Tranh cãi trong giới y khoa quốc tế lẫn trong dư luận về việc Trung Quốc chuẩn bị thực hiện ca ghép đầu vẫn không ngừng gia tăng. Câu hỏi đặt ra là, tại sao nó lại diễn ra ở Trung Quốc và ai sẽ là người tình nguyện hiến?

mo cap noi tang
Ghép đầu ở Trung Quốc đặt ra nhiều vấn đề về đạo đức (Ảnh: Jens Almroth/ theepochtimes)

Theo tin từ tờ Newsweek, tuần qua bác sĩ người Ý Sergio Canavero đã công bố thông tin chấn động khi thử nghiệm thành công ca ghép đầu người trên xác chết. Ông cũng tuyên bố đã sẵn sàng thực hiện ca phẫu thuật ghép đầu trên người sống tại Trung Quốc, nơi cả người hiến lẫn người nhận đều giấu tên và là người Trung Quốc.

Thông tin này ngay lập tức đã vấp phải nhiều chỉ trích từ dư luận lẫn giới y khoa quốc tế, cũng như những người bảo vệ nhân quyền, đặc biệt khi Trung Quốc là nơi cung cấp nội tạng không rõ nguồn gốc lớn nhất trên thế giới, thậm chí với nhiều cáo buộc về việc lấy nội tạng cưỡng bức từ tù nhân.

Tại sao ca ghép đầu người sẽ diễn ra ở Trung Quốc?

Nhà thần kinh học Karen S. Rommelfanger, trợ lý giáo sư tại trường Y khoa Emory, Mỹ, phỏng đoán chính phủ Trung Quốc ngầm ủng hộ dự án này vì nếu thành công, ca ghép đầu người sống đầu tiên sẽ gây tiếng vang trên khắp thế giới, chứng minh bước tiến vượt trội trong công nghệ y học Trung Quốc.

Không chỉ như vậy, hiện cũng có một nhóm nhà nghiên cứu do chuyên gia phẫu thuật người Trung Quốc Xiaoping Ren dẫn đầu đang rất muốn thử nghiệm ghép đầu người. Trước các chỉ trích, bác sĩ Ren cho biết ông sẽ tiếp tục nghiên cứu về kiểu phẫu thuật gây tranh cãi này bởi: “Tôi là một nhà khoa học, không phải chuyên gia đạo đức.”

Ngoài ra, yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn Trung Quốc là nơi thử nghiệm chính là do sự thiếu minh bạch của chính phủ Trung Quốc về nguồn cung nội tạng. Được coi là một trong những quốc gia cung cấp nguồn hiến tạng lớn nhất trên thế giới, nhưng những người được cho là “tình nguyện” hiến tạng ở Trung Quốc có thông tin rất mù mờ. Thông tin về cả người cho và người nhận thường không được công khai và đã có nhiều cáo buộc các bệnh viện ở Trung Quốc sử dụng giấy tờ giả để hợp thức hoá các ca phẫu thuật thay tạng.

Ai sẽ là những người “tình nguyện” hiến xác tại Trung Quốc?

Tiến sĩ James Fildes đến từ Trung tâm cấy ghép Nam Manchester cho biết: “Ông Canavero sẽ tìm đâu ra người sẵn sàng hiến cả thân xác vì mục đích xóa bỏ ranh giới tự nhiên,” bởi để ghép đầu thành công cần có cơ thể sống, tức là có người khác phải chết.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào lịch sử cấy ghép tạng gần đây của Trung Quốc, có thể nhận thấy rằng việc tìm được người “tình nguyện” hiến tạng là vô cùng dễ dàng.

Trong khi tại hầu hết các quốc gia, bệnh nhân phải chờ đợi đến hàng năm mới có thể có được một quả thận hoặc một lá gan để cấy ghép, thì ở Trung Quốc, nhiều cơ quan tạng phù hợp được xác định chỉ trong vòng có vài tuần hoặc thậm chí là vài ngày.

Theo báo cáo của cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour, luật sư nhân quyền David Matas và nhà báo điều tra Ethan Gutmann, có tên “Thu hoạch đẫm máu/Đại thảm sát – bản cập nhật”, cho biết, mỗi năm có từ 60.000 – 100.000 ca phẫu thuật cấy ghép nội tạng trong hệ thống bệnh viện có hoạt động phẫu thuật cấy ghép ở Trung Quốc đại lục. (Tham khảo bản tiếng anh tại đây)

david kilgour
Ông David Kilgour, nguyên Quốc vụ khanh của Canada, phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (Ảnh: Minghui)

Do người Trung Quốc có truyền thống bảo toàn thi thể sau khi chết, nên việc hiến tạng tự nguyện ở Trung Quốc là rất hiếm. Vậy nên việc tìm được số lượng tạng lớn chỉ trong một khoảng thời gian ngắn như vậy đã đặt ra một câu hỏi về nguồn gốc của chúng.

Năm 2005, chính phủ Trung Quốc cho biết nguồn nội tạng của họ chủ yếu từ tử tù, chiếm 95% ca ghép tạng. Nhưng số lượng tử tù của Trung Quốc hàng năm chỉ từ 2.000-5.000 người. Vậy còn hàng chục nghìn nội tạng ghép mỗi năm là từ đâu?

Hơn nữa, do đặc tính của nội tạng cấy ghép, không thể lấy các nội tạng dùng cho cấy ghép ra khỏi các xác chết và cất giữ cho đến khi cần sử dụng, mà chúng cần được cấy ghép một thời gian rất ngắn (24 tiếng) sau khi người hiến tạng chết. Người nhận và người hiến còn cần có những chỉ số xét nghiệm tương thích mới có thể tiến hành cấy ghép. Vì vậy, để có được một nội tạng phù hợp là việc rất khó khăn, ở các quốc gia khác phải chờ đợi rất lâu mới có người hiến tạng phù hợp.

Trung Quốc dường như phải có một nguồn cung nội tạng khổng lồ là những người sống bị giam giữ chờ đợi người nhận, thì mới có thể tiến hành nhiều ca ghép trong thời gian chờ đợi ngắn như vậy. Và nguồn cung này luôn “tình nguyện” hiến cả gan, phổi, tim, dù điều đó sẽ khiến họ bị chết.

Do đó, việc tìm người “chấp nhận” hiến đầu, hay hiến cả thân xác để cấy ghép, “phục vụ cho mục đích y học cao cả” của bác sĩ Canavero và bác sĩ Ren có lẽ sẽ không khó khăn gì ở Trung Quốc.

>> Vì sao Trung Quốc không tiếc kinh phí nghiên cứu phẫu thuật thay đầu người?

Nạn nhân của việc cưỡng bức lấy tạng là ai?

Ngày 22/6/2016 tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Washington DC, ba nhà điều tra quốc tế là cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour, luật sư nhân quyền David Matas và nhà báo điều tra Ethan Gutmann đã công bố bản báo cáo cập nhật về việc giết hại các tù nhân lương tâm để lấy nội tạng tại Trung Quốc, trong đó đa số là các học viên Pháp Luân Công.

Bản báo cáo mới dài 680 trang này (có thể tải về tại www.endorganpillaging.org) là một bản cập nhật toàn diện về công tác điều tra của ba tác giả trong suốt thập kỷ qua. Với hơn 2.300 loại tài liệu tham khảo, nó chứa một lượng lớn thông tin thu thập được từ các báo cáo trên các phương tiện truyền thông, tài liệu quảng cáo ở Trung Quốc, tạp chí y khoa, và website của các bệnh viện.

Báo cáo cũng đề cập đến sự tham gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc, quân đội, và các tổ chức chính phủ trong việc thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm, bao gồm cả các vụ mất tích và cưỡng bức kiểm tra y tế đối với các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ ở các trại giam của Trung Quốc. Đây là tội ác do nhà nước hậu thuẫn nhằm thu lợi nhuận.

“Trung Quốc đã tái diễn những vi phạm nhân quyền có lẽ là khủng khiếp và nghiêm trọng nhất đối với Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác, song hầu như không gặp phải bất kỳ sự chỉ trích nào, chứ chưa nói đến trừng phạt vì sự ngược đãi này cả”, nghị sỹ Mỹ, bà Ileana Ros-Lehtinen bình luận. Bà cho biết cuộc bức hại và tội ác thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc “phải bị cả thế giới phản đối và phải chấm dứt vô điều kiện.”

Việc chuẩn bị ghép đầu ở Trung Quốc, do đó, không chỉ đơn thuần là “nhân danh y học,” mà nó đồng nghĩa với việc sẽ có những người vô tội phải chết, và nó có thể còn là bước khởi đầu cho một cách thức tàn sát độc ác hơn để phục vụ cho lợi ích của những kẻ tham lam và ham sống sợ chết.

Tuệ Minh

Xem thêm: