Ban tổ chức buổi lễ tưởng niệm kêu gọi mọi người cùng thắp nến trên khắp thành phố, cho biết những người ủng hộ vẫn có kế hoạch đến Công viên Victoria hôm 4/6 tới đây để mặc niệm. Lo ngại về virus corona chỉ là một cái cớ để cảnh sát từ chối cấp phép cho buổi lễ, cựu nghị sĩ dân chủ Pan Cheuk-yan lập luận

thiên an môn
Trong 30 năm qua, sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6 luôn là đề tài mà nhà cầm quyền muốn né tránh, thậm chí còn muốn chôn vùi sự thật lịch sử này. Hình ảnh khoảng 115.000 người Hồng Kông tưởng niệm các nạn nhân của thảm kịch ngày 4/6/2019 (Ảnh: Epoch Times)

Lần đầu tiên sau 30 năm, cảnh sát Hồng Kông đã chính thức cấm tổ chức buổi lễ thắp nến tưởng niệm Thảm sát Thiên An Môn thường được tổ chức hàng năm vào ngày 4/6, với lý do phải tuân thủ giãn cách xã hội và ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. 

Tuy nhiên, nhà tổ chức buổi lễ – Liên minh Hồng Kông hỗ trợ các phong trào dân chủ yêu nước của Trung Quốc – cho biết các thành viên vẫn sẽ vào Công viên Victoria để mặc niệm vào tối hôm đó, đồng thời kêu gọi người dân cùng thắp nến khắp thành phố và tham gia một cuộc họp trực tuyến để kỷ niệm ngày chính quyền ĐCSTQ gây ra vụ thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989. 

Theo nhà tổ chức, sẽ có ít nhất 60 gian hàng được dựng ở nhiều địa điểm khác nhau toàn thành phố vào buổi chiều để phát nến cho mọi người. 

Lệnh cấm chính thức được cảnh sát đưa ra hôm 1/6 khi Hồng Kông ghi nhận thêm 3 trường hợp nhiễm virus corona, nâng tổng số lên 5 ca nhiễm chỉ trong 2 ngày, sau hơn 2 tuần không có ca nhiễm trong cộng đồng. 

Trong bức thư từ chối, cảnh sát đã trích dẫn việc cấm các cuộc tụ họp nơi công cộng của một nhóm hơn 8 người, và cho biết bất kỳ một cuộc tụ tập lớn nào cũng sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Đáng lưu ý, lệnh cấm này trước đó đã được kéo dài đúng đến 4/6, một động thái được cho là để ngăn cản việc người dân tham gia tưởng niệm.

Lee Cheuk-yan, người đứng đầu liên minh, đã nói rằng việc chính phủ gia hạn các cuộc tụ họp là một ý đồ chính trị.

Phát biểu tại một cuộc họp báo sau quyết định hôm thứ Hai của cảnh sát, Lee cho biết cảnh sát chỉ đơn giản sử dụng virus như một cái cớ để làm điều mà họ muốn làm.

“Năm nay, vào ngày kỷ niệm 31 năm sự kiện [Quảng trường Thiên An Môn], thậm chí chưa có luật an ninh quốc gia, [việc tưởng niệm] đã bị cảnh sát ngăn cấm với cái cớ là virus,” Lee nói trong khi đeo một khẩu trang màu đen với dòng chữ “tự do ngôn luận.” 

“Chúng tôi tin rằng điều này là hoàn toàn vô lý và không khoa học, bởi vì mọi thứ đã trở lại bình thường ở Hồng Kông. Họ chỉ sử dụng cái cớ này để đàn áp cuộc tưởng niệm của chúng tôi,” anh nói thêm, chỉ ra rằng các trường học, phòng karaoke và các cơ sở thể thao đã mở cửa trở lại.

Lee cũng nhận định rằng việc buổi tưởng niệm hàng năm có được phép tổ chức hay không chính là một phép thử cho chính sách “một quốc gia, hai chế độ.” 

“Nếu họ đàn áp chúng tôi, điều đó có nghĩa là ‘một quốc gia, hai chế độ’ không còn nữa,” anh nói.

TQ trước nguy cơ bị tẩy chay mạnh nhất từ sau thảm sát Thiên An Môn (1989)

Buổi lễ thắp nến tưởng niệm năm nay diễn ra trong bối cảnh mới khi Bắc Kinh thông qua Luật An ninh quốc gia được thiết kế riêng cho Hồng Kông, theo đó nghiêm cấm các hành vi lật đổ, ly khai, khủng bố, hoặc âm mưu với sự tham gia của nước ngoài trong thành phố. 

Khẩu hiệu “chấm dứt độc tài độc đảng” mà người biểu tình ở Hồng Kông hay hô vang, do đó, sẽ có thể bị xem như vi phạm luật mới.

Lee nói rằng anh sẽ không ngừng hô vang khẩu hiệu. “Chúng tôi đã hô khẩu hiệu đó trong hơn 30 năm qua và chúng tôi sẽ tiếp tục. Điều gì đến sẽ đến,” anh nói, đồng thời bày tỏ lo ngại về Luật an ninh mà Bắc Kinh sắp áp dụng với Hồng Kông.

Vì lệnh cấm của cảnh sát, Lee cho biết cuộc thắp nến tưởng niệm sẽ được tổ chức trực tuyến và lan rộng ra khắp các quận khác nhau. Anh khuyến khích mọi người dân ở Hồng Kông tham gia với tư cách cá nhân để không vi phạm lệnh cấm, trong khi vẫn giành được sự ủng hộ từ quốc tế. 

Lê Xuân (theo SCMP)

Xem thêm: