Sau khi Mỹ tuyên bố cấm các cơ quan liên bang và các nhà thầu của các cơ quan này mua thiết bị của công ty viễn thông Huawei, ngày hôm sau (9/8) công ty này đã chính thức công bố hệ điều hành Harmony và tuyên bố rằng hệ điều hành này có thể thay thế hệ điều hành Android bất cứ lúc nào. Trong cùng ngày, Tổng thống Mỹ Trump cũng tiếp tục thắt chặt chế tài đối với Huawei, ông cho biết Mỹ sẽ không hợp tác với Huawei. Harmony rốt cuộc có thể dẫn Huawei ra khỏi khủng hoảng hay không, cũng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. 

Embed from Getty Images

Huawei ra mắt hệ điều hành mới có tên Harmony. (Ảnh: Getty Images) 

Huawei công bố Harmony OS, Trump tiếp tục thắt chặt chế tài

Ngày 9/8, Huawei chính thức công bố hệ điều hành Harmony (Harmony OS), để ứng phó với mối đe doạ không được hợp tác sử dụng hệ điều hành Android và mối đe doạ từ chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang. Trong lễ ra mắt hệ điều hành mới này, Giám đốc điều hành ngành hàng tiêu dùng Huawei là Dư Thừa Đông cho biết, hiện tại Huawei vẫn tiếp tục sử dụng hệ điều hành Android của Google, trong tương lai khi không thể sử dụng Android, thì hệ điều hành Harmony có thể được thay thế bất cứ lúc nào. Dư Thừa Đông cho biết, Huawei sẽ từng bước giới thiệu các phần mềm mới của hệ điều hành Harmony để hỗ trợ các thiết bị ngoại vi như đồng hồ thông minh, loa và thiết bị thực tế ảo. 

Theo Reuters đưa tin, hệ điều hành Harmony là mấu chốt quan trọng cho sự tồn vong của Huawei, dưới lệnh cấm của Mỹ, Huawei sẽ đối mặt với nguy cơ không được sử dụng hệ điều hành Android của Google. 

Tháng 5 năm nay, Huawei bị Mỹ liệt vào “danh sách thực thể” quản chế xuất khẩu, sau đó Google dừng hợp tác và các dịch vụ liên quan tới Huawei, trong đó có cả hệ điều hành Android. Việc này khiến cho Huawei mất quyền cập nhật hệ điều hành Android mới, không có quyền truy cập vào chợ ứng dụng Google Play, Gmail, Gmap, Youtube, và cũng không thể sử dụng những ứng dụng này. Có kênh truyền thông Trung Quốc cho biết, việc này khiến cho điện thoại Huawei “biến thành ‘cục gạch’ chỉ trong một đêm”. 

Tháng 6 năm nay, sau cuộc gặp Trump – Tập, từng có thông tin đồn nói, Mỹ có ý muốn nới lỏng trừng phạt Huawei. Nhưng sau khi Huawei công bố hệ điều hành Harmony, trong cùng ngày, Tổng thống Trump tiếp tục thắt chặt trừng phạt nhắm vào Huawei. 

“Chúng ta sẽ không làm ăn gì với Huawei nữa. Chúng ta không hợp tác với họ. Và tôi thực sự đã ra quyết định rồi. Đơn giản hơn nhiều là không kinh doanh bất cứ cái gì với Huawei. Vì thế chúng ta sẽ không làm ăn với Huawei. Điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ không đồng ý làm điều gì đó nếu và khi đạt được một thỏa thuận, nhưng tới lúc đó ta sẽ không hợp tác với Huawei.”; Trump nói, “Hiện tại chúng tôi đang làm tốt về vấn đề Trung Quốc. Chúng tôi đang nói chuyện với Trung Quốc. Chúng tôi chưa sẵn sàng cho một thỏa thuận, nhưng sẽ chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng, bạn biết đấy, chúng ta đã bị Trung Quốc làm tổn hại trong 25, 30 năm. Không có ai làm gì về chuyện đó cả. Và chúng ta không còn lựa chọn nào ngoài làm việc mà ta đang làm. “

Một ngày trước khi ông Trump phát biểu những lời trên, Mỹ đã công bố lệnh cấm tạm thời đối với Huawei, cấm các cơ quan liên bang và các nhà thầu của các cơ quan này mua thiết bị viễn thông của 5 doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có cả công ty Huawei.

Huawei khó có thể dựa vào Harmony để phá vòng vây

Tại Hội nghị Các nhà phát triển Huawei hôm thứ Sáu tuần trước (9/8), ông Dư Thừa Đông nói, Harmony có thể thay thế Android bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, dư luận quốc tế đa số cho rằng, Huawei muốn thông qua Harmony để thực hiện “phá vòng vây” là điều không hiện thực chút nào.

Fox News đưa tin, vấn đề của Harmony nằm ở chỗ, không thể độc lập tồn tại với công nghệ Mỹ. Harmony vẫn phải cần đến Google như trước đây, do đó, nếu Mỹ không để Huawei sử dụng hệ điều hành Android, thì sẽ càng khiến cho Huawei kinh hoảng lo sợ hơn. 

Tại buổi lễ công bố, Huawei cho biết, Hamony OS sẽ mở nguồn cho các nhà phát triển toàn cầu để nhanh chóng thúc đẩy phát triển hệ sinh thái Harmony OS. Tuy nhiên, BBC trước đó đưa tin, nhiều công ty như Microsoft, Samsung cũng từng đưa ra hệ điều hành của chính mình, nhưng đều không thể nào đột phá được hệ điều hành điện thoại di động của Apple và Android. Bản tin dẫn lời của ông Phương Bảo Kiều, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Công nghệ thông tin Hồng Kông, ông chỉ ra, sở dĩ Microsoft và Samsung thất bại là vì các phần mềm của nhà phát triển thứ 3 không đủ để hình hành hệ sinh thái của hệ điều hành. 

Thực tế, năm 2009, Samsung từng phát triển hệ điều hành Bada, và dựa vào lượng điện thoại tiêu thụ mạnh của mình nên đã có được một chút thành công. Nhưng hệ điều hành này không thể nào mở rộng sang điện thoại của các thương hiệu khác, đến hiện nay, tất cả các điện thoại của Samsung vẫn sử dụng hệ điều hành Android. Microsoft cũng từng phát triển hệ điều hành Windows Phone, nhưng cũng không thể thành công, và buộc phải từ bỏ kế hoạch phát triển hệ điều hành này.

Huệ Anh

Xem thêm: