Ngày 4/9, Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã có bài phát biểu đến toàn bộ người dân Hồng Kông, chính thức tuyên bố rút lại luật dẫn độ, nhân sĩ dân chủ Hồng Kông đã hồi đáp lại phát biểu của là Lâm, nói rằng quyết định của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đến “quá muộn”, điều người dân Hồng Kông cần là cả 5 yêu cầu chính được thực hiện, còn rút lại dự luật dẫn độ chỉ là một trong 5 yêu cầu đó. 

Hoàng Chi Phong
Hoàng Chi Phong và một số lãnh đạo đảng Dân tiến Đài Loan trong cuộc họp báo ngày 3/9. (Ảnh: CNA)

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã phát biểu đến toàn bộ người dân Hồng Kông, đưa ra “4 hành động lớn” của chính phủ, bao gồm: (1) Chính thức rút lại dự thảo luật dẫn độ; (2) Mời bà Dư Lê Thanh Bình và ông Lâm Định Quốc tham gia vào Uỷ ban độc lập Giám sát cảnh sát xử lý khiếu nại (Independent Police Complaints Council); (3) Đối thoại với người dân; (4) Nghiên cứu độc lập và xem xét các vấn đề sâu rộng của xã hội. 

Trong video được phát sóng rộng rãi hôm thứ Tư, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố: “Chính phủ sẽ chính thức rút lại dự luật này, để loại bỏ hoàn toàn những lo ngại của công chúng.”

Hoàng Chi Phong: Đừng bị chính phủ Hồng Kông và Bắc Kinh lừa dối

Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) Tổng thư ký đảng Demosistō Hồng Kông, người tích cực tham gia các hoạt động kháng nghị phản đối dự luật dẫn độ trong thời gian qua, đã đáp lại tuyên bố của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, nói rằng bà Lâm biểu đạt thái độ “quá muộn”, và hy vọng bà Lâm có thể giải quyết cả 5 yêu cầu của người biểu tình, chứ không chỉ là rút lại dự luật dẫn độ. Trên Twitter, Hoàng Chi Phong đã viết 5 tuyên bố: 

  1. Cam kết quá ít, và đến quá muộn, 7 sinh mạng đã phải hy sinh, hơn 1200 người kháng nghị bị bắt, trong đó có nhiều người bị ngược đãi trong sở cảnh sát, thì bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga mới đưa ra hồi đáp. 
  2. Những hành vi tàn bạo của cảnh sát trong mấy tuần trước, đã lưu lại vết thương không thể xoá nhoà trong xã hội Hồng Kông. Do đó, lúc này, khi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố rút lại dự luật, mọi người sẽ không tin đây là hành động “chân thành”.
  3. Ngược lại, người Hồng Kông hiểu rất rõ rằng, tiếng xấu của bà đã được ghi lại. Mỗi lần bà phát đi tín hiệu hoà bình, luôn đi kèm đó là sự hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với dân quyền. Cũng trong hôm 4/9, Thang Gia Hoa (Ronny Tong Ka-wah, một luật sư lâu năm trong chính phủ Hồng Kông) đã kiến nghị sử dụng cảnh sát mật. 
  4. Chúng tôi cũng thúc giục toàn thế giới cảnh giác với mánh khoé này, chớ để bị chính phủ Hồng Kông và Bắc Kinh lừa dối. Thực tế, họ không hề có bất cứ nhượng bộ nào, và đang tiến hành trấn áp toàn diện.
  5. Nói một cách đơn giản, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tiếp tục phán đoán sai tình hình, điều này khiến cho tuyên bố của bà hoàn toàn không có cơ sở, bà ấy cần phải đáp ứng tất cả những yêu cầu: Dừng tố cáo và buộc tội người biểu tình! Dừng việc định nghĩa chúng tôi là bạo đồ, tiến hành điều tra độc lập đối với cảnh sát, và bầu cử một cách tự do!

Trần Vĩ Cường: Lâm Trịnh Nguyệt Nga khó có thể giành được tín nhiệm của người Hồng Kông

Tác giả chuyên trang đặc biệt trên tờ Nhật báo Đông Phương, Giảng viên Đại học Bách khoa Hồng Kông (The Hong Kong Polytechnic University) Trần Vĩ Cường (Wai-keung Chan) cho biết, việc bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố rút lại dự luật dẫn độ, hiệu quả không không hẳn là lớn, và khó có thể giảm nhiệt dư luận ngay lập tức. 

Ông nói, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cần giải thích vì sao lại tuyên bố rút lại dự luật sửa đổi vào thời điểm này, và bà ấy không gặp mặt phóng viên, cũng không muốn đối mặt với công chúng, điều này khiến bà ấy khó có thể giành được sự tín nhiệm của người dân Hồng Kông. 

“Dự luật giao người cho Trung Quốc” sẽ cho phép dẫn độ nghi phạm đến Trung Quốc Đại lục, chịu sự xét xử bởi hệ thống pháp luật không minh bạch của đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều này đã khiến Hồng Kông bùng nổ các hoạt động phản đối dự luật một cách toàn diện trên quy mô lớn, sau đó đã diễn biến thành một phong trào dân chủ rộng rãi. Hoàng Chi Phong viết trên Fcaebook rằng: “5 yêu cầu lớn, không thể thiếu bất cứ điều nào, khôi phục Hồng Kông, cách mạng thời đại.”

Ngày 3/9, Tổng thư ký đảng Demosistō Hoàng Chi Phong, Nghị viên Hội đồng lập pháp Hồng Kông Chu Khải Địch (Eddie Chu Hoi-Dick) và cựu Tổng thư ký Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông Sầm Ngạo Huy (Lester Shum) đã đến Đài Loan và tiếp xúc với các chính đảng quan trọng tại Đài Loan, trong đó có đảng Dân tiến – đảng đang chấp chính của Đài Loan, mục đích chuyến thăm Đài Loan lần này là kêu gọi các giới tại Đài Loan toàn lực ủng hộ “phong trào phản đối dự luật dẫn độ” đang diễn ra tại Hồng Kông. 

Trước đó, ngày 3/9, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga công khai nói rằng bà chưa hề yêu cầu từ chức trước chính phủ Bắc Kinh. Tuy nhiên, trong đoạn băng ghi âm bị rò rỉ, bà Lâm cho biết, bản thân bà đã gây ra sóng gió cho Hồng Kông, nếu có lựa chọn, bà sẽ từ chức, và nói lời xin lỗi với người dân. Trong băng ghi âm, bà Lâm còn nói, dường như bà không có không gian thương lượng để xử lý sự kiện đang xảy ra tại Hồng Kông.

Trí Đạt

Xem thêm: