Do vấp phải sự lên án mạnh mẽ của quốc tế, chính quyền Khu tự trị Tân Cương, tây bắc Trung Quốc mới đây đã sửa luật để cung cấp cơ sở pháp lý cho các trại tập trung đang giam giữ trái phép hàng triệu người Hồi giáo, theo hãng tin AP.

Embed from Getty Images

ĐCSTQ kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động của người dân tại Tân Cương. 

AP cho biết chính quyền Khu tự trị Tân Cương đã thông qua các điều khoản mới để chính thức cho phép sử dụng “các trung tâm giáo dục và đào tạo” nhằm chuyển hóa “những người bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cực đoan”.

Trước nay, giới chức Trung Quốc vẫn phủ nhận sự tồn tại của các trại tập trung, nhưng nói rằng chỉ có số ít các tội phạm bị gửi tới “các trung tâm đào tạo” nghề nghiệp. Một số người dân từng bị giam giữ trong các trung tâm này nói với AP rằng trong những nơi mà họ mô tả là các trại tuyên truyền chính trị, họ bị ép phải từ bỏ đức tin Hồi giáo và phải thề trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ông Jame Leibold, một học giả về các chính sách dân tộc của Trung Quốc tại Đại học La Trobe, Melbourne, Úc trao đổi với AP: “Đó là một minh chứng hồi cứu cho việc [ĐCSTQ] bắt giữ hàng loạt người Duy Ngô Dĩ, người Kazakh và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác tại Tân Cương. Đó là một hình thức trại cải tạo mới chưa từng có tiền lệ và không thực sự có cơ sở pháp lý nào. Tôi thấy rằng họ đang lúng túng trong việc cố gắng tạo ra một cơ sở pháp lý cho chính sách này”.

Theo AP, các điều khoản sửa đổi luật được chính quyền Khu tự trị Tân Cương công bố hôm thứ Ba (9/10), trong đó quy định rằng các cơ quan công quyền từ cấp quận/huyện trở lên “có thể thành lập các trung tâm giáo dục và đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, các tổ chức chuyển đổi giáo dục và các cơ sở quản lý để chuyển hóa những người bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cực đoan thông qua giáo dục”.

Một điều khoản mới chỉ đạo các trung tâm nêu trên phải dạy tiếng Trung phổ thông và cung cấp giáo dục nghề nghiệp và pháp luật, cũng như “giáo dục tư tưởng, phục hồi tâm lý và điều chỉnh hành vi”.

Được biệt, luật gốc được chính quyền ĐCSTQ tại Tân Cương thông báo năm 2017 cấm người Hồi giáo đeo mạng che mặt, “phát ngôn và hành vi cực đoan” và cấm không được từ chối nghe các chương trình phát thanh và truyền hình công cộng.

Chế độ Bắc Kinh đã sử dụng hàng thập kỷ để cố gắng đàn áp tình cảm ủng hộ độc lập tại Tân Cương khi tâm lý này bùng phát do người dân thất vọng về làn sóng người Hán di cư ồ ạt tới Tân Cương. Giới chức ĐCSTQ nói rằng những phần tử cực đoan có mối quan hệ với các nhóm khủng bố, nhưng họ không đưa ra được những chứng cứ đáng kể để biện minh cho cáo buộc này.

Theo AP, những thành viên của cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakh và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác đang sống ở nước ngoài nói rằng họ không thể liên lạc được với người thân tại Trung Quốc. Trong khi, giới chức ĐCSTQ đã đưa trẻ em vào hàng chục cô nhi viện khắp Tân Cương để chia tách lũ trẻ với bố mẹ của chúng đang bị giam giữ hoặc đã trốn chạy ra nước ngoài sống lưu vong.

Ông Leibold cho rằng những điều luật mà chính quyền ĐCSTQ tại Tân Cương vừa sửa đổi là nỗ lực nhằm đánh lạc hướng chỉ trích của cộng động quốc tế. Chế độ Trung Quốc đang phải chịu áp lực ngày càng tăng từ Mỹ, Liên minh Châu Âu sau khi một Ủy ban của Liên Hiệp Quốc vào tháng Tám đã thông tin hàng loạt các báo cáo đáng tin cậy về việc giới chức ĐCSTQ giam giữ trái phép hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác trong các trại tập trung ở Tân Cương. Theo AP, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng đã có kế hoạch xem xét vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc trong cuộc họp của Hội đồng này vào tháng Mười Một.

Bất kể những sửa đổi luật pháp này, tôi vẫn cho rằng việc thực thi giam giữ cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ và các cộng động thiểu số Hồi giáo khác tại Tân Cương trong ‘các trung tâm giáo dục cải tạo’ không chỉ vi phạm luật pháp Trung Quốc mà còn vi phạm các chuẩn mực pháp lý quốc tế về việc chống tước đoạt quyền tự do”, ông Leibold nhấn mạnh.

Trong bài phát biểu tại Viện Hudson hôm 4/10 vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc ĐCSTQ tiếp tục đàn áp các tín đồ Công giáo, Phật giáo và Hồi giáo và gọi đây là “đất nước mà chưa bao giờ dừng đàn áp người dân của mình”.

Ông Pence nói rõ rằng: “Đảng Cộng sản đã giam giữ cả triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong các trại của chính phủ nơi họ phải chịu đựng sự tẩy não suốt ngày đêm. Những người sống sót trong các trại đã mô tả trải nghiệm của họ như một nỗ lực cố ý của Bắc Kinh để bóp nghẹt văn hóa Duy Ngô Nhĩ và dập tắt đức tin Hồi giáo”.

Bộ Ngoại giao Mỹ vào giữa tháng Chín đã thông tin rằng họ đang xem xét chế tài một số quan chức và tổ chức Trung Quốc liên quan tới đàn áp tôn giáo.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói trong cuộc họp báo thường nhật hôm 11/9: “Chúng tôi cực kỳ lo lắng về đàn áp ngày càng tồi tệ, không chỉ với người Duy Ngô Nhĩ, mà còn với người Kazakh và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác tại một khu vực ở Trung Quốc”.

Chính phủ Mỹ có thể áp đặt chế tài lên quan chức ĐCSTQ chiếu theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu. Luật này cho phép chính phủ Mỹ nhắm mục tiêu vào những người vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới bằng việc phong tỏa tài sản của họ tại Mỹ, cấm họ di trú tới Mỹ và cấm người Mỹ kinh doanh với những người bị chế tài.

Tân Bình

Xem thêm