Hôm 20/6, Trung Quốc đã công bố chi tiết dự luật an ninh quốc gia mới cho đặc khu Hồng Kông, mở đường cho sự thay đổi sâu sắc nhất ở đặc khu này kể từ năm 1997.

Người Hồng Kông diễu hành kỷ niệm 1 năm phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ. (Ảnh: Tống Bích Long / Epoch Times)
Người Hồng Kông diễu hành kỷ niệm 1 năm phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ. (Ảnh: Tống Bích Long / Epoch Times)

Thiết lập Văn phòng an ninh quốc gia của Bắc Kinh tại Hồng Kông

Theo Tân Hoa xã, Luật an ninh sẽ bao gồm việc thành lập một văn phòng an ninh quốc gia mới cho Hồng Kông.

Văn phòng an ninh quốc gia sẽ xử lý “các trường hợp đặc biệt” mà chính quyền đặc khu không xử lý được, theo tờ Liberty Times. Nhiệm vụ của văn phòng nhằm thu thập thông tin tình báo, phân tích tình hình an ninh trong khu vực hành chính đặc biệt và đưa ra lời khuyên; đồng thời hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc bảo vệ an ninh quốc gia.

Ngoài ra, chính quyền Hồng Kông sẽ thành lập một Hội đồng an ninh do trưởng đặc khu Carrie Lam đứng đầu và được giám sát, chỉ đạo bởi một ủy ban do chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh lập ra. Hội đồng sẽ bao gồm một cố vấn do Bắc Kinh gửi đến.

Bà Lam sẽ có quyền chỉ định các thẩm phán thụ lý các vụ án liên quan đến an ninh đặc khu – một động thái chưa từng có. Tuy nhiên trong một số trường hợp, chính quyền ở Bắc Kinh vẫn có quyền bác bỏ phán quyết.

Trong khi Trung Quốc cho rằng dự luật này chỉ nhằm đối phó với các hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với thế lực nước ngoài, đồng thời vẫn bảo đảm nhân quyền và quyền tự do ngôn luận, thì nhiều quốc gia phương Tây và các nhà hoạt động tại Hồng Kông lo ngại dự luật sẽ làm suy yếu nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” của đặc khu.

Theo Taiwan News, phiên bản cuối cùng của dự luật sẽ được bỏ phiếu và phê chuẩn tại phiên họp đặc biệt vào tháng 7 tới.

Nghị viện EU thông qua nghị quyết kêu gọi kiện Trung Quốc về luật an ninh Hồng Kông

“Các trường hợp đặc biệt”

Tuần trước, phó giám đốc Văn phòng các Vấn đề Hồng Kông và Ma Cao – ông Đặng Trung Hoa cũng đã tiết lộ về “những trường hợp đặc biệt” mà Bắc Kinh sẽ đích thân xử lý.

“Tại Hồng Kông, chính phủ Hồng Kông sẽ gánh chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ an ninh quốc gia. Tuyệt đại đa số các công việc liên quan nên và phải được thực hiện bởi chính phủ Hồng Kông,” ông Đặng nói.

“Nhưng trong những tình huống rất đặc biệt, chính phủ Trung ương sẽ nắm quyền xét xử đối với một số trường hợp liên quan đến các hành động tội phạm gây nguy hiểm nghiêm trọng cho an ninh quốc gia.”

Ông Đặng nhấn mạnh rằng mặc dù chính phủ trung ương sẽ giữ quyền xét xử trong một số trường hợp “ngoại lệ,” nhưng sẽ không có ảnh hưởng lớn đối với sự độc lập của nền tư pháp Hồng Kông. 

“[Việc xét xử của chính phủ trung ương đối với các trường hợp như thế] sẽ không ảnh hưởng đến việc xét xử độc lập và phán quyết cuối cùng mà Hồng Kông được hưởng theo Luật Cơ bản,” ông nói, trấn an thêm rằng mặc dù có sự khác biệt giữa hệ thống pháp lý của Hồng Kông và Trung Quốc Đại lục, nhưng cơ quan pháp lý của cả hai bên đều phải tuân thủ các nguyên tắc chung tương tự nhau như: giả định vô tội, sự phù hợp giữa tội phạm và hình phạt, và không có hiệu lực hồi tố.

Ông Đặng cũng nhấn mạnh rằng việc thiết lập một văn phòng an ninh quốc gia Đại lục tại Hồng Kông là một “yêu cầu rõ ràng” được đặt ra trong quyết định của Quốc hội Trung Quốc về luật này.

“Chính phủ trung ương phải có “các đòn bẩy thực tế” để thực hiện việc xét xử các trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia nhằm tạo ra hiệu ứng răn đe. Chúng ta không thể chỉ hô khẩu hiệu hay chơi trò chơi đố chữ,” ông nói. 

Trong cuộc phỏng vấn với SCMP hôm 9/6, Bộ trưởng An ninh Hồng Kông John Lee Ka-chiu nói rằng lực lượng cảnh sát của thành phố đang thành lập một đơn vị chuyên trách để thực thi Luật an ninh quốc gia, đơn vị này sẽ sẵn sàng hoạt động ngay vào “ngày đầu tiên” luật này có hiệu lực.

Carrie Lam gọi những người phản đối luật an ninh là ‘kẻ thù của nhân dân’

Trước tuyên bố của ông Đặng, nhà lập pháp đối lập Dennis Kwok cáo buộc Bắc Kinh đang cố tình mơ hồ.

“Theo các nguyên tắc luật chung của chúng ta, luật phải chắc chắn và rõ ràng, không thể có nhiều trường hợp ngoại lệ,” ông Kwok, đảng viên Đảng Dân sự nói. “Tôi nghĩ điều này là bằng chứng rõ ràng hơn nữa cho thấy họ đang sử dụng luật này để đàn áp những người đối lập về chính trị.”

Ông Kwok nói rằng Điều 19 của Luật Cơ bản đã quy định rằng các tòa án của Hồng Kông không có thẩm quyền xét xử các trường hợp liên quan đến các vấn đề ngoại giao và quốc phòng của Trung Quốc, và ông đặt câu hỏi về những ngoại lệ mà ông Đặng đang đề cập đến. Ông cũng giả thiết Bắc Kinh có thể đang ám chỉ sẽ đưa các nghi phạm trong các trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia về Đại lục để xét xử.  

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội luật sư Philip Dyes nói rằng tuyên bố của ông Đặng về việc Bắc Kinh sẽ có quyền xét xử một số trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia có thể hiểu là các nghi phạm sẽ bị xét xử tại Đại lục.

“Các quan chức nói rằng nó sẽ không ảnh hưởng đến quyền phán xét cuối cùng của tòa án Hồng Kông bởi vì nó có thể hiểu là họ [các nghi phạm] không bao giờ được xét xử theo hệ thống luật pháp của chúng ta,” ông Dyes cho biết.

Còn ông Simon Young Ngai-man, giáo sư luật của Đại học Hồng Kông, nói rằng sẽ không có gì ngạc nhiên nếu điều ông Đặng muốn nói là Đại lục nắm quyền kiểm soát các trường hợp liên quan đến quyền tài phán lãnh thổ của mình.

Người phát ngôn của Pháp Luân Công tại Hồng Kông Ingrid Wu cũng cho biết bà lo lắng một khi Luật An ninh Quốc gia có hiệu lực, Bắc Kinh sẽ vươn bàn tay bức hại Pháp Luân Công đến Hồng Kông.

“Tiết lộ tội các của ĐCSTQ cũng có thể bị ĐCSTQ coi là hoạt động ‘lật đổ chính quyền quốc gia’”, bà nói với Epoch Times tiếng Anh.

Bà Wu lo ngại rằng người tập Pháp Luân Công tại Hồng Kông có thể đối mặt với cực hình hoặc bị mổ lấy nội tạng giống như người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc Đại Lục.

Gia Huy (t/h)

Xem thêm: