Hôm thứ Sáu (7/12), tại buổi điều trần trước tòa về việc bảo lãnh Giám đốc Tài chính Tập đoàn Huawei, Luật sư Hoàng gia Canada cho biết, bà Mạnh Vãn Châu (Wanzhou Meng) bị Mỹ truy nã vì liên quan đến tội lừa đảo.

Mạnh Vãn Châu
Bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Huawei, đồng thời cũng là con gái của ông Nhậm Chính Phi – người sáng lập Huawei (Ảnh: VCG)

Mạnh Vãn Châu liên quan đến lừa đảo, chính phủ Mỹ phát lệnh truy nã

Công tố viên người Canada John Gibb-Carsley nói với thẩm phán trong phiên tòa bảo lãnh bà Mạnh Vãn Châu tại ngoại hôm thứ Sáu rằng bà bị cáo buộc tội lừa đảo, do bà đã lừa dối nhiều ngân hàng về việc Huawei và Công ty Skycom Hồng Kông (được cho là làm ăn với Iran) không có mối quan hệ nào, nhằm né tránh trừng phạt của Mỹ đối với Iran từ năm 2009 đến năm 2014.

Tại tòa, Công tố viên John Gibb-Carsley cho biết, phía Mỹ cáo buộc bà Mạnh che giấu mối quan hệ giữa Huawei và Skycom, bà cần phải được dẫn độ đến Mỹ, để tiến hành tố tụng theo luật pháp Mỹ. Ngoài ra, trước khi Mỹ dẫn độ, Canada không được thả bà.

Sau khi bà Mạnh bị bắt, theo các quy định liên quan, bà đã yêu cầu “lệnh cấm đưa tin” (tức không được công khai thông tin ra bên ngoài), hôm thứ Sáu, lệnh cấm này đã được xóa bỏ trước khi diễn ra phiên điều trần tại tòa. 

Ngày 1/12, bà Mạnh Vãn Châu bị bắt tại Sân bay Vancouver (Canada) khi đang chờ chuyển chuyến bay, Canada thực thi lệnh bắt giữ này là theo yêu cầu của chính phủ Mỹ. Công tố viên Canada nói, Mỹ yêu cầu dẫn độ bà Mạnh tới Mỹ vì liên quan đến tội lừa đảo.

Tờ The Globe and Mail tại Canada cho biết, tại tòa hôm thứ Sáu, bà Mạnh mặc bộ quần áo tù nhân màu xanh, không bị còng tay. Một phiên dịch viên ngồi cùng bà tại vị trí bị cáo.

Ngày 22/8, Mỹ phát đi lệnh bắt đối với bà Mạnh, tỉnh British Columbia (Canada) cũng đã phát lệnh bắt giữ cấp tỉnh đối với bà hôm 30/11.

Tại phiên tòa bảo lãnh, để ngăn cản bà được bảo lãnh, phía Viện kiểm soát Canada nói với quan tòa rằng, bà Mạnh có động cơ chạy trốn, bà và Vancouver không có bất cứ mối liên hệ nào có ý nghĩa, do bà có rất nhiều tiền nên dù tiền bảo lãnh có nhiều đi nữa thì đối với bà cũng không đáng kể gì. Phía kiểm soát nhắc tới việc bố của bà Mạnh đang có tài sản lên tới 3,2 tỷ USD (Đô la Mỹ).  

John Gibb-Carsley còn nói, bảo lãnh tại ngoại là dựa vào “tín nhiệm”, bà Mạnh không có tư cách được bảo lãnh, bởi vì bà có “mô thức không thành thực trên diện rộng” (extensive pattern of dishonesty). Ngoài ra, công tố viên còn đặc biệt nhắc nhở quan tòa, Trung Quốc và Canada, Mỹ đều không hề có hiệp ước dẫn độ.

Phía Viện kiểm sát Canada bổ sung thêm, bà Mạnh thường xuyên ra nước ngoài, trong thời gian từ năm 2014 đến 2016, bà thường xuyên ra vào Mỹ, tuy nhiên, từ tháng 4 năm nay, sau khi biết được thông tin phía Mỹ triển khai điều tra đối với Huawei, bà đã né tránh đến Mỹ, lần cuối cùng bà vào và ra khỏi Mỹ là tháng 3/2017.

John Gibb-Carsley cho hay, bà Mạnh bị cáo buộc nhiều tội danh, một khi bị chế định, mỗi tội danh bị cáo buộc có thể phải chịu hình phạt tù cao nhất là 30 năm, do đó, nếu bà Mạnh được bảo lãnh, có thể có khả năng bà sẽ chạy trốn.

Tại tòa, phía Viện kiểm sát Canada đã đưa ra chứng cứ chứng minh Công ty Skycom Hồng Kông vẫn chịu sự kiểm soát của Huawei, ví dụ như một nhân viên của Skycom sử dụng hòm thư điện tử của Huawei (có đuôi @huawei.com), có nhiều tài khoản của Skycom được nhân viên của Huawei kiểm soát, có một số nhân viên của Skycom nói mình là nhân viên của Huawei.

Phía Viện kiểm sát Canada nói, giám sát điện tử mặc dù có thể giảm khả năng bà Mạnh chạy trốn, nhưng không thể nào hoàn toàn ngăn chặn được.  

Tuy nhiên, tại tòa, Luật sư của bà Mạnh là David Martin cho biết, năm 2009, Huawei bán hàng cho Skycom, đồng thời cũng đưa ra nhiều lý do chứng minh bà Mạnh không có động cơ chạy trốn, trong đó có cả việc bà Mạnh và chồng bà mua tài sản tại Canada năm 2009, từ năm 2009-2012, con trai bà từng học tập tại Canada, cho đến việc bà có bệnh cao huyết áp và các bệnh khác, do đó không thể giam giữ bà lâu.

Luật sư David Martin nói, bà Mạnh đồng ý giao nộp tất cả hộ chiếu, bao gồm cả hộ chiếu còn thời hạn và đã hết hạn. Hiện tại bà Mạnh có 2 hộ chiếu, trong đó có hộ chiếu Hồng Kông đã bị tịch thu trong cùng ngày bà bị bắt, một cuốn hộ chiếu khác là hộ chiếu Trung Quốc hiện đang được gửi tới Canada.

Phía Viện kiểm sát Canada so sánh vụ án của bà Mạnh Vãn Châu với vụ án của Su Bin. Năm 2014, tỉnh British Columbia đã bắt một công dân Trung Quốc tên Su Bin vì đánh cắp bí mật quân sự của Mỹ, khi đó tòa án tỉnh British Columbia đã từ chối cho Su Bin được bảo lãnh.

Theo CBC đưa tin, Thủ tướng Canada Justin Trudeau chia sẻ với báo giới hôm 6/12 rằng, ông đã nhận dược thông báo về hành động bắt giữ trước vài ngày khi bà Mạnh bị bắt, khi đó ông không liên lạc với chính phủ Bắc Kinh hoặc Đại sứ Trung Quốc tại Canada về vụ việc này.

Mối quan hệ giữa Mạnh Vãn Châu và Bắc Kinh

Bà Mạnh Vãn Châu (tên tiếng Anh là Cathy hoặc Sabrina) không chỉ là Giám đốc Tài chính của Huawei, mà còn là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và là con gái của người sáng lập Tập đoàn Huawei.

CEO của Huawei đồng thời là người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi từng là người của quân đội Trung Quốc, phụ trách xây dựng mạng lưới thông tin trong quân đội.

Huawei và chính quyền Trung Quốc có mối quan hệ mật thiết, nhiều năm qua mối quan hệ này đã khiến cho tình báo nhiều nước phải chú ý, đồng thời cũng có nhiều lo lắng rằng liệu chính quyền Trung Quốc có thông qua các thiết bị của Huawei để tiến hành hoạt động gián điệp hay không.

Cựu Cục trưởng Cục Tình báo an ninh Canada Ward Elcock chia sẻ với CBC rằng, “Huawei về cơ bản là được chính quyền Trung Quốc kiểm soát.”

Trong Liên minh 5 mắt (Five Eyes), Mỹ và Úc đều đã cấm sử dụng thiết bị của Huawei, chính phủ New Zealand cũng đã cấm công ty viễn thông của mình sử dụng công nghệ 5G của Huawei. Tập đoàn Viễn thông Anh Quốc (BT Group) cũng đã dỡ bỏ thiết bị 3G, 4G của Huawei trong mạng di động của họ trong tháng 12 này. Trong tương lai mạng 5G của Anh Quốc cũng không sử dụng công nghệ của Huawei.

Michael Hayden – Cựu Cục trưởng Cục Tình báo Trung ương Mỹ trả lời phỏng vấn của tờ Australian Financial Review cho biết, các bằng chứng cho thấy Huawei đang giúp đỡ chính phủ Bắc Kinh tiến hành hoạt động gián điệp.

Truyền thông Úc gần đây cũng xuất bản một bài viết nói, quan chức Úc đã nhận được một bản báo cáo liên quan đến việc chính phủ Trung Quốc sử dụng Huawei để “xâm nhập vào mạng internet của nước khác”.

Theo “Luật tình báo quốc gia” (National Intelligence Law) của Trung Quốc, các cơ quan và tổ chức của Trung Quốc phải ủng hộ, giúp đỡ và phối hợp trong công tác tình báo quốc gia.

Quan chức cấp cao của 6 cơ quan tình báo lớn của Mỹ, trong đó có Cục Tình báo Trung ương, Cục Điều tra Liên bang và Cục An ninh nội địa đều đưa ra cảnh báo không nên sử dụng các sản phẩm của Huawei.

Huệ Anh

Xem thêm: