Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có kế hoạch triển khai hệ thống tín nhiệm xã hội đang thực thi tại Đại Lục sang Hồng Kông và Macau, tờ The Epoch Times đưa tin theo các tài liệu hướng dẫn chính sách mà chính quyền Trung Quốc mới ban hành.

camera giám sát
Thủ đoạn giám sát người dân của nhà cầm quyền Trung Quốc ngày càng chặt chẽ hơn, ngày càng có nhiều công cụ hơn, tiêu biểu như dữ liệu lớn, dự án Skynet, nhận diện khuôn mặt… đều được sử dụng để “duy trì ổn định” (Ảnh: Guang Niu/Getty Images).

Tại Trung Quốc Đại Lục, các nhà chức trách giám sát nhiều hoạt động của công dân, bao gồm mua sắm trực tuyến, các hành vi hàng ngày tại không gian công cộng, và gán cho người dân điểm số “đáng tin cậy”. Giới chức địa phương soạn thảo “danh sách đen” về các cá nhân có điểm số tín nhiệm xấu, những người này sau đó bị cấm sử dụng các dịch vụ công như đi máy bay hay mua vé tàu.

Hệ thống tín nhiệm xã hội đã được triển khai tại một số địa phương tại Trung Quốc Đại Lục từ năm 2014. ĐCSTQ dự kiến sẽ triển khai đại trà trên toàn lãnh thổ Trung Quốc hệ thống tính điểm công dân này vào năm 2020. Những nhà phê bình đã dấy lên quan ngại rằng việc giám sát như vậy có thể được giới chức sử dụng để theo dõi các mục tiêu chính trị hoặc các nhà bất đồng chính kiến.

Hôm 5/7, chính quyền Tỉnh Quảng Đông đã ban hành kế hoạch hành động ba năm (2018-2020) về phát triển Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông – Hồng Kông – Macau.

Tài liệu nêu trên đề cập tới tham vọng của chế độ Trung Quốc về việc xây dựng trung tâm công nghệ tại Đồng bằng Châu Giang ở miền nam Trung Quốc, kết nối chín thành phố tại Trung Quốc Đại Lục với hai Đặc khu liền kề Macau và Hồng Kông.

Cả Macau và Hồng Kông đều từng là thuộc địa của Châu Âu và được trả về cho chế độ Trung Quốc theo nguyên tắc “một đất nước, hai chế độ”. Theo nguyên tắc này, Bắc Kinh đã hứa duy trì mức độ tự trị và tự do cao cho Macau và Hồng Kông.

Tuy nhiên, tại Hồng Kông, người dân đã than phiền rằng trong hai thập kỷ từ khi thành phố này trở về Trung Quốc, ảnh hưởng thâm nhập của Bắc Kinh đã có tác động tiêu cực tới chính trị, giáo dục và tự do báo chí tại Hồng Kông. Trong những năm gần đây, người dân Macau cũng có phản ánh tương tự và họ yêu cầu được hưởng quyền phổ thông đầu phiếu trong các cuộc bầu cử chọn lãnh đạo Đặc khu.

Theo The Epoch Times, kế hoạch hành động ba năm của chính quyền Tỉnh Quảng Đông liệt kê 100 nhiệm vụ, xếp vào 9 danh mục khác nhau, chẳng hạn như xây dựng các ngành công nghiệp hiện đại có thể cạnh tranh quốc tế; cải thiện điều kiện sống và môi trường kinh doanh; tăng tốc tiến trình mở ra “một mặt trận mới” – một khẩu hiệu ĐCSTQ đề cập tới những cải cách kinh tế.

Hệ thống tín nhiệm xã hội được đề cập trong danh mục cải cách kinh tế. Đặc biệt, Khu vực Vịnh Lớn sẽ “tìm cách thực hiện hệ thống tín nhiệm thưởng và phạt áp dụng cho các doanh nghiệp.

Trong một văn bản khác của Tỉnh Quảng Đông cũng phát hành hôm 5/7, các nhà chức trách giải thích rằng kế hoạch hành động ba năm nhằm phát triển hơn nữa mô hình “một đất nước, hai chế độ” và tích hợp “chia sẻ [điểm số] tín nhiệm và thông tin” giữa Tỉnh Quảng Đông với hai Đặc khu Hồng Kông và Macau.

Trên trang Facebook của kênh tin tức truyền hình cáp Hồng Kông, i-Cable, nhiều thành viên đã viết bình luận bày tỏ quan ngại rằng người dân Hồng Kông có thể phải tuân thủ hệ thống tính điểm cá nhân.

Một thành viên có tên “Cloud Ip” viết: “Đó là sự kết thúc của thế giới.” Thành viên tên “Sau Saam” viết rằng “hệ thống tín nhiệm xã hội tại Trung Quốc thực tế là một hệ thống nô lệ mới.

Một thành viên khác có tên “Ada Lee” châm biếm: “Vì bạn sẽ bị trừ 10 điểm [tín nhiệm] mỗi lần bạn tham gia biểu tình, nên sau đó bạn không thể đi ra nước ngoài.

Thông tin về việc ĐCSTQ có kế hoạch triển khai hệ thống tín nhiệm xã hội để tính điểm công dân tại Hồng Kông, Macau đến vào thời điểm tại Hồng Kông đang diễn ra nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn trong một tháng qua, thu hút hàng triệu người xuống đường phản đối dự luật dẫn độ đào phạm.

Nhiều người lo lắng rằng nếu dự luật dẫn độ đào phạm được thông qua, nó sẽ làm xói mòn tính độc lập tư pháp của Hồng Kông và có thể là báo hiệu của sự kết thúc mô hình “một đất nước, hai chế độ.”

Cho tới nay, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã chuyển từ việc kêu gọi chấm dứt dự luật dẫn độ đào phạm sang một phong trào rộng lớn hơn để kêu gọi cải cách dân chủ và chấm dứt những dự luật hay chính sách gây ảnh hưởng đến tự do của người dân Hồng Kông.

Xuân Thành

Xem thêm: