Tối hôm 6/2, sau khi có thông tin bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời do nhiễm virus corona mới, đông đảo cư dân mạng đã bày tỏ sự đau buồn và phẫn nộ trên Weibo, còn khởi lên chủ đề “Chúng tôi muốn tự do ngôn luận”, nhấn mạnh rằng nếu không có tự do ngôn luận, thì Vũ Hán ngày hôm nay chính là ngày mai của tất cả chúng ta, “Không có tự do, con người cũng không có tôn nghiêm”. Tuy nhiên, chủ đề này đã lập tức bị xóa bỏ trên mạng xã hội.

BS Ly
Bác sĩ Lý Văn Lượng

Bác sĩ Lý, ban đầu được xác nhận đã qua đời vào lúc 21:30 ngày 6/2 (giờ địa phương). Tin tức này ngay lập tức trở thành điểm tìm kiếm nóng trên Weibo. Tuy nhiên ngay sau đó có cư dân mạng tiết lộ, Ban Tuyên giáo Trung ương Trung Quốc ban hành mệnh lệnh, yêu cầu giới truyền thông “kiểm soát sức nóng” và “xóa bỏ từ khóa tìm kiếm nóng” liên quan đến cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng. 

Không ít người thẳng thắn chỉ ra, để dập tắt sự tức giận của hàng trăm triệu cư dân mạng, nhiều tờ báo chính thống của Trung Quốc đã thay đổi luận điệu, nói rằng bác sĩ Lý vẫn đang được cấp cứu bằng phương pháp ECMO và đang trong tình trạng nguy kịch.

Không lâu sau đó, các hãng thông tấn đồng loạt đưa tin mới về thời gian tử vong của bác sĩ Lý, xác nhận thời gian qua đời là vào lúc 2:58 sáng ngày 7/2. Sự bất nhất đáng ngờ này ngay lập tức đã gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng, nhanh chóng dấy lên làn sóng kêu gọi “tự do ngôn luận” trên Weibo.

Theo thống kê từ Initium Media, tính đến 1:12 sáng ngày 7/2, chủ đề “Chúng tôi muốn tự do ngôn luận” đã có tới 2,025 triệu lượt xem và hơn 8.000 bài đăng trên Weibo. Sau khi hashtag này bị xóa, cư dân mạng tiếp tục chia sẻ hashtag “Chúng tôi yêu cầu tự do ngôn luận”.

Một số cư dân mạng bình luận:

“Người dân vì sao không có quyền tự do ngôn luận, vì sao không có quyền được chất vấn, vì sao không có quyền được biết rõ sự việc, vì sao mà kênh truyền thông nào cũng là miệng lưỡi của chính quyền!!!”

“Chúng tôi muốn tự do ngôn luận, cho các bạn và cho tôi!” 

“Chúng tôi muốn tự do ngôn luận. Tôi là con người, mà một người độc lập cần phải có nhân quyền căn bản nhất của con người!”

“Yêu cầu tự do ngôn luận. Vũ Hán ngày hôm nay có thể chính là ngày mai của chúng ta. Chúng ta có quyền lợi được biết sự thật! Chúng ta cũng có quyền lợi được nói ra sự thật!”

Một số cư dân mạng thậm chí còn học theo phong trào phản đối Luật Dẫn độ ở Hồng Kông, đề xuất tuân theo năm yêu cầu về tự do ngôn luận: “Rút lại những lời chống lại bác sĩ Lý Văn Lượng; rút lại ​​tất cả các lệnh xóa thông tin; rút lại ​​tất cả các phát ngôn cáo buộc vu khống; thành lập một ủy ban điều tra độc lập truy cứu trách nhiệm của những quan chức liên đới; lập tức trao trả lại quyền tự do ngôn luận cho người dân”.

Hồi tháng Một đầu năm, Bác sĩ Lý Văn Lượng và 7 người khác đã bị công an Vũ Hán cảnh cáo vì lan truyền thông tin “bất hợp pháp và sai sự thật” về virus corona mới sau khi những người này cảnh báo trên mạng xã hội WeChat về 7 trường hợp nhiễm một loại virus mới bí ẩn giống SARS nhằm giúp đỡ các bác sĩ khác chú ý tránh bị phơi nhiễm.

Cục Công an Vũ Hán vào ngày 3/1 đã gửi cho bác sĩ Lý Văn Lượng một thông báo nói rằng những tin nhắn trên Wechat của ông “đã vi phạm nghiêm trọng trật tự xã hội”. Ông bị công an Vũ Hán yêu cầu ký vào bản cam kết hứa chấm dứt hành vi phạm pháp như trên ngay lập tức và nếu ông không tuân thủ cam kết này, thì ông sẽ phải đối mặt với một bản án hình sự.

Dư luận đã phản ứng giận dữ với cách làm của công an Vũ Hán. Dưới áp lực rất lớn này, Tòa án Tối cao Trung Quốc hôm 29/1 đã có một động thái chưa từng thấy từ trước đến nay khi ra thông cáo khiển trách công an Vũ Hán vì đã trừng phạt 8 người bị cho là lan truyền “tin đồn”.

Sau đó, khi hàng loạt thông tin về dịch bệnh được công bố, chính quyền địa phương đã xin lỗi bác sĩ Lý vì điều này, truyền thông cũng “đổi gió”, từ chỗ đưa tin bác sĩ Lý là người “tung tin đồn thất thiệt” thành “người thổi còi” của dịch bệnh.

Có thể nhận thấy, cùng với sự bùng phát của dịch bệnh, việc kiểm soát thông tin ở Trung Quốc cũng ngày càng chặt chẽ hơn. Trong phát biểu lần đầu tiên vào ngày 20/1 về tình hình dịch bệnh, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình ngoài yêu cầu kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh còn nhấn mạnh đến cái gọi là “đẩy mạnh công tác định hướng dư luận và giữ đại cuộc ổn định xã hội”.

Cái gọi là định hướng dư luận có nghĩa là tăng cường kiểm soát dư luận, đàn áp những tiếng nói phơi bày sự thật mà quan chức muốn che giấu, phong tỏa tự do ngôn luận của công dân và tự do thông tin của truyền thông. Việc thực hành kiểm soát ý thức hệ, kiểm soát ngôn luận và mạng internet đã trở thành thông lệ của ĐCSTQ. Thông thường, kiểm duyệt và xóa bài viết vẫn được xem là biện pháp mềm, còn thanh trừng bắt bớ giam cầm là biện pháp cứng.

Ngày 25/1, Trung tâm An ninh WeChat đã đưa ra một thông báo về cái gọi là “tin nhảm về dịch bệnh”, theo đó trích dẫn các điều khoản của “Luật Hình sự sửa đổi” của ĐCSTQ để đe dọa những ai “ngụy tạo tin giả dịch bệnh” sẽ phải ngồi tù.

Một số nhóm WeChat cũng đăng tải thông báo của bộ phận giám sát mạng internet có nội dung tương tự, tuyên bố rằng từ ngày 26/1 tất cả người đưa thông tin chưa được xác thực gây ra tác động xấu sẽ bị bắt giam xử tội.

Ngày 7/2, tờ Epoch Times còn đưa tin, Nhà Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc, một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Washington, đã tiết lộ rằng trong vòng một tuần từ 22/1 đến 28/1, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ ít nhất 325 công dân Trung Quốc. Hầu hết những người Trung Quốc này bị chụp mũ “lan truyền tin đồn”, “tạo ra sự hoảng loạn” hoặc “hư cấu sự thật gây rối loạn trật tự công cộng“, và bị trừng phạt bằng cách giam giữ hành chính, phạt tiền hoặc giáo dục.

Ngày 5/2, Đài Á Châu Tự do đã dẫn lời ông Vương, người điều hành điều hành tài khoản Twitter “Trung tâm Kiểm kê Sự kiện Văn tự ngục Trung Quốc” (@SpeechFreedomCN), nói rằng: ĐCSTQ càng kiểm soát ngôn luận và thông tin thì sẽ càng làm tăng sự hoảng loạn của công chúng, điều này không có lợi cho việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Bởi vì người Trung Quốc đã quen với việc nghĩ rằng nếu chính quyền ĐCSTQ muốn bịt miệng, kiểm soát, điều đó có nghĩa là tình hình rất nghiêm trọng.

Minh Ngọc (T/h)

Xem thêm: