Ngày 1/10 năm nay là ngày Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kỷ niệm tròn 70 năm xây dựng chính quyền, dự kiến sẽ tổ chức diễu hành quân sự quy mô lớn nhất từ ​​trước đến nay. Giới quan sát am hiểu chính trị ĐCSTQ nhìn vấn đề như thế nào? Truyền thông Đức có quan điểm cho ​​rằng, lễ duyệt binh năm nay ngoài việc làm nổi bật “quyền uy” của ĐCSTQ trước thế giới thì còn mang dụng ý riêng của ông Tập Cận Bình.

Embed from Getty Images

Ông Tập Cận Bình vẫy tay chào tại Lễ duyệt binh vào ngày 3/9/2015 trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. (Ảnh: GREG BAKER/AFP/Getty Images)

Thể hiện “thành tựu vĩ đại” và răn đe những đối thủ chính trị trong Đảng

Ngay từ ngày 29/8, khi ĐCSTQ công bố ngày kỷ niệm 1/10 năm nay sẽ triển khai diễu binh lớn nhất trong lịch sử, lập tức được giới quan sát quốc tế chú ý. Theo giới thiệu trước đây của ông Tài Chí Quân, Cục phó Cục tác chiến Ban Tham mưu Liên hợp là phó ban chỉ đạo diễu binh cho biết, hoạt động diễu binh lần này lớn hơn tất cả các hoạt động diễu binh của ĐCSTQ trong quá khứ.

Ngày 23/9, tờ Tiếng nói nước Đức (Deutsche Welle) công bố bài viết của ông Đặng Duật Văn (Deng Yuwen), người từng là Phó tổng biên tập của Tạp chí Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ, bài viết cho rằng chính quyền Bắc Kinh phải tổ chức diễu binh đặc biệt lớn, trước tiên vì nhu cầu của nền chính trị toàn trị, mục đích là để truyền đạt cái gọi là “Mỹ học chủ nghĩa toàn trị của ĐCSTQ”. Ông Đặng nhận định: “Nhà nước độc tài hoặc nhà lãnh đạo kiểu độc tài luôn thích tổ chức diễu binh hoành tráng”.

Nhưng ông Đặng chỉ ra lễ diễu binh lần này còn có động cơ và mục đích khác, một trong số đó là để thể hiện cái gọi là “thành tựu vĩ đại” mà 70 năm qua ĐCSTQ đã tạo dựng, đặc biệt là chiến tích sau khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền. Một cuộc diễu hành lớn mà đặc biệt là thông qua làm nổi bật loại vũ khí mới, thể hiện ý chí và sức mạnh quân sự sẽ có tính răn đe với đối thủ và kẻ thù địa chiến lược của Trung Quốc.

Bài bình luận cho rằng hai mục đích trên của buổi duyệt binh thuộc về chính quyền Bắc Kinh, nhưng bản thân ông Tập Cận Bình cũng có tính toán cá nhân khác, đó là muốn thông qua buổi lễ duyệt binh này để thể hiện vị thế lãnh đạo tuyệt đối đối với lực lượng quân đội, răn đe những đối thủ chính trị trong Đảng: chớ thừa cơ bối cảnh khó khăn hiện nay để giành quyền lãnh đạo, sẽ chỉ tự chuốc tai họa.

Ông Đặng còn chỉ ra, việc ông Tập trở thành lãnh đạo hạt nhân và đặc biệt là sau sự kiện bãi bỏ nhiệm kỳ Chủ tịch nước hồi năm ngoái dẫn đến làn sóng tin đồn liên tục xuất hiện về quyền lực thực tế của nhà lãnh đạo này; nhưng qua cuộc chiến thương mại Trung–Mỹ cùng những diễn biến gần đây tại Hồng Kông, cho phép mọi người nghi ngờ rằng vị thế quyền lực thực sự của ông Tập không phải “bất khả xâm phạm” như nhiều đồn đoán. Chưa biết vấn đề thách thức này ra sao, nhưng khi cảm nhận thách thức thì ông Tập phải phòng ngừa, phải tạo thế răn đe và tìm cách dập tắt từ trong trứng nước.

Ông Đặng cũng đề cập rằng, không phải mọi người dân hứng thú chuyện diễu binh, trò diễu binh rầm rộ gây hao tiền tốn của nhân dân khiến người dân càng dễ cảm nhận trò hề của chủ nghĩa độc tài chuyên chế. Mặt khác, ý đồ muốn dùng buổi diễu binh để chứng minh vũ khí mới trước kẻ thù chiến lược cũng có thể gây hiệu ứng ngược, khiến nước đối địch càng cảnh giác hơn, qua đó đẩy mạnh hơn việc kiềm chế Trung Quốc. Điều này cũng đúng đối với đối thủ trong Đảng của ông Tập.

Quan trọng nhất là bảo vệ hạt nhân Tập Cận Bình

Năm 2019 được xem là trùng hợp với “quy luật” chính trị “kiếp nạn vào năm đuôi số 9” của ĐCSTQ, cộng thêm đặc điểm “đại nạn 70 năm” của chế độ độc tài, cho nên không nghi ngờ gì đây là năm cực kỳ nguy hiểm đối với ĐCSTQ. Bức tranh chung u ám hiện nay là: cuộc chiến thương mại Trung–Mỹ làm suy thoái kinh tế trong nước, làm sụt giảm nguồn vốn đầu tư nước ngoài, dấu hiệu hình thành làn sóng thất nghiệp; tình hình phản kháng của người dân Hồng Kông leo thang chưa có hồi kết; ĐCSTQ lạm dụng in tiền gây ra rủi ro tiềm ẩn lạm phát trong nước; vi phạm nhân quyền trong nước gây áp lực bùng nổ làn sóng phản kháng chống chính quyền.

Trên truyền thông người Hoa hải ngoại, nhà bình luận Trương Kiệt (Zhang Jie) cũng có bình luận rằng, mục đích đợt diễu binh của ĐCSTQ là thể hiện sức mạnh quân sự với thế giới, đặc biệt là Mỹ và các nước quanh Biển Đông; thứ hai là răn đe đảng Dân tiến Đài Loan, nhóm người theo quan điểm Đài Loan độc lập và người Hồng Kông muốn ly khai; thứ ba là thể hiện sức mạnh quân sự trước dân chúng, khơi dậy tình cảm chủ nghĩa dân tộc, đe dọa giới trí thức và nhà bất đồng chính kiến, để duy trì ổn định chế độ.

Theo giới chức ĐCSTQ tuyên bố, chủ đề hàng đầu của hoạt động diễu binh này là nhấn mạnh “kiên quyết bảo vệ hạt nhân Tập Cận Bình”. Trong lúc ĐCSTQ gặp khốn khó cả đối nội và đối ngoại, hàm ý phía sau chủ đề của đợt duyệt binh này dễ khiến giới quan sát dễ liên tưởng việc Tập Cận Bình đang rất lo lắng vị thế chính trị bị lung lay.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Đài Á châu Tự do (RFA), nhà quan sát Ngô Cường (Wu Qiang) là cựu giảng viên Khoa Chính trị tại Đại học Thanh Hoa cho biết, mục tiêu hàng đầu của cuộc diễu hành quân sự ở Bắc Kinh lần này là phải làm nổi bật bảo vệ uy quyền Tập Cận Bình, thực tế là thể hiện lòng trung thành với ông Tập và cho thấy vai trò thống trị tuyệt đối của ông Tập đối với thế lực quân đội. Thứ hai là nhằm khoe các loại vũ khí mới tạo hiệu ứng răn đe Đài Loan, thậm chí cạnh tranh cao thấp với Mỹ.

Còn nhà bình luận chính trị Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) thì cho rằng chủ đề của đợt diễu binh này tập trung vào bảo vệ hạt nhân Tập Cận Bình, cho thấy quyền lực và địa vị hiện tại của lãnh đạo đương nhiệm ĐCSTQ không vững vàng, thậm chí ở mức độ nhất định đang bị tấn công. Chính vì vậy ông Tập rất cần mượn nghi thức diễu binh này để thể hiện uy quyền răn đe các đối thủ chính trị trong Đảng.

Gần đây, cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng và thực trạng leo thang biểu tình tại Hồng Kông đã khiến uy quyền chính trị của ông Tập gặp thách thức chưa từng có, điều này cũng đã được phản ánh qua các tin đồn về cuộc “nội chiến” khốc liệt trong ĐCSTQ tại hội nghị bí mật cấp cao Bắc Đới Hà kết thúc vào đầu tháng trước liên quan đến bối cảnh chung này.

Mới đây nhà bình luận chính trị Trần Phá Không sống lưu vong tại Mỹ đã có phân tích trên Đài Tiếng nói nước Pháp (RFI) rằng, hiện nay cục diện chính trị Bắc Kinh có thể xem là rất khó lường, có rất nhiều xu hướng. Tại Hội nghị Bắc Đới Hà, các phe phái chính trị tỏ rõ thái độ bất bình với những chính sách của ông Tập, liên quan đến vấn đề quan hệ Trung-Mỹ suy yếu ở mức chưa từng có, đàm phán thương mại Trung-Mỹ bị đình trệ, cuộc chiến thương mại không ngừng leo thang; ngoài ra còn vấn đề biểu tình phản kháng dữ dội của người Hồng Kông đang chưa có hồi kết.

Ông Trần Phá Không cho rằng cuộc chiến quyền lực giữa phe Tập Cận Bình và phe chống đối trong ĐCSTQ đang ở thời khắc đặc biệt nhạy cảm, có thể xảy ra biến cố bất cứ lúc nào. Điểm nhấn hiện nay là phải quan sát xem phe nào chiếm ưu thế tại Hội nghị toàn thể Trung ương 4 sắp tới, là phe ông Tập với đa số ghế ủy viên trung ương hay các phe khác đoàn kết chống lại? Chuyên gia này nhận định, tình hình hiện tại đang khá bất lợi đối với ông Tập.

Tuyết Mai

Xem thêm: