Kể từ khi trở thành lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào năm 2012 đến nay, ông Tập Cận Bình đã nhanh chóng củng cố quyền lực của mình. Năm 2016, ông được gọi là “hạt nhân” của giới lãnh đạo Đảng. Năm 2017, tư tưởng Tập Cận Bình chính thức được đưa vào hiến pháp của ĐCSTQ. Năm 2018, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua việc sửa đối Hiến pháp, cho phép ông Tập có thể tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2023. Diễn tiến này đã khiến nhiều người tin rằng địa vị thống trị của ông ở Trung Quốc có thể sánh ngang với Mao Trạch Đông.

Tập Cận Bình, virus corona, viêm phổi Vũ Hán
(Ảnh: cipta studio/Shutterstock)

Theo National Interest, ông Tập Cận Bình đã phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Cùng với sự leo thang của thương chiến Trung-Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc đã rơi vào tình trạng ảm đạm. Tiếp đó, năm 2019, các cuộc biểu tình dân chủ quy mô lớn không ngừng diễn ra ở Hồng Kông, đe dọa sự kiểm soát của Trung Quốc đối với thành phố này. Các cuộc biểu tình Hồng Kông còn góp phần không nhỏ vào chiến thắng của Đảng Dân Tiến trong cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan năm 2020.

Đối với ông Tập mà nói, sự bùng nổ của dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’ càng là một thách thức nghiêm trọng hơn. Chính sự độc quyền của ông hiện tại khiến khó lòng đẩy các quan chức địa phương ra làm “con dê tế Thần”. Victor Shih, một chuyên gia chính trị Trung Quốc tại Đại học California, San Diego nhận định: “Khi có một sai sót nào đó hoặc có nguy cơ cao dẫn đến sai sót, người lãnh đạo tối cao sẽ phải chịu trách nhiệm toàn bộ.” Thật vậy, việc chính quyền Trung Quốc không thể kiểm soát và xử lý khủng hoảng đã phơi bày rõ thực tế rằng, việc tập trung quyền lực trong tay Tập Cận Bình khiến bộ máy hành chính Trung Quốc mất đi năng lực giải quyết công việc ở một mức độ nhất định.

Y tế cộng đồng và khủng hoảng quốc gia

Với dân số hơn 10 triệu người, Vũ Hán là một đầu mối giao thông trọng yếu ở Trung Quốc. Ban đầu, các quan chức địa phương ở Vũ Hán đã cố gắng che đậy dịch bệnh, hy vọng rằng có thể tự giải quyết được vấn đề. Khi bác sĩ Lý Văn Lượng lần đầu tiên lên tiếng về chủng virus corona mới gây bệnh ‘viêm phổi Vũ Hán’ vào tháng 12/2019, ông đã bị cảnh sát bắt giữ điều tra về tội danh “tung tin đồn”, yêu cầu ông phải cam kết “ngừng công bố thông tin sai lệch”. Không lâu sau đó, ngày 11/1/2020, chính quyền Vũ Hán đã công bố trường hợp tử vong đầu tiên do virus corona mới. Nhưng vấn đề này đã không được đưa vào chủ đề thảo luận chính trong thời gian hội nghị của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Hồ Bắc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị, tổ chức từ ngày 11 đến 17/1. Hội nghị của Bộ Chính trị tại Bắc Kinh hôm 16/1 cũng không hề thảo luận về sự bùng phát của virus corona tại Vũ Hán.

Đến tận ngày 23/1, chính quyền Trung Quốc mới tiến hành phong tỏa Vũ Hán sau khi 5 triệu người rời khỏi thành phố này. Ngày 26/1, ông Tập cuối cùng đã chủ trì một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị để thảo luận về các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Phải mất gần 2 tháng, chính quyền Trung Quốc mới chính thức thực thi các biện pháp quyết liệt, điều này đã cho thấy sự cứng nhắc đáng sợ của một bộ máy quan liêu. Cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập khiến nhiều quan chức sợ hãi. Các quan chức chính phủ luôn nơm nớp lo sợ về việc bị buộc tội tham nhũng, do đó, họ đã học cách khoanh tay đứng nhìn, thay vì đưa ra những biện pháp hiệu quả để kịp thời giải quyết vấn đề.

Ông Tập yêu cầu cán bộ phải trung thành vô điều kiện với Đảng mà không nhìn vào năng lực của họ. Hơn nữa, những ai muốn thăng quan tiến chức đều hiểu rằng, trung thành ở đây không phải là nói ra sự thật, mà phải là đồng tâm nhất trí với lãnh đạo tối cao.

Đến nay, sự tập trung quyền lực của ông đã khiến ông rơi vào thế khó. Để kiểm soát Trung Quốc, ông không thể không dựa vào bộ máy quan liêu. Sự bùng phát của virus corona chính là một khảo nghiệm thực sự về năng lực chấp chính của ông, và ông cũng ý thức rõ điều này.

Sự phê bình chỉ trích trong nội bộ Đảng trở nên rõ nét hơn

Năm 2018, ông Tập đã thành công trong việc gỡ bỏ hạn chế đối với nhiệm kỳ của chủ tịch nước, điều này cho thấy sự kiểm soát chặt chẽ của ông đối với quyền lực. Tuy nhiên, thủ đoạn chính trị này cũng dẫn đến không ít chỉ trích trong nội bộ Đảng. “Bạn chí cốt” của Đặng Phác Phương (con trai cả của Đặng Tiểu Bình) là ông Phàn Lập Cần đã làm băng rôn chỉ trích ông Tập Cận Bình tại Đại học Bắc Kinh. Có không ít dấu hiệu cho thấy, hành động của ông Phàn Lập Cần được nhiều nhân sĩ ủng hộ, bởi vì ông Tập đã đưa ra nhiều quyết sách không phù hợp trong cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, cũng như phong trào biểu tình dân chủ ở Hồng Kông nửa cuối năm 2019.

Có thể thấy, những chỉ trích trong nội bộ Đảng đối với việc tập trung quyền lực của ông Tập Cận Bình chỉ là một sự phiền toái chính trị nhỏ mà ông Tập gặp phải, bởi vì chúng chỉ giới hạn trong việc phê phán rằng tập trung quyền lực có nhiều tác hại. Tuy nhiên, thực trạng quản lý yếu kém trước cuộc khủng hoảng do virus corona ở Vũ Hán đã chứng thực cảnh báo của ông Đặng Tiểu Bình trước đây – nỗi sợ hãi của quan chức cấp dưới đối với ông Tập đã khiến họ lặng im không hành động, còn thể hiện rõ ra sự bất tài và không trung thực.

Ngày 12/2, chính quyền Bắc Kinh đã thay thế quan chức tối cao ở tỉnh Hồ Bắc. Điều này không nhất định là đẩy trách nhiệm và sai lầm cho các quan chức địa phương. Trên thực tế, việc thay đổi nhân sự này cho thấy ban đầu Bắc Kinh đã sai lầm trong việc bổ nhiệm quan chức. Ngoài ra, ông Tập không có lựa chọn nào khác ngoài việc thay thế lãnh đạo tối cao ở tỉnh Hồ Bắc bằng người của mình. Nếu cuộc khủng hoảng về y tế cộng đồng này không được giải quyết nhanh chóng, động thái thay đổi nhân sự sẽ chỉ càng làm suy yếu thêm quyền uy của ông Tập. Sách lược an toàn nhất của ông trong việc xử lý vấn đề ở Hồ Bắc chính là đẩy toàn bộ trách nhiệm cho lãnh đạo trước đây của tỉnh này.

Nhưng ông Tập đã không làm như vậy, điều này có thể là do ông đang phải đối mặt với áp lực trong nội bộ Đảng và phải nhanh chóng tìm cách giải quyết khủng hoảng. Tương lai chính trị của ông Tập và chính quyền Bắc Kinh có liên quan chặt chẽ đến kết quả xử lý khủng hoảng này. Ông Tập rõ ràng không thể trông chờ vào việc các nhà lãnh đạo Hồ Bắc đưa ra biện pháp hiệu quả nào nhằm chặn đứng dịch bệnh. Dễ thấy rằng cùng với việc số ca lây nhiễm dịch bệnh và tử vong không ngừng gia tăng, cuộc khủng hoảng ở Vũ Hán đã phủ bóng đen lên viễn cảnh chính trị của ông Tập Cận Bình.

Minh Ngọc (Theo KanZhongGuo)