Ngày 30/6/2020, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phớt lờ hiệp ước Trung – Anh, bỏ qua Luật Cơ bản Hồng Kông, đồng thời thao túng Đại hội Đại biểu Nhân dân thông qua Luật An ninh quốc gia Hồng Kông. Sau đó, ĐCSTQ bắt đầu bắt bớ hàng trăm người ở Hồng Kông, tiến hành điều tra ngôn luận để chuẩn bị cho một cuộc “khủng bố đỏ”. Trong nước, ĐCSTQ kích động lòng “yêu nước yêu Đảng”, nhằm hợp thức hóa việc thôn tính Hồng Kông và tranh thủ quạt ngọn lửa về phía Đài Loan, với khẩu hiệu “thốn thủ tất tranh” (một tấc đất cũng phải tranh giành). Tuy nhiên chỉ mấy ngày sau, ĐCSTQ lại im hơi lặng tiếng khi Đại sứ quán Nga ở Trung Quốc đăng tải một đoạn video chúc mừng kỷ niệm 160 năm thành lập Vladivostok (2/7/1860 – 2/7/2020), phần lãnh thổ từng được gọi là Hải Sâm Uy (Haishenwai). Bởi Vladivostok có liên quan đến một đoạn lịch sử bán nước của ĐCSTQ nên tất nhiên là diện mạo “chiến lang” phải thay đổi thành “im hơi lặng tiếng”.

Hải Sâm Uy, Vladivostok và một đoạn lịch sử bán nước của ĐCSTQ
Vladivostok nhìn từ trên cao. (Ảnh: Роберт Рэй/Wikipedia, CC0 1.0 Universal)

Hải Sâm Uy – Vladivostok

Cái tên Hải Sâm Uy (Haishenwai) đã tồn tại ở vùng đất nay là Vladivostok dưới thời nhà Thanh. Vào năm 1689, Điều ước Nerchinsk Trung – Nga đã quy định rõ ràng Hải Sâm Uy thuộc về lãnh thổ của nhà Thanh. Sau khi chiến tranh Nha phiến lần thứ hai kết thúc, vào năm 1860, Điều ước Bắc Kinh Trung – Nga đã cắt nhượng lại gần 400.000 km2 lãnh thổ phía đông sông Ussuri (bao gồm Sakhalin).

Vào năm 1945, Tưởng Giới Thạch đề xuất với Stalin là Trung Quốc cần lấy lại các vùng đất chủ quyền như Đại Liên, Haishenwai, Sakhalin, v.v.. Vào ngày 15/8/1945, Hiệp ước hữu nghị liên minh Trung – Xô được ký kết. Trong hiệp ước này quy định rõ ràng Hải Sâm Uy, đồn 64 Giang Đông và cửa sông Đồ Môn thuộc về chủ quyền của Trung Quốc. Kế hoạch lấy lại Sakhalin của chính phủ Dân Quốc không thể đạt được thỏa thuận hoàn chỉnh với Liên Xô. Vào thời điểm đó, người đại diện do Tưởng Giới Thạch phái đến là Tống Tử Văn không ký kết Hiệp ước, nhưng ngoại trưởng Vương Thế Kiệt đã đứng ra ký kết Hiệp ước.

Như vậy theo Hiệp ước hữu nghị liên minh Trung – Xô thì Trung Quốc sẽ lấy lại Hải Sâm Uy 50 năm sau đó. Tuy nhiên Hải Sâm Uy hiện nay trở thành một phần lãnh thổ của nước Nga với tên tiếng Nga là Vladivostok. Từ này phiên dịch sang tiếng Trung có nghĩa là “thống trị phương Đông”. Vì sao lại như vậy?

Đoạn lịch sử bán nước những năm 1990 mà ĐCSTQ muốn che giấu

Dựa theo Hiệp ước hữu nghị liên minh Trung – Xô, Hải Sâm Uy sẽ trở về với Trung Quốc vào năm 1995. Nhưng sau khi Giang Trạch Dân lên cầm quyền, mọi thứ đã thay đổi.

Giang Trạch Dân đã từng bốn lần ký kết với tổng thống Nga về Hiệp định biên giới phía Đông nước Nga (1991), Hiệp định Trung – Nga về khu vực phía Tây (1994), Nghị định liên quan đến khu vực phía Đông và phía Tây đường biên giới Trung – Nga (1999), Điều ước hợp tác hữu nghị láng giềng Trung – Nga (2001).

Bằng hình thức ký kết các hiệp ước xác định đường biên giới này, Giang Trạch Dân đã khiến cho Trung Quốc vĩnh viễn mất đi 1,6 triệu km2 lãnh thổ vào tay nước Nga. Điều đáng chú ý là trong khoảng thời gian những năm 1990 thì giữa Trung Quốc và Nga không còn áp lực ngoại giao to lớn nữa.

Nguyên nhân vì sao Giang Trạch Dân cần phải ký kết các loại hiệp ước này đến nay vẫn còn không được công khai. Có nguồn tin cho rằng, Giang Trạch Dân bị vướng vào thủ đoạn từng được Liên Xô sử dụng trong cuộc Chiến Tranh Lạnh. Chính là Giang Trạch Dân đã bị nữ điệp viên Liên Xô dụ dỗ trong thời gian ông ta du học ở Liên Xô, đồng thời bị Liên Xô lưu lại chứng cứ. Liên Xô tan rã vào năm 1991, nhưng Nga vẫn lưu giữ những thứ này. Sau khi họ Giang độc chiếm quyền lực, ông ta đã bị Nga đe dọa công bố những điều này, nên chỉ còn cách rao bán lãnh thổ quốc gia để che giấu hành vi hoang dâm của mình.

Dẫu là nguyên nhân gì, ĐCSTQ vẫn luôn bị ám ảnh bởi đoạn lịch sử ô uế của bản thân nó. Nếu nó công bố sự việc này cho người dân thì không chỉ đụng chạm đến vấn đề Giang Trạch Dân bước xuống vũ đài, mà còn là vấn đề sụp đổ của ĐCSTQ. Do đó, đoạn lịch sử này cũng đã trở thành bí mật quốc gia tối cao của ĐCSTQ.

Bặt vô âm tín

Vào ngày 2/7/2020, Đại sứ quán Nga ở Trung Quốc không chỉ công bố đoạn video chúc mừng kỷ niệm 160 năm ngày thành lập Vladivostok trên Weibo, mà trong bài viết bằng tiếng Trung còn cố ý ghi rõ tên Vladivostok có ý nghĩa là “thống trị phương Đông”. Đây rõ ràng là chà xát vào vết thương của Trung Quốc. Cư dân mạng thấy rằng ĐCSTQ không chỉ im lặng để cho Nga làm như vậy, mà còn nghi ngờ ĐCSTQ đã thiết lập cơ chế rà soát bình luận trên Weibo để kiểm soát hành vi chỉ trích Nga.

Hải Sâm Uy, Vladivostok và một đoạn lịch sử bán nước của ĐCSTQ

Đối với vấn đề Hồng Kông và Đài Loan, truyền thông Trung Quốc “phô thiên cái địa” tuyên truyền, nhưng đối với Hải Sâm Uy, không có kênh truyền thông nào của ĐCSTQ lên tiếng chỉ trích việc nước Nga đang sỉ nhục người Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao của ĐCSTQ cũng bặt vô âm tín.

Tổng biên tập Hồ Tích Tiến của Thời báo Hoàn Cầu (kênh truyền thông của ĐCSTQ) cũng không dám dùng kênh truyền thông, mà chỉ dám đăng bài trên Weibo. Vào ngày 3/7, Hồ Tích Tiến đăng bài lên Weibo về Hải Sâm Uy. Trước tiên ông ta “bày tỏ” lòng yêu nước’ lên tiếng phê phán hành động của chính phủ Nga không biết tôn trọng người dân Trung Quốc. Ngay sau đó, chủ đề cuộc nói chuyện liền chuyển sang “an ủi”: “Đối với sự thật này, người Trung Quốc chúng ta cần phải chấp nhận… dù cho chúng ta có cảm tình nhiều hay ít đối với vùng đất cố hương… Trung Quốc là một đất nước duy hộ luật pháp quốc tế nên không thể biểu đạt chúng ta có ý kiến mong muốn chính quyền nước nào sẽ lấy lại vùng đất đó trong tương lai.”

Xem ra “lòng yêu nước” mà ĐCSTQ tuyên dương bất quá chỉ là xách động thứ tình cảm méo mó bị nhồi sọ trong chế độ, để đối kháng với xã hội tự do phương Tây và những lời phê phán của giới nhân sĩ chính nghĩa trong nước đối với ĐCSTQ. Mục đích của nó là lợi dụng người dân để trốn tránh bị người khác vạch trần và chỉ trích.

Quân đội Liên Xô tại Trung Quốc

Nhìn lại tội ác của Liên Xô tại vùng Đông Bắc Trung Quốc, có thể thấy cái gọi là “cảm tình” của người cộng sản là như thế nào.

Vào năm 1945, sau Hiệp ước Yalta, trước khi Thế chiến thứ hai kết thúc, quân đội Liên Xô mượn danh nghĩa giúp đỡ Trung Quốc kháng Nhật ở vùng Đông Bắc, nhưng quân đội Liên Xô cùng quân đội ĐCSTQ không hề có ý kháng Nhật, chỉ là chờ quân đội Quốc Dân Đảng và Nhật tiêu hao lẫn nhau. Tại vùng Đông Bắc, quân Liên Xô giết người cướp bóc và cưỡng hiếp phụ nữ, không việc ác nào không làm.

Tác giả Long Ứng Đài, nguyên Bộ trưởng Bộ văn hóa Đài Loan, đã viết trong cuốn sách “Đại giang đại hải 1949” về quân đội Liên Xô:

“Vào mùa đông năm đó, một thanh niên Đài Bắc 21 tuổi tên là Hứa Trường Khanh đã đến trạm xe lửa Thẩm Dương tiễn đưa người bạn thân. Anh vừa xoay người lại liền nhìn thấy cảnh tượng như sau: Phía trước trạm xe lửa Thẩm Dương là một quảng trường lớn cỡ như quảng trường phía trước Phủ Tổng thống Đài Loan hiện nay. Khi anh ấy vừa định ra về thì nhìn thấy trên quảng trường có một phụ nữ tay dắt hai đứa con nhỏ, trên lưng cõng một đứa, còn có một đứa lớn đi bên cạnh tay cầm mẹt rơm, tổng cộng là có năm người. Cùng lúc đó, có khoảng bảy tám binh sĩ Liên Xô đứng vây xung quanh, bọn họ mặc sức cưỡng bức người mẹ và dùng bạo lực với mấy đứa nhỏ không màng đến sự chú ý của những người xung quanh đó. Chúng lôi đứa bé trên lưng bà ấy xuống khiến cho đứa nhỏ khóc mếu máo. Sau khi quân lính Liên Xô hãm hiếp xong thì bảo mẹ con họ nằm xuống đất ngay ngắn, rồi xả súng máy bắn chết họ…”

“Điều mà Hứa Trường Khanh chứng kiến rất có thể là những việc mà phụ nữ và trẻ em Nhật Bản đang gặp phải ở vùng Đông Bắc thời bấy giờ, nhưng bản thân người Trung Quốc khi đó cũng sống trong nỗi sợ hãi tương tự. Mùa đông năm 1945, anh Hứa đã chứng kiến sự việc xảy ra ở Trường Xuân: Phàm là những nơi đóng quân của Liên Xô thì phụ nữ đều bị cưỡng dâm, đồ đạc bị mang đi và phòng ốc bị thiêu rụi. Cho dù đó là phụ nữ Trung Quốc hay Nhật Bản thì họ đều phải cắt tóc ngắn và mặc quần áo đàn ông, nếu không làm như vậy thì không một ai dám bước ra đường. Cái thứ gọi là ‘quân giải phóng’ kỳ thực chính là một nhóm khủng bố ô hợp, người dân biết rõ điều này nhưng không ai dám lên tiếng. Dân chúng đều phải đi đến quảng trường đứng xếp thành hàng và cởi mũ kính lễ trước đài tưởng niệm…”

Stalin dung túng cho quân đội Liên Xô bạo hành ở Đông Bắc, ĐCSTQ cũng nhận được bức điện báo từ vùng Đông Bắc nhưng vẫn một mực giả câm giả điếc. Nguyên nhân là do tướng Liên Xô đã bịt miệng ĐCSTQ bằng 100 nghìn khẩu súng, hàng nghìn khẩu đại bác của quân Nhật và 200 nghìn quân lính Mãn Châu, cho nên ĐCSTQ tuyệt đối sẽ không thèm đếm xỉa đến việc quân đội Liên Xô làm nhục người dân Trung Quốc ra sao.

Thanh toán người động đến Liên Xô

Thời đó có rất nhiều người Trung Quốc đã tận mắt chứng kiến hành động bạo lực của quân đội Liên Xô, cũng có người qua đường cảm thấy bất bình liền ra tay giúp đỡ ngăn cản Hồng quân Liên Xô hành ác. Tuy nhiên, sau khi ĐCSTQ cướp lấy chính quyền, những người này đều bị đàn áp tàn khốc dưới danh nghĩa phá hoại tình đoàn kết Trung – Xô.

Vào tháng 10 năm 1945, một binh sĩ cao to của Hồng quân Liên Xô bỗng dưng đột nhập vào thôn Nam Tháp ở thành phố Thẩm Dương. Binh sĩ này lục tung từng hộ gia đình trong thôn, cuối cùng hắn ta xông vào nhà của Vương Thăng và tiến hành cưỡng bức vợ của ông ấy. Ông Vương liều chết bảo vệ vợ mình nên đã bị binh sĩ này dùng chai rượu cầm trong tay đánh cho đến chết. Vợ của Vương Thăng lớn tiếng kêu cứu hàng xóm gần đó. Trong thôn có gia đình họ Thái với chín anh em trai là nam tử hảo hán, họ nghe thấy tiếng kêu cầu cứu liền tìm đến nhà của Vương Thăng. Họ ló đầu nhìn qua cửa sổ thấy được tình huống đang xảy ra nên bèn lập tức xông ngay vào nhà, vơ lấy chiếc gậy đánh chết tên binh sĩ lưu manh kia. Nhờ vậy, bà Vương đã được cứu sống. Người trong thôn bàn tính với nhau mang thi thể của tên binh sĩ kia đi chôn, sau đó giết chết con ngựa của hắn ta, rồi đem thịt chia cho từng hộ gia đình.

Vào năm 1952, ĐCSTQ phát động cuộc vận động Tam phản. Trong thôn có người đi trình báo sự việc này nên ĐCSTQ đã cho quân đội bắt giữ toàn bộ gia đình nhà họ Thái, một người bị giết, vài người còn lại bị tống giam vào ngục với tội danh “sát hại Hồng quân, phá hoại tình đoàn kết Trung – Xô”. Rất nhiều người trong thôn tỏ ra bất mãn và phẫn nộ với phán quyết của ĐCSTQ. Nhưng người nào lên tiếng bất bình thì người đó liền bị gán mác “phe cánh hữu”. Trần Thụ Tường là nhân viên kỹ thuật của công xưởng chế tạo máy vô tuyến ở Thẩm Dương, năm đó mới chỉ tròn 22 tuổi, anh vừa lên tiếng nói những điều người dân nói là đúng, cớ sao có thể bảo người ta là “phe cánh hữu”? Ngay sau đó, chiếc mũ “cánh hữu” liền chụp lên đầu anh ấy.

Ở vùng Nhị Đạo Câu nằm tại ngoại ô Thẩm Dương, hiện nay gọi là kênh đào phía Bắc, vào mùa đông năm 1945, có một ông lão làm nghề lái xe tải chở cao su, trên xe ông chở theo con gái của mình. Một sĩ quan Liên Xô đi ngang qua vùng này đã cưỡng bức con gái của ông lão. Sau đó, hắn ta lại cuỗm lấy chiếc xe tải chở cao su của ông. Ông lão vừa khóc vừa la lớn: “Chúng tôi đã chịu đựng người Nhật Bản trong 14 năm, hôm nay lại còn chịu đựng quân Liên Xô nữa…” Ngay đúng lúc có hai nhân viên làm việc trong Cục Cảnh sát của chính phủ Dân Quốc vừa bước tới, trong đó có một người tên là Từ Kính Nhất, anh ta bèn rút súng bắn vào chân của viên sĩ quan Liên Xô kia, hắn ta liền lập tức tỏ ra ngoan ngoãn, thế là Từ Kính Nhất bèn bắn hắn ta thêm phát nữa. Sự việc này nhanh chóng lan truyền khắp thôn khiến cho người dân cảm thấy rất hài lòng. Tuy nhiên, vào năm 1952, Từ Kính Nhất và một cảnh sát Quốc Dân khác tên là Trương Ngọc Thanh đã bị bắt giữ ở bên ngoài thôn. Bọn họ bị trói chặt, bị bắt quỳ gối và trên cổ đeo một tấm bảng lớn với dòng chữ “kẻ giết người”. Họ bị mang ra đấu tố một cách tàn khốc, về sau không còn mạng sống để quay về nữa.

Sau khi Chủ tịch tỉnh Vân Nam Vương Long Vân của chính phủ Dân Quốc đầu hàng ĐCSTQ, bởi vì ông ta chất vấn những hành vi bất nghĩa của quân đội Liên Xô ở vùng Đông Bắc nên đã bị chụp lên tội danh phản Xô và bị gán mác “phe cánh hữu”. Tác giả Tiêu Quân đã từng phê phán những hành vi bừa bãi của quân đội Liên Xô nên đã bị khép vào tội danh “phản Xô” trong vài chục năm.

Mỹ ngăn trở Liên Xô tấn công hạt nhân Trung Quốc

Vào tháng 3/1969, xung đột vũ trang về chủ quyền của hòn đảo Zhenbao ở lưu vực Hắc Long Giang giữa Trung Quốc và Liên Xô ba lần xảy ra. Kết quả là quân đội Liên Xô có 58 người chết, 94 người bị thương, ĐCSTQ tuyên bố thắng lợi khiến cho mối quan hệ Trung – Xô nhanh chóng xấu đi.

“Anh cả” Liên Xô bị làm cho bẽ mặt nên quá đỗi tức giận. Bộ trưởng quốc phòng đương thời là Nguyên soái Grechko và Trợ lý Bộ trưởng là Nguyên soái Chuikov đã đến vùng viễn đông để chế tạo một lượng lớn đầu đạn hạt nhân tầm trung và chuẩn bị tiến hành “cuộc tấn công hạt nhân” đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, do Liên Xô lo ngại phản ứng của Mỹ nên đã âm thầm thông báo kế hoạch cho Mỹ thông qua Đại sứ Dobrynin ở Mỹ với mong muốn tìm kiếm biểu đạt thái độ trung lập từ Mỹ. Chỉ cần Mỹ giữ thái độ trung lập thì Liên Xô có thể giải quyết sạch sẽ toàn bộ vấn đề mối đe dọa đến từ Trung Quốc.

Mỹ cân nhắc một lượt về việc Liên Xô tiến hành tấn công hạt nhân thì sẽ giống như khai mở chiếc hộp Pandora, có thể sẽ gây ra xung đột kịch liệt giữa Trung Quốc và Liên Xô, dẫn đến việc thế giới bị xáo trộn thêm lần nữa. Cho nên Mỹ đã đưa ra quyết định: (1) Phản đối cách làm của Liên Xô, (2) Nhanh chóng thông báo tin tức cho chính quyền Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ cũng cân nhắc đến tình huống chính quyền Trung Quốc đã phản đối Mỹ trong suốt 20 năm nên ĐCSTQ sẽ không tin vào thiện ý của Mỹ, do đó Mỹ đã quyết định đi đường vòng, không dám mạo hiểm thông qua phương thức ngoại giao để thông báo cho Trung Quốc.

Vào ngày 28/8/1969, tờ báo The Washington Star đăng tải tin tức khiến cho toàn thế giới chấn động với tiêu đề là “Liên Xô sẽ tiến hành tấn công hạt nhân đối với Trung Quốc”. Trong bài báo đã vạch rõ toàn bộ kế hoạch tấn công hạt nhân của Cộng sản Liên Xô mà nước Mỹ biết được. Brezhnev liền nổi trận lôi đình, phía ĐCSTQ lập tức ra lệnh cho “đào hố sâu, tích trữ lương thực” đưa đất nước tiến vào trạng thái chuẩn bị chiến tranh.

Vào ngày 16/9/1969, tờ The Saturday Evening Post ở Luân Đôn đã tiết lộ “Liên Xô có thể tiến hành oanh tạc căn cứ quân sự Lop Nur ở Tân Cương của Trung Quốc”. Sau khi biết được tin, Mỹ đã chọn lấy nhiều phương thức khác nhau để ngăn chặn hành động quân sự của Liên Xô, trong đó có một cách là dùng “đòn sát thủ” để đe dọa kế hoạch hành động của Liên Xô: gửi đi mật lệnh của tổng thống về việc chuẩn bị tiến hành tấn công hạt nhân vào 134 thành phố ở Liên Xô, cũng như các vùng quân sự trọng yếu, trụ cột giao thông, căn cứ công nghiệp quan trọng.

Brezhnev có nằm mơ cũng không dám tin rằng những điều này đều là sự thật nên ông ta đã tiến hành kiểm chứng với Đại sứ quán Nga ở Mỹ để xác nhận tin tức chân thật. Brezhnev tỏ ra vô cùng tức giận: “Nước Mỹ đã bán đứng chúng ta”. Liên Xô lại cân nhắc về việc Mỹ âm thầm báo tin đã giúp ĐCSTQ làm chuẩn bị trước, cho nên cuối cùng Liên Xô đành phải rút bỏ hành động tấn công hạt nhân đối với Trung Quốc.

Chỉ tiếc rằng nước Mỹ thời đó không thật sự hiểu về khả năng của chủ nghĩa cộng sản, chưa hề nhìn thấu ĐCSTQ còn tà ác hơn cả cộng sản Liên Xô. Từ những năm 1980 đến nay, Mỹ vẫn không ngừng toàn lực đầu tư để vỗ béo cho ĐCSTQ. Mãi đến khi đại dịch COVID-19 xảy ra, cộng thêm cuộc thương chiến Mỹ-Trung, thì người Mỹ mới toàn diện thay đổi cách nhìn về ĐCSTQ.

Theo Minghui.org
Tác giả: Thiên Châu
Minh Nhật biên tập