Năm 1989, sự kiện cựu lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân đóng cửa tờ “Diễn giải Kinh tế Thế giới” (Thế giới Kinh tế Đạo báo, dưới đây gọi tắt Diễn giải), là một trong những mắt xích quan trọng gây bùng nổ phong trào sinh viên đòi dân chủ tại Trung Quốc vào năm 1989. Giới bình luận quốc tế có chỉ ra, ông Giang Trạch Dân là kẻ hưởng lợi nhất sau thảm kịch đàn áp phong trào sinh viên đòi dân chủ ngày 4/6/1989.

Giang Trạch Dân
Hình ảnh ông Giang Trạch Dân lau nước mắt trong lễ tang Đặng Tiểu Bình (Ảnh từ Internet)

Mồi lửa của thảm kịch

Trong chuỗi sự kiện liên quan đến phong trào sinh viên Trung Quốc đòi dân chủ năm 1989 có điểm nhấn đáng chú ý là việc tờ Diễn giải bị xử lý do đã đưa một loạt thông tin về hoạt động tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang. Do ông Hồ Diệu Bang mạnh mẽ lên án thực trạng quan chức tham nhũng trong quá trình Trung Quốc thực hiện cải cách và mở cửa, đã bị phe cánh ông Đặng Tiểu Bình trấn áp, thế rồi tại một phiên họp của Bộ Chính trị ĐCSTQ ông bị một cơn đau tim và qua đời một tuần sau đó. Cái chết của ông đã làm đông đảo công chúng Trung Quốc buồn bã, giận dữ và thất vọng về con đường cải cách dân chủ.

Trong sách “Con người Giang Trạch Dân” có ghi lại, sau cái chết của ông Hồ Diệu Bang vào tối ngày 15/4, giới sinh viên tại Đại học Bắc Kinh bắt đầu làm vòng hoa và dán Báo tường (Đại tự báo – Báo tường của trường học) lên tường và gốc cây trong khuôn viên trường. Từ ngày 15 – 17, một lượng lớn Báo tường với nội dung tri ân và thương tiếc Hồ Diệu Bang đã tràn ngập trong khuôn viên các trường Đại học nổi tiếng như Đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa, Nhân dân, Sư phạm Bắc Kinh, Chính trị và Pháp luật… Vào ngày 17/4, hàng ngàn sinh viên đã đến Quảng trường Thiên An Môn và đặt vòng hoa ngay chân Tượng đài Anh hùng Nhân dân Trung Quốc. Các sinh viên đã giơ cao những khẩu hiệu như “Tưởng nhớ Hồ Diệu Bang”, “Diệt trừ tham nhũng”, “Trị nước theo luật”, và “Đả đảo chủ nghĩa quan liêu”. Sinh viên nhiều nơi khác cũng hưởng ứng và tổ chức diễu hành, kiến ​​nghị quy mô lớn. Phong trào phát triển mạnh mẽ, kêu gọi giới lãnh đạo ĐCSTQ đối thoại để thúc đẩy cải cách chính trị, đưa đất nước theo con đường dân chủ và pháp trị.

Theo tạp chí “Thế kỷ mới” (Tân Thế kỷ) đưa tin, tại thời điểm cao trào sinh viên biểu tình đòi dân chủ, ông Giang Trạch Dân đã gọi điện thoại xin chỉ đạo từ văn phòng của ông Đặng Tiểu Bình, và hiểu rõ thái độ cứng rắn của Đặng Tiểu Bình. Ngay lập tức, ông Giang Trạch Dân ban lệnh cấm tờ Diễn giải đưa tin về các hoạt động tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang. Ngày 26/4, mười bốn ngàn công chức đảng viên thành phố Thượng Hải dưới chỉ đạo của ông Giang Trạch Dân đã tổ chức hội nghị, tuyên bố đình chỉ chức Tổng Biên tập tờ Diễn giải của ông Khâm Bản Lập và điều chỉnh toàn ban lãnh đạo của tờ báo với lý do “đã vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Hành động của Giang đã khiến nhiều cơ quan báo chí trên toàn Trung Quốc, đặc biệt tại Bắc Kinh và Thượng Hải, lên tiếng phản đối, họ cùng nhau xuống đường kháng nghị thể hiện ủng hộ báo Diễn giải, yêu cầu Thành ủy Thượng Hải thu hồi lại quyết định. Hành động này cùng phong trào sinh viên đòi dân chủ khi đó đã tạo thành làn sóng gây ảnh hưởng lớn. Sau vụ việc, Thành ủy Thượng Hải do ông Giang Trạch Dân lãnh đạo đã quyết định buộc đình bản tờ Diễn giải. Toàn bộ quá trình ông Giang Trạch Dân xử lý tờ Diễn giải đã được lòng nhóm nguyên lão trong Đảng vốn theo xu hướng muốn bảo vệ vị trí lãnh đạo độc tôn của ĐCSTQ, cho rằng ông Giang Trạch Dân xứng là “người thừa kế quyền lực” hàng đầu của Đảng.

Sau đó, Giang đã cử “Ban Điều tra Thành ủy Thượng Hải” do ông Lưu Cát (Liu Ji) và bà Trần Chí Lập (Chen Zhili) về đóng trú tại tờ Diễn giải. Theo chỉ đạo của Giang, bà Trần Chí Lập không chỉ cho nghỉ việc các nhân viên tòa soạn Diễn giải, còn cấm các biên tập viên của tờ bào này tiếp tục hành nghề.

Giang Trạch Dân “đánh bại” Triệu Tử Dương

Hành động xử lý thô bạo của Giang và phe cánh với báo Diễn giải đã gây làn sóng phản kháng trong giới báo chí, đặc biệt là tại Thượng Hải. Ngay sau đó đã bùng nổ hoạt động phản kháng quy mô lớn trên đường phố Thượng Hải, mọi người giơ các biểu ngữ “Hãy trả lại Diễn giải”, “Trả lại chức vụ cho Khâm Bản Lập”, “Thực hiện quyền tự do ngôn luận”. Nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới trí thức và báo chí Bắc Kinh đã gọi điện cho ông Giang Trạch Dân yêu cầu thu hồi lại quyết định xử lý ông Khâm Bản Lập và báo Diễn giải.

Do ông Triệu Tử Dương phản đối cách làm của ông Giang Trạch Dân, khiến các nguyên lão không hài lòng, trong đó có thể nói giọt nước làm tràn ly chính là việc vào sáng 19/5, ông Triệu Tử Dương đến Quảng trường Thiên An Môn thăm các sinh viên tuyệt thực mà không xin ý kiến của ​​Bộ Chính trị cũng như các nguyên lão. Đến mười giờ tối hôm đó, ông Lý Bằng đã có bài phát biểu nhắc lại quan điểm của Trung ương “áp dụng biện pháp nghiêm khắc để chấm dứt phong trào phản kháng”. Hai giờ sau, vào lúc nửa đêm, một tiếng còi lớn ở Quảng trường Thiên An Môn tuyên bố thực hiện lệnh giới nghiêm.   

Giang Trạch Dân leo lên đỉnh cao quyền lực

Sau đó, ông Giang Trạch Dân nhận chỉ thị từ ông Đặng Tiểu Bình, yêu cầu phải ép bằng được ông Vạn Lý công khai tuyên bố đồng ý với lệnh giới nghiêm của Trung ương. Ngày 27/5, ông Đặng Tiểu Bình triệu hội nghị cùng tám đại nguyên lão và quyết định chọn ông Giang Trạch Dân làm Tổng Bí thư. Đại cuộc đã định, ngày 1/6, kế sách mới về đàn áp phong trào kháng nghị đã được đưa ra, cuối cùng quyết định thực hiện vào đêm ngày 3/6.

Tác giả Ngô Nhân Hoa (Wu Renhua), một học giả Trung Quốc sống lưu vong tại Mỹ, vào năm 2009 đã xuất bản sách “Bộ đội giới nghiêm trong sự kiện 4/6”, đã mô tả lại tình hình quân đội ĐCSTQ thực hiện mệnh lệnh. Theo sách, trong vụ đàn áp này nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đã điều động 250.000 binh sĩ đến Bắc Kinh “dẹp loạn”, chiếm 14 trong tổng số 24 tập đoàn quân giải phóng quân Trung Quốc, trong đó đông nhất là quân đoàn 38 và 27; sau thảm sát, hầu hết các sĩ quan tham gia đều nhanh chóng được thăng quan tiến chức.

Còn theo sách “Con người Giang Trạch Dân” nhận định, năm 1989 là năm quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của ông Giang Trạch Dân. Không còn nghi ngờ gì về việc Giang là kẻ được thụ hưởng lớn nhất sau sự kiện đàn áp phong trào đòi dân chủ tại Thiên An Môn ngày 4/6/1989. Vì ông Giang Trạch Dân đóng vai trò quan trọng trong sự kiện đàn áp đẫm máu giới sinh viên này, giúp Giang từ một nhân vật mà đang chuẩn bị nghỉ hưu bất ngờ nhảy lên thành “hạt nhân” của hệ thống quyền lực tối cao ĐCSTQ.

Cùng quan điểm, trên Tuần san Á châu (Á châu Chu san), nhà bình luận chính trị Trường An (Chang An) sống ở ngoài Trung Quốc Đại lục cũng cho rằng ông Giang Trạch Dân leo lên đỉnh cao quyền lực là nhờ tắm máu phong trào dân chủ vào ngày 4/6/1989, ông ta chính là kẻ đắc lợi nhất nhờ lý luận bạo lực này.

Blog Thanh Vân

Xem thêm: