Gần đây ông Trương Hiểu Minh, Chủ nhiệm Văn phòng Vấn đề Hồng Kông và Ma Cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố bài viết cho rằng ĐCSTQ có quyền bổ và miễn nhiệm quan chức Hồng Kông, lập pháp Điều 23 của Luật cơ bản là nhiệm vụ của Đặc khu Hành chính Hồng Kông. Phát ngôn này đã bị nhiều chuyên gia lên án không chỉ coi thường độc lập tư pháp và tam quyền phân lập của Hồng Kông, mà còn như “thêm dầu vào lửa” cho tình hình ở Hồng Kông.

truong hieu minh
Trương Hiểu Minh, Chủ nhiệm Văn phòng Vấn đề Hồng Kông và Ma Cao của ĐCSTQ (Ảnh cắt từ video)

Ngày 9/11, ông Trương Hiểu Minh đã công bố một bài viết dài hơn 6.000 từ trên trang trực tuyến Văn phòng Hồng Kông và Ma Cao của ĐCSTQ. Bài viết cho rằng Trung ương ĐCSTQ có 10 quyền hạn đối với Hồng Kông, bao gồm: quyền xác định khu vực hành chính đặc biệt; quyền bổ nhiệm và bãi nhiệm Trưởng Đặc khu và quan chức chủ chốt của khu vực hành chính đặc biệt; quyền giải thích, sửa đổi, chế định liên quan đến Luật cơ bản khu hành chính đặc biệt; quyền chỉ đạo trưởng đặc khu hành chính đặc biệt; quyền vấn đề ngoại giao; quyền công việc quốc phòng.

Ông này cũng nhấn mạnh việc Hồng Kông chưa hoàn thành lập pháp Điều 23 Luật cơ bản là một trong những lý do chính thúc đẩy hoạt động của thế lực ly khai cấp tiến tại Hồng Kông đòi hỏi “Hồng Kông độc lập”, cho rằng “nhiệm vụ cấp bách” hiện nay tại Hồng Kông là xây dựng “hệ thống luật pháp về bảo vệ an ninh quốc gia”.

Phản bác từ nghị viên và học giả

Bà Trần Thục Trang (Tanya Chan), người triệu tập phe Dân chủ của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông cho rằng tuyên bố của ông Trương Hiểu Minh đề cập đến quyền cai quản toàn diện của chính quyền trung ương đối với Hồng Kông như vậy là bỏ qua vấn đề độc lập tư pháp và tam quyền phân lập của Hồng Kông.

hmo reax 191109 21
Bà Trần Thục Trang (Tanya Chan), người triệu tập phe Dân chủ của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông (Ảnh từ internet)

Bà chỉ ra, hiện nay xã hội Hồng Kông đang căng thẳng mà ông Trương Hiểu Minh còn gây thêm áp lực lên Chính phủ Hồng Kông, muốn thúc đẩy lập pháp Điều 23, là “lo ngại ngày Hồng Kông không còn rối loạn”. Thực tế chiến dịch biểu tình của người Hồng Kông hiện nay không liên quan gì đến vấn đề Hồng Kông độc lập, phát ngôn của ông Trương Hiểu Minh chẳng khác gì thêm dầu vào lửa.

Bà Trang cho biết nếu Chính phủ không xử lý thỏa đáng các vấn đề hiện tại mà còn thúc đẩy lập pháp Điều 23 sẽ chỉ khiến xã hội chia rẽ hơn.

Trên truyền thông Hồng Kông, ông Thái Tử Cường là giảng viên cao cấp của Khoa Chính trị và Hành chính tại Đại học Trung văn Hồng Kông, đã chia sẻ về vấn đề này như sau: Trong chiến dịch chống Dự luật Dẫn độ từng có công chức phụ trách công tác chính trị và phụ trách hành chính thị uy, chắc chắn khiến ĐCSTQ bức xúc hơn và muốn thúc đẩy hoàn thiện cơ chế quản lý công chức.

Ông chỉ ra vốn dĩ vấn đề truy cứu trách nhiệm quan chức Hồng Kông là thuộc quyền hạn của Trưởng Đặc khu Hồng Kông, nếu sau này vấn đề này lại trao cho ĐCSTQ thì rất đáng ngại, như vậy là “tăng thêm một bước trong can thiệp (quản trị)”, nghĩa là không gian “một quốc gia, hai chế độ” ngày càng thu hẹp lại.

Trên hãng tin BBC (Anh), ông Thái Tử Cường cho biết trước đây Chính phủ Đặc khu Hồng Kông đã có nhiều chính sách nghiêm ngặt nhưng đều không thể đạt hiệu quả; nếu bây giờ lại thúc đẩy thêm Điều 23 chắc chắn sẽ như thêm dầu vào lửa.

Còn nghị viên Lã Bỉnh Quyền nhận định: “Rất nhiều người Hồng Kông cảm thấy như xã hội Hồng Kông đã bị hủy hoại, đã như không còn gì để mất, rất nhiều người không màng đến tương lai hoặc cuộc sống của chính họ, cho nên họ cũng không còn phải e ngại về những hình phạt nghiêm khắc hơn, sẵn sàng chấp nhận ngồi (tù) thêm vài năm. Do đó hành vi kiểu thêm dầu vào lửa như vậy sẽ khiến tình hình càng leo thang, mức độ phản kháng sẽ càng lên cao”.

Năm 2002 Chính phủ Hồng Kông bắt đầu thúc đẩy lập pháp Điều 23, tức là “Dự thảo Điều lệ (điều khoản lập pháp) An ninh Quốc gia”, nhưng vì dự luật này làm suy yếu quyền tự do và nhân quyền của người Hồng Kông nên bị phản đối quyết liệt. Ngày 1/7/2003, khoảng 500.000 người Hồng Kông đã xuống đường để phản đối dự luật này, sau đó Trưởng Đặc khu Hồng Kông khi đó là Đổng Kiến Hoa đã phải tuyên bố rút lại dự thảo, đến tháng 3/2005 ông tuyên bố từ chức vì lý do đau chân.

Phát ngôn trước đó của Hàn Chính cũng bị chỉ trích

Ngoài ra, sau Hội nghị toàn thể lần 4 của ĐCSTQ khóa 19, hôm 6/11 ông Phó thủ tướng Hàn Chính, ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị và Trưởng ban Ban Điều phối Công tác Hồng Kông – Ma Cao của ĐCSTQ, khi gặp Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga tại Bắc Kinh đã cho biết, hiện tại “ngăn chặn bạo loạn”“trách nhiệm chung của Chính phủ Hồng Kông, cơ quan lập pháp, tư pháp”.

Ngay lập tức, ngày 9/11, Hiệp hội Luật sư Hồng Kông đã ra tuyên bố chỉ trích phát ngôn của Phó Thủ tướng ĐCSTQ Hàn Chính là làm suy yếu “một quốc gia, hai chế độ” và thực tế độc lập tư pháp của Hồng Kông.

Tuyên bố cho biết, phát ngôn của Chính phủ Trung ương ĐCSTQ hoặc quan chức liên quan gây ấn tượng “nhân danh nhà nước giáo huấn công tác nhân viên tư pháp hoặc pháp luật phải thực hiện mọi nhiệm vụ hay sứ mệnh chính trị”, như vậy có thể xem như là can thiệp vào sự độc lập tư pháp của Chính phủ Hồng Kông, cũng xâm phạm nguyên tắc trong Luật cơ bản thừa nhận quyền tự trị cao độ mà người Hồng Kông được hưởng, đó chính là lý thuyết và thực tiễn của vấn đề “một quốc gia, hai chế độ”.

Tuyên bố chỉ ra rằng độc lập tư pháp là nền tảng của pháp trị Hồng Kông, giúp Hồng Kông thành trung tâm tài chính quốc tế độc đáo được bảo đảm bởi hệ thống tư pháp ổn định. Tuyên bố nhấn mạnh rằng ĐCSTQ không nên mô tả các thẩm phán và nhân viên tư pháp là “người quản trị Hồng Kông”, “phải chấm dứt” xem tòa án là một phần của bộ máy Chính phủ.

Tuyết Mai

Xem thêm: