Tuy chức quan của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (gọi tắt là Chính hiệp) chỉ như cái bình hoa chính trị chứ không có thực quyền, nhưng nếu biết lợi dụng thì có thể biến thành kênh phát tài nhờ “mua quan bán tước”, tương tự như chức Đại biểu Hội đồng Nhân dân, đặc biệt đối với nơi tập trung nhiều phú hào và minh tinh nổi tiếng như Hồng Kông thì quan Chính hiệp càng dễ dàng trở thành “công cụ chính trị” mà nhiều năm qua thế lực của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân lợi dụng, vô số phú hào, quan to, thậm chí bọn gian thương vì muốn có thêm địa vị chính trị nên bỏ tiền mua “hàm tước” Chính hiệp.

Ông Tăng Khánh Hồng nhiều lần gây kích động dân tình Hồng Kông thông qua hệ thống đặc vụ Trung Quốc tại Hồng Kông.
Ông Tăng Khánh Hồng nhiều lần gây kích động dân tình Hồng Kông thông qua hệ thống đặc vụ Trung Quốc tại Hồng Kông.

Nhưng tình hình có nhiều thay đổi sau tháng Mười năm nay khi Ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (BKLTW) công bố Báo cáo tuần tra trong tháng về địa bàn Hồng Kông, đây là tín hiệu hoạt động chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn mở rộng đến Hồng Kông. Theo thông tin, hệ thống Chính hiệp Hồng Kông đang đối diện làn sóng chỉnh đốn và cắt giảm biên chế, ông Tập Cận Bình đã tổ chức Ban Thanh tra cấp cao nhất để “truy cứu” về hệ thống Chính hiệp Hồng Kông – Ma Cao, bao gồm những thủ đoạn mà một nhân vật nào đó lọt vào đội ngũ Chính hiệp. Trọng điểm thanh trừng sẽ tập trung vào những ủy viên Chính hiệp đã bỏ tiền ra mua chức vị và những ủy viên có tiền án hoặc liên quan đến xã hội đen…

Thực tế, từ sau khi Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang bị xử lý, với vai trò quyền lực của ông Tập Cận Bình, Hồng Kông đã nhiều lần bị biến thành sàn đấu của bàn cờ chính trị Trung Nam Hải, nhiều cảnh nhiễu loạn thường xuyên xảy ra như: vấn đề Hội Thanh niên Quan ái, tranh luận về sách giáo khoa, xử lý cựu Tổng Biên tập Minh Báo Hồng Kông, phong trào chiếm trung tâm hành chính và phong trào Ô dù, gần đây nhất là sóng gió tuyên thệ gây tranh luận về diễn giải Luật Cơ bản, tất cả đều liên quan đến trận chiến tranh giành quyền lực của giới chức cấp cao Trung Quốc. Ở đây có vai trò quan trọng của các ủy viên Chính hiệp phái Giang nhờ bỏ tiền mua địa vị chính trị. Cùng với việc ông Tập Cận Bình bao vây thế lực phái Giang, việc xử lý hệ thống Chính hiệp Hồng Kông là khó tránh khỏi.

Thanh trừng hệ thống Chính hiệp Hồng Kông

Sau Hội nghị toàn thể lần thứ 6, khi địa vị hạt nhân của ông Tập Cận Bình được xác lập thì tốc độ xử lý phái Giang sẽ được tăng cường sức mạnh. Theo thông tin, vừa qua nhân vật phụ trách chống tham nhũng Vương Kỳ Sơn đã phát biểu trong Hội nghị Chính hiệp Trung Quốc nhấn mạnh việc sàng lọc bộ máy Chính hiệp, “không cho phép phần tử cơ hội lọt vào hệ thống”, “không cho phép tồn đọng kẻ dùng tiền mua Chính hiệp”; hệ thống Chính hiệp Hồng Kông phải giảm đi hơn 700 người.

Ngày 17/11, một tờ báo ở hải ngoại đưa tin, ông Tập Cận Bình đã tổ chức Ban Thanh tra cấp cao nhất do ông Du Chính Thanh và Tôn Xuân Lan phụ trách nhằm “nắm bắt” hệ thống Chính hiệp Hồng Kông – Ma Cao, bao gồm những thủ đoạn mà một nhân vật nào đó lọt vào đội ngũ Chính hiệp, vấn đề mua quan bán chức và cấu kết xã hội đen… Trước tiên là “thanh lý” những ủy viên dùng tiền mua địa vị và quan hệ với xã hội đen, trong đó bang Phúc Kiến và Quảng Đông phái Giang là mục tiêu trọng điểm điều tra.

Thực tế, kể từ sau khi ông Lương Chấn Anh chủ chính Hồng Kông, bang Phúc Kiến và Quảng Đông là lực lượng nòng cốt thực hiện các chính sách phái Giang tại địa bàn này. Ví dụ như phong trào Chiếm Trung tâm ngày 17/8/2014 là do bang Phúc Kiến tổ chức, nhân vật đứng đầu là ông Hồng Tổ Hàng (Hong Zuhang), là ủy viên Chính hiệp toàn quốc. Bang Quảng Đông do thế lực đen khu Tân Giới (New Territories) cai quản, thuộc phe của ông Lương Chấn Anh.

Sau giông tố tuyên thệ vừa qua, ông Hồng Tổ Hàng lại phát động phong trào “chống Hồng Kông độc lập” vào cuối tháng Mười vừa qua; Tháng Mười Một vừa qua, “Liên minh diễn giải Luật Cơ bản và chống Hồng Kông độc lập” lại tổ chức mít-tinh chống Hội đồng Lập pháp với sự tham gia của khoảng 40 ngàn người. Đợt mít-tinh này đã bị giới truyền thông tố giác đã dùng tiền để thu hút người tham gia, trong đó có nhiều công dân Đại Lục.

Thông tin cho rằng, hiện ông Tập Cận Bình vô cùng bất mãn về tình hình Hồng Kông. Sóng gió tuyên thệ vừa qua là âm mưu của phái Giang, đẩy mâu thuẫn vào hai nghị sĩ trúng cử trẻ tuổi nhằm gây chia rẽ xã hội Hồng Kông; thứ nữa là âm mưu diễn giải Luật Cơ bản và chống Hồng Kông độc lập của bang Phúc Kiến và Quảng Đông mượn khẩu hiệu ổn định Hồng Kông nhưng trên thực tế là phối hợp cùng phái Giang gây rối loạn Hồng Kông. Những người đứng đầu trong phong trào này có nhiều người là ủy viên Chính hiệp, sẽ trở thành mục tiêu chính của đợt thanh tra này.

Gần đây, ông Chu Minh Quốc (Zhu Mingguo), Chủ tịch Ban Chính hiệp tỉnh Quảng Đông bị xử từ hình (hoãn thời gian thi hành án) là tín hiệu rõ nét nhất trong việc đẩy mạnh thanh lọc bộ máy này sau khi “Tập hạt nhân” được xác lập. Sự kiện này đã làm không ít ủy viên Chính hiệp tại Hồng Kông như ngồi trên đống lửa.

Theo truyền thông Hồng Kông, vào ngày 3/11, Ban Chính hiệp toàn quốc và Chính phủ Trung Quốc đã có thông báo về việc chỉnh đốn hệ thống Chính hiệp các cấp của đặc khu Hồng Kông – Ma Cao. Tối hôm đó, ông Chủ tịch Ban Chính hiệp Trung ương Du Chính Thanh đã triệu tập Hội nghị người chịu trách nhiệm công tác Chính hiệp thuộc các bộ và ủy ban Trung ương.

Tại hội nghị, ông Du Chính Thanh nói: “Làm thế nào tăng cường công tác quản lý lãnh đạo theo Hiến pháp và pháp luật đối với đặc khu Hồng Kông và Ma Cao là vấn đề nghị sự quan trọng của Bộ Chính trị”; “sẽ thanh tra triệt để và chỉnh đốn lại tình hình vi phạm pháp luật khu vực này để quét sạch những chướng ngại”.

Tình trạng mua quan bán tước nghiêm trọng của Chính hiệp Hồng Kông

Có thể nói, trong mắt người dân Hồng Kông thì Đại biểu Nhân dân và Chính hiệp chỉ là thứ công cụ Mặt trận thống nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tuy nhiên, một người nếu có thân phận Chính hiệp thì có thể chứng tỏ họ có quan hệ rộng ở Trung Quốc Đại lục, qua đó dễ dàng làm ăn ở Đại Lục, khi đến Đại Lục dễ được chuyên gia tiếp đón, có thể rửa tiền bẩn, buôn lậu, cờ bạc…, vì thế mà Chính hiệp có giá. Giới nhà giàu và quan chức Hồng Kông… thích mua “hàm tước” Chính hiệp.

Nhiều người không chen chân được vào Ban Chính hiệp tỉnh, thành, toàn quốc, thì lùi một bước mua vị trí trong Ban Chính hiệp quận, huyện. Nhiều huyện nghèo ở Trung Quốc Đại lục thuộc các tỉnh Quý Châu, Giang Tây… bùng nổ cách làm ăn bằng con đường mua bán vị trí trong Ban Chính hiệp.

Tiêu biểu như Hội Thanh niên Quan ái được cho là tổ chức đặc vụ của ĐCSTQ thường xuyên tấn công Pháp Luân Công do ông Lâm Quốc An (Lin Guoan) làm Phó Hội trưởng, ông này là ủy viên Ban Chính hiệp thị trấn Tỉnh Cương Sơn tỉnh Giang Tây, ngoài ra còn có chân trong Văn phòng Liên lạc Trung Quốc tại Hồng Kông. Ông này trong giới quan trường Trung Quốc bị cho là “làm cho hình ảnh quan viên Chính hiệp bị kéo xuống tột cùng”.

Trang Epochtimes từng kể câu chuyện về một gian thương ở khu Tân Giới vì muốn đưa em gái vào Ban Thường vụ Chính hiệp toàn quốc đã không tiếc tiền chi mỗi tháng 500 ngàn đô la Hồng Kông cho tổ chức đỏ chuyên áp bức Pháp Luân Công, đứng sau Hội Thanh niên Quan ái chính là Ban Chính hiệp phái Giang.

Ngoài ra còn có một câu chuyện khác về việc mua vị trí trong Ban Chính hiệp. Một thanh niên A làm kinh doanh tuổi còn rất trẻ, mới ngoài đôi mươi, muốn vào Ban Chính hiệp một tỉnh nọ, cậu ta nhờ người trung gian B đến Văn phòng Liên lạc Trung Quốc tìm cách kết nối với quan chức C là người chịu trách nhiệm Ban Chính hiệp của tỉnh đó. B dẫn A tới quảng trường Thời Đại ở Causeway Bay mua một túi xách nữ giá 30.000 đô. Tại Văn phòng Liên lạc, C trao đổi với A và B, sau đó B về trước. Tiếp theo, ở trước mặt C, A đã bỏ một triệu tiền mặt vào trong cái túi. Sau đó C ra hiệu cho thư ký bỏ cái túi xách vào trong tủ ở ngay trong văn phòng, không nên để trước mặt khách như thế. Vậy là A đã trở thành ủy viên Ban Chính hiệp.

Do ủy viên Ban Chính hiệp và Đại biểu Nhân dân các tỉnh, thành trên toàn quốc cứ đến cuối năm là bước vào một nhiệm kỳ mới, vì thế có thông tin chỉ ra vào dịp này giới ủy viên Chính hiệp lại phải tiến cống cho quan chức liên quan tại Văn phòng Liên lạc Trung Quốc, nhiều kẻ phát tài nhờ trò này, số “chất béo” thu được lên đến trăm triệu đô. Nhân viên Ban Mặt trận Thống nhất các tỉnh thành cũng tận dụng thời điểm chuyển khóa này rầm rộ mua bán chức tước.

Truyền thông Hồng Kông cũng chỉ ra, trong hội nghị ngày 3/11, ông Du Chính Thanh đã lên án gay gắt trò buôn bán chức tước Chính hiệp này.

Vì số uy viên Ban Chính hiệp các cấp hạn chế nên việc cạnh tranh rất gay gắt, ông Du Chính Thanh đã điểm danh các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Thượng Hải, Bắc Kinh, Giang Tô là những địa phương có số ủy viên Ban Chính hiệp lạm phát nghiêm trọng nhất, gấp đôi số ủy viên theo quy định bổ nhiệm.

Epochtimes cũng tiết lộ, số ủy viên Ban Chính hiệp bị cắt giảm lần này còn chưa tới 1/4, tức hơn 700 người, trong đó địa bàn nhiều nhất là Quảng Đông và Phúc Kiến vốn có liên hệ chặt chẽ với Hồng Kông.

Được biết, số ủy viên Ban Chính hiệp các tỉnh thành Trung Quốc Đại lục và Hồng Kông có hơn 5.000 người.

Báo cáo tuần tra cáo buộc bê bối của Văn phòng Liên lạc Trung Quốc và Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Ma Cao

Ngày 14/10, UBKLTW công bố báo cáo tuần tra về Hồng Kông và Ma Cao, đã lên án tồn tại 6 vấn đề, bao gồm: Không tuân thủ đầy đủ chính sách của Trung ương, trình tự bổ nhiệm cán bộ không nghiêm túc, công tác chọn và dùng người yếu kém, hoàn toàn bất lực trong công tác kỷ luật Đảng…, nhấn mạnh phải tăng cường công tác quản lý sử dụng vốn xã hội tài trợ cùng các quỹ chuyên dụng; ngoài ra cũng phát hiện một bộ phận quan chức tham ô và đã chuyển danh sách tới UBKLTW và Ban Tổ chức Trung ương.

Báo cáo đã gây hoang mang trong quan trường Hồng Kông. Theo thông tin, toàn bộ báo cáo không có một câu nào tích cực, gần như lên án mọi mặt công tác của Văn phòng Liên lạc Trung Quốc và Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Ma Cao.

Năm 2003 là ranh giới

Theo thông tin, sự kiện 500 ngàn người Hồng Kông diễu hành thị uy phản đối Điều 23 vào tháng 7/2013 đã làm phái Giang hoảng sợ. Vì thời điểm đó ông Phó Chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng (nhân vật số hai phái Giang) là Trưởng ban Điều phối công tác Hồng Kông – Ma Cao, Tăng đã xây dựng tổ chức đảng ngầm ở Hồng Kông, gồm cả hệ thống Chính hiệp, áp dụng những chính sách làm xã hội Hồng Kông rối loạn.

Ông nhà văn nổi tiếng Hàn Sơn Bích (Han Shanbi), người từng là Ủy viên trưởng Chính hiệp tỉnh Hải Nam suốt 10 năm (từ năm 1992) đã lên án tình trạng biến chất của Chính hiệp Hồng Kông hiện nay, và cho biết thực trạng khởi đầu từ năm 2003.

Theo ông Hàn Sơn Bích, thời ông được Đại học Hải Nam tiến cử vào Chính hiệp không tốn một đồng nào, nhưng từ sau 2003 thì số người trong hệ thống Chính hiệp tăng vọt, “hiện tượng mua bán quan chức đặc biệt nghiêm trọng”, và ông cũng không còn được mời vào nữa. “Vì tôi không bỏ tiền ra, nghĩa là họ mất lợi lộc. Theo tôi biết, nhiều Ban Mặt trận Thống nhất thu được lợi của giới kinh doanh, vì thế mà mời họ vào Ban Chính hiệp”.

Ông Hàn Sơn Bích nói thẳng: “Tập đoàn lợi ích đã bám rễ vô cùng chắc chắn, chỉ vì lợi ích mà họ bỏ qua đại cuộc của quốc gia, lợi ích của họ mới là số một. Tôi cảm thấy bầu không khí u ám này bắt đầu từ sau 2003”.

Vấn đề chỉnh đốn hệ thống Chính hiệp

Thực tế, dấu hiệu chỉnh đốn hệ thống Chính hiệp đã có vài tháng trước. Tháng Tám năm nay, huyện Thiệu Đông tỉnh Hồ Nam tổ chức Ban vận động nhiệm kỳ mới Chính hiệp và Đại biểu Nhân dân, đã chỉ ra 15 loại người không được vào hai hệ thống này, bao gồm người có quốc tịch nước ngoài, nhận hỗ trợ của tổ chức nước ngoài, từng bị xử lý hình sự, bại hoại đạo đức, từng là ủy viên nhưng không làm tròn trách nhiệm…

Đây là lần đầu tiên xuất hiện bản “danh sách tiêu cực” sàng lọc do phía chính quyền đưa ra, vạch ra “ranh giới đỏ tư cách” đối với người ứng cử vào hai hệ thống này. Danh sách đã gây chú ý trong công luận.

Trong nhiều năm qua hai hệ thống này đã thường xuyên xảy ra tình trạng bê bối vì vấn đề mang quốc tịch nước ngoài. Một bản công bố tại “lưỡng hội” Trung Quốc năm 2013 tiết lộ, trong số 2.987 đại biểu Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc có 179 người có quốc tịch nước ngoài; trong 2.237 ủy viên Chính hiệp có 450 người có quốc tịch nước ngoài, vì thế hai hệ thống này bị người dân châm biếm là “Câu lạc bộ vạn quốc”.

Trên tờ Apple, giáo sư Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou) thuộc Đại học Kỹ thuật Bắc Kinh cho biết, “huyện Thiệu Đông tỉnh Hồ Nam là thực hiện thí điểm, sau này cần loại bỏ toàn bộ những người có quốc tịch nước ngoài”.

Câu chuyện con trai ông chủ tập đoàn Anh Hoàng (Emperor Group) trở thành ủy viên Chính hiệp

Hồi tháng Chín năm nay, bà Mã Hiểu Hồng (Ma Xiaohong), Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Hồng Tường bị bắt vì tình nghi liên quan đến buôn lậu hàng cấm phục vụ cho phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo ở Triều Tiên. Trong giấy khởi tố của Bộ Tư pháp Mỹ chỉ ra, bà Mã Hiểu Hồng đã thành lập ít nhất 22 công ty bình phong tại Hồng Kông và quần đảo Virgin thuộc Anh, là con đường rửa tiền của Ngân hàng Quang Tiên thuộc Triều Tiên. Đây là ngân hàng giúp đỡ tài chính để Triều Tiên phát triển vũ khí sát thương quy mô lớn, bị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách chế tài từ năm 2009.

Sau khi Mã Hiểu Hồng bị bắt đã khai báo hàng chục quan chức ở Đan Đông, ít nhất hơn 30 đối tượng bị điều tra.

Trang Đẳng Thâm Tuyến (Dengshenxian) thuộc mạng kinh doanh Trung Quốc cũng đưa tin bà Mã Hiểu Hồng lập 9 công ty bình phong tại Hồng Kông, số tiền vốn mỗi công ty chỉ có một đô la Hồng Kông. Một người trong ngành cảnh sát ở Quảng Đông kể với truyền thông rằng, những công ty chỉ có cái vỏ này thường liên quan đến hoạt động rửa tiền.

Trang Đẳng Thâm Tuyến cũng tiết lộ mạng lưới quan hệ của Triều Tiên tại Hồng Kông, trong đó có ông chủ Dương Thụ Thành (Albert Yeung) của tập đoàn Anh Hoàng.

Bài viết dẫn lại lời kể của Dương Thụ Thành với Tuần báo Nhân vật Phương nam cho biết, trong lần đàm phán với Triều Tiên không có thương nhân nào dám đi, ông ta chấp nhận đi. Sau này anh em của Kim Jong Il chủ động tìm đến ông ta nói chuyện, và sau đó giao việc mở sòng bạc duy nhất tại thành phố Rason (gần tỉnh Cát Lâm – Trung Quốc) thuộc Triều Tiên cho ông ta. Khách sạn Giải trí Anh Hoàng cũng được mở năm 1998 tại đó.

Theo thông tin, một số cự phú Hồng Kông và Mao Cao như Dương Thụ Thành và Hà Hồng Sân đều có qua lại với phía Triều Tiên, họ mở sòng bạc tại Triều Tiên. Trong sinh nhật của Kim Jong Il năm 2002, cả hai người này đều đến dự yến tiệc mừng sinh nhật của Kim Jong Il.

Năm 2005, tờ The Wall Street Journal đã chỉ ra bối cảnh phức tạp trong hoạt động làm ăn của Dương Thụ Thành và Hà Hồng Sân, họ nằm trong danh sách ‘quan tâm’ của Bộ Tư pháp Mỹ nên không thể lấy được visa Mỹ.

Ông Dương Thụ Thành bị cáo buộc có quan hệ chặt chẽ với phe cánh ông Giang Trạch Dân đàn áp Pháp Luân Công. Dương Thụ Thành và Tăng Khánh Hoài (em cựu Phó Chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng) và Chu Vĩnh Khang được mệnh danh là “Tam giác thế lực giải trí”.

(Còn nữa…)

Mộc Vệ (T/H)

Xem thêm: