Trong một thông điệp phát đi hôm thứ Sáu (30/6), Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói rằng Tuyên bố chung Trung-Anh 1984, văn kiện dẫn tới việc Anh Quốc bàn giao Hồng Kông cho Trung Quốc năm 1997, là “một tài liệu lịch sử và không có bất kỳ giá trị thực tế nào”.

Tuyên bố trên do phát ngôn viên Lục Khảng đưa ra trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Sáu (30/6), chỉ 1 ngày trước lễ kỷ niệm 20 Hồng Kông tái nhập Trung Quốc.

Ông Lục Khảng nói rằng Tuyên bố chung Trung-Anh về trao trả Hồng Kông hiện nay “không có giá trị thực tế nữa”

Ông Lục nói rằng sự vụ của Hồng Kông là công việc nội bộ của Trung Quốc, và Tuyên bố chung 1984 đã đưa ra các thoả thuận rõ ràng về việc Trung Quốc thực hiện chủ quyền của mình và giai đoạn chuyển đổi dẫn tới cuộc chuyển giao.

Giờ đây, khi Hồng Kông đã trở về tổ quốc được 20 năm, Tuyên bố chung Trung-Anh chỉ là một tài liệu lịch sử và không còn có ý nghĩa thực tiễn nào nữa. Tuyên bố chung đó cũng không có bất kỳ ràng buộc nào về cách chính quyền trung ương Trung Quốc quản lý Hồng Kông. Nước Anh không có chủ quyền, không có quyền quản lý và không có quyền giám sát đối với Hồng Kông. Tôi hy vọng các bên liên quan cân nhắc đến thực tế này”. Ông Lục nhấn mạnh.

Ông Lục Khảng phát biểu như vậy sau khi được hỏi về phản ứng của Trung Quốc trước tuyên bố của Ngoại trưởng Anh, ông Boris Johnson liên quan đến vấn đề bàn giao Hồng Kông.

Vào hôm thứ Năm (29/6), Ngoại trưởng Anh Quốc  đã nói rằng Vương Quốc Anh hy vọng Hồng Kông sẽ có nhiều tiến bộ hơn hướng tới nền dân chủ.

Ngoại trưởng Anh Quốc Boris Johnson cho rằng “Tuyên bố chung với Trung Quốc, hiện nay cũng vẫn mạnh mẽ như cách đây 20 năm”

Ông Johnson cho hay: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng cam kết của Anh Quốc với Hồng Kông, được ghi trong Tuyên bố chung với Trung Quốc, ngày nay cũng vẫn mạnh mẽ như cách đây 20 năm”.

Trước tuyên bố lật ngược lại hiệu lực của Tuyên bố chung Trung-Anh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Anh nói với hãng tin Reuters rằng: “Hiện nay Tuyên bố chung Trung-Anh vẫn còn có giá trị như khi nó đã được ký kết từ hơn ba mươi năm trước … Đây là một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý, đã được đăng ký lên LHQ và tiếp tục có hiệu lực. Là một bên tham gia ký kết, chính phủ Anh cam kết theo dõi việc thực hiện tuyên bố một cách chặt chẽ”.

Thực tế, Anh Quốc vẫn cho xuất bản các báo cáo về Hồng Kông mỗi 6 năm/lần kể từ năm 1997.

Đại diện của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đưa ra các tuyên bố liên quan đến Hồng Kông sau phát biểu của Bộ ngoại giao Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi tất cả các bên phải duy trì “mức độ tự trị cao của Hồng Kông và tôn trọng quy chế ‘Một quốc gia, hai chế độ’, đã được đưa ra trong Tuyên bố chung Anh-Trung và hiện thực hóa trong Hiến pháp Hồng Kông (Basic Law)”.

Hoa Kỳ cũng nói rằng “vẫn lo ngại về những vi phạm tự do dân sự ở Hồng Kông, trong đó có cả sự xâm nhập vào tự do báo chí“.

Hoa Kỳ vẫn lo ngại về bất kỳ vi phạm tự do dân sự tại Hồng Kông, bao gồm cả sự xâm nhập vào quyền tự do báo chí và chúng tôi ủng hộ việc phát triển hơn nữa các hệ thống dân chủ của Hồng Kông, trong đó có việc thực hiện bầu cử theo phổ thông đầu phiếu đã được quy định trong Hiến pháp Hồng Kông”. Tuyên bố của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ nhấn mạnh.

Văn phòng EU tại Hồng Kông cho biết nguyên tắc “‘Một quốc gia, hai chế độ’ tiếp tục được thực thi vì lợi ích của người dân Hồng Kông, của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và thế giới”, bất chấp những thách thức về chính trị và pháp luật trong những năm gần đây.

Tuyên bố của EU khẳng định: “Sự thành công của Hồng Kông được củng cố bởi mức độ tự chủ cao, luật pháp, tư pháp độc lập, phân quyền dân chủ và tôn trọng các quyền cơ bản và tự do. Chúng tôi hy vọng rằng cuộc cải cách bầu cử ở Hồng Kông sẽ được nối lại theo Hiến pháp đặc khu này và có thể sớm đưa ra được thỏa thuận về hệ thống bầu cử dân chủ, công bằng, cởi mở và minh bạch”.

Tân Bình

Xem thêm: