Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (còn gọi là viêm phổi Trung Cộng, COVID-19) đã ảnh hưởng sâu sắc đối với nền kinh tế Trung Quốc, GDP quí I tăng trưởng âm 6,8%, doanh nghiệp tư nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đang trong thời khắc hoạn nạn nhất, còn doanh nghiệp nhà nước cũng lao đao, lợi nhuận kinh doanh quí I/2020 sụt giảm tới 60% so cùng kỳ. Vậy điều gì sẽ xảy đến với con thuyền kinh tế Trung Quốc giữa biển khơi trùng điệp sóng gió này?

Trung Quốc
(Ảnh minh hoạ từ Shutterstock)

Trên góc độ vĩ mô, Bắc Kinh đã phải thay đổi từ “6 ổn định” giảm thành “6 bảo đảm”, theo tuyên bố ngày 17/4, tức là yêu cầu mức độ giảm thấp hơn căn cứ theo khó khăn hiện tại. Vì thế các chuyên gia trong giới kinh tế cho rằng Bắc Kinh đang phải miễn cưỡng từ bỏ mục tiêu tham vọng tăng trưởng GDP năm 2020 tăng gấp đôi so với năm 2010 như đã đưa ra trước đây, thậm chí tham vọng tương lai trở thành số một thế giới cũng đang dần tan đi.

Năm 2019, chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, đã làm kinh tế Trung Quốc liên tục tụt dốc, nay cộng thêm tác động kép của đại dịch viêm phổi Vũ Hán làm ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nữa đối với nền kinh tế Trung Quốc vốn đang suy yếu. Tác động dịch bệnh lần này vượt xa ảnh hưởng của dịch SARS năm 2003 và thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008.

Đồng thời cùng lúc lại xuất hiện nhiều nhân tố bất lợi khác như: như niềm tin trên trường quốc tế giảm sút do nghi ngờ sự chân thật trong cung cấp số liệu của Bắc Kinh – đặc biệt trong dịch viêm phổi Vũ Hán – đã tạo ra sự phẫn nộ đối với Bắc kinh; quan ngại sự bành trướng kinh tế thông qua “một vành đai, một con đường” mà hậu quả xấu xa của nó đang dần hiện rõ; quan ngại về việc sử dụng lao động cưỡng bức để sản xuất hàng giá rẻ… Những nhân tố này làm cho quan hệ kinh tế quốc tế của Bắc Kinh có chiều hướng không còn thuận lợi như trước, cộng với tình hình thiên tai khắc nghiệt, dịch bệnh mùa màng trong sản xuất nông nghiệp… khiến cho mức độ trượt dốc của kinh tế Trung Quốc lại càng nhanh hơn.

Thực tế là ngày 17/4, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố số liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quí 1/2020 giảm 6,8% so với cùng kỳ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Bắc Kinh công bố số liệu GDP tăng trưởng âm, kể từ khi bắt đầu công bố dữ liệu GDP năm 1976. Từ sự mất niềm tin trước đó nên các chuyên gia kinh tế cho rằng đây vẫn là con số đã ‘tô hồng’.

Số liệu chính thức cho thấy, GDP quí I/2020 đạt 20.650,4 tỷ nhân dân tệ, giảm 6,8% so cùng kỳ, đây quả là thời kỳ tồi tệ. Trong đó, khu vực công nghiệp thiệt hại nặng nề nhất, giảm tới 9,6%, khu vực dịch vụ giảm 5,2%, khu vực nông nghiệp giảm 3,2%.

Ngày 21/4, Tân Hoa Xã (xinhuanet), cơ quan truyền thông chính thức của nhà nước Trung Quốc đã đưa tin về mức độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất này, tương ứng với nó là tỷ lệ thất nghiệp đáng kể, tháng 1 là 5,3%, tháng 2 là 6,2%, tháng 3 là 5,9%. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số đầy đủ khi số lượng các DN bị phá sản phải đóng cửa do thua lỗ, do mất đơn hàng tăng cao bởi ảnh hưởng của dịch viêm phổi Vũ Hán. Tình hình này thậm chí còn quan ngại hơn nhiều. Thất nghiệp và thiếu việc làm sẽ trở thành nguy cơ hiện hữu khi kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng âm ở chu kỳ tiếp theo.

Trước tình hình dịch bệnh lây lan rộng ra toàn thế giới, kinh tế thời dịch bệnh làm cho nhiều đơn hàng quốc tế đã bị hủy, tuy có lúc các doanh nghiệp ở khắp nơi tới tấp phục hồi hoạt động, nhưng rồi lại phải nghỉ, bối cảnh đó đã làm cho số lượng doanh nghiệp đóng cửa, phá sản và dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Về phía thực hiện các gói hỗ trợ, các giải pháp cứu trợ nền kinh tế của chính phủ đưa ra cũng chưa thực sự làm tốt. Thậm chí đang có quan ngại rằng các gói cứu trợ tín dụng gần đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến giá bất động sản ở Thâm Quyến và một số thành phố lớn đã gia tăng liên tục trong quí I/2020.

Dưới áp lực kinh tế quá khó khăn như vậy nên mấy ngày qua, trên internet đã lan truyền một số video clip quay cảnh ông chủ xưởng tư nhân vì quá phẫn nộ mà tự tay đập phá không thương tiếc các máy móc, thiết bị, thậm chí có người còn phóng hỏa đốt cả nhà xưởng.

Ngày 21/4, Bộ tài chính Trung Quốc đã công bố kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong quí 1/2020, kết quả là tổng lợi nhuận doanh nghiệp nhà nước đạt 329,16 tỷ NDT, sụt giảm 59,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp trực thuộc TW đạt 297,23 tỷ NDT, sụt giảm 49,1%, còn doanh nghiệp nhà nước địa phương thì tỷ lệ lợi nhuận sụt giảm 86,3% với lợi nhuận chỉ còn 31,93 tỷ NDT.

Thực tiễn là từ doanh nghiệp tư nhân cho đến doanh nghiệp nhà nước đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, để có thể vận hành khởi động lại hoạt động của nền kinh tế là một vấn đề quá khó khăn.

Vì thế ngày 8/4, ông Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đã nói: Trung Quốc cần phải chuẩn bị một thời gian dài để ứng phó với sự thay đổi của môi trường bên ngoài.

Năm 2020 là năm bản lề then chốt đối với Bắc Kinh để đạt được mục tiêu tham vọng của kế hoạch 5 năm lần thứ 13 là GDP và thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi so với năm 2010. Theo tính toán, để đạt được mục tiêu thì GDP năm nay phải đạt 6,0%, trong bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng có thể sẽ là quá viển vông, bất khả thi. Chính vì vậy, Bắc Kinh đang gắng sức thực hiện mục tiêu “6 bảo đảm”, và sẽ miễn cưỡng không dám nghĩ đến mục tiêu tăng trưởng GDP 6%, và thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi năm 2010. Cũng có chuyên gia từ Trung Quốc cho rằng con số 13 là con số xấu, mà xem ra thực tế mọi việc đều không được thiên thời, địa lợi, nhân hòa, vì vậy có thể sẽ còn không ít thử thách khốc liệt nữa đối với con thuyền kinh tế Trung Quốc giữa biển khơi mịt mùng bão tố.

Tiểu Minh

MỜI NGHE RADIO: Sự khác biệt khi đối mặt với đại dịch giữa chính phủ các nước và ĐCSTQ

Xem thêm: