Ba năm sau khi phong trào Dù Vàng diễn ra, chính quyền Bắc Kinh bắt đầu tiến hành phản kích lại các nhân sĩ dân chủ. Phiên tòa phúc thẩm đã đưa ra yêu cầu tăng án phạt đối với 3 thanh niên trẻ tuổi từng lãnh đạo phong trào Dù Vàng. Điều làm người ta đặc biệt quan ngại không chỉ là bản án nặng, mà còn là cách thức bất thường mà tòa phúc thẩm xử lý sự việc. Liệu Hồng Kông có khả năng biến thành giống như Tây Tạng?

joshua wong2
Hoàng Chi Phong phát biểu tại cuộc biểu tình 2014, Hồng Kông (Ảnh: Facebook)

Tháng trước, một phiên tòa phúc thẩm đã đưa ra yêu cầu gia tăng hình phạt đối với những người đi đầu trong phong trào Dù Vàng, cuộc vận động dân chủ kéo dài 3 tháng từng làm rung chuyển Hồng Kông. Tòa phúc thẩm, dưới sự hậu thuẫn hoặc uy hiếp của Bắc Kinh, đã ra ý kiến yêu cầu thay đổi phán quyết của tòa án ở cấp thấp hơn đã xử trước đó. Ba thanh niên trẻ tuổi nổi tiếng của Hồng Kông là Hoàng Chi Phong, Chu Vĩnh Khang và La Quán Thông đã bị yêu cầu kết án từ 6 đến 8 tháng tù giam. Việc này đồng nghĩa với việc trong vòng 5 năm tới, họ sẽ không được tranh cử cho các vị trí chính trị do vượt quá hạn mức 3 tháng theo luật Hồng Kông.

Đứng trước áp lực của chính quyền Bắc Kinh, Hồng Kông – thành phố vốn từng là nơi có sự độc lập tư pháp hàng đầu thế giới nay đã cúi đầu. Trước biển đen tăm tối Đại Lục, Hồng Kông từng là ngọn hải đăng của tự do dân chủ, vậy mà nay đã bắt đầu có tù nhân chính trị. Tình thế đang càng lúc càng xấu đi.

Điều làm người ta đặc biệt quan ngại không chỉ là bản án nặng, mà còn là cách thức bất thường mà tòa phúc thẩm xử lý sự việc. Quá trình xử phúc thẩm đáng lẽ phải chú trọng vào phán quyết của tòa án ở cấp thấp hơn thì tòa án cấp trung ương lại quyết định thay đổi cách định nghĩa về các tình tiết đã diễn ra. Tòa phúc thẩm nhận định rằng ba nhà hoạt động đã có “mưu đồ sử dụng bạo lực để chiếm cứ không gian công cộng”. Những người tay không tấc sắt tiến vào quảng trường, chỉ biết tránh né và giãy giụa mỗi khi bị lực lượng bảo an xô đẩy mà bị gọi là hành vi bạo lực?

Thậm chí, văn bản ý kiến của tòa phúc thẩm cũng mang nặng văn phong của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), mới đọc người ta cảm tưởng như đang đọc xã luận trên Nhân Dân Nhật Báo: “Xã hội Hồng Kông gần đây đã bị cuốn vào một trào lưu đầy nguy hại do có người đã lợi dụng việc truy cầu lý tưởng và quyền hành xử tự do để làm ra các hành vi vi phạm pháp luật”. Tòa phúc thẩm còn khẳng định “ba người này là các phần tử cốt cán trong việc tổ chức thanh niên”, rất giống với cách ĐCSTQ hay dùng như là “phần tử địa chủ”, “phần tử chủ nghĩa tu chính” v.v., là cách hành văn để nhóm và loại một số người ra khỏi cộng đồng chung, làm họ có vẻ nhỏ bé và đơn độc. Sử dụng lời lẽ “đao to búa lớn” để đè bẹp và trấn áp người khác về mặt tư tưởng cũng là điều chưa bao giờ thấy trong các văn bản pháp luật của Hồng Kông. Vậy mà, các quan tòa lần này lại dùng các lý luận kiểu này để công kích các hoạt động phản kháng dân sự bất bạo động của người dân.

Vụ xét xử này có thể còn được gửi lên tòa án tối cao, nhưng không nhiều người thấy có hy vọng rằng bản án sẽ được lật lại. Tiêu diệt sự độc lập tư pháp, tạo ra “tam quyền hợp tác” dưới ý Đảng chính là một điều mà Bắc Kinh đã thành công trong việc tước dần quyền tự trị của Hồng Kông.

Gần đây, sáu nghị viên có xu hướng dân chủ trong hội đồng lập pháp cũng bị tước mất tư cách với những lý do tùy tiện. Cơ cấu lập pháp hiện giờ ở Hồng Kông đang dần trở thành một công cụ yếu nhược dễ bị lợi dụng để chính quyền Bắc Kinh có thể thao túng và đặt ra các đạo luật theo ý mình.

Nghị viên của hội đồng lập pháp có thể dùng quyền phủ quyết và yêu cầu thảo luận để chặn các đề án gây hại cho Hồng Kông. Quyền này cho phép nhóm thiểu số vẫn có quyền lực để chặn các điều luật gây hại của chính quyền Đại Lục. Quyền này sẽ mất đi nếu như trong kỳ tuyển cử sắp tới, các nhân sĩ có xu hướng dân chủ gặp bất lợi, hoặc chính quyền sẽ dùng cách nào đó để loại trừ hai nghị sĩ dân chủ còn lại trong hội đồng lập pháp. Rất nhiều người đang lo ngại một trong hai điều có thể xảy ra.

Không còn quyền phủ quyết và yêu cầu thảo luận, chính quyền có thể dễ dàng ban hành các đạo luật giới hạn quyền tự do chính trị. Năm 2003, một đạo luật như vậy xém chút nữa đã được thông qua, và chỉ bị dừng lại khi có một lượng lớn quần chúng biểu tình kháng nghị.

Chính sách của Bắc Kinh rất rõ ràng và đơn giản: đưa những người “thích hợp” vào các chức vụ cao cấp. Phần lớn các chức vụ liên quan đến an ninh và ý thức tư tưởng, như là cảnh sát, quản lý biên giới, giáo dục, tuyển cử, đều bị những người thân Bắc Kinh nắm giữ.

Kể từ ba năm trước, Bắc Kinh bắt đầu xiết chặt khống chế đối với Hồng Kông. Ngay lúc này, Hồng Kông đang ở rất gần với việc biến thành một khu bán tự trị của Trung Quốc. Các quyền tự trị mà Trung Quốc giao kết với Anh đang bị Bắc Kinh phớt lờ và xóa bỏ dần. Tại đây, 6000 quân Trung Quốc đang đồn trú. Chính phủ Hồng Kông toàn những người nghiêng tai hướng về Bắc Kinh nghe chỉ thị. Cảnh sát thì đông đảo và mạnh mẽ hơn bất kỳ lúc nào trước đó. Thẩm phán tòa án thì ôn thuận nghe lời, không dám thực hiện tam quyền phân lập.

Liệu Hồng Kông có biến thành một Tây Tạng thứ hai, chỉ mang danh nghĩa tự trị nhưng thực tế chỉ là bán tự trị?

Người Tây Tạng đã bị áp chế nghiêm trọng trong thời gian dài: văn hóa và ngôn ngữ của họ bị chế áp, quyền tự do cá nhân bị tước đoạt. Sự tương đồng giữa Hồng Kông và Tây Tạng đang làm người ta không thể không lo lắng rằng Bắc Kinh sẽ áp dụng cách tiếp cận tương tự đối với Hồng Kông. Tây Tạng chiếm vị trí quan trọng trên con đường tơ lụa lịch sử, hiện vẫn là cửa ngõ của Trung Quốc ra thềm lục địa Á – Âu, còn Hồng Kông thì đang là kênh trao đổi đưa hàng hóa và tài chính đi khắp thế giới. Điều khác biệt duy nhất chính là Hồng Kông có một thời gian dài được hưởng sự bảo hộ của Anh và đã từng được nếm mùi vị tự do dân chủ.

Giang Nhất

Xem thêm: