Virus SARS-COV-2 từ tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc đã lây lan ra khắp thế giới với hàng chục nghìn ca nhiễm. Dữ liệu chính xác là cần thiết cho cộng đồng y tế, các chính phủ, các nhà phân tích dữ liệu và công chúng đưa ra các đánh giá kịp thời, đôi khi mang tính chí mạng. Nhưng dữ liệu chính thức từ chính quyền Trung Quốc luôn bị nghi ngờ về tính xác thực trong suốt quá trình này, kể cả khi Trung Quốc có vẻ như đã kiểm soát được dịch bệnh như hiện nay. Lịch sử cho thấy, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thao túng mọi loại số liệu.

Kiểm soát thông tin

Từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949, kiểm soát thông tin đã trở thành một điểm đặc trưng ở quốc gia này. Ngày nay, Luật Bí mật Quốc gia của Trung Quốc có hiệu lực từ năm 1989 đã được sửa đổi vào năm 2010, trong đó yêu cầu thông tin bắt buộc phải được phân loại, và việc tiết lộ bí mật quốc gia hay thông tin nội bộ sẽ bị trừng phạt hình sự một cách nghiêm khắc.

Nói một cách rõ ràng hơn, loại thông tin nào cần được phân loại? Bản thân điều này cũng là một bí mật quốc gia, và việc thực hiện các quy định chỉ được lưu truyền nội bộ trong các cơ quan chính phủ chứ không công khai. Tuy nhiên, nhiều tài liệu như vậy đã bị rò rỉ, cho thấy phạm vi sâu rộng của những thông tin mà bộ luật này bao hàm, từ dữ liệu về án tử hình, dữ liệu về nội tạng của tù nhân, tới những kế hoạch cải tạo các tù nhân lương tâm là tù nhân chính trị và tù nhân tôn giáo.

Cảnh sát Trung Quốc: Đạt chỉ tiêu thi đua đàn áp tôn giáo hoặc bị sa thải
Cảnh sát Trung Quốc đang giám sát các tín đồ tôn giáo. (Ảnh: itvNews, YouTube)

Luật cũng phân loại các thông tin về các cuộc đình công của người lao động, về xả thải môi trường và ô nhiễm môi trường, các bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh.

Ở Trung Quốc, có một thứ được gọi là Quy định Thông tin Chính phủ Mở. Quy định này được chính thức áp dụng vào năm 2008 và được sửa đổi vào năm 2019. Luật tự do thông tin này cho phép người dân có quyền yêu cầu chính phủ cung cấp các hồ sơ, và nếu không thể tiết lộ thì cũng quy định biện pháp khắc phục.

Người dân Trung Quốc đã thành công trong việc thu thập các tư liệu được phân loại. Các phiên tòa thường đưa ra phán quyết yêu cầu chính phủ không tiết lộ hồ sơ, và chính quyền địa phương trở nên chủ động hơn trong việc công khai thông tin. Những kiểu khiếu nại thành công bao gồm việc thu thập các dữ liệu về ngân sách chính phủ, ô nhiễm, an toàn dược phẩm và thực phẩm, thu hồi và bồi thường đất đai, chi tiêu công, và thực thi pháp luật.

Mặc dù luật thông tin mở ở Trung Quốc đã cải thiện tính trách nhiệm và minh bạch của địa phương, nhưng các hồ sơ được công khai cũng phải theo Luật Bí mật nhà nước. Điều này có nghĩa là thông tin trước khi đưa lên trang tin của chính phủ và công chúng đã bị hiệu đính trước, để tránh tiết lộ những điều mà chính phủ không muốn công bố. Trên thực tế, một số cơ quan thừa hành được phép phân loại thông tin, trong đó có Tòa Án nhân dân Tối cao và Viện Kiểm Sát, Hội chữ Thập đỏ Trung Quốc và thậm chí cả những doanh nghiệp quốc doanh.

Nếu chính quyền có thể nắm giữ và quyết định phân loại thông tin, vậy những thông tin mà các cơ quan thừa hành của chính phủ không thu thập hoặc tạo dựng ra được thì sao? Và những thông tin do các nhà báo, và các công dân công khai thu thập được thì đối đãi thế nào?

Tin tức được đưa trên truyền thông cũng phải tuân theo luật Bí mật Nhà nước và phải trải qua công đoạn kiểm duyệt nội bộ trước khi công bố. Các nhà báo phải thề trung thành với ĐCSTQ để giữ lại “cần câu cơm”, và theo thống kê của tổ chức Ngôi nhà Tự Do (Freedom House) số lượng các nhà báo điều tra dưới thời Tập Cận Bình đã giảm sút một cách đáng kể. Sự sụp đổ của tờ báo uy tín Southern Weekly (Nam Phương Chu Mạt) sau các cuộc biểu tình liên quan tới việc kiểm duyệt vào năm 2013 là một cú đấm trực diện vào các nhà báo điều tra ở Trung Quốc.

Các nhà báo Trung Quốc thường xuyên bị bắt giữ. Đáng chú ý, có ba cá nhân hiện đang mất liên lạc sau khi đưa tin ở Vũ Hán vào đầu năm 2020 gồm có Trần Thu Thực, Phương Bình và Lý Trạch Hóa.

Có lẽ đáng chú ý nhất là trường hợp Hoàng Kỳ, người sáng lập trang 64 Tianwang vốn công khai thông tin về tham nhũng địa phương, các trại giam giữ tội phạm, cưỡng chế phá dỡ, hoạt động dân oan và biểu tình công khai. Ngay sau khi nhận giải Phóng viên Không biên giới vào năm 2016, ông đã bị bắt giữ và tới tháng 7/2019 ông bị tuyên án 12 năm tù giam.

Chính quyền thường xuyên kiểm duyệt thông tin và bắt giữ những người bất đồng chính kiến, vậy các dữ liệu có vẻ vô hại do chính phủ công bố thì sao? Dữ liệu đó có hoàn toàn đáng tin không? Đó chỉ là một nửa sự thật hay đã bị ngụy tạo?

Các nhà nghiên cứu chứng minh rằng Trung Quốc đã áp dụng các chỉ tiêu phấn đấu hiệu suất lên các quan chức địa phương, một “đặc trưng mấu chốt của chế độ quan liêu” ở Trung Quốc, dẫn đến những báo cáo không chính xác.

Năm 2016, Giám đốc Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, Ninh Cát Triết, đã có bài đăng trên tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ, trong đó thừa nhận và lên án số liệu thống kê của địa phương là giả mạo một cách tràn lan. Việc này giúp giải thích cho các nghi vấn vào năm 2015, liên quan đến số liệu GDP bất thường trong các báo cáo.

Vào năm 2018, các nhà kinh tế học Bloomberg là Tom Orlik và Qian Wan phát hiện ra rằng các tỉnh thành của Trung Quốc đã khai vống dữ liệu GDP giữa năm 2011 và 2015, bằng cách tham chiếu chéo dữ liệu tiêu thụ năng lượng với dữ liệu đầu ra.

Cuộc điều tra dân số gần đây nhất tại Trung Quốc là vào năm 2010, lúc đó chính sách Một con vẫn còn hiệu lực. Chính sách này đã khiến cho các gia đình có hơn một con không đăng ký khai sinh thêm, vì làm vậy họ sẽ bị phạt nặng, và dẫn đến những hệ lụy tiềm ẩn bao gổm triệt sản và phá thai bắt buộc. Vì không được khai sinh chính thức, những công dân “mất tích” này không được đến trường và không đủ điều kiện để được hưởng chế độ dịch vụ công.

Cuộc điều tra dân số năm 2010 này cũng cho biết theo ước tính có tới 13 triệu công dân không được đăng ký khai sinh, tương đương với 1% tổng dân số theo báo cáo của Trung Quốc. Chính phủ cũng thừa nhận việc sai khác dữ liệu này, nhất là sau trận động đất Tứ Xuyên năm 2008. Nếu một gia đình mất đi đứa con đã đăng ký khai sinh, họ được phép hợp thức hóa đứa con chưa được khai sinh mà không bị phạt.

Một trường hợp khác là số liệu thống kê liên quan đến thu hoạch nội tạng. Trung Quốc thừa nhận dùng nội tạng của tù nhân làm nguồn cung cho các hoạt động y tế từ đầu năm 2005. Chính quyền đã hứa sẽ chấm dứt hoạt động này vào năm 2013 và đã tuyên bố hoạt động này đã chấm dứt vào năm 2015

Tuy nhiên, vào cuối năm 2019, Tiến sĩ nghiên cứu Đại học Quốc gia Úc Matthew Robertson đã công bố một bài nghiên cứu xem xét những dữ liệu cấy ghép nội tạng do phía Trung Quốc cung cấp và phát hiện ra rằng các dữ liệu khớp với một công thức toán học đơn giản, công thức hàm bậc hai.

Ông Robertson viết trong bài nghiên cứu rằng: “Kiểu số liệu như vậy không có khả năng là tình cờ, nó cho thấy khả năng cao là cố tình thao túng dữ liệu nhằm lừa dối.”

Xem thêm về bài nghiên cứu:

“Dữ liệu” không chỉ bao gồm các con số và các thống kê; Trung Quốc thường tranh chấp về những sự việc đã được kiểm chứng và đồng thuận như: ranh giới địa lý, tranh chấp trên Biển Đông, và các quy định của Trung Quốc về in ấn và phát hành “bản đồ chính xác”.

Nhưng nếu gạt vấn đề chính trị sang một bên, thì con số chính thức nào đã bị cố tình làm sai lệch? Khi nào các vấn đề bị quy cho việc yếu kém trong thu thập và báo cáo? Liệu rằng điều đó có quan trọng không?

Những câu hỏi này sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn khi số liệu không chính xác dẫn tới những cái chết không đáng có, hoặc dữ liệu về vi phạm nhân quyền bị che giấu có chủ ý. Hãy nhìn vào các vụ việc gây chấn động trong lịch sử gần đây của Trung Quốc và câu hỏi về tính chính xác của số liệu.

Các vụ giam giữ bất thường tại Khu tự trị Tân Cương

Dưới danh nghĩa đối phó với tình trạng bất ổn ở Tân Cương, từ tháng 7/2009, ĐCSTQ đã áp dụng các biện pháp chống khủng bố và chống chủ nghĩa cực đoan để tăng cường kiểm soát và giám sát đối với công dân ở khu tự trị này. Việc làm này đã dẫn tới báo cáo năm 2017 về việc giam giữ hàng loạt người dân tộc thiểu số.

Năm 2018, nhiều nghiên cứu độc lập đã dựa vào dữ liệu và hình ảnh vệ tinh của những cơ sở trên, phân tích sơ đồ hạ tầng, nghiên cứu các tài liệu chi tiêu công, các vụ bắt giữ tội phạm trong vùng, ngân sách chính phủ và các giấy tờ chi tiêu, để đưa ra một ước tính rằng có hơn 1 triệu người đang bị cầm tù trong các trung tâm giam giữ.

DCSTQ thao tung so lieu 02
(Ảnh qua Google Earth)

Ban đầu, Trung Quốc phủ nhận sự tồn tại của các cơ sở giam giữ nói trên, nhưng sau đó biện minh rằng đó là những “trại cải tạo” tự nguyện.

Tháng 11/2019, Tờ New York Times đã công bố 24 tài liệu nội bộ bị rò rỉ bao gồm các bài phát biểu và chỉ thị của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Các tài liệu trên đã hé lộ không chỉ quy mô giám sát và kiểm soát ở Tân Cương mà còn cả ý đồ đằng sau việc làm này.

Cuối tháng 11 cùng năm, một kho tài liệu khác bao gồm các hồ sơ đã được phân loại của Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế thu thập được công bố. Các tài liệu này đã tiết lộ cơ chế hoạt động của các trung tâm giam giữ nói trên. Các tài liệu này bao gồm các chỉ thị ngăn chặn việc đào tẩu, duy trì các cơ sở này hoạt động trong bí mật, kiểm soát sự bùng phát dịch bệnh và ngăn chặn những cái chết bất thường.

Chính phủ Trung Quốc phản ứng lại với những vụ rò rỉ thông tin này bằng cách tuyên bố: “Có rất nhiều tài liệu có thẩm quyền ở Trung Quốc dành cho truyền thông ở Trung Quốc và truyền thông nước ngoài tham khảo trong trường hợp muốn biết thêm thông tin về các trung tâm giáo dục hướng nghiệp. Ví dụ như bảy cuốn Sách Trắng do Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện xuất bản.”

Không có cuốn Sách Trắng nào có thông tin về số lượng các công dân bị đưa vào các chương trình cải tạo, hay nói về việc liệu họ có bác bỏ các khiếu nại về bản chất của các trại cải tạo hoặc ý đồ thực sự của các trại cải tạo hay không.

Tai nạn tàu hỏa Ôn Châu

Vào ngày 23/7/2011, hai chuyến tàu cao tốc trên tuyến đường sắt Yongtaiwen đã xảy ra va chạm trên một cây cầu cạn ở ngoại ô thành phố Ôn Châu, khiến cho 40 người chết và 191 người bị thương, theo số liệu chính thức.

Báo cáo chính thức được công bố vào tháng 12/2011, cho rằng nguyên nhân tai nạn là do sét đánh đã làm nhiễu loạn tín hiệu của con tàu, kết hợp với các vấn đề về xây dựng và một số điểm bất thường trong đấu thầu thi công. Thế là, thay vì công khai chi tiết về vụ tai nạn, mục đích của báo cáo này chỉ để đổ lỗi và trừng phạt 54 quan chức bị nêu tên.

Hong Kong Free Press: Không chỉ COVID-19, Bắc Kinh thao túng mọi loại số liệu
(Ảnh qua Hong Kong Free Press)

8 giờ sau vụ tai nạn, chính quyền đã ra lệnh chấm dứt nỗ lực cứu hộ và những chiếc xe lửa đã bị chôn vùi. Tuy nhiên một đoạn video lan truyền trên mạng đã cho thấy các thi thể bị văng ra khỏi các toa tàu khi đang di chuyển và một đứa trẻ được tìm thấy vẫn đang còn sống nhiều giờ sau khi cuộc giải cứu bị dừng lại. Thậm chí, nhiều ngày sau đó, người ta vẫn phát hiện ra các thi thể.

Khi cư dân mạng kêu gọi công khai sự thật, chính quyền đã ra chỉ thị nghiêm ngặt đối với truyền thông. Tuy nhiên chỉ thị này sau đó đã bị rò rỉ và được trang China Media Project công bố. Chỉ thị đầu tiên có nội dung là: “Số liệu về người chết được đưa ra phải theo số liệu từ các cơ quan thẩm quyền.”

Chính quyền cũng yêu cầu tin tức tập trung vào các câu chuyện theo hướng tích cực và các nhà báo không nên điều tra nguyên nhân tai nạn hay bình luận gì thêm.

Trận động đất Tứ Xuyên

Vào ngày 12/5/2008, tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, đã xảy ra một trận động đất 7.9 độ richter với tâm chấn nằm ở huyện Mân Xuyên, phía tây bắc thành phố Thành Đô.

Cuối tháng 5, truyền thông nhà nước đưa tin rằng có hơn 65.000 người chết, và sau đó tăng lên con số 90.000 người chết, khi coi những người mất tích như đã chết. Trung Quốc cũng từng báo cáo có 5.335 học sinh đã chết do chất lượng thi công cẩu thả ở các trường học, nhưng chưa bao giờ họ công bố danh sách nạn nhân. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, thân nhân của những nạn nhân đã qua đời nếu cố gắng tìm câu trả lời thỏa đáng sẽ phải đối mặt với những hậu quả nặng nề.

Hong Kong Free Press: Không chỉ COVID-19, Bắc Kinh thao túng mọi loại số liệu
(Ảnh qua Wikipedia)

Dân chúng càng thiếu tin tưởng và nghi ngờ chính phủ hơn khi một lần vào tháng 11/2008, Phó Chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên, Ngụy Hoằng, đã nhắc tới con số 19,065 nạn nhân và bảo rằng đó là tổng số nạn nhân là học sinh. Các nhà quan sát đã đặt câu hỏi rằng sự tình cờ này có phải chính là con số thực tế chính phủ đang nắm giữ.

Nhiều công dân đã phải đối mặt với các án phạt hình sự vì tự ý thu thập thông tin liên quan đến thương vong do trận động đất.

Đáng chú ý là trường hợp của ông Lưu Thiệu Côn. Ông Lưu đã bị giam giữ vào tháng 6/2008 và bị đi tù một năm trong trại cải tạo, can tội chụp ảnh các tòa nhà bị sập và trả lời phỏng vấn truyền thông. Trường hợp tiếp theo là ông Tần Tá Nhân, người đã bị nhận án tù khi cố gắng lập danh sách các sinh viên đã chết trong trận động đất. Ngoài ra còn có Hoàng Kỳ và Ngải Vị Vị, là hai nhân vật được nhiều sự chú ý, cũng phải nhận án phạt do tự ý điều tra.

Dịch SARS

Dịch SARS (hay SARS-COV-1) bùng phát vào tháng 11/2002, bắt đầu từ một bệnh nhân ở Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông. Cuối cùng, có đến 8.098 ca nhiễm trên toàn thế giới trong đó 774 ca tử vong. Trung Quốc báo cáo có 5.327 ca nhiễm và 349 ca tử vong (tỷ lệ tử vong theo đó sẽ là 6,6%). Hồng Kông có 1.755 ca nhiễm và 299 ca tử vong (tỷ lệ tử vong là 17%) và dữ liệu từ các quốc gia khác trừ Trung Quốc là 2769 ca nhiễm và 454 ca tử vong (tỷ lệ tử vong là 16.4%).

Sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc, Trương Văn Khang, tuyên bố vào ngày 15/4/2003 rằng ở Bắc Kinh chỉ có 12 ca nhiễm và 3 ca tử vong, thì ông Tưởng Ngạn Vĩnh, thuộc bệnh viện Đa khoa Quân đội Giải phóng Nhân dân (Bệnh viện 301) đã công khai bác bỏ tuyên bố này. Ông Tưởng tiết lộ công khai rằng, chỉ riêng ở một bệnh viện tại Bắc Kinh, có hơn 60 bệnh nhân đã nhập viện và 7 người đã chết, và một bệnh viện khác đã “quá tải” vào thời điểm Trung Quốc đưa ra tuyên bố chính thức.

Vào ngày 3/4/2003, các nhà chức trách đã thừa nhận rằng việc thông tin liên lạc giữa Trung Quốc và WHO là thiếu tính kịp thời và hứa sẽ cải thiện trong tương lai.

Lúc bây giờ, Giám đốc trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc Lý Liên Minh đã xin lỗi như sau: “Chúng tôi đã không thể tập trung lực lượng để cung cấp cho mọi người thông tin y học chính thống và để quần chúng nắm bắt được những kiến thức này.”

Cuộc đàn áp tại Thiên An Môn

Sau nhiều tuần biểu tình đòi dân chủ ở Bắc Kinh và trên cả nước, những sinh viên đã bắt đầu bị đàn áp đẫm máu tại Thiên An Môn vào đêm 3/6/1989, sáng 4/6/1989.

Ngày 6/6/1989, người phát ngôn của Hội đồng nhà nước, ông Viên Mộc đã tuyên bố rằng không có thương vong tại quảng trường Thiên An Môn. Điều này trái với tuyên bố trước đó của ông rằng đã có 300 người trong đó có 23 người là sinh viên đại học đã tử vong trong cuộc đàn áp. Đáng chú ý hơn, trong cuộc phỏng vấn ngày 17/6/1989 ông Viên đã trả lời với Tom Brokaw của đài NBC rằng: “Tôi không nói rằng không có thương vong nào trong việc nỗ lực dập tắt cuộc nổi loạn phản cách mạng. Tôi chỉ nói rằng không có ai chết khi quân đội Giải phóng Nhân dân dọn dẹp quảng trường Thiên An Môn mà thôi.”

Hong Kong Free Press: Không chỉ COVID-19, Bắc Kinh thao túng mọi loại số liệu
(Ảnh qua Apple Daily)

Đồng biên tập tờ The Tiananmen Papers, một ấn phẩm chuyên cung cấp các tài liệu nội bộ bị rò rỉ, giáo sư Andrew J.Nathan tại Đại học Columbia đã viết về tuyên bố của ông Lý Tích Minh, bí thư thành phố Bắc Kinh thời bấy giờ, gửi cho Bộ Chính trị vào ngày 19/6/1989, trong đó nói rằng có 218 dân thường đã chết, rằng: “Ông Lý chỉ báo cáo những gì Bộ Chính trị muốn nghe, và đó có thể không phải là sự thật. Nhưng chúng tôi không có tài liệu nào khác hơn để đối chiếu.”

Theo ước tính có từ 400-600 dân thường đã chết nhưng một con số ước tính khác lên đến hàng nghìn người. Tài liệu mật gần đây từ Vương Quốc Anh cho biết chính quyền ĐCSTQ ước tính có 10,000 người chết. Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố 2.700 người chết, nhưng sau đó đã rút lại tuyên bố này.

Nhóm Các bà mẹ Thiên An Môn là một nhóm tập hợp thân nhân của các nạn nhân trong sự kiện đàn áp, đã hoạt động trong 3 thập kỷ qua để xác định danh tính nạn nhân. Thành viên của nhóm đã đi đến các địa phương xa xôi, thu thập các câu chuyện, ký ức và hình ảnh và thông tin từ các gia đình. Mỗi năm, họ thúc bách nhà nước phải bồi thường, chịu trách nhiệm và công bố sự thật.

Nhóm này đã xác định được 202 nạn nhân và các câu chuyện đã hé lộ không chỉ có các sinh viên và người biểu tình bị giết, mà các công nhân hay người qua đường cũng bị bắn hạ bừa bãi vào đêm 3/6/1989 đến rạng sáng ngày 4/6/1989.

Hơn thế nữa, các gia đình kể rằng bệnh viện từ chối ký vào giấy chứng tử với nguyên nhân tử vong thực tế, và các thi thể được xử lý ở các hố nông, và họ tỏ ra miễn cưỡng và sợ hãi khi bị nhận diện.

Theo hồ sơ của chính quyền tỉnh Hồ Nam thu thập được từ Quỹ Đàm Thoại, có 1.602 cá nhân đã bị kết án và tuyên án trên khắp Trung Quốc vì các hoạt động liên quan đến phong trào dân chủ vào mùa xuân năm 1989.

Trước thềm kỷ niệm 30 năm xảy ra chính biến, phát ngôn viên của chính phủ đã gọi cuộc đàn áp này là “đúng đắn”.

Cách mạng văn hóa và các chiến dịch khác thời Mao Trạch Đông

Sau khi thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vào năm 1949, Mao Trạch Đông đã chỉ đạo hàng chục chiến dịch kéo dài cho tới khi ông ta qua đời vào năm 1976, và đã dẫn tới hàng triệu cái chết bất thường của người dân Trung Quốc.

Được nhắc đến nhiều nhất là chiến dịch Đại nhảy vọt và Cách mạng văn hóa, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người do dạn đói và đấu đá chính trị.

Ngoài ra, còn có các chiến dịch khác nhắm vào chủ đất, “thành phần phản cách mạng”, người có cảm tình dân tộc chủ nghĩa và người theo đạo Cơ đốc.

Cuộc xâm lược Tây Tạng vào năm 1950 và cuộc đàn áp khi Tây Tạng nổi dậy năm 1959 đã khiến cho hàng trăm ngàn hoặc có lẽ hàng triệu người chết vì bạo lực, cũng như chết đói và bị đàn áp trong trại giam.

Các số liệu chính thức về các ca tử vong rất khó xác định, vì các các hồ sơ chính xác có thể đã không còn được lưu giữ, hoặc đã bị mất, hoặc vẫn đang trong quá trình phân loại. Chẳng hạn các gia đình nghèo đói không muốn báo cáo tử vong vì họ không muốn mất khẩu phần của nhân khẩu đã tử vong đó.

Theo báo cáo năm 1978 của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, có 20 triệu người dân đã chết, và 100 triệu người bị bức hại và thiệt hại 800 tỷ Nhân dân tệ.

Những nghiên cứu theo sau được mở rộng hơn và đã đưa ra con số 80 triệu người chết, tuy nhiên 40 triệu là con số thường được sử dụng.

Tương tự, dữ liệu kinh tế trong thời gian này là không chính xác. Chính quyền trung ương đặt ra các mục tiêu hiệu suất rất phi thực tế cho các quan chức địa phương, dẫn đến báo cáo khống ở các cấp.

Caitlin E. Schultz, Hong Kong Free Press
Xem bài gốc tại đây
Minh Nhật biên dịch và chỉnh sửa