Trong khi phương Tây gần đây mới nhận ra mối đe dọa an ninh tiềm tàng do Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc gây ra, thì một số người bên trong Trung Quốc từ lâu đã biết rằng công ty này là một phần của bộ máy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

nhậm chính phi
Ông Nhậm Chính Phi – người sáng lập công ty Huawei là cựu sĩ quan Quân Giải phỏng Nhân dân Trung Quốc  – PLA (Ảnh từ Sohu)

Huawei rất chú trọng đến các vấn đề mà ĐCSTQ quan tâm, trong đó có việc đàn áp Pháp Luân Công – một môn luyện tập tinh thần và thiền định ôn hòa dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Trong khi hợp tác với ĐCSTQ trong cuộc đàn áp này, Huawei đã phát triển các công cụ mà mọi người trên toàn thế giới đều nên lưu tâm, chứ không chỉ với các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc.

Hỗ trợ ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công

Vào tháng 7/1999, lãnh đạo ĐCSTQ khi đó là ông Giang Trạch Dân đã bắt đầu chiến dịch nhằm loại bỏ Pháp Luân Công vì lo sợ một số lượng lớn người Trung Quốc thấy giáo lý đạo đức truyền thống của họ hấp dẫn hơn hệ tư tưởng vô thần của đảng.

Mindy, công dân New York gốc Trung Quốc, một học viên Pháp Luân Công đã tới Mỹ từ năm 2009 là người biết khá rõ về việc Huawei giúp ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công. Cô Mindy yêu cầu không nêu tên đầy đủ vì lo ngại cho sự an toàn của người thân của cô vẫn đang sống tại Trung Quốc.

Cô Mindy kể rằng vào đầu năm 1999 khi cuộc bức hại chỉ vừa bắt đầu, Huawei đã thông qua chính sách không tuyển dụng các học viên Pháp Luân Công.

Vào năm đó, Mindy vừa tốt nghiệp Đại học Chiết Giang. Một học viên Pháp Luân Công mà cô biết học về khoa học máy tính trong cùng trường đại học với cô. Anh này được Huawei khi đó rất khát nhân viên tuyển dụng ngay từ trước khi anh tốt nghiệp. Tuy nhiên, khi anh chuẩn bị ký hợp đồng lao động với Huawei, anh đã phát hiện rằng ở tập đoàn công nghệ này có quy định tất cả nhân viên Huawei phải cam kết họ sẽ không tập Pháp Luân Công.

“Người học viên Pháp Luân Công này không muốn ký vào loại hợp đồng như vậy. Kết quả là, anh ta không được Huawei tuyển dụng. Và Huawei không chỉ đưa điều khoản đó vào hợp đồng, mà họ còn chủ động hỏi mọi nhân viên xem liệu họ có tu luyện Pháp Luân Công hay không”, cô Mindy nói.

Cô Mindy đã kết hôn được gần hai năm với một kỹ sư IT làm việc cho Huawei. Chồng của cô cũng là đảng viên của ĐCSTQ. Cô Mindy nói có lần cô đã nhìn thấy trong bản sao của sổ tay nhân viên Huawei có một quy định cấm nhân viên tu luyện Pháp Luân Công.

Theo Minh Huệ Net (Minghui.org), trang tin thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công, đã báo cáo về trường hợp của cô Ngô Hạ (Wu Xia) vào tháng 2/2007. Cô Ngô khi đó 27 tuổi là một học viên Pháp Luân Công và là nhân viên của Huawei, được biệt phái tới Nhà máy số 1 của Công ty Taijinbao (một nhà cung cấp của Huawei ở thành phố Tô Châu) để làm việc về kiểm soát chất lượng, cùng với đồng nghiệp của cô là Bành Vỹ Phong (Peng Weifeng). Khi Bành phát hiện cô Ngô là học viên Pháp Luân Công, anh ta đã báo trường hợp của cô Ngô cho quản lý của cô.

Vào ngày 1/6/2007, hai quản lý người Đài Loan của công ty Taijinbao đã đưa cô Ngô tới đồn cảnh sát. Một ngày sau đó, cô Ngô bị chuyển tới Trại giam Ngô Giang ở Thành phố Tô Châu.

Một báo cáo khác của Minh Huệ Net vào ngày 26/2/2008 cho biết rằng cô Ngô đã bị kết án ba năm tù vào tháng 12/2007 và đã bị giam tại Nhà tù Nữ Nam Thông ở Tỉnh Giang Tô. Báo cáo này cũng nói rằng tại trại giam này cô Ngô đã bị tổn thương tinh thần và thể chất nghiêm trọng và không được ở trong điều kiện tốt.

Hiện tại, không có thông tin cập nhật về tình hình của cô Ngô tại Trung Quốc.

Một nhân viên Huawei khác bị bức hại liên quan đến Pháp Luân Công là Liu Guanrong. Theo báo cáo của Minh Huệ Net, ông Liu làm việc tại căng tin của Trụ sở Châu Âu của Huawei Technologies ở Dusseldorf, Đức. Ông Liu đã bị công ty sa thải vào tháng 9/2008 sau khi ông nói với một đồng nghiệp người Trung Quốc trên tàu điện ngầm trên đường đi làm về cuộc đàn áp Pháp Luân Công và phong trào thoái đảng ĐCSTQ.

Báo cáo của Minh Huệ Net cho biết: “Người đồng nghiệp này lập tức báo cáo cuộc đối thoại của họ cho giám đốc bộ phận của ông Liu Guangrong… Người quản lý này nói với ông Liu rằng ‘ông không được nói với nhân viên người Trung Quốc này về Pháp Luân Công và phong trào thoái ĐCSTQ. Công ty của chúng ta có quy định rằng không cho phép nhân viên nói về những chủ đề nhạy cảm này. Ông sẽ không gặp thuận lợi nếu ông nói về những chủ đề này’”.

Phát triển công nghệ kiểm duyệt và gián điệp

Huawei đã làm nhiều việc hơn chỉ là kiểm soát nhân viên của chính họ trong cuộc bức hại Pháp Luân Công. Tập đoàn này đã phát triển các công cụ giúp chế độ ĐCSTQ theo dõi công dân Trung Quốc và kiểm duyệt những thông tin nào mà họ tiếp cận, từ đó có thể tiến hành đàn áp.

Một tài liệu nội bộ gồm 172 trang của Huawei, được viết vào năm 2015, đã bị rò rỉ trong năm nay và được lưu hành trên internet. Tài liệu này có tiêu đề “Hướng dẫn Vận hành VCM (quản lý nội dung video)” và được sử dụng để huấn luyện cảnh sát internet của chế độ Trung Quốc về cách giám sát, phân tích và xử lý nội dung video trong thời gian thực. Cảnh sát khi xem các video sẽ gửi cảnh báo nếu họ tìm thấy bất cứ điều gì “nghi ngờ”.

Theo nhà bình luận Trung Quốc Chen Simin, tài liệu bị rò rỉ này cho thấy Huawei có liên quan sâu sắc đến các chương trình giám sát của ĐCSTQ như “Dự án Lá chắn Vàng” được sử dụng để chặn truy cập thông tin và “Hệ thống Skynet” dùng để giám sát toàn xã hội. Bằng cách chặn thông tin, chế độ Trung Quốc sẽ ngăn chặn người dân Trung Quốc biết về những vi phạm nhân quyền lớn mà họ gây ra trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công, cũng như các giáo lý về thực hành tâm linh.

Các công cụ giám sát mà Huawei đã giúp phát triển được sử dụng cho nhiều mục đích, nhưng một trong số đó là theo dõi các học viên Pháp Luân Công.

Ông Chen Simin nói rằng những yêu cầu ban đầu đối với Dự án Lá chắn Vàng đến từ Bộ Công an và Phòng 610 – một ủy ban thừa hành của Đảng Cộng sản được giao nhiệm vụ thực hiện cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Xuất khẩu hệ thống chấm điểm ‘tín nhiệm xã hội’ ra quốc tế

Hệ thống Skynet xác định một cá nhân thông qua công nghệ nhận dạng khuôn mặt và định vị thông tin cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia. Cơ sở dữ liệu đó hiện cung cấp cho mỗi người một điểm số “tín nhiệm xã hội” cho biết mức độ của từng cá nhân phù hợp với các ưu tiên của chế độ ĐCSTQ thế nào.

Công nghệ mà Huawei đã phát triển này hoàn toàn có thể được sử dụng để thu thập các dữ liệu thông tin bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Ông Yu Chao, một kỹ sư hệ thống của Hoa Kỳ, nói rằng cộng đồng quốc tế nên rất lo lắng về khả năng Huawei thu thập dữ liệu hàng loạt của người dân từ các quốc gia khác thông qua các thiết bị và mạng của họ. Thông tin này sau đó có thể được sử dụng để tổng hợp điểm tín nhiệm xã hội đối với những người không phải là công dân Trung Quốc.

Ông Yu Chao cảnh báo: “Bức tranh ảm đạm là dù ĐCSTQ sẽ không sử dụng ‘điểm số tín nhiệm xã hội’ của người Mỹ để ngăn chặn họ mua vé máy bay, nhưng họ có thể có được những hiểu biết rất sâu về hầu hết mọi thứ của bất kỳ ai có trong cơ sở dữ liệu của họ và họ sẽ sử dụng hiểu biết này khi cần thiết… Và đó là điều thực sự, thực sự đáng sợ”.

Tân Bình (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: