Theo SCMP, cảnh sát Hồng Kông mới đây xác nhận họ đã thu thập mẫu ADN của 10 người biểu tình bị bắt theo Luật An ninh quốc gia mới. Điều này đã làm dấy lên cuộc tranh luận liệu thủ tục này có cần thiết trong các vụ án liên quan đến biểu tình hay không?

canh sat Hong Kong bat nguoi bieu tinh
Quốc hội Trung Quốc thúc đẩy Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, gây phản ứng mạnh mẽ từ người dân Hồng Kông. Chiều ngày 28/6 có cư dân mạng đã phát động “diễu hành im lặng” (Yu Gang/Epoch Times).

Trả lời tờ SCMP, một phát ngôn viên cảnh sát Hồng Kông nói rằng 10 người bị bắt vì “hành vi kích động lật đổ” và có thể bị bỏ tù lên đến 10 năm nếu bị kết tội.

Luật An ninh quốc gia đối với Hồng Kông đã được Bắc Kinh chính thức thông qua và có hiệu lực từ 1/7 nhằm ngăn chặn và trừng phạt các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với lực lượng nước ngoài.

Theo cảnh sát, ít nhất 6 trong số những người bị bắt đã sở hữu cờ và tờ rơi ủng hộ độc lập cho Hồng Kông, bao gồm một người chạy xe mô tô bị cáo buộc đâm vào một nhóm cảnh sát. Đây là người đầu tiên bị buộc tội theo luật mới.

Tuy nhiên, luật mới này không đề cập đến việc thu thập mẫu ADN.

Luật sư Janat Pang Ho-yan, người trợ giúp cho 3 trong số 10 người bị bắt, nói rằng việc thu thập ADN là rất hiếm khi xử lý những hành vi phạm tội liên quan đến biểu tình như bạo loạn, tụ họp bất hợp pháp và tấn công nhân viên cảnh sát, mà thủ tục này thường được dùng cho việc thu thập bằng chứng để chứng minh các tội danh liên quan đến sở hữu ma túy, tấn công tình dục hoặc các tấn công nghiêm trọng khác.

“Chúng tôi đã bị sốc khi biết cảnh sát đã xử lý các trường hợp theo cách này bởi khách hàng của chúng tôi chỉ mang hoặc bị phát hiện có một số tờ rơi,” ông Pang cho biết. “Việc thu thập mẫu ADN vì mục đích gì? Họ muốn chứng minh điều gì?”

Tuy vậy, phát ngôn viên cảnh sát Hồng Kông khẳng định việc thu thập các mẫu ADN từ nước bọt và tóc là được phép theo Pháp lệnh Cảnh sát.

Theo Pháp lệnh, các nhân viên cảnh sát có thể lấy mẫu ADN của người bị giam giữ nếu nghi ngờ một cách hợp lý người này đã phạm tội nghiêm trọng. Nếu nghi phạm không đồng ý, cảnh sát có thể sử dụng vũ lực để thu thập nó.

Bộ trưởng An ninh John Lee Ka-chiu khẳng định rằng cảnh sát đã hành động hợp pháp. “Khi các nhân viên cảnh sát đang điều tra một vụ án hình sự và họ nghĩ rằng việc thu thập một số mẫu sẽ giúp ích cho việc điều tra, cũng như sẽ cung cấp bằng chứng để chứng minh một số tội danh, khi đó họ có thể thực hiện quyền như vậy,” ông Lee phát biểu hôm 4/7.

Điều 38 Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông gây kinh động thế giới

Luật sư Albert Luk Wai-hung suy đoán rằng cảnh sát muốn có các mẫu này để kiểm tra liệu các nghi phạm có liên quan đến các vụ án hình sự khác hay không – những vụ án mà các cuộc điều tra của cảnh sát không có tiến triển đáng kể.

Dẫn chứng các vụ án đánh bom như một ví dụ, ông Luk nói rằng cảnh sát có thể tìm thấy bằng chứng ADN trên các vật liệu được sử dụng.

“Dựa trên cơ sở như vậy, cảnh sát sẽ cố gắng tìm hiểu xem liệu ADN của những người này có liên quan đến các vụ án mà họ không có manh mối hoặc không bắt giữ được nghi phạm,” ông nói. “Nếu họ thật sự có thể tìm thấy bằng chứng, khi đó cảnh sát có thể có cơ sở để tiến hành truy tố.” 

Tuy nhiên, ông cho rằng cảnh sát phải thận trọng nếu thu thập mẫu ADN của hầu hết những người mà họ bắt giữ,  và phải có những biện pháp giám sát phù hợp để tránh việc lạm quyền.

Ông Craig Choy, cũng là một luật sư, nói rằng Luật về Quyền riêng tư của Hồng Kông đã lỗi thời và thiếu một mục đặc biệt liên quan đến “dữ liệu nhạy cảm” để bảo vệ dữ liệu sinh trắc học như ADN.

Ông cũng lưu ý rằng không có luật nào cho phép dữ liệu của cư dân được gửi ra khỏi Hồng Kông.

Gia Huy (theo SCMP)

Xem thêm: