Báo cáo mới đây nhất của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho thấy, các công ty Trung Quốc đã xuất khẩu công nghệ giám sát sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tới hơn 60 quốc gia, bao gồm Iran, Myanmar, Venezuela, Zimbabwe cùng nhiều quốc gia có hồ sơ nhân quyền yếu kém khác. Đáng chú ý, chỉ riêng Huawei đã bán công nghệ giám sát AI cho ít nhất 50 quốc gia.

Embed from Getty Images

Các công ty Trung Quốc đã xuất khẩu công nghệ giám sát trí tuệ nhân tạo (AI) tới hơn 60 quốc gia (Ảnh: Getty Images)

Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế công bố báo cáo này vì lo ngại chính quyền độc tài sẽ sử dụng công nghệ AI để tăng cường sức mạnh của họ,  và các thông tin dữ liệu ở nước ngoài cũng có thể bị gửi lại cho Trung Quốc. 

Báo cáo cho biết, Bắc Kinh chính là đầu sỏ thúc đẩy “chủ nghĩa bá quyền công nghệ” trên toàn thế giới, bởi vì hiện tại các hệ thống kỹ thuật về nhận diện khuôn mặt đang được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng để trấn áp người dân toàn quốc. 

“Các hãng công nghệ có mối liên hệ với các công ty Trung Quốc (đặc biệt là Huawei, Hikvision, Dahua và ZTE) hiện đang cung cấp công nghệ giám sát AI tại 63 quốc gia, trong số đó 36 quốc gia đã ký kết với ĐCSTQ trong sáng kiến ​​’Một vành đai, một con đường’,” báo cáo cho hay.

Huawei là công ty dẫn đầu thị trường xuất khẩu công nghệ giám sát AI của TQ

Báo cáo cũng tuyên bố, Huawei là công ty tiên phong trên thị trường xuất khẩu công nghệ giám sát AI của Trung Quốc, đã bán công nghệ này cho ít nhất 50 quốc gia, trong đó nhiều quốc gia có hồ sơ nhân quyền yếu kém.

Ông Phạm Thế Bình, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị học của Đại học Sư phạm Đài Loan cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times vào tháng 2 năm nay rằng, Huawei và chính quyền Trung Quốc có liên kết chặt chẽ, và đóng vai trò quan trọng trong công trình Kim Thuẫn (Golden Shield Project), chính quyền Trung Quốc lấy danh nghĩa giúp đỡ Huawei mở rộng thị trường 5G để “xuất khẩu mô hình giám sát nhằm bành trướng quyền lực, đây cũng là điều khiến nước Mỹ tương đối quan tâm”.

Ông Phạm Thế Bình còn nói, Huawei đóng vai trò quan trọng trong các công trình giám sát như Skynet, Golden Shield, và các hệ thống khác như nhận dạng khuôn mặt, “hệ thống tín nhiệm xã hội”, v.v.

“Công nghệ cao của Huawei góp phần thúc đẩy chủ nghĩa bá quyền công nghệ”, ông nhấn mạnh, Trung Quốc dựa vào những hệ thống này để đàn áp và kiểm soát xã hội, trước đây, phương thức thống trị quyền lực mới mẻ này chưa từng có, đối với nước thế giới thứ 3 hoặc chính thể độc tài, có thể họ sẽ lợi dụng phương thức này để giám sát những người phản đối.

Embed from Getty Images

Hình ảnh cho thấy công nghệ nhận dạng khuôn mặt được sản xuất bởi Công ty Tiandy Technology, Thiên Tân, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Ngoài Huawei, Hikvision cũng đang bán thiết bị giám sát của mình trên toàn thế giới. Công ty này sử dụng công nghệ AI cho phép nhận dạng khuôn mặt trên quy mô lớn. Hikvision cũng là một công ty chủ đạo được chính quyền Trung Quốc tích cực bồi dưỡng nhằm thực hiện dã tâm trở thành nhà xuất khẩu hệ thống giám sát lớn nhất thế giới. Chính phủ Trung Quốc hiện đang nắm giữ 42% cổ phần của công ty.

Ngày 7/10, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt kê 28 thực thể Trung Quốc vào “danh sách thực thể” kiểm soát xuất khẩu (hay còn gọi là danh sách đen) với lý do vi phạm nhân quyền, hạn chế các thực thể này mua linh kiện và công nghệ từ Mỹ. Các thực thể trong danh sách đen bao gồm 20 đơn vị an ninh và 8 doanh nghiệp công nghệ cao, tiêu biểu như công ty sản xuất thiết bị giám sát Hikvision.

ĐCSTQ mượn “Một vành đai, một con đường” khống chế các quốc gia khác

Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nói: “Việc quảng bá thúc đẩy sản phẩm của Trung Quốc thường đi kèm với các ‘khoản vay mềm’ nhằm khuyến khích chính phủ nước ngoài mua thiết bị của họ.” Báo cáo còn nhận định, điều này đặt ra một vấn đề đáng lo ngại, bởi chính phủ Trung Quốc không tiếc giá nào sẵn sàng trợ cấp cho các quốc gia mua công nghệ giám sát và các thiết bị tiên tiến, chắc chắn họ có mục đích ngầm ở phía sau.

Một số nhà bình luận cho rằng, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của ĐCSTQ với mục đích “kiến thiết các dự án cơ sở hạ tầng xuyên biên giới” thực chất là nhằm đưa một số quốc gia châu Á, châu Phi và châu Âu vào quỹ đạo mà Bắc Kinh mong muốn.

Năm 2016, Văn phòng Thông tin thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố kiến nghị xây dựng “Con đường tơ lụa số” nhằm trợ lực cho sáng kiến  “Một vành đai, một con đường”. Ngày 10/1 năm nay, Bloomberg đã xuất bản một bài báo công bố kết quả điều tra suốt thời gian dài, lấy Zambia làm ví dụ cho thấy ĐCSTQ đã thông qua việc hỗ trợ xây dựng “Thành phố an toàn” trong chiến lược “Con đường tơ lụa số” tại quốc gia này, thực chất chính là khiến Zambia tiến tới mô hình giám sát “bức màn sắt” của ĐCSTQ.

Báo cáo Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cũng chỉ ra, hầu hết các dự án “cơ sở hạ tầng kỹ thuật số” của Zambia đều được xây dựng và tài trợ bởi Trung Quốc, và đất nước này trở thành một trong những quốc gia có nguy cơ khủng hoảng nợ cao. Đồng thời, đáng lo ngại là quốc gia dân chủ đa đảng vẫn luôn đảm bảo ổn định chính trị này đang có xu hướng chuyển sang mô thức đàn áp chuyên chế của ĐCSTQ.

Embed from Getty Images

Huawei là công ty tiên phong trên thị trường xuất khẩu công nghệ giám sát AI của Trung Quốc, đã bán công nghệ này cho ít nhất 50 quốc gia, trong đó nhiều quốc gia có hồ sơ nhân quyền yếu kém. (Ảnh: Getty Images)

Công ty ZTE đã tham gia lắp đặt camera giám sát trong dự án “Thành phố an toàn” ở Lusaka, Zambia. Bản thân Huawei cũng là một đối tác chính trong việc xây dựng “Smart Zambia”, một dự án nhằm tăng cường truy cập và sử dụng công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực ở Zambia.

Huawei đã thành lập một trung tâm dữ liệu quốc gia cho Zambia để xử lý tất cả dữ liệu và hồ sơ lưu trữ của chính phủ Zambia. Động thái này làm dấy lên mối quan ngại rằng trung tâm này có thể được sử dụng để thu thập thông tin tình báo hoặc dữ liệu cho ĐCSTQ.

Minh Ngọc

Xem thêm: