Sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, Lý Tiên Niệm đã giới thiệu Giang Trạch Dân thay Triệu Tử Dương ngồi lên vị trí quyền lực nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Giang Trach Dan

Được khen ngợi vì tặng bánh sinh nhật cho bà hai của Lý Tiên Niệm trong đêm tuyết

Theo cuốn “Giang Trạch Dân kỳ nhân” tiết lộ, khi Giang làm Thị trưởng thành phố Thượng Hải, đã may mắn có được nhiều ưu thế để leo lên vị trí cao hơn, chính là vì một số nhân vật có trọng lượng trong nội bộ ĐCSTQ đều thích đến Thượng Hải nghỉ dưỡng. Giống như vụ trả thù sinh viên Đại học Giao thông Vận tải, Giang Trạch Dân nịnh nọt cũng rất dụng tâm, làm đến nơi đến chốn. Năm 1986, Giang Trạch Dân từng đứng 4 tiếng đồng hồ ngoài trời tuyết để đưa bánh sinh nhật cho vợ hai của Lý Tiên Niệm, Chủ tịch Trung Quốc đương nhiệm thời bấy giờ, vì thế mà được ông này khen ngợi.

Mùa đông năm 1986, Chủ tịch Trung Quốc Lý Tiên Niệm đến Thượng Hải và ở trong một khách sạn. Một buổi tối, Lý gọi Giang đến để gặp mặt và mời Giang ăn tối. Trong lúc ăn tối, Lý vô tình nhắc đến mừng sinh nhật cùng ngày hôm đó. Giang Trạch Dân vừa ăn vừa bối rối trong lòng, sinh nhật của Lý Tiên Niệm được ông ta thuộc làu, “rõ ràng là ngày 23/6/1909”, sao lại sinh nhật vào mùa đông được chứ.

Lý Tiên Niệm có vợ bé ở Thượng Hải, cô này là một y tá, không những quan tâm chăm sóc chu đáo cho Lý, mà còn sinh cho ông ta một đứa con trai. Giang Trạch Dân đã hiểu ra, hoặc là sinh nhật của vợ hai Lý, hoặc là sinh nhật con trai của vợ hai ông ta. Đương nhiên Giang Trạch Dân biết rõ món quà sinh nhật này không thể không tặng, ai chả biết lời nói của đầu gối tay ấp có sức nặng như thế nào, nhất là người tình không chính thức. Sau bữa tối, Giang Trạch Dân không dám ở lại lâu, bởi vì ông ta vẫn còn một việc “vô cùng quan trọng” vẫn chưa làm.

Khi tài xế đưa Giang Trạch Dân về đến nhà, anh ta hỏi Giang còn việc gì cần làm nữa không, Giang nói không còn việc gì và cho tài xế về nhà. Nhìn theo chiếc xe đi ngày càng xa, Giang đoán là tài xế không nhìn thấy được mình nữa rồi, không bước chân vào cửa ngay, ông ta lập tức lén lút đi mua một cái bánh sinh nhật to. Mặc dù đã không còn sớm nữa, nhưng Giang vẫn không chút do dự, không dẫn theo bất cứ ai, một mình ngồi taxi quay trở lại khách sạn. Đúng lúc Lý Tiên Niệm đang gặp mặt người khác, cảnh vệ nhìn thấy Giang lại đến nữa, nên có lòng mời ông ta đi vào, Giang lắc lắc đầu, cung kính đứng bên ngoài cửa. Không may hôm đó thời tiết lạnh và còn có tuyết rơi, còn Giang từ trước tới giờ đã quen xe đưa xe đón, lần đầu đến khách sạn Giang chỉ mặc một chiếc áo khoác mỏng, lần thứ hai quay lại, nhưng không ngờ phải đứng ngoài lâu đến thế, Giang lạnh đến nỗi run lên cầm cập. Cảnh vệ nhìn thấy Giang rét run người, nên đã nhiều lần mời ông ta vào trong, nhưng ông ta chỉ cười cười mà không nói gì. Giang biết làm như thế này có thể gây được ấn tượng tốt với Lý và vợ hai của Lý. Giang Trạch Dân tay cầm bánh sinh nhật đứng giữa trời tuyết đúng 4 tiếng đồng hồ, người gặp mặt Lý Tiên Niệm vẫn chưa rời khỏi, cuối cùng sau nhiều lần được cảnh vệ khuyên bảo, Giang đành phải để bánh lại và thất vọng trở về.

Sau khi khách của Lý Tiên Niệm ra về, cảnh vệ mang bánh sinh nhật đưa cho Lý và nói Gang cung kính đứng bên ngoài nhiều giờ đồng hồ để đợi. Lý Tiên Niệm nhất thời cảm động liền nói: “Tiểu Giang quả là không tệ, người như thế này giờ rất hiếm đấy!

Công sức của Giang bỏ ra đã không phí, ông ta đã có được sự đền đáp lớn nhất trước sự kiện Lục Tứ, về sau Giang Trạch Dân thay Triệu Tử Dương làm Tổng Bí thư ĐCSTQ nhiệm kỳ mới, bắt đầu từ cuối tháng 5/1989 đã bắt đầu phê duyệt công văn.

Lý Tiên Niệm giới thiệu Giang Trạch Dân lãnh đạo ĐCSTQ

Theo ghi chép trong cuốn sách “Sự thật sự kiện Lục Tứ“, ngày 14/5/1989, sau khi nghe được tin sinh viên Bắc Kinh tuyệt thực, Lý Tiên Niệm và Trần Vân đang nghỉ dưỡng ở ngoài Bắc Kinh đã rất lo lắng. Lý Tiên Niệm đích thân gọi điện cho Đặng Tiểu Bình và nói: “Hiện tại tình hình đã trở nên nghiêm trọng đến mức chúng ta không có đường lui. Dù thế nào cũng phải mở một cuộc họp để xác định phương châm Đảng của chúng ta rốt cuộc nên làm thế nào.” Đặng Tiểu Bình nói với Lý Tiên Niệm: “Tôi cũng nhận thấy sự việc đã phát triển đến mức nghiêm trọng”. Ngay hôm đó, Lý Tiên Niệm liền kết thúc kỳ nghỉ để trở về Bắc Kinh.

Tối ngày 21/5, trong “Hội nghị Bát Lão”, Lý Tiên Niệm biểu đạt thái độ: “Tôi đã nói từ lâu, vấn đề bắt đầu từ trong nội bộ Đảng, trong Đảng có hai Bộ tư lệnh. Triệu Tử Dương thuộc về một tư lệnh khác, hiện tại cần vạch rõ ngọn ngành, moi ra gốc rễ, nếu không tư tưởng trong Đảng không thể thống nhất được. Từ khi bài xã luận ngày 26/4 (năm 1989) được đăng, Triệu Tử Dương liền bắt đầu phản đối tính chất của vấn đề, vẫn luôn cho rằng không phải là biến động. Ông ấy đi từng bước từng bước có mục đích”; “Cuộc nói chuyện của ông ấy với sinh viên trên quảng trường Thiên An Môn có giống bộ dạng của một tổng bí thư không, cái gì mà ‘tôi già rồi, không sao đâu’”; “Cuộc họp giới nghiêm Bắc Kinh quan trọng như thế này, vậy mà tổng bí thư như ông ấy lại xin nghỉ ốm không tham gia, mà có phải là ốm nằm trên giường không dậy nổi đâu, ông ấy cố ý tạo chia rẽ trong nội bộ Đảng. Ông ấy phản đối giới nghiêm Bắc Kinh là có mục đích chính trị của mình, chính là muốn ép những lão già như chúng ta phải giao quyền lực, phải về hưu, để ông ta làm cái gọi là tự do hóa giai cấp tư sản. Nhưng có chúng ta ở đây, ông ta bị trói tay trói chân, không làm được gì. Triệu Tử Dương đã không thích hợp đảm nhận chức tổng bí thư nữa.”

Lý Tiên Niệm tiếp tục nói, Giang Trạch Dân để lại cho ông ta ấn tượng tốt. Phong trào nổi loạn của sinh viên đầu năm 1987, Giang Trạch Dân đích thân đến trường đại học tranh luận với sinh viên. Lần này, sau khi bài xã luận ngày 26/4 được đăng, vẫn là Thượng Hải đưa ra phương thức quán triệt tinh thần của trung ương sớm nhất, ngày hôm sau, Giang Trạch Dân liền mở đại hội cán bộ với hơn vạn người để chấn chỉnh tờ Bản tin Kinh tế Thế giới. Sau khi Đảng, chính phủ, quân đội ký lệnh giới nghiêm, địa phương đầu tiên biểu đạt thái độ với trung ương vẫn là Thượng Hải. “Tôi đồng ý chọn ông ấy làm người ứng cử vị trí tổng bí thư”.

Tối 27/5/1989, Đặng Tiểu Bình, Trần Vân, Lý Tiên Niệm, Bành Chân, Dương Thượng Côn, Vương Chấn và Bạc Nhất Ba lại hội họp tại nhà Đặng Tiểu Bình để bàn bạc về các việc như người kế nhiệm và quân đội giới nghiêm tiến vào Bắc Kinh để khôi phục lại trật tự. Lý Tiên Niệm phát ngôn giới thiệu Giang Trạch Dân làm người ứng cử chức tổng bí thư.

Sáng 2/6/1989, một cuộc họp có mặt của nguyên lão ĐCSTQ gồm Đặng Tiểu Bình, Lý Tiên Niệm, Bành Chân, Dương Thượng Côn, Bạc Nhất Ba, Vương Chấn cùng với những người ở lại nhiệm kỳ mới trong Thường ủy Bộ chính trị như Lý Bằng, Kiều Thạch, Diêu Y Lâm, cùng nhau đưa ra quyết định “nhanh chóng ngăn chặn hỗn loạn, khôi phục lại trật tự của thủ đô”, đồng thời “dọn sạch” quảng trường Thiên An Môn.

Đặng Tiểu Bình sắp xếp Chu Dung Cơ toàn quyền phụ trách kinh tế

Do Giang Trạch Dân hiểu rõ bản chất của ĐCSTQ, nên trong sự kiện Lục Tứ năm 1989, Giang đã đề nghị và yêu cầu trung ương đàn áp đẫm máu để thu dọn cục diện, Giang Trạch Dân đã dẫm lên máu của những sinh viên yêu nước tử nạn để leo lên đỉnh cao quyền lực trong Đảng.

Giang Trạch Dân giỏi về a dua nịnh hót nhưng lại dốt đặc cán mai về đạo cai trị đất nước, Đặng Tiểu Bình cũng nhận thấy rõ điểm này, nên cố ý chọn Chu Dung Cơ  tiếp tục làm Thủ tướng, có toàn quyền phụ trách kinh tế đất nước, Giang Trạch Dân ngoài mặt tỏ thái độ “tán đồng’ với Đặng Tiểu Bình, nhưng trong lòng lại đố kỵ và thù hận Chu Dung Cơ.

Sau khi Đặng Tiểu Bình qua đời, châu Á bùng nổ khủng hoảng tài chính (10/7/1997), đã trợ giúp Chu Dung Cơ thay thế Lý Bằng trở thành Thủ tướng Quốc vụ viện khóa mới vào tháng 3/1998, Chu Dung Cơ được gọi là “Sa hoàng về kinh tế” của Trung Quốc.

Năm 1998 sau khi Chu Dung Cơ tiếp tục trở thành Thủ tướng, cuộc đấu một mất một còn giữa Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ cũng bắt đầu. Giang Trạch Dân nắm được quyền lớn trong ĐCSTQ, chính phủ và quân đội, tuy nhiên trong hệ thống Quốc vụ viện, Giang Trạch Dân lại khó có thể nhúng tay vào lĩnh vực kinh tế, do đó quyền lực về kinh tế vẫn được Chu Dung Cơ nắm chắc trong tay.

Minh Kiện

Xem thêm: