từng nói rằng kế hoạch “Made in China 2025” thực chất chính là một “lộ trình cho hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ”.

Kể từ năm 2011, hơn 90% các cáo buộc gián điệp kinh tế của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đều có liên quan đến Trung Quốc. Gần đây, hơn 2/3 các vụ trộm cắp bí mật thương mại liên bang hầu như đều bắt nguồn từ Trung Quốc.

Minh Ngọc