Mới đây, thông tin về việc chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ra mắt công nghệ nhận diện cảm xúc và đưa vào ứng dụng trên quy mô lớn ở Tân Cương khiến cho ngoại giới chú ý. Phân tích cho rằng, điều này còn đáng sợ hơn cả công nghệ nhận dạng khuôn mặt, ĐCSTQ coi “toàn dân là kẻ địch”, coi tất cả mọi người đều là nghi phạm. Không ít người quan ngại, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc xuống dốc, Bắc Kinh dựa vào thủ đoạn bạo lực một cách công khai để “duy trì ổn định”, xâm hại nhân quyền, thì trong tương lai, các vấn đề sinh ra từ những việc này cũng sẽ dần dần bùng nổ.

Nhận diện khuôn mặt
Một máy ATM ở Tế Nam Trung Quốc phải qua bước nhận dạng khuôn mặt để rút tiền. (Ảnh từ Internet)

Vì sao công nghệ nhận dạng cảm xúc lại khiến người ta lo sợ?

Tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) tại Anh đưa tin hôm 1/11, tiếp sau công nghệ nhận dạng khuôn mặt, gần đây ĐCSTQ lại tiếp tục đưa ra công nghệ nhận dạng cảm xúc. ĐCSTQ đã thí nghiệm hệ thống “nhận dạng cảm xúc” trên quy mô lớn ở Tân Cương, tiến hành phân biệt trạng thái cảm xúc của người đi bộ ngoài đường, nhằm đưa ra biện pháp “ứng phó an toàn” tương ứng.

Theo phóng viên của Nhật báo Phố Wall (WSJ) gần đây đã đi chụp ảnh thực địa tại một trường tiểu học ở trung tâm thị trấn Hiếu Thuận, quận Kim Đông tình phố Kim Hoa tỉnh Chiết Giang, phát hiện học sinh bị yêu cầu đeo “vòng giám sát trên đầu” khi lên lớp, mục đích để theo dõi năng lực tập trung của học sinh, và sẽ gửi các thông tin liên quan đến cho phụ huynh. Sự việc này sau khi bị truyền thông ngoài Trung Quốc tiết lộ đã gây nhiều tranh cãi, chính quyền đã ra lệnh tạm dừng. Tuy nhiên, thông tin không đề cập đến việc “vòng đeo đầu” liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe của con người hay không.

ĐCSTQ đưa ra công nghệ phân biệt cảm xúc đã khiến cho ngoại giới lo lắng. Đài Á châu Tự do (RFA) trích dẫn lời của Tiến sĩ Kỹ thuật thông tin điện tử Cung Thúc Giai tại Mỹ nói, công nghệ phân biệt cảm xúc không phải là mới, nhưng sử dụng rộng rãi ngoài xã hội thì Trung Quốc là nước đầu tiên. Hệ thống này có thể phán đoán một người có phải là đang vui vẻ, căng thẳng, hay tức giận. Nếu hệ thống này được ứng dụng rộng rãi, xã hội Trung Quốc có thể rơi vào nỗi sợ hãi khó có thể tưởng tượng.

“Chính là ở nơi nào đó, gặp mặt ai? Khuynh hướng tư tưởng, biểu đạt tình cảm, thậm chí trong tâm nghĩ gì? Đều có thể thông qua công nghệ tương tự để tiến hành tính toán. Giám sát xã hội sẽ đi sâu vào từng kẽ hở. Trong quá khứ có thể mắng chửi trong lòng, bất mãn đối với chính quyền, trên đường còn có thể thông qua ánh mắt để biểu thị ra. Hiện nay thì ngay cả ánh mắt cũng đều bị nhìn ra.”

“Về phương diện kinh tế, ĐCSTQ hiện nay đang gặp phải thách thức đặc biệt nghiêm trọng, kinh tế đang đi xuống. Quá khứ họ thông qua thủ đoạn kinh tế để vỗ về người dân, hiện nay thì không được nữa, cho nên cần phải dựa vào thủ đoạn bạo lực một cách trần trụi này,” ông Cung Thúc Giai nhấn mạnh.

Tàu điện ngầm Bắc Kinh đưa “nhận dạng khuôn mặt” vào kiểm tra an ninh

Trước đó, Bắc Kinh sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để kiểm tra an ninh. Hành khách tại Trung Quốc Đại Lục và hành khách nước ngoài có sự khác biệt, trước khi vào cửa cần phải qua kiểm tra an ninh. Hệ thống đường sắt ngầm ở Bắc Kinh có lượng hành khách hàng ngày trung bình lên đến hơn 10 triệu lượt người.

Người phụ trách mạng lưới đường sắt thành phố Bắc Kinh gần đây đã tiết lộ trên một diễn đàn rằng, hệ thống đường sắt ngầm trong nội thị sẽ xây dựng chế độ “danh sách trắng”, áp dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, tương lai hành khách chỉ cần “quét mặt” là có thể thông qua cửa kiểm tra an ninh. Vị này còn nhắc đến việc sẽ thực hiện phân loại kiểm tra an ninh, xây dựng tiêu chuẩn phân loại, hình thành kho dữ liệu khuôn mặt đối ứng. Tuy nhiên, vị này không tiết lộ đường sắt ngầm ở Bắc Kinh sẽ sử dụng công nghệ và tiêu chuẩn nào để phân biệt hành khách.

Tháng 10 năm ngoái, “thiết bị kiểm tra an ninh nhận dạng khuôn mặt” đã được vận hành thí điểm ở một bộ phận nhà ga đường sắt ngầm ở Quảng Châu, hệ thống này bao gồm cửa kiểm tra an ninh và máy móc nhận diện khuôn mặt. Hành khách cần tải về ứng dụng di động chính thức của công ty đường sắt Quảng Châu, vào mục “kiểm tra an ninh thông minh” để tiến hành đăng ký tên thật bằng căn cước và khuôn mặt, sau khi duyệt thông qua thì có thể “quét khuôn mặt” để vào cửa. Nếu không muốn làm như thế, hành khách vẫn có thể sử dụng mô hình kiểm tra an ninh trước đó.

Nhà bất đồng chính kiến Bắc Kinh Lý Úy đã tham khảo hệ thống nhận dạng khuôn mặt của Quảng Châu. Ông chia sẻ với RFA rằng, tương lai đường sắt Bắc Kinh sẽ có “danh sách trắng” hành khách, đương nhiên cũng sẽ có “danh sách đen”. Hơn nữa, ông tin rằng chuẩn tắc để phân biệt hành khách trong tương lai sẽ do chính quyền chế định.

“Ví dụ như, những người mãn hạn thi hành án và được thả, được liệt vào nhóm nhân khẩu trọng điểm, nhân sĩ bất đồng chính kiến, người khiếu oan, liệu có bị liệt vào danh sách đen hay không, sẽ do nhân viên kiểm tra an ninh thậm chí là công an tại cửa kiểm tra an ninh tiến hành phân loại xử lý. Chúng ta chưa thể biết được.”

Một cư dân khác ở Bắc Kinh cũng chia sẻ với RFA rằng, kinh nghiệm để tránh gặp phải chuyện không vui vẻ là sau này khi xuất hành, hãy cố hết sức tránh ngồi tàu điện ngầm.

Họ coi “toàn dân là kẻ địch” rồi. “Tức là, tất cả mọi người đều là nghi phạm. Thực tế, đây là biểu hiện của việc chính phủ ĐCSTQ không hề tự tin. Hiện tại tàu điện ngầm Bắc Kinh, ngay cả nước uống thông thường cũng phải kiểm tra an ninh. Rốt cuộc chính phủ sợ điều gì? Họ chính là muốn thông qua các biện pháp để tạo áp lực cho công dân, để khiến cho mọi người sợ hãi.”

Nhân quyền của người TQ ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng

Bà Tô Đông Yên, Giáo sư Học viện Luật thuộc Đại học Thanh Hoa, người hướng dẫn nghiên cứu sinh Tiến sĩ, đã đăng một bài viết dài trên WeChat để biểu đạt sự lo lắng về vấn đề pháp luật khi vận dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Là một giáo sư đại học danh tiếng, bà cảm thấy bản thân mình cũng trở thành đối tượng mà chính quyền đề phòng.

Bà nói, những năm trước, tàu điện ngầm Bắc Kinh tăng giá vé đã tổ chức nhiều lần họp, còn vấn đề thông tin cá nhân quan trọng hơn cả giá vé, cũng cần phải do công chúng thảo luận và biểu đạt thái độ. Bà Tô đặc biệt không thể chấp nhận cách nói phòng bị này của chính quyền là “thiện ý bảo vệ công dân của chính phủ”. Bà nhấn mạnh, người nắm giữ các dữ liệu không phải tồn tại như một thiên sứ. Khi đặt lo ngại về an toàn cá nhân của mình lên sự thờ ơ của người khác thì thực ra đó là một canh bạc.

Chia sẻ với RFA, ông Đằng Bưu, học giả về luật hiện đang định cư tại Mỹ cho biết, thông tin cá nhân và đời tư cá nhân, là một phần quan trọng của quyền lợi cá nhân, cũng là một phần của tự do nhân thân. Điều này đã được quy định từ lâu trong tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

“Quyền riêng tư là một phương diện quan trọng của quyền lợi công dân, là biểu hiện quan trọng của quyền con người. Tại Trung Quốc, chính phủ vốn không chịu hạn chế về mặt pháp luật, nếu mở rộng toàn diện hệ thống nhận dạng sinh trắc học này, thì sẽ là điều rất đáng sợ.”

Ông còn nói: “Dưới chế độ thiếu sự đảm bảo quyền lợi cá nhân, Trung Quốc toàn lực thúc đẩy công nghệ cao để giám sát toàn diện, sẽ khiến nhân quyền của Trung Quốc bị xâm hại ngày càng nghiêm trọng, các vấn đề nảy sinh từ đó cũng sẽ từng bước bùng phát trong tương lai.”

Trí Đạt

Xem thêm: