Ngày 22/8 vừa qua, tổ chức phi chính phủ Freedom House của Mỹ đã công bố báo cáo có tựa đề “The Battle for China’s Spirit” (Tạm dịch: Cuộc chiến vì linh hồn của Trung Quốc). Bản báo cáo chỉ ra rằng, dù không ngừng đàn áp hàng trăm triệu người dân có tín ngưỡng, nhưng thực tế là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thất bại thảm hại, thậm chí còn gây ảnh hưởng sâu sắc tới không chỉ chính sách tín ngưỡng mà cả hệ thống luật pháp, chính trị, kinh tế và xã hội.

Cảnh sát Trung Quốc tại Tây Tạng

Báo cáo tổng hợp số liệu từ tháng 11/2012 đến nay cho thấy, ít nhất 100 triệu người có tín ngưỡng đang bị chính quyền ĐCSTQ đàn áp ở mức độ “cao” hay “rất cao”, trong đó tập trung vào 4 nhóm chính: Tin lành, Phật giáo Tây Tạng, Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, và Pháp Luân Công. Tuy nhiên, bản báo cáo cũng nhấn mạnh, dù bị đàn áp và sách nhiễu, hàng triệu người có tín ngưỡng vẫn tiếp tục phản kháng và kiên trì tín ngưỡng của bản thân trong cuộc sống hàng ngày.

1. ĐCSTQ dốc toàn lực đàn áp các nhóm tín ngưỡng tôn giáo

Những người Cơ Đốc giáo không được họp mặt để cùng nhau đón Giáng sinh, các nhà sư Tây Tạng phải học tập cái gọi là “lòng yêu nước” từ kinh sách, một người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị kết án 9 năm tù vì cầu nguyện ngoài đồng, và một người cha 45 tuổi sống ở Đông Bắc Trung Quốc bị chết trong những ngày tạm giam vì ông tập Pháp Luân Công. Bản báo cáo của Freedom House bắt đầu với những ví dụ như thế.

Đàn áp tín ngưỡng Trung Quốc
Phân bố mức độ bức hại tín ngưỡng theo khu vực địa lý được Freedom House công bố. (Ảnh qua Freedom House)

Việc ĐCSTQ đàn áp tín ngưỡng vẫn luôn là một vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm. Sử dụng những biện pháp khác nhau, bao gồm cả bạo lực, ĐCSTQ đã thiết lập hệ thống chính sách nhằm khống chế sự phát triển của những cộng đồng có tín ngưỡng, tiến đến tiêu diệt một số tín ngưỡng, trong khi lợi dụng những tín ngưỡng còn lại cho mục đích chính trị và kinh tế của mình.

Trong báo cáo này, Freedom House đã tập trung vào hơn 350 triệu người có tín ngưỡng, bao gồm 5 nhóm tôn giáo là Phật giáo, Đạo giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, cũng như 1 nhóm người tập khí công là Pháp Luân Công, cùng với một số nhóm tín ngưỡng nhỏ bị bức hại khác. Theo đó, Freedom House đã xếp Tin lành vào nhóm chịu bức hại “cao”, còn Phật giáo Tây Tạng, Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và Pháp Luân Công là 3 nhóm chịu bức hại “rất cao”.

Đàn áp tín ngưỡng Trung Quốc
Freedom House liệt kê các tín ngưỡng bị đàn áp theo thứ tự mức độ bức hại.

Báo cáo cũng chỉ ra, ĐCSTQ đã tiêu tốn hàng tỷ đô la để thiết lập hệ thống viên chức và an ninh phục vụ cho cuộc đàn áp tín ngưỡng của mình. Trong đó đáng chú ý nhất là cuộc đàn áp Pháp Luân Công do Giang Trạch Dân khởi xướng, được Freedom House ví như “cuộc đàn áp tín ngưỡng tồi tệ nhất kể từ sau Cách mạng Văn hóa”.

2. Sự thất bại của ĐCSTQ

Báo cáo của Freedom House chỉ ra, bên cạnh những dấu hiệu cho thấy sự gia tăng của các chính sách đàn áp tín ngưỡng kể từ năm 2012 trở lại đây, hàng triệu người dân Trung Quốc có tín ngưỡng vẫn giành được những “chiến thắng” đáng kinh ngạc.

Nhờ cố gắng của những người theo Công giáo, quan hệ giữa ĐCSTQ và Vatican đã được cải thiện sau năm 2013, và hai bên đang đàm phán việc chỉ định giám mục ở Trung Quốc. Trong khi đó, Phật giáo Trung Quốc và Đạo giáo tiếp tục được chính quyền Tập Cận Bình cho phép phát triển dưới sự kiểm soát của chính quyền.

Larung Gar – Học viện Phật giáo Tây Tạng lớn nhất thế giới
phải đối mặt với nguy cơ bị phá dỡ.

Bên cạnh đó, các chính sách của Tập Cận Bình nhằm loại bỏ phe cánh của Giang Trạch Dân, cùng với việc những người tập Pháp Luân Công liên tục nâng cao nhận thức một cách ôn hòa, đã khiến cục diện dần có sự thay đổi, một số chính quyền cấp dưới đã ngầm ủng hộ Pháp Luân Công, nhiều thẩm phán còn khảng khái từ chối thụ lý và kết án những người tập môn này. Thậm chí từ ngày 1/3/2011, Cục trưởng Cục Xuất bản Tin tức Trung Quốc Liễu Bân Kiệt đã công bố lệnh số 50 của Tổng cục Xuất bản Tin tức, minh xác bãi bỏ lệnh cấm xuất bản sách Pháp Luân Công.

Freedom House nhấn mạnh rằng, thành viên của tất cả các tín ngưỡng bị đàn áp đều đã rất dũng cảm và sáng tạo trong việc phản kháng lại việc ĐCSTQ bức hại họ. Và rõ ràng là tham vọng muốn kiểm soát và lợi dụng tín ngưỡng của ĐCSTQ đang gây ra một “hiệu ứng ngược”.

Các tín ngưỡng bị đàn áp vẫn sống sót, tồn tại và lan rộng trong người dân. Đồng thời, quần chúng ngày một nhận ra bản chất của ĐCSTQ và đứng về phía các tín ngưỡng tôn giáo. Thậm chí rất nhiều nhà hoạt động hay luật sư nhân quyền đã dám lên tiếng, không còn chịu sự áp chế của ĐCSTQ như trước đây.

Đàn áp tín ngưỡng Trung Quốc
Người Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp tại Trung Quốc. (Ảnh qua daily-sun.com)

Bản báo cáo cũng chỉ ra rằng, cuộc chiến vì linh hồn giữa một bên là ĐCSTQ và một bên là tín ngưỡng của người dân Trung Quốc, đã vượt rất xa khỏi các chính sách tôn giáo, và ảnh hưởng sâu sắc tới tình hình luật pháp, chính trị, kinh tế, và xã hội của đất nước này. Nó bào mòn hệ thống luật pháp, khiến xã hội mất ổn định, tiêu tốn hàng tỷ đô la tiền thuế, và thách thức tính hợp pháp của chính bản thân ĐCSTQ.

3. ĐCSTQ không chỉ thất bại ở Đại Lục

Không chỉ thất bại với cuộc chiến ngay tại Trung Quốc Đại Lục, ĐCSTQ còn cho thấy sự suy yếu lớn trong các chính sách đàn áp tín ngưỡng thông qua “quyền lực mềm”. Ví dụ có thể nhận thấy rõ ràng nhất là Pháp Luân Công.

Bất chấp các tuyên truyền và áp lực từ Đại Sứ quán Trung Quốc tại nước ngoài, Pháp Luân Công đã phổ truyền rộng khắp tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; nhận được nhiều bằng khen, chứng nhận từ chính phủ các nước; thậm chí còn được đưa vào giảng dạy tại trường học ở Ấn Độ, Đài Loan, Mỹ, Indonesia…

Đàn áp tín ngưỡng Trung Quốc
Các bằng khen của các chính phủ đối với Pháp Luân Công được những người tập môn này đưa ra.

Đặc biệt, tại ba nơi chịu ảnh hưởng mạnh từ chính quyền Trung Quốc do gần gũi về mặt địa lý, bao gồm Hồng Kông, Đài Loan và Việt Nam, Pháp Luân Công vẫn phát triển không ngừng.

Tại Hồng Kông, Pháp Luân Công được luật pháp công nhận, được phép diễu hành nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, và nhận được ủng hộ từ quần chúng. Tại Đài Loan, năm 2015, ước tính đã có từ 800.000 đến 1 triệu người tập Pháp Luân Công.

Đàn áp tín ngưỡng Trung Quốc
Những người tập Pháp Luân Công tề tựu tại Quảng tường Tự Do Đài Loan (Ảnh: Minghui.org)

Còn ở Việt Nam, dù phần nào chịu sức ép và can nhiễu nhất định từ chính quyền Trung Quốc, những người tập Pháp Luân Công vẫn có thể tự do đến các công viên để tập luyện. Mới đây nhất,luật sư Nguyễn Xuân Chiến, nguyên Phó khoa Lý luận Cơ bản, Trường Đào tạo Bồi dưỡng Nghiệp vụ Kiểm sát tại TPHCM, đã lên tiếng khẳng định tính hợp pháp của Pháp Luân Công tại Việt Nam. Ông Chiến cho hay, theo một số văn bản của Ban Tôn giáo Chính phủ mà ông được biết, Pháp Luân Công không được xếp vào “đạo” hay “tôn giáo”, chỉ đơn thuần là một môn tập tự nguyện, không ghi danh, không có tổ chức và hoàn toàn miễn phí; không có bất kỳ văn bản pháp luật nào cho thấy Pháp Luân Công là bất hợp pháp tại Việt Nam.

Không chỉ thất bại trong việc “tiêu diệt” Pháp Luân Công, các quan chức dưới thời Giang Trạch Dân từng đóng vai trò tích cực đàn áp môn tập này hiện đang phải đối mặt với áp lực từ cả trong và ngoài nước. Trong nước là chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình, ngoài nước là các vụ kiện và các bản án của tòa án quốc tế tại Ý, Tây Ban Nha, và nhiều quốc gia khác dành cho các tội danh phản nhân loại, diệt chủng, tra tấn, v.v..

Chính vì vậy, trong phần cuối cùng, bản báo cáo của Freedom House đã trực tiếp đặt ra một câu hỏi về tương lai dành cho nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cùng những người trong chính quyền ĐCSTQ hiện tại: “Liệu họ có thể nhận ra sai lầm và nới rộng việc kiểm soát tín ngưỡng, hay họ sẽ tiếp tục lao vào vòng xoáy đàn áp và phản kháng, thứ có thể sẽ đe dọa tới tính hợp pháp và sự ổn định của chế độ?”

Trí Đạt

Xem thêm: