Các học giả Trung Quốc mới đây đã bác bỏ ý kiến cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông để kiểm soát toàn bộ khu vực không phận tại vùng biển đang tranh chấp này.

Embed from Getty Images

Một bài báo được đăng hôm 6/7 bởi Sáng kiến Thăm dò Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) của hai tác giả Cao Qun, nhà nghiên cứu của Viện Quốc tế học thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc; và ông Bao Yinan, phó giáo sư Trường Luật Quốc tế thuộc Đại học miền Đông Trung Quốc về Khoa học Chính trị và Luật đã khẳng định “không có bằng chứng nào cho thấy chính phủ Trung Quốc dự định thiết lập ADIZ tại Biển Đông trong tương lai gần”.

Hai tác giả cho rằng tin đồn như vậy có mục đích gây ra sự chia rẽ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trong khu vực “nhằm cản trở hợp tác.”

Bài báo chỉ ra các báo cáo gần đây tại Hồng Kông, Đài Loan và phương Tây đã gây ra sự ầm ĩ quá mức về khả năng xuất hiện của một ADIZ, trong đó nổi bật là bình luận của Tư lệnh Không quân Hoa Kỳ, Tướng Charles Q. Brown Jnr hôm 24/6 cho rằng động thái của Trung Quốc đi ngược lại với “trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc” và trái với khái niệm một “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.”

Theo ông Cao và ông Bao, động cơ phía sau “những giả thuyết bịa đặt đầy tính đe doạ” như vậy là để tạo ra “các căng thẳng ngoại giao và xung đột ngẫu nhiên” giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN.

Tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang có một ADIZ tại biển Hoa Đông được thiết lập vào tháng 11 năm 2013. Nhiều nguồn tin sau đó đã tiết lộ rằng Bắc Kinh đang có kế hoạch tương tự ở biển Đông, trong đó một nguồn tin nội bộ từ phía quân đội Trung Quốc đã nói với SCMP hồi tháng 5 vừa qua rằng vùng này sẽ bao gồm toàn bộ các Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và Đông Sa và sẽ được công bố vào một thời gian thích hợp. Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng xác nhận việc này trong cùng tháng.

ADIZ không phải là hiếm trên thế giới, nhiều quốc gia đã thành lập vùng nhận diện để thiết lập hệ thống cảnh báo sớm về sự xâm nhập của các máy bay có thể là thù địch. ADIZ là một phạm vi vùng trời do một quốc gia tự ấn định và đòi hỏi mọi phương tiện bay dân sự đi qua vùng này phải nhận dạng, xác định vị trí và chịu sự kiểm soát của quốc gia đó. ADIZ không đồng nghĩa với không phận của một quốc gia, nhưng nó được coi như khu vực tồn tại song hành với khu vực an ninh quốc phòng.

Mặc dù khăng khăng cho rằng các báo cáo gần đây về ADIZ ở Biển Đông là không đúng, nhưng bài báo của SCSPI lại khẳng định rằng “Trung Quốc có quyền thiết lập ADIZ tại Biển Đông và không có trách nhiệm phải báo cáo cho ai về thời gian và chi tiết cụ thể của kế hoạch như vậy”.

Ông Cao và ông Bao cũng khẳng định ADIZ không có liên hệ trực tiếp với các yêu sách về chủ quyền lãnh thổ và ranh giới lãnh hải của nước đó.

Mặc dù điều này có thể đúng trong một số trường hợp, nhưng ADIZ hiện tại của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông “lại sử dụng những yêu sách đặc biệt của Bắc Kinh về thềm lục địa như là nguyên tắc cho việc phân định ranh giới”, ông Alessio Patalano, chuyên gia về an ninh Đông Á của Khoa nghiên cứu chiến tranh thuộc King’s College London cho biết.

“Như vậy, trừ khi Trung Quốc làm rõ những nguyên tắc mà họ đã áp dụng cho ADIZ tại Biển Hoa Đông, nếu không thì không có lý do gì để loại trừ việc ADIZ tại Biển Đông sẽ liên quan đến các yêu sách hiện thời của Bắc Kinh,” ông cho biết, và nói thêm rằng dựa trên các tiền đồn quân sự nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng tại Biển Đông, nước này đã có tất cả những gì cần thiết để giám sát và do thám mà không cần đến một ADIZ.

Bắc Kinh tiếp tục âm mưu lập ADIZ, bao phủ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Theo bà Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Quyền lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, “Trung Quốc muốn thiết lập một ADIZ như một phần trong tham vọng lớn hơn của họ nhằm kiểm soát Biển Đông”. Bà lưu ý rằng một số quốc gia trong khu vực đã bày tỏ quan ngại về một vùng như vậy – đặc biệt khi xem xét những quy định “gây lo ngại” của Bắc Kinh đối với ADIZ hiện có của họ tại Biển Hoa Đông mà bà nói rằng “vượt xa những gì hầu hết các quốc gia khác yêu cầu”.

“Ví dụ, họ yêu cầu tất cả máy bay bay vào vùng ADIZ – dù họ có ý định bay vào không phận lãnh thổ Trung Quốc hay không thì đều phải tuân thủ các yêu cầu nhận dạng. Hoa Kỳ chỉ yêu cầu máy bay dự định bay vào không phận lãnh thổ của họ tuân thủ các quy định của họ,” bà nói.

“Thậm chí đáng báo động hơn nữa là Trung Quốc đe dọa rằng một máy bay không tuân thủ có thể buộc quân đội Trung Quốc thực hiện ‘các biện pháp phòng vệ khẩn cấp’. Nếu điều này áp dụng tại Biển Đông, nó chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng.”

Bài báo của ông Cao và ông Bao xuất hiện sau khi Mỹ và Trung Quốc cùng tiến hành các cuộc tập trận quân sự trong khu vực. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên sau đó đã chỉ trích “động cơ phía sau” của Washington nhằm phá hoại sự ổn định trong khu vực.

“Hoa Kỳ đã cố tình phái các lực lượng quy mô lớn để tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn trong các vùng biển có liên quan của Biển Đông để chứng tỏ sức mạnh quân sự của họ,” ông Triệu nói trong một cuộc họp báo ngắn.  

Trung Quốc đã thực hiện một số động thái trong những tháng gần đây được xem là muốn đơn phương khẳng định quyền tài phán đối với Biển Đông.

Vào tháng 4, Trung Quốc đã công bố hai khu hành chính mới để quản lý Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời đặt tên cho 80 khu vực địa lý nhỏ mới trong vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Cũng trong khoảng thời gian này Bắc Kinh đã phái một tàu khảo sát tiến vào vùng biển Malaysia, được xem như một chiến thuật đe dọa nhằm ngăn chặn việc thăm dò nguồn tài nguyên của quốc gia Đông Nam Á này.

Gia Huy (theo SCMP)

Xem thêm: