Hôm 23/10, Thời báo Tài chính (Financial Times) của Anh đưa tin Bắc Kinh có ý bổ nhiệm “Trưởng đặc khu lâm thời” thay thế bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Tuy nhiên, chiều tối cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gấp rút lên tiếng “bác tin đồn”. Có học giả Hồng Kông cho biết, liên quan đến việc thay thế bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), có khả năng là do thế lực nào đó trong chính quyền Bắc Kinh tung tin. 

Carrie Lam, Lâm Trịnh Nguyệt Nga
Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga trong buổi họp báo ngày 3/9. (Ảnh: Facebook.com/standnewshk)

Chiều ngày 23/10, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng về bài báo nói Bắc Kinh có kế hoạch thay thế bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đây là “lời đồn có dụng ý chính trị khác”. Cùng ngày, Văn phòng Trưởng Đặc khu Hồng Kông yêu cầu “không bình luận về thông tin mang tính suy đoán”.

Thời báo Hoàn Cầu, kênh truyền thông của ĐCSTQ ở hải ngoại cũng thông qua tài khoản Twitter, dùng tiếng Anh để nhắc đến bản tin ngắn của Thời báo Tài chính là “tin đồn chính trị có dụng ý khác”.

Sáng ngày 23/10, Thời báo Tài chính trích dẫn thông tin của một nhân sĩ giấu tên cho biết, Bắc Kinh đang cân nhắc dùng “Trưởng Đặc khu hành chính lâm thời” để thay thế bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Ứng cử viên được lựa chọn bao gồm cựu Giám đốc Cơ quan Quản lý tiền tệ Hồng Kông Trần Đức Lâm (Norman Chan), cựu Vụ trưởng Vụ Tài chính và Vụ trưởng Chính vụ Hồng Kông Đường Anh Niên (Henry Tang).

Thông tin còn cho biết, nếu ông Tập Cận Bình đưa ra quyết định này, thì vào kỳ “lưỡng hội” của ĐCSTQ tổ chức vào tháng 3 năm sau, người được bổ nhiệm sẽ tiếp tục quản lý Hồng Kông cho đến hết nhiệm kỳ của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga vào năm 2022.

Theo truyền thông Hồng Kông đưa tin, ông Trần Đức Lâm đã trả lời về thông tin này rằng “không hồi đáp về suy đoán thị trường”; ông Đường Anh Niên thì nói bài báo này “đơn thuần chỉ là suy đoán”.

Nghị viên Hội đồng Lập pháp thuộc phe dân chủ Lâm Trác Đình hôm qua cũng nói, khi vị trí Trưởng Đặc khu trống, cần chiểu theo Điều 45 Luật Cơ bản để bầu Trưởng Đặc khu mới, và không tồn tại cách làm “bổ nhiệm” Trưởng Đặc khu lâm thời đến năm 2022. Ông cũng cho rằng nếu Thời báo Tài chính đưa tin là đúng sự thực, thì việc làm này của Bắc Kinh đã vi phạm nghiêm trọng Luật Cơ bản.

Tối 23/10, Đài Phát thành Truyền hình Hồng Kông trực thuộc cơ quan truyền thông của Chính phủ Hồng Kông trích dẫn phân tích của giảng viên cao cấp thuộc Đại học Trung văn Hồng Kông Thái Tử Cường rằng, việc thay thế bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga có thể đại biểu cho cách nghĩ của “thế lực nào đó ở Bắc Kinh”.

Ông Thái Tử Cường nhận định, nếu Bắc Kinh bổ nhiệm Trưởng Đặc khu lâm thời thay thế bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, chứ không phải do Tổng thư ký hành chính bổ nhiệm Trưởng Đặc khu, cách làm này vi phạm hiến chế hiện hành, sẽ khiến cho quốc tế lên án mạnh mẽ. Còn lãnh đạo ĐCSTQ vẫn luôn nhắc đi nhắc lại rằng làm việc dựa theo Luật Cơ bản, do đó không loại trừ một phần nội dung đưa tin liên quan “có chỗ lẫn lộn”.

Ông cho rằng, liệu có xuất hiện tình huống thay thế Trưởng Đặc khu như bản tin của tờ báo Anh hay không, điều này có rất nhiều biến số.

Từ khi Hồng Kông bùng nổ phong trào chống Dự luật Dẫn độ đến nay, biểu hiện của Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho thấy, bà chỉ là con rối của chính quyền ĐCSTQ, không thể tự quyết định.

Hồi tháng 7, Thời báo Tài chính cũng đưa tin, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đề xuất từ chức, nhưng Bắc Kinh buộc bà phải ở lại. Chính phủ Hồng Kông và chính phủ ĐCSTQ sau đó đều phủ nhận việc bà Lâm muốn từ chức. Trong một cuộc họp báo hồi tháng 9 vừa qua, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nói một cách kiên định rằng chưa từng đề xuất từ chức với chính phủ Trung ương, thậm chí không hề nghĩ đến sẽ bàn việc từ chức với chính phủ Trung ương.

Tuy nhiên, Reuters sau đó đã công bố một đoạn ghi âm phát biểu của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga trong một cuộc họp kín, bà Lâm cho biết nếu có thể lựa chọn, việc đầu tiên bà muốn làm chính là từ chức và xin lỗi. Ý của bà là, việc bà có từ chức hay không, không phải do bản thân bà tự quyết định.

Người dân Hồng Kông diễu hành kháng nghị, đề xuất 5 yêu cầu lớn trong đó có một yêu cầu là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức nhưng yêu cầu cuối cùng vẫn là thực hiện bầu cử phổ thông đầu phiếu một cách thực sự.

Liên quan đến bài báo của Thời báo Tài chính có chính xác hay không, đến nay vẫn không thể nào xác minh được. Giới quan sát cho rằng, ĐCSTQ xưa nay vẫn điều khiển mọi việc một cách bí ẩn, nên trước khi đưa ra quyết định nào đó thường thường sẽ cật lực che đậy.

Theo học giả Hồng Kông Thái Tử Cường phân tích ở trên, thông tin thay thế bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga có lẽ đại biểu cho “cách nghĩ của thế lực nào đó ở Bắc Kinh”. Có kênh truyền thông tiếng Trung ở nước ngoài phân tích cho rằng, về vấn đề Hồng Kông, ý kiến ở cao tầng của ĐCSTQ từ lâu đã có sự chia rẽ, có lẽ có người hy vọng mượn “đòn gió” để kiểm soát cục diện chính trị.

Hồng Kông lâu nay vẫn là tiền tuyến đấu đá quyền lực của Trung Nam Hải. Hồng Kông – Macao hiện nay chính là hệ thống của thế lực Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng để lại. Hiện thành viên của Tiểu ban Trung ương Điều phối công tác Hồng Kông – Macao gồm Hàn Chính, Dương Khiết Trì, Trương Hiểu Minh và Vương Chí Dân đều thuộc phe phái Giang Trạch Dân.

Gần đây, ngoại trừ Bộ trưởng Bộ Công an Triệu Khắc Chí thân với ông Tập Cận Bình, nhậm chức Phó Trưởng Tiểu ban trung ương Điều phối công tác Hồng Kông – Macao, còn có Phó Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc Trung ương tại Hồng Kông Trần Đông thăng chức làm Phó Bí thư Đảng bộ, và trở thành người đứng đầu trong các Phó chủ nhiệm Văn phòng này. Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Các vấn đề Hồng Kông – Macao Hướng Bân được thăng chức làm thành viên Đảng bộ. Những chiều hướng này được cho là ông Tập Cận Bình đang làm loãng địa bàn của phe Giang Trạch Dân, từ đó tăng thêm quyền kiểm soát các khu vực này.

Ngoài ra, trong thời gian người dân Hồng Kông liên tiếp biểu tình kháng nghị, đôi khi lại có thông tin cho rằng, cựu lãnh đạo các phe phái chính trị tại Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay đã vô cùng bất mãn về việc Hồng Kông dưới thời ông Tập Cận Bình biến thành tình trạng như hiện nay. Có thể nói là bầu không khí ở cao tầng của ĐCSTQ hết sức căng thẳng.

Nhà bình luận chính trị kỳ cựu Lâm Bảo Hòa có bài viết chỉ ra, cục diện rối loạn ở Hồng Kông đúng là sự phản ánh các phe phái khác nhau ở Bắc Kinh. Hồng Kông hiện tại đang bị kẹt giữa cuộc đấu đá quyền lực của nội bộ ĐCSTQ. Các phe phái đều hy vọng đối phương phạm sai lầm để nắm được thóp. Hiện không cách nào suy đoán được đấu đá quyền lực ở cao tầng ĐCSTQ sẽ phát triển tới bước nào, nhưng dù phe nào thắng, cái giá phải trả vẫn là Hồng Kông.

Trí Đạt

Xem thêm: