Thông tin Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 đã không diễn ra như dự kiến vào tháng Mười, gần đây có nguồn tin cho biết Hội nghị sẽ tổ chức vào khoảng nửa đầu tháng Mười Một, là kỷ lục muộn nhất trong 30 năm qua. Giới quan sát đã đưa ra nhiều dự đoán đằng sau sự chậm trễ này.

tham nhũng
Năm nay, với cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, tình hình kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái kéo theo nhiều vấn đề chính trị – xã hội trầm trọng thêm, cơn sóng ngầm chia rẽ trong ĐCSTQ tiềm ẩn nguy hiểm hơn (Ảnh: Getty Images)

Về lý do chậm trễ

Ngày 30/10, Đài Á châu Tự do (RFA) dẫn quan điểm phân tích rằng, Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ 4 (gọi tắt là Hội nghị Trung ương 4) Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) theo dự kiến ​​sẽ được tổ chức khoảng (trước hoặc sau) ngày 10/11, vì sau khi có kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ thì Bắc Kinh mới dựa vào tình hình mới nhất để xác định chương trình cải cách. Phân tích cho rằng Bắc Kinh hy vọng đảng Dân chủ sẽ giành lại quyền kiểm soát lưỡng viện của Quốc hội Mỹ, vì điều này có thể giúp đảo ngược tình thế chiến tranh thương mại.

Nhưng ông Joseph Cheng, cựu giảng viên Khoa học chính trị tại Đại học Thành phố Hồng Kông (City University of Hong Kong) chia sẻ với Đài RFA rằng, lý do thực sự gây chậm trễ có thể vì giới chức Cộng sản Trung Quốc chưa quyết định được cách đối phó với các yêu cầu của Mỹ. Joseph Cheng nói: “Mỹ đã đưa ra yêu cầu. Trung Quốc trả lời ra sao? Xác định cách giải quyết vấn đề này là quan trọng nhất đối với ĐCSTQ, sau đó mới đến chuyện thông qua Hội nghị Trung ương 4. Vấn đề trả lời yêu cầu của Mỹ phải diễn ra trước Hội nghị Trung ương 4; giới lãnh đạo cao nhất, đặc biệt là ông Tập Cận Bình, phải đưa ra một khuôn khổ nhất định để đáp ứng yêu cầu của Mỹ”.

Ông Ngô Cường (Wu Qiang), giảng viên khoa chính trị tại Đại học Thanh Hoa Trung Quốc chú ý đến chuyến thị sát phía nam của Tập Cận Bình đã không thể có được một bài phát biểu hoàn chỉnh, ông suy đoán chuyện Hội nghị Trung ương 4 bị trì hoãn có lẽ vì quyền lực của ông Tập Cận Bình bị thách thức, đấu đá quyền lực của Bắc Kinh đã đến mức có thể đe dọa vị thế của ông Tập Cận Bình.

Minh Báo Hồng Kông vào ngày 30/10 có bài bình luận rằng, cuộc họp này sẽ được hoãn lại cho đến tháng Mười Một là để nhường chỗ tổ chức Hội chợ Triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất của Thượng Hải, từ thông báo của giới chức cho thấy Hội chợ triển lãm tại Thượng Hải này không chỉ là hoạt động ngoại giao quan trọng nhất của Trung Quốc trong năm nay, mà còn gắn liền với cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ. Theo bài viết, Bộ Cộng Thương mại Trung Quốc cho biết ngày 5/11, ông Tập Cận Bình sẽ phát biểu khai mạc Hội chợ Triển lãm, dự kiến lần này ông Tập ​​sẽ trình bày chi tiết hơn về con đường mở đối ngoại của ĐCSTQ. Do đó, Hội nghị Trung ương 4 phải đến 10/11 mới triển khai.

Ngày 28/10, Đài Phát thanh Hy Vọng (SOH) dẫn nguồn tin cho biết, thời điểm tổ chức có thể trong tháng Mười Một, có quan chức địa phương cung cấp thông tin rằng đã nhận được lệnh phải dành ra thời gian trong tháng Mười Một, theo dự tính khoảng 10/11. Bài viết trên SOH chỉ ra lý do trì hoãn cuộc họp: “Có hai tin đồn trong giới chính trị Bắc Kinh. Thứ nhất là vì có nguy cơ đảo chính, theo đó có thế lực thuộc Bộ đội Cảnh sát Vũ trang lên kế hoạch ‘nổi dậy’; tuy nhiên, kể từ khi ông Tập Cận Bình nắm chính quyền đã có nhiều tin đồn đảo chính, vì thế công tác an ninh đối với Tập Cận Bình luôn được nâng cao. Tin đồn khác là nền kinh tế Trung Quốc suy thoái nghiêm trọng, ông Tập Cận Bình hy vọng sẽ đưa ra một kế hoạch thuyết phục tại Hội nghị Trung ương 4 lần này”.

Về nội dung thảo luận

Cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ năm 2018 sẽ được tổ chức vào 06/11, cuộc bầu cử giữa kỳ này được tổ chức vào nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, được coi là chỉ số cho bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020. Theo các nguồn tin công khai trong hai tháng qua, cuộc chiến thương mại đã khiến trò chơi quyền lực nội bộ của ĐCSTQ trở nên gay gắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình chính trị Trung Quốc. Giờ đây Bắc Kinh đành hy vọng tự thân chính phủ Mỹ có những thay đổi.

Minh Báo còn chỉ ra rằng năm nay là kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa của ĐCSTQ nhưng lại vào đúng dịp cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ làm tình hình Trung Quốc rối ren, vì vậy Hội nghị Trung ương 4 lần này tập trung vào chủ đề tăng cường hơn nữa cải cách và mở cửa.

Hãng tin Reuters thì dẫn nguồn tin từ Bắc Kinh chỉ ra: “Theo một số quan chức địa phương mà chúng tôi đã liên lạc thì được biết Hội nghị Trung ương 4 sẽ mở trong tháng Mười Một, chủ đề của hội nghị là tăng cường cải cách, thực hiện các mục tiêu được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 3…”. Người chia sẻ thông tin cho Reuters nhận định hiện nay cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ vẫn tiếp tục, chưa rõ kết quả đàm phán giữa hai bên, tình hình xung quanh rất bấp bênh, Bắc Kinh hy vọng sau khi xác định các yếu tố rõ ràng hơn mới xác định kế hoạch cải cách tiếp theo. Nguồn tin còn cho biết, Hội nghị này sẽ xác định Trung Quốc nên xây dựng nền kinh tế thị trường như thế nào: “Xu hướng chính vẫn là trong kinh tế thì phải để cho thị trường tự do quyết định, nhưng về chính trị phải chú trọng tập trung quyền lực”.

Hãng tin Yonhap Hàn Quốc dẫn thông từ Bắc Kinh cho biết, Hội nghị Trung ương 4 có thể thảo luận các kế hoạch để đối phó với cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ.

Nhật báo Apple tại Hồng Kông cũng dẫn phân tích rằng, ĐCSTQ sẽ nhân kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa để tuyên truyền cường điệu những thành tựu; nhưng Hội nghị toàn thể lần này sẽ liên quan đến nhiều vấn đề chính trị và kinh tế cấp bách: cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ bế tắc dẫn đến tình hình kinh tế Trung Quốc suy thoái nặng nề, thậm chí còn ảnh hưởng đến kế hoạch kinh tế lâu dài của Trung Quốc; và đặc biệt là gây khủng hoảng chính trị. Phân tích của Nhật báo Apple cho rằng Trung Quốc phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thực tế, trong đó bao gồm bộ máy quan liêu bị chiến dịch chống tham nhũng làm cho tê liệt, gây bầu không khí u uất, hy vọng Hội nghị Trung ương 4 sẽ chấn chỉnh tình hình, xử lý cảnh cáo các quan chức lười biếng không chịu làm việc.

Đài RFA thì dẫn ý kiến của giảng viên Ngô Cường tại Đại học Thanh Hoa chỉ ra, gần đây có hiện tượng nhiều quan to nghỉ hưu bất ngờ liên tục xuất hiện trước công luận, cho thấy cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng hiện nay có vẻ không rõ ràng. Xét về chiều sâu của cải cách và mở cửa, hiện nay có rất nhiều tranh luận, trong đó có quan điểm phủ nhận thành tựu do cải cách và mở cửa, cũng có quan điểm nhấn mạnh phải tăng cường quan hệ quốc tế, vì thế chưa thể rõ quan điểm cơ bản tại Hội nghị Trung ương 4 là gì.

Thông tin công khai cho thấy, nếu Hội nghị Trung ương 4 đến giữa tháng Mười Một mới bắt đầu thì sẽ là kỷ lục chậm trễ trong 30 năm qua, là hiện tượng bất thường. Thông thường kỳ họp này diễn ra trong nửa cuối tháng Chín, Hội nghị Trung ương 4 khóa 18 được tổ chức từ ngày 20 – 23/10/2014 cũng đã là khá muộn; trong khi Hội nghị Trung ương 4 của khóa 13 là vào ngày 23/6/1989, là thời điểm nổ ra sự kiện đàn áp Thiên An Môn ngày 4/6/1989.

Năm nay, với cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ nghiêm trọng, kinh tế Trung Quốc Đại lục tiếp tục suy thoái, kéo theo nhiều vấn đề chính trị – xã hội Trung Quốc trầm trọng thêm, trong đó đặc biệt là tin đồn về vai trò quyền lực của ông Tập Cận Bình. Trong bức tranh chính trị và kinh tế Trung Quốc đặc biệt nhạy cảm như hiện nay đã khiến Hội nghị Trung ương 4 khóa 19 được chú ý đặc biệt hơn: liệu có dẫn đến thay đổi lớn nào không?

Trí Đạt

Xem thêm: