Cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ khiến nền kinh tế Trung Quốc ngày càng khó khăn, biện pháp kích thích kinh tế mà Bắc Kinh thường dùng không còn khả năng để giải quyết vấn đề. Nhiều bình luận đã chỉ ra, tự do hóa thị trường là lựa chọn duy nhất để đảo ngược tình hình suy thoái kinh tế Trung Quốc hiện nay.

cang bien, container
Tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng (SCMP) ngày 11/11 chỉ ra, chiến tranh thương mại Trung-Mỹ gây khó khăn lớn cho nền kinh tế Trung Quốc, chính sách kích thích mà ĐCSTQ thường dùng không còn giúp giải quyết được vấn đề. Tự do hóa thị trường là lựa chọn duy nhất để đảo ngược tình hình suy thoái kinh tế Trung Quốc (Ảnh minh họa: Pixabay)

Triển vọng tăng trưởng tiếp tục xấu đi, bài toán khó cho Bắc Kinh

Ngày 11/11, trên tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng (SCMP) có đưa ra nhận định, Bắc Kinh đang phải đối mặt với sự lựa chọn giữa “ổn định kinh tế ngắn hạn”“tăng trưởng dài hạn”, nói cách khác đó là sự lựa chọn giữa sự can thiệp của chính phủ và tự do hoá thị trường.

Khi Mỹ áp đặt thuế quan trừng phạt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nền kinh tế Trung Quốc đã lập tức suy thoái mạnh. Gần đây đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cam kết thực hiện biện pháp mới để chống lại “áp lực giảm liên tục” của nền kinh tế. Tuyên bố mới nhất từ ​​Bộ Chính trị ĐCSTQ là thay đổi trọng tâm chính sách vào ổn định ngắn hạn, tất cả các số liệu gần đây cho thấy triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng không khả quan.

Tốc độ tăng trưởng thực tế GDP Trung Quốc trong quý III đã giảm xuống 6,5% từ 6,8% trong quý I và 6,7% trong quý II, đây là mức lãi suất quý thấp nhất kể từ năm 2009. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong tháng Chín giảm xuống còn 5,8% từ mức 6,1% trong tháng Tám, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2015 tốc độ tăng trưởng xuống dưới 6%. Chỉ số niềm tin của doanh nghiệp trong sản xuất và dịch vụ tháng Mười suy giảm, chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) suy giảm.

Theo thông tin, Mỹ áp đặt mức thuế trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD (đô la Mỹ), trong khi ĐCSTQ áp đặt mức thuế trả đũa đối với hàng hóa Mỹ trị giá khoảng 110 tỷ USD. Điều này sẽ tiếp tục kéo giảm mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, hệ quả tất yếu là các công ty có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc nhưng xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ sẽ giảm sản lượng sản xuất tại Trung Quốc, thậm chí sẽ cân nhắc chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác. Ngoài ra, chiến tranh thương mại cũng khiến các nhà đầu tư e ngại khi quyết định đầu tư vào Trung Quốc.

Biện pháp kích thích cũ khó hiệu quả như trước

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 1998 và 2008, Bắc Kinh đã áp dụng các biện pháp kích thích quy mô lớn nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế trước thực trạng nhu cầu bên ngoài suy giảm.

Tuy hiện không mấy nhà kinh tế dự đoán ĐCSTQ sẽ lại áp dụng chính sách kích thích kinh tế khổng lồ này, nhưng chính phủ Trung Quốc đã đưa ra chính sách nới lỏng toàn diện kinh tế vĩ mô, đã ba lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ tiền gửi của các ngân hàng thương mại để tăng tính thanh khoản, chấp thuận các chính quyền địa phương phát hành trái phiếu nhiều hơn, và nới lỏng quản lý giám sát tài chính.

Bài viết trên SCMP cho biết, tất cả các lựa chọn chính sách này nhằm mục đích ổn định tăng trưởng ngắn hạn. Tuy nhiên, với những thay đổi nhanh chóng trong mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, sự can thiệp này sẽ không còn hiệu quả như trước nữa. Trong quá khứ, chính phủ của ĐCSTQ có thể đạt được tăng trưởng kinh tế bằng cách khuyến khích mở rộng tín dụng và đầu tư vốn vào cơ sở hạ tầng. Tác giả chỉ ra, cách làm này thường dẫn đến năng lực sản xuất dư thừa, gây lãng phí và kéo theo số lượng lớn các khoản nợ xấu. Quan trọng nhất, hầu hết các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đều ở cấp địa phương, trong đó 3/4 được doanh nghiệp nhà nước và chính địa phương vận hành thông qua công cụ tài chính của chính quyền địa phương.

Vào 15/8 năm ngoái Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố một tuyên bố cảnh báo cứng rắn rằng, theo báo cáo nghiên cứu, do chính sách kinh tế Trung Quốc quá phụ thuộc vào tín dụng dẫn đến khoản nợ khổng lồ, đã đạt đến một mức độ nguy hiểm, đang tiềm ẩn cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo.

Báo cáo đánh giá hàng năm của IMF cho thấy, mặc dù bề ngoài nền kinh tế Trung Quốc đã duy trì được mức tăng trưởng 6% -7%, nhưng các khoản nợ của giới doanh nghiệp và chính quyền địa phương lại không ngừng cao lên.

Theo tác giả bài viết trên SCMP, vấn đề bây giờ là đầu tư vốn vay cho cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ngày càng không thể duy trì, do sự bùng nổ đầu tư cơ sở hạ tầng trong vài thập kỷ qua đã dẫn đến bão hòa, khiến hiện nay Trung Quốc có hàng trăm sân bay, nhà máy điện, dày đặc đường cao tốc và đường sắt liên vùng; chưa kể đến vấn nạn dư thừa trong sản xuất thép, xi măng và nhôm.

Do đó, cải cách kinh tế và mở cửa thị trường là rất quan trọng để giải quyết các vấn đề cơ bản đang khiến nền kinh tế Trung Quốc suy thoái mạnh mẽ. Với xu thế hội nhập quốc tế của Trung Quốc ngày nay, chỉ có tự do hóa thị trường mới có thể giúp doanh giới Trung Quốc và sản phẩm của họ có sức cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu. Từ thực trạng nguy cơ của hai trong số ba động lực của phát triển (gồm: đầu tư, xuất khẩu và tiêu thụ), tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc nằm ở việc chuyển đổi mô hình kinh tế, thay từ mô hình đầu tư và xúc tiến xuất khẩu với vai trò nhà nước làm chỉ đạo sang mô hình đẩy mạnh đổi mới và phát triển công nghiệp dịch vụ.

Cuối cùng bài viết chỉ ra hy vọng, trong cuộc chiến thương mại leo thang, Trung Quốc cần đẩy nhanh tiến độ cải cách và mở cửa thị trường, không nên tiếp tục trì hoãn, hoặc thậm chí tệ hơn là chuyển sang kiểu thúc đẩy nền kinh tế nhà nước kế hoạch hóa của lãnh đạo Liên Xô cũ Stalin và chính sách tự lực cánh sinh của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông.

Chính phủ Trump luôn yêu cầu ĐCSTQ đi sâu hơn trong thực hiện các cải cách hệ thống kinh tế Trung Quốc; gần đây ông Trump cũng cho biết, nếu cuối cùng Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại, làm cho Trung Quốc cởi mở hơn và công bằng hơn thì Bắc Kinh sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn.

Huệ Anh

Xem thêm: