Phong trào biểu tình phản đối luật dẫn độ tại Hồng Kông đã kéo dài gần ba tháng, cộng thêm tình trạng nóng lên của cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ khiến hoạt động chuẩn bị cho ngày kỷ niệm 1/10 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang phải chịu áp lực lớn. Gần đây có thông tin cho rằng ĐCSTQ đã ra chỉ thị bí mật yêu cầu Bộ An ninh Quốc gia bắt giữ một số người Mỹ và Đài Loan để đẩy trách nhiệm cho họ khiến phong trào biểu tình Hồng Kông leo thang. Thông tin cũng cho biết Chính phủ Hồng Kông đang muốn thực hiện thiết quân luật, giống như “Thiên An Môn thứ hai”.

Embed from Getty Images

Âm mưu đẩy trách nhiệm cho “thế lực thù địch” Mỹ và Đài Loan?

Theo một nguồn tin ngày 28/8 từ hãng tin Mirror Media của Đài Loan, Bộ An ninh Quốc gia ĐCSTQ đã gửi tài liệu bí mật cho cơ quan “phản gián” An ninh Quốc gia tại các tỉnh thành với nội dung yêu cầu Cục số 3 của An ninh Quốc gia Quảng Đông phối hợp với Chính phủ Hồng Kông bắt giữ khoảng 2 hoặc 3 người Mỹ và Đài Loan, cáo buộc họ là “gián điệp” của Mỹ và Đài Loan nhằm chứng minh có “thế lực nước ngoài” kích động trong chiến dịch biểu tình phản đối luật dẫn độ tại Hồng Kông.

Hiện tại, Cục số 3 An ninh Quốc gia Quảng Đông đã bắt đầu sắp xếp các công việc liên quan.

Nguồn tin cũng cho biết Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Macao đã ban hành công văn đỏ đề nghị những bộ phận liên quan thực hiện 5 yêu cầu nhiệm vụ. Thứ nhất là không để phong trào biểu tình phản đối luật dẫn độ tại Hồng Kông tiếp tục lan rộng, Chính phủ Hồng Kông phải kiên quyết chống hành vi phá hoại “một quốc gia hai chế độ”. Thứ hai là phải bình ổn tình hình Hồng Kông trước khi kết thúc tháng Tám. Thứ ba là hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ Hồng Kông và tỉnh Quảng Đông trong điều động cảnh sát vũ trang và công an Quảng Đông phối hợp cùng cảnh sát Hồng Kông, quá trình này thống nhất chỉ đạo từ Tỉnh ủy Quảng Đông. Thứ tư là quân đội ĐCSTQ trú tại Hồng Kông có thể hành động uy hiếp, nhưng không phù hợp cho hành động thiết quân luật. Thứ năm là thực hiện chu đáo công tác khắc phục hậu quả của quá trình giải tán biểu tình, dùng chính sách vừa mềm vừa cứng để giảm thiểu tác động và trừng phạt từ quốc tế.

Một diễn biến khác từ truyền thông Hồng Kông, hôm 20/8 ủy viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông Điền Bắc Thìn (Michael Tien) thuộc phe kiến chế(phe thân Bắc Kinh) cho biết đã nhận được tin về việc Trung ương ĐCSTQ cho “giới hạn cuối cùng” bình ổn tình hình Hồng Kông trước ngày ĐCSTQ xây dựng chính quyền 1/10. Nếu không, Bắc Kinh không loại trừ khả năng cho quân đội và cảnh sát vũ trang ĐCSTQ vào Hồng Kông theo Điều 14  của “Luật Quân đồn trú” hoặc Điều 18 của Luật cơ bản. Vì vậy ông Điền Bắc Thìn cho rằng, Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) nên tranh thủ thời gian này đáp ứng yêu cầu hủy bỏ luật dẫn độ của người biểu tình, đồng thời thành lập ủy ban điều tra độc lập, qua đó loại bỏ bất bình của người Hồng Kông.

Phái Giang muốn thực thi lệnh giới nghiêm?

Gần đây cũng có thông tin cho biết Chính phủ Hồng Kông đã đề xuất thực thi “Pháp lệnh Quy định về Trường hợp khẩn cấp” để đối phó với người biểu tình Hồng Kông. Về vấn đề này, hôm 27/8 bà Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga phản hồi trong buổi họp báo rằng, chính phủ có trách nhiệm xem xét đến mọi biện pháp pháp lý “ngăn chặn và bạo dẹp loạn”.

Trong một nguồn tin gây bùng nổ công luận hôm 28/8 của triệu phú Quách Văn Quý người Đại Lục sống lưu vong tại Mỹ cho biết, “Pháp lệnh Quy định về Trường hợp khẩn cấp” cũng gọi là “Thiết quân luật”, ông Quách cáo buộc giới chóp bu của Chính phủ Hồng Kông đã thành con rối của ĐCSTQ, luôn phục tùng theo Chủ nhiệm Văn phòng Sự vụ Hồng Kông – Macao Tôn Lực Quân (mới lên chức Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc), ông Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính và gia tộc của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân.

Ông Quách tiết lộ rằng bắt đầu từ tháng Chín, bốn nhân vật chóp bu tại Hồng Kông gồm bà Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga, bà Bộ trưởng Tư pháp Hồng Kông Trịnh Nhã Hoa (Teresa Cheng), ông Bộ trưởng An ninh Hồng Kông Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu) và ông Cảnh vụ trưởng Hồng Kông Lư Vĩ Thông (Stephen Lo) đều được quân đội ĐCSTQ tại Hồng Kông và quân đặc chủng do Bắc Kinh phái đến “bảo vệ”, cũng có thể xem là “bị bắt cóc”.

Do đó ông Quách Văn Quý cho rằng bước tiếp theo ĐCSTQ sẽ diễn lại khúc dạo đầu như trước biến cố Thiên An Môn ngày 4/6/1989, ví dụ ngụy tạo các vụ việc lấy cớ để thực thi biện pháp mạnh, như cảnh người tự thiêu, nhà bị đốt cháy, quân lính bị giết hại, các cơ sở công cộng bị phá hoại, khiến Chính phủ Hồng Kông phải yêu cầu Trung ương ĐCSTQ cho thực thi thiết quân luật, đồng thời cho bắt giữ toàn bộ những người có lương tâm và trách nhiệm hiện đang có vai trò quan trọng (quan chức Chính phủ Hồng Kông, ủy viên lập pháp, luật sư…)

Hồng Kông thành mặt trận của nội chiến Trung Nam Hải?

Trong thông tin mà Quách Văn Quý chỉ ra, vấn đề gây quan tâm nhất có lẽ là việc nhà cầm quyền dùng đến “Pháp lệnh Quy định về Trường hợp khẩn cấp” cũng gọi là “Thiết quân luật”. Có phân tích cho rằng nếu điều này thành sự thật, phái Giang có thể lợi dụng lý do được trung ương ủng hộ để tùy tiện dùng quyền lực, khiến tình hình xung đột phức tạp hơn nhằm gây khó khăn cho Tập Cận Bình.

Gần đây cũng xuất hiện tình trạng nhiễu loạn thông tin về Hồng Kông từ một số hãng truyền thông người Hoa bên ngoài Đại Lục. Có thông tin cho biết ông Tập Cận Bình yêu cầu “kẻ nào gây rối kẻ đó tự giải quyết”; có thông tin chỉ ra Hội nghị Bắc Đới Hà không đạt được đồng thuận, phe đại diều hâu và phe bồ câu trong Trung Nam Hải vẫn đang đấu đá khốc liệt…

Về vấn đề này, ông Đường Hạo, chủ biên trang tin “Ngã tư Thế giới” chuyên phân tích các vấn đề quốc tế nhận định rằng mệnh lệnh này của ông Tập Cận Bình cứ như cắt đứt mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Hồng Kông, nhưng ngược lại mệnh lệnh không rõ ràng này có thể khiến Văn phòng liên lạc ĐCSTQ cũng như Văn phòng Sư vụ Hồng Kông – Macao và chính quyền Hồng Kông xem như cái cớ để lạm dụng quyền lực làm tình hình Hồng Kông leo thang bạo lực hoặc mở trận chiến pháp lý đối với người dân Hồng Kông.

“Đặc biệt, phái Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng hay phe phái nào khác đối lập Tập Cận Bình có thể viện cớ ‘ai gây chuyện phiền hà người đó giải quyết’ để làm xung đột giữa cảnh sát và người dân biểu tình trở nên căng thẳng hơn, để gây bất ổn hơn và thừa cơ đổ lỗi cho chính quyền Bắc Kinh, khiến Tập Cận Bình phải chịu thêm áp lực.” Ông Đường Hạo nhận định rằng một khi chính quyền Hồng Kông và cảnh sát leo thang đàn áp bạo lực, sẽ làm người dân Hồng Kông thêm tức giận và tiếp tục xuống đường phản kháng mạnh mẽ hơn. “Đây là kịch bản mà các phe phái chống Tập Cận Bình mong muốn, vì càng làm cho tình hình Hồng Kông hỗn loạn hơn thì càng dễ khiến Tập Cận Bình có những quyết sách sai lầm, khi đó phe đối lập sẽ có nhiều cơ hội hơn giành lại quyền lực.”

Trung Nam Hải có những phe phái nào?

Như vậy, cuối cùng thì thế lực phe phái Trung Nam Hải được cấu thành như thế nào?

Theo phân tích của nhà quan sát Đường Hạo, do việc hợp thành phe phái có yếu tố cùng chung lợi ích, có yếu tố huyết thống chính trị, có yếu tố cùng chung kẻ thù, cho nên về đại thể thì chí ít trong nội bộ ĐCSTQ lâu nay cũng có những phe như Thái tử Đảng (con cái của giới quan to), phe Hồng nhị đại (con cái của những công thần từng gây dựng ĐCSTQ), phe Đoàn thanh niên, phe quân đội…, nhưng hiện nay hai phe nổi bật nhất ở Trung Nam Hải là phe Tập Cận Bình và phe Giang Trạch Dân.

“Nhiều người đặt vấn đề rằng chẳng phải Giang Trạch Dân đã nghỉ hưu quá lâu rồi? Làm thế nào còn có thể gây ảnh hưởng?” Nhà quan sát Đường Hạo giải thích rằng bởi vì thời ông Giang Trạch Dân cầm quyền ông ta đã gây dựng được số lượng lớn thuộc hạ hủ bại, khiến quan trường Trung Quốc rơi vào tình trạng không quan nào không tham nhũng; chính những kẻ này đã thành công gây cản trở quyền lực của ông Hồ Cẩm Đào suốt 10 năm ông Hồ cầm quyền, làm cho chính lệnh không ra được khỏi Trung Nam Hải, “Vì vậy hiện nay phe Giang Trạch Dân vẫn còn nhiều kẻ chiếm giữ những vị trí quan trọng ở Trung Nam Hải, tiêu biểu như ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Vương Hộ Ninh, Phó Thủ tướng Hàn Chính, Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc ĐCSTQ tại Hồng Kông Vương Chí Dân… đều thuộc về phái Giang.”

“Hiện nay trong Trung Nam Hải có hai phe lớn nhất đối chọi nhau là phe cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và phe Tập Cận Bình, vì vậy trong nhiều sự kiện lớn có thể dễ dàng nhận ra đằng sau đó là cuộc chiến giữa hai phe này, chẳng hạn tiêu biểu như vấn đề Hồng Kông hiện nay”, Đường Hạo nhận định.

Bảo Minh

Xem thêm: