Thời gian gần đây, tại Hồng Kông hầu như tuần nào cũng có diễu hành phản đối dự luật giao người cho Trung Quốc, ngày hôm qua (14/7), tiếp tục có hơn một trăm nghìn người tham gia diễu hành tại quận Sa Điền, trong số người tham gia có không ít người trung niên và người lớn tuổi. Người diễu hành sau đó đã xảy ra xung đột với cảnh sát, khiến ít nhất 20 người bị thương phải nhập viện, cảnh sát đã bắt giữ hơn 40 người. 

dieu hanh 14 7
Ngày 14/7/2019, quận Sa Điền tại Hồng Kông đã tổ chức cuộc diễu hành phản đối dự luật giao người cho Trung Quốc, người dân tham gia cầm nhiều biểu ngữ và áp phích khác nhau để biểu đạt kháng nghị và bất mãn. (Ảnh: Epoch Times)

Phong trào phản đối dự luật dẫn độ người sang Trung Quốc (hay còn gọi là Luật đào phạm) tại Hồng Kông hiện đã diễn biến thành hành động bảo vệ tự do, pháp trị và truyền đạt những bất mãn xã hội khác một cách rộng rãi. 

Phía đơn vị kêu gọi diễu hành cho biết, cuộc diễu hành ngày hôm qua (14/7) đã có khoảng 115.000 người tham gia; theo thống kê của cảnh sát, thời điểm cao nhất, số người kháng nghị vào khoảng 28.000 người. 

Theo thông tin từ các kênh truyền thông Hồng Kông, Cục quản lý bệnh viện Hồng Kông công bố, đến khoảng 9 giờ sáng ngày 15/7, có 20 người nhập viện, trong đó có 2 người tình trạng hết sức nguy hiểm, 4 người bị thương nghiêm trọng. 

Cuộc diễu hành kết thúc tối cùng ngày 14/7, người tham gia diễu hành đã xảy ra xung đột với cảnh sát tại trung tâm quận Sa Điền, tình hình sau đó trở lên hỗn loạn và cảnh sát đã sử dụng hơi cay và dùi cui. 

canh sat tan cong nguoi bieu tinh HK01
Cuộc diễu hành kết thúc tối cùng ngày 14/7, và có xảy ra xung đột giữ người tham gia diễu hành và cảnh sát. Hình ảnh xung đột tại ga tàu điện ngầm. (Ảnh: HK01)

Sáng ngày 15/7, ông Lư Vĩ Thông đã đến bệnh viện thăm các cảnh sát viên bị thương và nói, cảnh sát sẽ truy cứu đến cùng sự kiện xảy ra tối hôm qua, và nói rằng gần đây nhiều cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ đã diễn biến thành xung đột giữa cảnh sát và người dân, tình hình mỗi lần lại càng tồi tệ hơn, và nó đã đến mức thái quá. 

Người phát ngôn chính phủ Hồng Kông cho biết, sau khi cuộc diễu hành hoà bình kết thúc vào tối ngày hôm qua, có một bộ phận người diễu hành cố ý chặn đường, dùng bạo lực tấn công cảnh sát, và tuỳ tiện phá hoại trị an xã hội, chính phủ kịch liệt lên án những hành vi vi phạm pháp luật này, pháp trị là nền tảng của Hồng Kông, xã hội tuyệt đối sẽ không dung nhẫn những hành vi bạo lực này. 

Cục trưởng Cục cảnh sát Lư Vĩ Thông (Stephen Lo) công bố thông tin nói, ít nhất 10 cảnh sát bị thương trong sự kiện; cảnh sát đã bắt giữ hơn 40 người, tất cả những người này đều liên quan đến tội tập trung phi pháp. 

Sáng nay, Uỷ viên Hội đồng Lập pháp phe dân chủ  Doãn Triệu Kiên (Andrew Wan) phát biểu trên truyền hình rằng, xung đột xảy ra tối hôm qua, cảnh sát đã dùng khiên, dùi cui để trấn áp người biểu tình, khiến không ít người dân thành phố và người đi đường kinh hoảng, người biểu tình tại hiện trường kỳ thực khi đó đã rất ít; ông nói, cách làm của cảnh sát là “gây hấn và tạo hỗn loạn”. 

Ông Doãn Triệu Kiên thông cảm với tình huống mà cảnh sát viên ở tuyến đầu gặp phải, bởi vì trách nhiệm ở tầng quản lý, là tầng quản lý “ra lệnh cho các cảnh sát viên tuyến đầu xung đột với người dân”. 

Một nghị viên phe dân chủ khác nói, tạo thành tình huống như hiện nay, là do chính phủ không trả lời về yêu cầu đối với dự luật dẫn độ, tức không rút lại dự luật sửa đổi và điều tra cảnh sát liệu có lạm quyền hay không. 

Bà Jennie Kwan, 73 tuổi chia sẻ với Reuters: “Gần đây thật không có chút niềm tin nào với Trung Quốc, do đó người phản đối mới xuống đường. Chẳng phải là họ [Chính quyền Bắc Kinh] đã cam kết 50 năm không thay đổi Hồng Kông hay sao? Nhưng chúng tôi đều đã nhìn thấy được sự thay đổi. Bản thân tôi đã 70 tuổi rồi. Tôi nào có hiểu gì về chính trị? Nhưng chính trị lại tự tìm đến tôi.”

Một số người kháng nghị tay cầm băng rôn, kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump “Bảo vệ hiến pháp của chúng tôi”. Một số người thì cầm quốc kỳ của Mỹ và Anh Quốc.

nguoi dieu hanh cam co my va anh
Người diễu hành cầm cả cờ của Anh Quốc và Mỹ để kêu gọi bảo vệ nền dân chủ của Hồng Kông. (Ảnh: Epoch Times)

Tại hiện trường cuộc diễu hành kháng nghị còn có thể thấy bức ảnh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trên đó có ghi: “Dẫn độ đến Trung Quốc, vĩnh viễn biến mất.” Ngoài ra, còn có thể khẩu hiệu “Lâm Trịnh Nguyệt Nga xuống địa ngục” ở khắp nơi.

Ông Trần, 69 tuổi nói: “Từ tháng 6 đến nay, hầu như tôi không bỏ lỡ một cuộc diễu hành nào. Tôi ủng hộ các bạn trẻ, họ đã làm việc mà chúng tôi chưa từng làm. Chúng tôi không thể làm được gì cho họ, chỉ có thể ra ngoài tham gia diễu hành để biểu đạt sự tán thành và ủng hộ họ.”

Trí Đạt (Theo CNA)

Xem thêm: