Mới đây, tại Hồng Kông ông Jack Ma (Mã Vân) đã gặp ông Dhanin Chearavanont, người giàu nhất Thái Lan và là chủ tịch cấp cao của Tập đoàn Charoen Pokphand (CP Group). Đây là lần gặp thứ hai của đôi bên trong vòng chưa đầy một tháng, làm dấy lên đồn đoán của ngoại giới về việc hợp tác đầu tư.

shutterstock 749984176
Ông Jack Ma. (Nguồn: SL Chen/ Shutterstock)

Jack Ma gặp Dhanin Chearavanont hai lần trong một tháng

Ngày 31/1, tờ Nhật báo Kinh tế Hồng Kông đưa tin, ông Jack Ma đã đón Tết Nguyên đán ở Hồng Kông một cách kín tiếng. Gần đây, ông đã có cuộc gặp với ông Dhanin Chearavanont (chủ tịch CP Group) và ông Suphachai Chearavanont (con trai thứ 3 của ông Dhanin Chearavanont, hiện là Giám đốc điều hành của CP Group).

Bản tin cũng cho biết, ông Dhanin Chearavanont và con trai đã bay tới Hồng Kông để đích thân thảo luận những vấn đề quan trọng với ông Jack Ma, nguồn tin không tiết lộ nội dung cuộc thảo luận. Sau khi gặp ông Dhanin Chearavanont và con trai ông, Jack Ma đã cử ông Jason Pau, tổng thư ký điều hành các chương trình quốc tế của Quỹ Jack Ma, đến tiễn hai người.

Đầu tháng này, ông Jack Ma đã đến thăm CP Group ở Bangkok, khi đó ông Dhanin Chearavanont đã đích thân đón tiếp. Cuộc gặp lại lần này làm dấy lên đồn đoán Jack Ma và CP Group đang ấp ủ những hợp tác đầu tư mới.

Jack Ma và CP Group có mối quan hệ lâu năm, cuối năm 2016, CP Group đã ký thỏa thuận ba bên với Alibaba và Ant Technology Group để hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại điện tử, tài chính, hậu cần (logistics), bán lẻ. Vào thời điểm đó, Ant Group đã công bố khoản đầu tư vào nhà cung cấp dịch vụ thanh toán Thái Lan dưới tên Ascend Money để đưa ra một khoản đầu tư chiến lược, với ý định tạo ra một phiên bản Alipay tại Thái Lan.

CP Group có mối quan hệ không tầm thường với ĐCSTQ

Sau khi tin tức Jack Ma gặp chủ tịch CP Group được lan truyền, ngày 31/1, cổ phiếu quốc tế của Chia Tai Enterprises (công ty con của CP) tại Hồng Kông đã tăng vọt, mức tăng hơn 275%. Hôm thứ Hai (30/1), cổ phiếu của Chia Tai Enterprises lội ngược dòng và tăng 68,35%.

CP Group là một doanh nghiệp đa quốc gia nổi tiếng do người Thái gốc Hoa sáng lập, tập đoàn tập trung vào 3 ngành kinh doanh chính: nông nghiệp, chăn nuôi và thực phẩm; bán buôn và bán lẻ; viễn thông và truyền hình. Đồng thời cũng tham gia vào hơn 10 ngành như tài chính, bất động sản, dược phẩm, gia công cơ khí. Hoạt động kinh doanh của tập đoàn bao phủ hơn 100 quốc gia và khu vực trên thế giới, với 450.000 nhân viên và doanh thu toàn cầu đạt 84 tỷ USD vào năm 2021.

Ông Dhanin Chearavanont là lãnh đạo thế hệ thứ 2 của tập đoàn này, theo Forbes, giá trị tài sản ròng của ông là 14,9 tỷ USD, xếp thứ 137 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.

Theo truyền thông Hồng Kông, Charoen Pokphand Group có mối quan hệ rất mật thiết với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), các lãnh đạo ĐCSTQ như Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình đều đã gặp trực tiếp ông Dhanin Chearavanont. CP Group cũng có mối liên hệ chặt chẽ với lĩnh vực tài chính ở Trung Quốc Đại Lục, và đã chi một khoản tiền khổng lồ để mua cổ phần của Bảo hiểm Bình An (Ping An) và Tập đoàn CITIC của Trung Quốc.

Tuần báo Tân Thế Kỷ của Caixin tại Trung Quốc Đại Lục đưa tin vào cuối năm 2012 rằng ông Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) có ý định hợp tác với CP Group của Thái Lan để mua lại số cổ phần trị giá 9 tỷ USD của HSBC trong Bảo hiểm Bình An. Vì nguồn tiền là khoản vay từ một ngân hàng quốc doanh, nên vào thời điểm đó, người ta nghi ngờ rằng nó đã vi phạm các quy định liên quan.

Nhà bình luận chính trị Chu Hiểu Huy (Zhou Xiaohui) từng có bài viết nói rằng Charoen Pokphand Group có mối giao hảo với nhiều thế hệ lãnh đạo ĐCSTQ, điều này không dễ dàng đánh giá từ các lĩnh vực mà nó đã tham gia ở Đại Lục trong nhiều năm. Tập đoàn này trở thành cổ đông lớn nhất của ‘gã khổng lồ’ bảo hiểm Trung Quốc (Bảo hiểm Bình An) vào năm 2014. Đằng sau Bảo hiểm Bình An là Tiêu Kiến Hoa, một tỷ phú Trung Quốc đại diện cho lợi ích của gia đình Tăng Khánh Hồng.

Ngoài ra, ngày 1/12/2015, truyền thông chính thức của ĐCSTQ đưa tin, ông Vương Kỳ Sơn, khi đó là Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ kiêm Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, đã gặp Chủ tịch Dhanin Chearavanont của CP Group ở Tử Quang Các thuộc Trung Nam Hải.

Alibaba Group và Ant Group “dần loại bỏ Jack Ma”

Kể từ khi xuất hiện ở Hồng Kông vào giữa tháng 1, ông Jack Ma thường xuyên gặp gỡ những người thuộc giới tài chính ở Trung Quốc Đại Lục, Hồng Kông và Đông Nam Á. Trong một thời gian, có tin đồn rằng Alibaba sẽ thành lập một trụ sở toàn cầu tại Singapore. Nhưng ngay sau đó tập đoàn này đã ra mặt phủ nhận và nói rõ rằng Alibaba sinh ra ở Hàng Châu, phát triển ở Hàng Châu và trụ sở toàn cầu của Alibaba luôn ở Hàng Châu.

Tuy nhiên, trong nhiều tháng qua, Jack Ma đã phải chịu áp lực từ Bắc Kinh trong nhiều tháng. Ông buộc phải từ bỏ quyền kiểm soát chính đối với các công ty thuộc tập đoàn của mình.

Ngày 7/1, Ant Technology Group Co. Ltd., công ty con của Alibaba, thông tầng quản lý của Ant Group không còn là đối tác của Alibaba. Cổ phần quyền biểu quyết của ông Jack Ma đã được điều chỉnh từ 53,46% thành 6,208%, về cơ bản có nghĩa ông đã từ bỏ quyền kiểm soát đối với Ant Group. Đồng thời, sau khi Ant Group tăng vốn, số lượng cổ đông đã thay đổi từ 7 lên 12 và còn đưa vào tài sản thuộc sở hữu nhà nước.

Ngày 8/1, Hundsun Technologies đã thông báo trên Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông rằng người kiểm soát thực tế của công ty sẽ được thay đổi từ Jack Ma thành “không có người kiểm soát thực tế”. Hundsun Technologies và Ant Group gián tiếp nắm giữ 5,54% công ty Shanghai Golden Bridge, cũng thông báo ông Jack Ma không còn sở hữu vốn cổ phần của công ty.

Trang tin Caixin đã đưa tin vào ngày 14/1 rằng Alibaba Group và Ant Group “đang dần loại bỏ Jack Ma”. Ngoài việc ông Jack Ma mất quyền kiểm soát thực tế của người sáng lập, hiện tại ba đảng ủy đã được thành lập, bao gồm Đảng ủy Alibaba Group, Đảng ủy Ant Group và Đảng ủy Trụ sở chính Alibaba Group. Bên dưới các đảng ủy này còn có 25 tổ chức đảng cấp 2 và hơn 150 chi bộ đảng.

Trước đó, vào tháng 2/ 2021, tờ Wall Street Journal đã tiết lộ rằng một trong những lý do khiến Ant Group bị chỉnh đốn là vì đằng sau nó có liên quan đến các gia đình quyền quý đặc quyền đặc lợi của ĐCSTQ. Các thành viên gia tộc đỏ Giang Chí Thành (cháu trai của cố lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân), Lý Bá Đàm (con rể của cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Giả Khánh Lâm), v.v, đều tham gia vào khoản đầu tư bí mật vào Ant Group.