Theo Reuters, dịch bệnh do virus corona mới gây ra không chỉ tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế đang khủng hoảng của Trung Quốc mà còn làm đình trệ sáng kiến “Vành đai và Con đường” đầy tham vọng của nước này.​

vành đai con đường
Các quốc gia và khu vực mà “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc (Ảnh: Shutterstock)

Khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm chính thức Myanmar lần đầu tiên trong năm nay và ký các hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng mới, không có dấu hiệu nào cho thấy virus corona sẽ gây trở ngại về kế hoạch của Trung Quốc đối với việc xây dựng đường sắt, cảng và đường cao tốc trên khắp thế giới.

Việc hạn chế đi lại nhằm ngăn cản dịch bệnh phát tán đã làm ngưng trệ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và làm chậm tiến độ của sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đầy tham vọng của ông Tập Cận Bình.

Các công nhân Trung Quốc không thể trở lại làm việc tại các dự án ở nước ngoài, còn các nhà máy cũng buộc phải ngừng sản xuất do không thể nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, theo các giám đốc điều hành và quan chức của hơn 10 công ty chia sẻ. 

“Nhiều nhà máy ở Trung Quốc vẫn đóng cửa, những nhà máy đang hoạt động hiện nay cũng không thể đạt công suất tối đa. Kể từ khi các dự án BRI có xu hướng tìm nguồn thiết bị và máy móc từ các công xưởng ở Trung Quốc, tình trạng gián đoạn trong sản xuất công nghiệp và chuỗi cung ứng còn đình trệ hơn nữa”, Boyang Xue, một nhà phân tích Trung Quốc tại Ducker Frontier cho biết.

Một dự án khổng lồ nhằm xây dựng tuyến đường sắt cao tốc trị giá 6 tỷ USD ở Indonesia của Tập đoàn Đường sắt Quốc tế Trung Quốc cũng đang trong tình trạng đình trệ.

Doanh nghiệp nhà nước này đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để giám sát sự lây lan của virus corona và kêu gọi tất cả các nhân viên Trung Quốc về quê vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua không trở lại Indonesia, một giám đốc điều hành cấp cao của công ty tiết lộ với điều kiện ẩn danh, vì ông không có thẩm quyền nói với truyền thông.

Công ty đã chặn hơn 100 người Trung Quốc, chủ yếu là công nhân lành nghề hoặc cấp quản lý, quay trở lại làm việc tại dự án nối thủ đô Jakarta của Indonesia với vùng dệt may Bandung, vị giám đốc điều hành này cho biết.

“Chúng tôi phải tập trung hoàn thiện các phần ít quan trọng của dự án đường sắt cho đến khi một số người chủ chốt của công ty trở lại làm việc,” ông nói. “Chúng tôi đang phải tìm lối ra cho một khởi đầu rất tồi tệ của năm 2020. Dự án của chúng tôi đã bị trì hoãn bởi sự chậm trễ và tranh cãi từ trước đó, và virus corona còn mang lại cho chúng tôi nhiều thách thức lớn hơn”.

Từ đại dịch COVID-19: Tổn thất vì “toàn cầu hóa” hay vì phụ thuộc Trung Quốc?

Tình trạng gián đoạn

Ông Bành Thanh Hoa, tổng thư ký của Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước Trung Quốc, cho biết hôm 18/2 rằng dịch bệnh bùng phát đã gây khó khăn cho một vài dự án đầu tư ở nước ngoài, và Trung Quốc đã liên lạc với các công ty nước ngoài, chủ sở hữu ở nước ngoài và các Chính phủ sở tại sớm nhất có thể để được hỗ trợ và cảm thông.

Nhiều công ty Trung Quốc tại Indonesia, gồm cả tập đoàn Tsingshan Holding, GEM và Zhejiang Huayou Cô-ban đã đành nhìn các dự án về ni-ken và cô-ban gián đoạn khi Indonesia dừng các chuyến bay từ Trung Quốc hồi đầu tháng Hai và từ chối nhập cảnh những người đến từ Trung Quốc lục địa trong vòng 14 ngày trước đó.

Hơn 133 nước đã áp đặt lệnh cấm nhập cảnh với công dân Trung Quốc hay những người đã tới Trung Quốc, theo Cơ quan Di trú Quốc gia Trung Quốc.

Tuy vậy, siêu dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) trị giá 62 tỷ USD tại Pakistan cho biết virus corona sẽ không gây tác động đến dự án này, mặc dù một số nhà quản lý dự án đã bị cách ly sau khi trở về từ Trung Quốc. 

Thách thức của virus SARS-CoV-2 tới các hợp đồng của sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã tới ngay sau khi các quan chức Indonesia, Malaysia, Sri Lanka, cũng như nhiều nơi khác phê phán rằng các dự án này quá đắt và không cần thiết.

Trung Quốc đã thu hẹp quy mô nhiều nhà máy sau khi nhiều nước tìm cách đánh giá lại, trì hoãn hoặc thu nhỏ các cam kết, viện dẫn bằng những lo lắng về giá thành, nguy cơ xâm phạm chủ quyền và tham nhũng.

Các nhà sản xuất nhỏ ở Trung Quốc trước nguy cơ phá sản vì dịch bệnh

Chuỗi cung ứng bị phá vỡ

Virus corona cũng đã bắt đầu phá vỡ chuỗi cung ứng, khi các công ty Trung Quốc là đầu mối cung cấp máy móc và linh kiện chính.

Tại Đặc khu kinh tế Sihanoukville, Campuchia, văn phòng của các nhà quản lý cấp cao của Trung Quốc trống. Đây là nơi từng được mô tả là một dự án nổi bật trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”, với hơn 160 doanh nghiệp và hơn 20.000 công nhân làm việc.

Nhân viên tại các công ty Trung Quốc nói với hãng tin Reuters rằng phần lớn các công nhân ở đây là người địa phương, nhưng thách thức lớn hơn là sự phụ thuộc của họ vào các nguồn cung vật liệu từ Trung Quốc.

Điều đó “có thể kéo dài dự án vô thời hạn và có thể làm giá thành tăng cao,” ông Nick Marro, thuộc cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu và là một nhà phân tích về Trung Quốc, nói.

“Và dù cho điều đó có thể chỉ ảnh hưởng tới các hoạt động trong quý đầu tiên, tuỳ thuộc vào việc liệu virus đã được ngăn chặn chưa, sự tăng trưởng chậm hơn của Trung Quốc sẽ tác động đến khu vực và toàn cầu,” ông nói.

Ở một vài khu vực nơi dự án “Vành đai và Con đường” hiện hữu, tác động của virus corona đã có thể thấy rõ.

Bangladesh thông báo nhiều dự án hạ tầng sẽ bị chậm, bao gồm việc vận hành nhà máy nhiệt điện Payra, dự kiến bắt đầu hoạt động thương mại từ đầu tháng Hai.

Bên cạnh đó, hơn 2.000 công nhân Trung Quốc làm việc tại nhà máy và khoảng 40% trong số họ đã về nhà ăn Tết, truyền thông địa phương đưa tin. Trong số đó, chỉ có 20 người được phép trở lại làm việc sau 14 ngày cách ly.

Xuân Lan (theo Reuters)

Xem thêm: