Ngày 31/8, máy chủ của diễn đàn thảo luận LIHKG mà người biểu tình Hồng Kông thường sử dụng đã bị tấn công DDoS mức độ lớn, một phần cuộc tấn công bắt nguồn từ Trung Quốc Đại Lục. Quy mô của cuộc tấn công này là “chưa từng gặp phải”, có tính tổ chức và thậm chí đạt đến cấp độ quốc gia.

tancongmang
(Ảnh: Fotolia)

LIHKG bị tấn công DDoS “chưa từng có” vào 31/8

“Bản đồ tấn công kỹ thuật số” (Digital Attack Map) cung cấp thông tin tấn công mạng toàn cầu cho thấy, những ngày gần đây khi Hồng Kông nổ ra đụng độ mạnh mẽ giữa người biểu tình với cảnh sát, mạng liên lạc LIHKG cũng đã trở thành trọng điểm của các cuộc tấn công DDoS.

Theo thông tin, khoảng 8 giờ sáng ngày 31/8, trang web LIHKG bị gặp lỗi gián đoạn tạm thời 502, ứng dụng di động càng khó kết nối hơn, luôn báo kết quả “nối mạng không thành công”. Sau khi được chuyên gia sửa chữa khẩn cấp thì dịch vụ mới trở lại bình thường.

Trong một tuyên bố gần đây, LIHKG cho biết rằng do lưu lượng truy cập quá lớn khiến mạng tắc nghẽn và máy chủ đã quá tải, vì vậy người dùng bị sự cố gián đoạn kết nối không thể vào bình thường được.

Tuyên bố cũng cho biết, theo dữ liệu cuộc tấn công được họ ghi nhận, “Tổng cộng hơn 1,5 tỷ lần yêu cầu truy cập; lúc cao trào có hơn 6,5 triệu người truy cập trong một giờ; tần số cao nhất của đợt tấn công là 260.000 lần yêu cầu thao tác trong một giây, kéo dài liên tục sau khoảng 30 phút mới bị ngăn chặn.”

Mức tổ chức đạt cấp độ quốc gia

Theo tuyên bố của LIHKG, một phần cuộc tấn công bắt nguồn từ Trung Quốc Đại Lục.

Tuyên bố cho biết: “Một số người sử dụng các rô bốt phần mềm botnet từ khắp nơi trên thế giới để tấn công DDoS đối với Diễn đàn thảo luận LIHKG, quy mô của cuộc tấn công này lớn chưa từng gặp, chúng tôi có lý do để tin rằng sự cố này được tổ chức, thậm chí lên đến cấp quốc gia.” 

LIHKG cảnh báo người sử dụng rằng hoạt động tấn công mạng quy mô lớn vào diễn đàn này vẫn chưa dừng lại, dịch vụ vẫn có thể đột ngột bị gián đoạn tạm thời, trong trường hợp người dùng không thể vào được ứng dụng thì hãy thử dùng phiên bản web.

Có nhận định rằng, việc LIHKG bị tấn công vào ngày 31/8 không có gì bất ngờ. Ngày này có ý nghĩa rất lớn đối với người Hồng Kông. Vào ngày 31/8 cách đây 5 năm, ĐCSTQ đã thông qua quyết định cho phép người thường trú Hồng Kông trưởng thành được bầu Trưởng Đặc khu tiếp theo của Hồng Kông. Nhưng ứng viên Trưởng Đặc khu cần phải được bầu chọn từ ủy ban bầu cử gồm 1.200 thành viên, trong khi phần lớn số thành viên này là phe thân ĐCSTQ, chính điều này làm người dân Hồng Kông tức giận.

Những người phản đối cho rằng như vậy chẳng khác nào ĐCSTQ vẫn chọn lãnh đạo cho họ. Bắc Kinh cũng đã xác định rằng bất kể ai thắng cử cũng phải được chính quyền trung ương bổ nhiệm thì mới chính thức trở thành Trưởng Đặc khu Hồng Kông.

Nghị quyết 31/8 của ĐCSTQ đã trở thành lý do chính cho phong trào bất tuân dân sự của người dân Hồng Kông đấu tranh cho quyền bầu cử phổ thông. Vào cuối tháng 9/2014 đã khởi đầu Phong trào ô dù kéo dài 79 ngày.

Năm năm sau, ngày 31/8 năm nay, dù kế hoạch tập trung diễu hành phản đối trong ngày 31/8 của Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền Hồng Kông bị cảnh sát ra thông báo từ chối, nhưng đông đảo người Hồng Kông vẫn xuống đường phản đối dưới nhiều hình thức.

Người sáng lập Telegram: Tấn công từ Trung Quốc Đại Lục

Đặc trưng nổi bật của chiến dịch biểu tình ở Hồng Kông kéo dài gần ba tháng qua là không có tổ chức, không có nhà lãnh đạo. Những người biểu tình bí mật thông tin cho nhau qua mạng LIHKG và phần mềm giao tiếp được mã hóa của Telegram để thảo luận về các hoạt động được thực hiện và bỏ phiếu trực tiếp quyết định.

Theo Bloomberg, không chỉ LIHKG, mà phần mềm Telegram thường được người biểu tình sử dụng hồi tháng Sáu cũng đã bị tấn công. Nhưng khi đó người sáng lập Telegram không đề cập bóng gió mà thẳng thắn tuyên bố các cuộc tấn công mạng, có bối cảnh do chính phủ của ĐCSTQ thực hiện.

Thời điểm đó người sáng lập Pavel Durov của Telegram cho biết, số lượng khổng lồ địa chỉ IP gây nhiễu máy chủ Telegram chủ yếu từ Trung Quốc Đại Lục.

Giới quan sát có chỉ ra lý do tấn công là dễ hiểu, vì thông qua kênh liên lạc LIHKG và Telegram, những người biểu tình có thể nhanh chóng trao đổi quan điểm và thực hiện các kế hoạch, khiến chính phủ Hồng Kông khó kiểm soát được họ.

Tuần trước, Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cho biết sẽ không loại trừ việc sử dụng tất cả các biện pháp để bình ổn tình hình, bao gồm áp dụng “Luật khẩn cấp”, khiến người cầm quyền có thể tự quyết định cho đóng mạng Internet hoặc ngăn chặn những ứng dụng giúp người biểu tình liên lạc với nhau.

Huệ Anh

Xem thêm: