Các đoàn thể tôn giáo tại những địa điểm hợp pháp được nhà nước Trung Quốc công nhận vẫn thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị phá hủy hoặc đóng cửa, bất chấp luật pháp. Và khi những đoàn thể tôn giáo này muốn thỉnh nguyện hay khởi kiện thì họ phát hiện ra rằng họ không chỉ cầm chắc thất bại, mà còn bị đàn áp nghiêm trọng hơn. Hai nhà thờ Kitô giáo tại Hà Nam dưới đây là hai ví dụ.

Nhà thờ bị chính quyền cướp phá vào ngày lễ Phục Sinh

Tạp chí nhân quyền Bitter Winter đưa tin, vào tháng 4 vừa qua, một nhà thờ tự quản được chính quyền cấp phép tại tỉnh Hà Nam đã bị chính quyền cướp phá trong ngày lễ Phục Sinh. Do nguy cơ cộng đồng Kitô giáo tại địa phương bị đàn áp, tạp chí Bitter Winter đã không đưa tên và vị trí cụ thể trong sự việc này.

Theo đó, vào ngày 21/4/2019, lúc cộng đồng Kitô giáo toàn thế giới đang kỷ niệm ngày Chúa Jesus phục sinh, thì vị linh mục địa phương đã bị sốc khi bước vào nhà thờ của ông: Thánh giá bị dỡ xuống và phá hủy, thùng quyên góp bị phá hoại và tiền bên trong biến mất. Cửa kho nhà thờ bị cậy, Kinh Thánh, quần áo làm lễ, áp phích, cùng nhiều vật dụng khác cũng biến mất. Bên cạnh cổng vào có một đống tro, và vị linh mục cho rằng các tài sản trong nhà thờ đã bị đốt mất.

Chính quyền cướp phá và đóng cửa nhà thờ được cấp phép
Nhà thờ nơi diễn ra sự việc. Cây Thánh giá đã bị quan chức địa phương dỡ bỏ.

Sau khi dò hỏi xung quanh nhà thờ, người dân cho biết chính các quan chức thị trấn thuộc Cục Tôn giáo Sự vụ đã tới phá hoại nhà thờ. Khi linh mục tới khiếu nại tại Cục Tôn giáo, các quan chức cho biết hiện tại tất cả các cơ sở tôn giáo không hợp pháp đều phải đóng cửa, và cấm không cho vị linh mục tổ chức cầu nguyện tại nhà thờ, đồng thời từ chối trả lại tiền quyên góp.

Cộng đồng Kitô giáo địa phương vô cùng bất ngờ trước tuyên bố của chính quyền, vì nhà thờ này đã được đăng ký và cấp phép bởi chỉnh quyền ở tất cả các cấp vào năm 2003.

Một tín đồ Kitô giáo 60 tuổi tại địa phương giận dữ nói: “Nguyên nhân chính quyền đốt Kinh Thánh là vì họ thù hận Chúa và lời của Ngài. Chính quyền này là ma quỷ.”

Tin tưởng vào luật pháp, vị linh mục dự định đi thỉnh nguyện và khiếu nại. Ông cũng chụp lại và công bố hình ảnh về sự việc diễn ra. Tuy nhiên điều đó ngay lập tức dẫn tới hậu quả là nhà thờ bị quan chức địa phương rào lại và đóng cửa. Các quan chức cũng đe dọa sẽ thu hồi giấy phép của linh mục và bắt giữ ông nếu ông tiếp tục thỉnh nguyện. Ngoài ra, họ còn ép ông ký vào giấy “tự nguyện hiến tặng” đất nhà thờ cho chính quyền địa phương, tuy nhiên vị linh mục đã từ chối.

Một người làm việc tại nhà thờ cho biết, quan chức dọa sẽ đối xử với linh mục như đối xử với những người bất đồng chính kiến, đồng thời nói rằng nhà thờ không được phép lý luận với chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo đó, chính sách này là nhằm mục đích xóa bỏ Kitô giáo “từ trung ương tới địa phương”.

Vào tháng 6/2019, khi đi làm thủ tục hành chính, vị linh mục tiếp tục gặp phải một bất ngờ khác: ông đã có “tiền án tiền sự” vì dám đi thỉnh nguyện. Cảnh sát cho biết theo chính sách của ĐCSTQ hiện thời, nếu ai đó có ý định thỉnh nguyện, dù đã thỉnh nguyện thành công hay chưa, thì đều bị ghi chú vào hồ sơ cá nhân.

Luật pháp chỉ là bức bình phong

Một nhà thờ tự quản hợp pháp khác tại Lạc Dương, Hà Nam, cũng bị chính quyền địa phương lục soát vào tháng 3/2019. Theo đó, các quan chức Cục Tôn giáo Sự vụ và quan chức địa phương đã tới, phá hủy khóa của các cánh cửa, và lục soát toàn bộ nhà thờ. Họ thu giữ 100 cuốn Kinh Thánh, các cuốn Thánh ca, dỡ bỏ và thiêu hủy Thánh giá, các bức tranh, cùng các vật dụng khác. Sau đó chính quyền cắt điện của nhà thờ và yêu cầu linh mục phải ký giấy “tự nguyện hiến tặng” đất cho chính quyền, tuy nhiên vị linh mục từ chối.

Chính quyền cướp phá và đóng cửa nhà thờ được cấp phép
Giấy tờ cấp phép hợp pháp của nhà thờ. Thông tin được che đi để bảo vệ cộng đồng Kitô giáo địa phương.

Một người làm việc tại nhà thờ cho rằng các quan chức địa phương đã vi phạm pháp luật, cụ thể là điều 50 trong luật quản lý sự vụ tôn giáo: “Các tài sản hợp pháp của nhóm tôn giáo, trường tôn giáo, hoặc các địa điểm hoạt động tôn giáo là không được phép xâm phạm, cướp đoạt, chia cho cá nhân, phá hoại, che phủ, lấy, vô hiệu hóa, tịch thu, hay sử dụng bởi bất cứ cá nhân hay tổ chức nào.”

Một người khác cho rằng luật pháp chỉ là công cụ trong tay chính quyền, “không lạ gì khi người ta nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc không hề thượng tôn pháp luật”. Khi các quan chức muốn đóng cửa một địa điểm cầu nguyện chưa được cấp phép, họ sẽ lấy luật ra. Tuy nhiên khi đối diện với các nhà thờ được cấp phép, họ không những không bảo vệ nhà thờ theo luật pháp, mà còn sử dụng bất kỳ cách nào để chiếm và phá hủy các nhà thờ đó.

Theo BitterWinter (BitterWinter.org)
Minh Nhật biên dịch

Xem thêm: