Do phương nam Trung Quốc Đại Lục đang hứng chịu tình trạng mưa lũ ngập lụt nên vấn đề an toàn của công trình đập Tam Hiệp lại trở thành tâm điểm chú ý của giới quan sát. Trong một bài viết mới đây, chuyên gia thủy lợi nổi tiếng Trung Quốc Vương Duy Lạc lại một lần nữa đặt vấn đề: Ai đã cùng Lý Bằng tạo ra công trình ngu ngốc này?

 Một góc công trình đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử. (Ảnh: Thomas Barrat/Shutterstock).
Một góc công trình đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử. (Ảnh: Thomas Barrat/Shutterstock).

Những nguồn tin gần đây cho thấy 24 tỉnh thành của Trung Quốc đã bị lũ lụt. Vào chiều ngày 22/6 trên mạng xã hội Weibo CCTV đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp: trong vòng 8 giờ tới Lưu vực Kỳ Giang – Trùng Khánh dự kiến ​​sẽ gặp trận lụt lớn nhất kể từ năm 1940, vì vậy 40.000 người đã được sơ tán. Trước đó vào ngày 20/6, lượng nước chảy vào đập Tam Hiệp tăng lên 26.500 mét khối mỗi giây, tăng 6.000 mét khối mỗi giây so với ngày 19/6 là 20.500 mét khối mỗi giây. Hiện nay, mực nước trong khu vực hồ chứa là gần 147 mét, vượt quá giới hạn kiểm soát lũ gần 2 mét.

Liên quan đến vấn đề an toàn của con đập này, mới đây trả lời truyền thông Đài Loan, chuyên gia thủy lợi người Trung Quốc sống tại Đức là ông Vương Duy Lạc (Wang Weiluo) cảnh báo rằng chức năng kiểm soát lũ của đập Tam Hiệp là hoàn toàn vô dụng. Người dân ở trung và hạ lưu sông Dương Tử nên chuẩn bị các thiết bị cứu hộ và lên kế hoạch thoát hiểm càng sớm càng tốt. Ông nhấn mạnh rằng vấn đề rò rỉ nghiêm trọng hơn chuyện thân đập biến dạng. Đây là công trình tồi tệ nhất, vị trí dịch chuyển lớn nhất.

Được biết, ông Vương Duy Lạc là người đã có thời gian dài nghiên cứu vấn đề đập Tam Hiệp, mới đây ông đã công bố lời tựa cho cuốn sách “Tam Hiệp” do bà Lý Nam Anh (Li Nanyang) chủ biên, bà Lý Nam Anh là con gái của nguyên lão Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Lý Nhuệ thuộc phe cải cách. Bài viết có tựa: Ai đã cùng Lý Bằng tạo ra công trình ngu ngốc này?

Theo bài viết, từ ngày 4/6/1989 đến tháng 3/1993, Nhân đại (Quốc hội) ĐCSTQ đã thảo luận về Dự án đập Tam Hiệp, và ngay cả trước thảm họa lũ lụt ở sông Dương Tử năm 1998 thì phe phản đối Dự án đập Tam Hiệp không thể công khai bày tỏ được trên truyền thông chính thống Trung Quốc. Ông Thủ tướng ĐCSTQ khi đó là Lý Bằng mới có cơ hội thuận lợi để triển khai Dự án đập Tam Hiệp.

Liên quan đến nhật ký của ông Lý Bằng nhắc về đập Tam Hiệp có ý nói rằng công trình này là “quyết định tập thể”. Ông Vương Duy Lạc đặt vấn đề: Ai đã cùng Lý Bằng tạo ra công trình ngu ngốc này?

Thông qua “Nhật ký Tam Hiệp của Lý Bằng” ghi lại quãng thời gian từ năm 1981 đến 2003 đã phần nào có câu trả lời. ông Vương Duy Lạc tính số người được đề cập trong “Nhật ký Tam Hiệp của Lý Bằng” là 400 người, sắp xếp theo số lần đề cập thì nhiều nhất là Tổng Bí thư ĐCSTQ khi đó là ông Giang Trạch Dân với 104 lần, sau đó là chuyên gia thủy lợi Quách Thụ Ngôn (Guo Shuyan, thời điểm 1985- 1990 là Phó Giám đốc Ủy ban Khoa học và Công nghệ Trung Quốc) với 94 lần; Ít nhất là Thủ tướng Chính phủ với chỉ 1 lần (Tổng Bí thư tiền nhiệm của Giang Trạch Dân là ông Triệu Tử Dương không được nhắc đến).

Ông Vương Duy Lạc đã phân loại thành ba nhóm người phối hợp với ông Lý Bằng để xây dựng công trình ngu ngốc này:

– Nhóm người có công cách mạng, kiên quyết xây dựng Dự án đập Tam Hiệp để thể hiện sự vượt trội của chủ nghĩa xã hội: Đặng Tiểu Bình, Diêu Y  Lâm, Vương Nhậm Trọng, Trần Mộc Hoa, Tiền Chính Anh, Lý Bá Ninh, Lục Hựu Mi…

– Nhóm người du học Liên Xô về, ảnh hưởng nền công nghiệp điện khí hóa của Liên Xô với lý tưởng chủ nghĩa cộng sản: Giang Trạch Dân, Lý Bằng…

– Nhóm chuyên gia làm trong quan trường: Trương Quang Đầu, Phạm Gia Tranh..

Trong một trả lời phỏng vấn của Tiến sĩ Trần Tiểu Bình (Chen Xiaoping) của tờ Minh Kính, bà Lý Nam Anh đã dẫn một câu của giáo sư Hoàng Văn Tây (Huang Wenxi) thuộc Đại học Bắc Kinh: “Chúng ta không nên để lại cho các thế hệ tương lai một tượng đài ngu ngốc.” Bà Lý Nam Anh cho biết: “Bây giờ, tượng đài này được dựng lên không thể cứu vãn được. Trên đó khắc tên của các nhà hoạch định chính sách, kẻ reo hò cổ vũ, kẻ bám đuôi: Đặng Tiểu Bình, Vương Chấn, Giang Trạch Dân, Lý Bằng, Tiền Chính Anh, Trương Quang Đầu…” Những cái tên này về cơ bản giống như những cái tên mà trước đó ông Vương Duy Lạc đã liệt kê.

Embed from Getty Images

Giang Trạch Dân và Lý Bằng (Ảnh: GOH CHAI HIN / AFP / Getty Images).

Ông Vương Duy Lạc đặc biệt đề cập đến ông Giang Trạch Dân là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong “Nhật ký Tam Hiệp của Lý Bằng”.

Vào ngày 23/5/1989, ông Giang Trạch Dân nhận được thông báo khẩn cấp từ Ban Bí thư trung ương và bay tới Bắc Kinh, lập tức ông được đưa đến biệt thự của ông Đặng Tiểu Bình ở Tây Sơn và được thông báo rằng sẽ trở thành Tổng Bí thư mới của ĐCSTQ. Sau cuộc họp, ông Giang Trạch Dân đã bay trở lại Thượng Hải, đã giam giữ Phó thủ tướng Vạn Lý tại Thượng Hải khi ông này trên đường từ nước ngoài trở về. Vào ngày 29/5, ông Giang Trạch Dân một lần nữa được gọi tới Bắc Kinh khẩn cấp. Ngày 31/5, ông Đặng Tiểu Bình đã triệu tập ông Lý Bằng và ông Diêu Y Lâm để hy vọng họ có thể thừa nhận ông Giang Trạch Dân là hạt nhân để cùng làm việc. Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Lý Bằng đã sử dụng quân đội, xe tăng và súng máy để đàn áp Phong trào Dân chủ Thiên An Môn. Tại Phiên họp toàn thể lần 4 khóa 13 ĐCSTQ được tổ chức vào ngày 23 và 24/6, ông Giang Trạch Dân chính thức nhậm chức, còn ông Lý Bằng đã thực hiện “Báo cáo về những sai lầm của đồng chí Triệu Tử Dương liên quan đến chống Đảng và xã hội chủ nghĩa”. Mặc dù ông Lý Bằng đã rất nỗ lực tham gia đàn áp phong trào dân chủ ngày 4/6 nhưng vẫn thất bại không thể trở thành Tổng Bí thư ĐCSTQ. Tuy nhiên, ông Lý Bằng đã đích thân loại bỏ được ông Triệu Tử Dương đang cản trở việc xây dựng Dự án đập Tam Hiệp, qua đó đã được Tổng Bí thư mới Giang Trạch Dân ủng hộ mạnh mẽ trong Dự án đập Tam Hiệp.

Từ ngày 21/7 đến ngày 24/7, ông Giang Trạch Dân khi đó mới trở thành Tổng Bí thư chưa đầy một tháng, đã đến tỉnh Hồ Bắc và thăm địa điểm đập Tam Hiệp: Tam Đầu Bình (Sandouping) là nơi thị sát đầu tiên trong nước sau khi ông Giang lên Tổng Bí thư. Tối ngày 22/7, ông Giang đã từ Nghi Xương tỉnh Hồ Bắc gọi cho ông Lý Bằng khi đó đang điều trị tại Bệnh viện Bắc Kinh, qua đó báo cáo kế hoạch hành trình và suy nghĩ về việc kiểm tra vị trí đập và bày tỏ nhiệt tình ủng hộ dự án đập Tam Hiệp.

Ngày 25/7, ông Giang Trạch Dân trở lại Bắc Kinh và đến bệnh viện thăm ông Lý Bằng. Ông Giang nói với ông Lý rằng qua cuộc kiểm tra này, ông tin rằng việc xây dựng dự án đập Tam Hiệp là cần thiết, đồng thời ca ngợi chủ nhiệm Ủy ban thủy lợi sông Dương Tử là Ngụy Đình Tiền (Wei Tingzheng).

Dự án đập Tam Hiệp là một trò chơi trong tay các chính trị gia. Ông Đặng Tiểu Bình đã biến ông Giang Trạch Dân trở thành Tổng Bí thư và sử dụng dự án đập Tam Hiệp để xoa dịu ông Lý Bằng. Ông Giang Trạch Dân đã hỗ trợ xây dựng dự án đập Tam Hiệp để đổi lấy sự hỗ trợ của ông Lý Bằng cho vai trò Tổng Bí thư ĐCSTQ. Với hỗ trợ của ông Giang Trạch Dân, ông Lý Bằng đã hồi phục và được ra viện.

Ông Vương Duy Lạc tin rằng nếu phong trào dân chủ vào năm 1989 không bị đàn áp dữ dội thì cũng không có dự án đập Tam Hiệp.

Đại hội Nhân đại toàn quốc là con dấu cao su trong tay ĐCSTQ. Vào ngày 18/3/1992, ông Lý Bằng đã chủ trì Hội nghị Lãnh đạo Đảng viên “lưỡng hội” của ĐCSTQ, tại hội nghị ông Giang Trạch Dân đã trình bày về dự án đập Tam Hiệp sắp được biểu quyết. Bài nói chuyện của ông Giang Trạch Dân kéo dài hai tiếng, cho biết Trung ương Đảng và Tổng Bí thư đã tán thành, qua đó gây ảnh hưởng đến cuộc bỏ phiếu của Nhân đại toàn quốc. Đáng tiếc là trong “Văn tuyển Giang Trạch Dân” không đưa bài phát biểu dài hai tiếng này vào, vì vậy khó làm rõ vấn đề. Câu chuyện ông Lý Bằng chủ trì Hội nghị Lãnh đạo Đảng viên “lưỡng hội”, còn ông Giang Trạch Dân đã có động thái vận động để bỏ phiếu thông qua, được ông Giang đề xuất trước tại Hội nghị Ban Thường vụ Bộ Chính trị vào ngày 21/2. Tại cuộc họp, ông Giang cho biết sẽ đích thân đến Hội nghị Lãnh đạo Đảng viên “lưỡng hội” để vận động cho Dự án đập Tam Hiệp, vì còn lo ngại các đại biểu Nhân đại sẽ không tán thành. Ngày 7/3, ông Giang Trạch Dân gọi điện lại cho ông Lý Bằng và yêu cầu ông Lý xem qua bài phát biểu mà ông Giang sẽ đưa ra trong cuộc họp của các cán bộ lãnh đạo đảng viên “lưỡng hội”. Có thể thấy họ không tự tin vào việc thông qua dự án đập Tam Hiệp, phải lợi dụng vấn đề đoàn kết quanh lãnh đạo hạt nhân của Đảng và kỷ luật tuân theo quyết định của Trung ương Đảng để yêu cầu các đại biểu Nhân đại bỏ phiếu ủng hộ dự án đập Tam Hiệp.

Ngày 3/4/1992, Nhân đại toàn Trung Quốc đã bỏ phiếu thông qua Dự án đập Tam Hiệp với 1767 phiếu ủng hộ, 177 phiếu chống và 664 phiếu trắng, có 25 phiếu không hợp lệ.

Ông Vương Duy Lạc cho biết nếu không phải vì ông Giang Trạch Dân thúc đẩy, dùng kỷ luật Đảng để gây áp lực khiến các đại biểu Nhân đại biểu quyết tán thành thì dự án đập Tam Hiệp sẽ không thể có được đa số phiếu của các đại biểu. Nhưng dù sao sự kiện vào năm 1992 Nhân đại ĐCSTQ bỏ phiếu cho Dự án đập Tam Hiệp đã trở thành dấu ấn mạnh mẽ nhất về tinh thần theo đuổi dân chủ và tự do của người dân Trung Quốc: một phần ba số đại biểu Nhân đại không đồng ý với quyết định của Trung ương ĐCSTQ về Dự án đập Tam Hiệp.

Ông Vương Duy Lạc cũng cho biết vấn đề cuối cùng quan trọng nhất là ông Giang Trạch Dân đã biến thành vũ khí cho ông Lý Bằng để đàn áp quan điểm đối lập đối với dự án đập Tam Hiệp.

Ngày 13/7/1990, một ngày trước khi kết thúc Báo cáo trình bày dự án đập Tam Hiệp, ông Giang Trạch Dân và ông Lý Bằng đã mời các nhà dân chủ tham dự hội nghị cùng nhau ăn tối. Tại buổi tiệc, ông Chu Bồi Nguyên (Zhou Peiyuan), Phó chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc cho biết: Ngày mai Thủ tướng Lý Bằng phải nêu rõ quan điểm về Dự án đập Tam Hiệp, nhưng còn một số vấn đề chưa thể làm cho thuyết phục, đặc biệt là vấn đề an ninh phòng không nhân dân của Dự án đập Tam Hiệp. Nhưng ông Giang Trạch Dân đã nói chen vào: Dự án đập Tam Hiệp rất hay, sẽ mang lại lợi ích cho các thế hệ tương lai. Thực tế đến nay vấn đề phòng không này của dự án đập Tam Hiệp vẫn chưa được giải quyết. Ông Chu Bồi Nguyên đã qua đời vào năm 1992.

Vào ngày 15/4/1996, ông Giang Trạch Dân đã trao đổi với ông Lý Bằng qua điện thoại, cho biết rằng ông Lý Nhuệ (từng là thư ký riêng cho ông Mao Trạch Đông) gửi thư yêu cầu ngừng dự án đập Tam Hiệp nhưng đã bị Giang bác bỏ, yêu cầu ông Lý Nhuệ nghĩ cho đại cuộc.

Điều đáng chú ý là khi ông Lý Bằng qua đời vào ngày 22/7/2019, ngày 29/7, khi tổ chức cáo biệt thi thể, trong số các cựu lãnh đạo cao cấp của ĐCSTQ chỉ có ông Giang Trạch Dân xuất hiện, các cựu lãnh đạo như Hồ Cẩm Đào, Chu Dung Cơ, Ôn Gia Bảo đã không tham gia. Khi đó có phân tích cho rằng sự vắng mặt của họ tại buổi lễ chia tay thi thể Lý Bằng có thể cho thấy rằng ngoài không ưa ông Giang Trạch Dân, họ đã cân nhắc từ chối gánh trách nhiệm đối với hai đại họa là cuộc đàn áp dân chủ tại Thiên An Môn ngày 4/6/1989 và Dự án đập Tam Hiệp.

Lý Văn Long

Xem thêm: