mạng xã hội

Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt mạng xã hội phải “quy hàng”

Dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’ do virus corona mới (2019-nCoV) đang hoành hành tại Trung Quốc và ảnh hưởng đến 24 quốc gia trên thế giới. Tính đến nay (7/2), 56 thành phố tại đất nước này đã bị phong tỏa, 31.207 ca lây nhiễm và 637 người đã tử vong (theo số liệu công khai của Bộ Y tế nhà nước Trung Quốc). Cùng với diễn biến tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, làn sóng chỉ trích việc chính quyền Trung Quốc che giấu thông tin, bóp nghẹt tự do ngôn luận cũng ngày càng dâng cao. Nhất là sau khi bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những bác sĩ đầu tiên của Trung Quốc đã cố gắng cảnh báo sớm cho thế giới về nCoV đã qua đời vào sáng sớm ngày thứ Sáu (7/2). Đông đảo cư dân mạng đã bày tỏ sự đau buồn, thương tiếc cho vị bác sĩ anh hùng, đồng thời phẫn nộ khởi xướng chủ đề “Chúng tôi muốn tự do ngôn luận”, nhấn mạnh rằng nếu không có tự do ngôn luận, thì Vũ Hán ngày hôm nay chính là ngày mai của tất cả chúng ta, “Không có tự do, con người cũng không có tôn nghiêm”. Mới đây, tờ báo Thập tự giá (La Croix) tại Pháp đã xuất bản một bài viết chuyên đề “Trung Quốc trước áp lực” cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì muốn duy trì ổn định và lo sợ sự thực bị tiết lộ, nên đã trì hoãn tiến hành các biện pháp y tế mới gây ra thảm họa lây lan bệnh dịch như vậy. Lẽ hiển nhiên, các chủ đề đòi tự do thông tin được cư dân mạng dấy lên nhanh chóng bị xóa bỏ trên mạng xã hội Weibo, cũng như người dân Trung Quốc Đại Lục sẽ không thể tiếp xúc được những bài viết kiểu như của La Croix nói trên.

Sức mạnh của mạng xã hội

Thật khó tin rằng cách đây hơn 2 thập kỷ, khi phương tiện truyền thông xã hội vừa chớm nở, người ta tiên đoán nó tất yếu sẽ chóng tàn bởi tính năng chỉ để phục vụ “tám chuyện”, tán dóc hay đơn giản chia sẻ một vài bức ảnh… Ngày nay, mạng xã hội (MXH) trở thành Tiếng nói toàn cầu, là phương tiện truyền tin nhanh hơn bất cứ phương tiện nào khác trong lịch sử nhân loại. Mạng xã hội cũng trở thành công cụ quan trọng trong việc vạch trần tội ác, tố cáo tham nhũng, tạo ra các phong trào làm thay đổi xã hội hoặc ảnh hưởng đến các quyết sách… Nó có thể khiến quan chức “ngã ngựa”, ngồi tù và giúp một người vô danh trở thành nổi tiếng.

Mạng xã hội Six Degrees
Six Degrees mới là MXH đầu tiên ra đời vào năm 1997

Khi ai đó nhắc đến MXH, cái tên nào hiện trong đầu bạn? Là Facebook chăng? Nhưng Six Degrees mới là MXH đầu tiên ra đời vào năm 1997 và chấm dứt thời vàng son vào năm 2003 khi Myspace xuất hiện – một ứng dụng để mọi người chia sẻ, nghe nhạc yêu thích của họ.

Năm 2005, khi Facebook vẫn còn ở giai đoạn sơ khai thì Twitter lộ diện, nhưng nhiều người khi ấy nhìn nó “bằng nửa con mắt” vì nghĩ nó chỉ là “món đồ chơi” vô nghĩa. LinkedIn về cơ bản là một “sơ yếu lý lịch kỹ thuật số”. Tiếp đến là Google+ xuất hiện vào năm 2011, sau đó là Pinterest cùng các nền tảng khác. Để có thể đứng ở ngôi vị số 1, Facebook phải làm rất nhiều thứ, như thêm hashtag để theo kịp Twitter, thêm các câu chuyện để cạnh tranh với Snapchat, mua lại Instagram để hấp dẫn người dùng có thêm các bộ lọc vào ảnh…

social media
Logo các mạng xã hội

Ngày nay, mạng xã hội là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cư dân thế giới, là địa điểm của các cuộc tranh luận, thảo luận từ các vấn đề vô bổ cho đến quan trọng, từ kinh tế, y tế, việc làm, giải trí cho tới các vấn đề chính trị. Một trong những ví dụ nổi bật gần đây nhất về vai trò và quyền lực của MXH chính là phong trào Me Too.

Hashtag #Metoo đã lan truyền tới gần 90 quốc gia, tác động của nó ảnh hưởng tới cấp nhà nước, tòa án…, làm thay đổi cách hành xử trong mối quan hệ khác giới… Phong trào #MeToo đã khiến nhiều bang tại Mỹ thông qua luật cấm sử dụng ‘Các thỏa thuận không tiết lộ’ trong các trường hợp bị lạm dụng tình dục. Nó giúp những nạn nhân bị quấy rối, bạo lực tình dục được bồi thường tài chính,  được trợ giúp pháp lý… và khiến nhiều “ông lớn” tại Hollywood thân bại danh liệt, hay một số quan chức chính phủ trên thế giới phải từ chức,  hoặc nhận án tù giam.

Phong trào Metoo trên mạng xã hội
Hashtag #Metoo đã lan truyền tới gần 90 quốc gia (Ảnh: Shutterstock)

ĐCSTQ bắt mạng xã hội phải “quy hàng”

16 năm sau khi lập trình viên người Mỹ là Ray Tomlinson phát minh ra thư điện tử và kí tự @, vào tháng 9/1987, chiếc email đầu tiên được gửi đi từ Trung Quốc. Nó phát đi một thông điệp rằng, từ bên kia Vạn Lý Trường Thành, người Trung Quốc đã có thể vi vu đến mọi nơi trên thế giới. 10 năm sau, khi Internet trở thành nền tảng thông tin có thể truy cập công khai, cả cư dân mạng lẫn chính quyền TQ đều nhận ra rằng, các luồng thông tin trực tuyến có thể có tác động lớn đến nền chính trị độc đảng. ĐCSTQ bắt đầu lo ngại và có các bước nhằm kiểm soát.

Năm 1997, Bắc Kinh ban hành đạo luật đầu tiên hình sự hóa các bài viết đăng trực tuyến mà cho là gây tổn hại đến an ninh quốc gia. Năm 1998, Lin Hai, một kỹ sư phần mềm 30 tuổi đã bị bắt và bỏ tù vì tội chia sẻ 30.000 địa chỉ email của TQ tới một tờ báo tại Mỹ. Lin Hai trở thành “tội phạm” mạng trực tuyến đầu tiên của nước này.

Năm 1999, khoảng 10.000 học viên Pháp Luân Công đã tới Trung Nam Hải để thỉnh nguyện ôn hòa nhằm kháng nghị việc cảnh sát Thiên Tân bắt giữ trái phép các học viên Pháp Luân Công. ĐCSTQ tin rằng các học viên Pháp Luân Công đã tập hợp bằng cách liên lạc qua email và điện thoại di động. Việc thỉnh nguyện ôn hòa này cũng là cái cớ để chính quyền Giang Trạch Dân phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công và “thêm” động lực để kiểm soát Internet.

p4711071a115525751
Những người tập Pháp Luân Công thỉnh nguyên bên ngoài Trung Nam Hải năm 1999.

Thách thức đối với giới lãnh đạo ĐCSTQ là họ vừa phải duy trì những lợi ích của Internet trong việc phát triển thương mại, nhưng vừa không được để công nghệ này đẩy nhanh tốc độ thay đổi chính trị. Đó là lý do cho sự ra đời một hệ thống kiểm duyệt tinh vi phức tạp nhất hành tinh.

Vào cuối những năm 1990, Fang Binxing cùng cộng sự đã phát triển phần mềm Golden Shield (Khiên Vàng), cho phép chính quyền Trung Quốc kiểm tra bất kỳ dữ liệu nào được gửi đi và nhận được, bao gồm chặn các địa chỉ IP, tấn công DNS và lọc các đường link URL cũng như các từ khóa cụ thể bên trong đường link URL đó. “Thành quả” của Fang đánh dấu bằng sự ra đời của Great FireWall (Đại Tường Lửa). “Cha đẻ của Đại Tường lửa” vụt thăng tiến trên con đường chính trị, nhưng phải nhận sự ruồng rẫy của hàng triệu người dùng mạng tại Trung Quốc thời điểm ấy.

Đại Tường Lửa đã dẫn đến một danh sách dài các trang web bị chặn, trong đó Facebook không hề bị đơn độc mà có bạn “đồng hành” là Twitter, Snapchat, Instagram, Youtube, WhatsApp, Pinterest… Google là “ông lớn” của thế giới, nhưng chỉ là chàng tí hon ở xứ sở khắc nghiệt này, và rồi cũng mất tăm mất dạng.

IllegalFlowerTribute1
Google cũng phải rời khỏi Trung Quốc (Ảnh: Wikipedia)

Tháng 9/2013, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc ra phán quyết, rằng tác giả các bài trực tuyến nếu cố tình lan truyền “tin đồn” hoặc “dối trá”, có trên  5.000 người theo dõi hoặc hơn 500 lần chia sẻ, sẽ phải đối mặt án tù 3 năm. Luật này được áp dụng triệt để sau trận lụt ở tỉnh Hà Bắc vào tháng 7/2016, ba người bị bắt giữ vì tội đưa “tin giả” qua mạng xã hội về số người chết và nguyên nhân của trận lụt lội. Các bài viết và hình ảnh về trận lụt, đặc biệt là số nạn nhân bị đuối nước trong trận lụt đó cũng bị ĐCSTQ kiểm duyệt chặt chẽ.

ĐCSTQ cũng nhắm vào những người có tầm ảnh hưởng trên MXH, có lượng lớn người theo dõi. Với 1,6 triệu người dùng Weibo, số lượng bài đăng trên mạng này đã bị giảm 70% trong giai đoạn 2011-2013. Tháng 1/2015, Bắc Kinh đã “phóng” thêm Great Cannon (Đại pháo), mục tiêu “đánh phá” của nó là các trang web cung cấp dịch vụ giúp người dùng Internet “vượt tường lửa”, tiếp cận các website bị Bắc Kinh “cấm cửa”. Phát súng đầu tiên của nó nhắm vào trang web GitHub (Mỹ), với cường độ tấn công – từ chối – dịch vụ (DDoS) quy mô lớn, gây ngừng trệ hoạt động mạng này trong 5 ngày, buộc GitHub phải xóa các trang liên kết như New York Times (phiên bản tiếng Trung) và GreatFire.org – một VPN phổ biến giúp người Trung Quốc vượt qua được tường lửa kiểm duyệt của ĐCSTQ…

Tường lửa chặn các mạng xã hội nước ngoài
Mục tiêu của Great Firewall nhằm giữ vị thế quyền lực của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ngoài áp dụng những công nghệ tinh vi như “Đại Tường lửa”, “Khiên Vàng” hay “Đại pháo”, chính quyền Trung Quốc còn muốn “uốn nắn” tư tưởng người dân bằng cách tuyển dụng các dư luận viên (DLV) Internet công khai vào năm 2004. Sở Giáo dục Trường Sa, tỉnh Hồ Nam được biết đến như là nơi đầu tiên tuyển dụng DLV, những người chỉ có mỗi việc là ngồi đọc các bình luận dưới các bài viết, “chỉnh lại” cho đúng với đường lối của Đảng, và nếu cần thiết thì có thể nhận xét tiêu cực, chụp mũ, bêu xấu thậm chí chửi rủa để làm nản lòng độc giả, cũng như “ghi vào sổ đen” những bình luận không theo quan điểm của ĐCSTQ.

Những DLV này được gọi là Đảng 50 xu vì họ được trả công 50 xu cho mỗi lời bình luận. Một nghiên cứu của Harvard vào năm 2016 ước tính rằng,  có khoảng hơn 2 triệu DLV đang hoạt động, đăng khoảng 450 triệu bình luận/năm trên MXH, và ĐCSTQ còn thuê thêm khoảng 100.000 người chỉ để chuyên xóa thủ công các bài có tính “nhạy cảm” trên MXH.

Viêm phổi Vũ Hán, cảnh sát kiểm soát mạng xã hội Trung Quốc
Cảnh sát mạng Trung Quốc (Ảnh: Đài Á châu Tự do)

Đầu tháng Một năm nay, bác sĩ Lý Văn Lượng, người vừa qua đời rạng sáng ngày (7/2) và 7 người khác đã bị công an Vũ Hán cảnh cáo vì lan truyền thông tin “bất hợp pháp và sai sự thật” về virus corona mới sau khi những người này cảnh báo trên mạng xã hội WeChat về 7 trường hợp nhiễm một loại virus mới bí ẩn giống SARS nhằm giúp đỡ các bác sĩ khác chú ý tránh bị phơi nhiễm. Ông Lý đã bị công an Vũ Hán yêu cầu ký vào bản cam kết hứa chấm dứt hành vi phạm pháp như trên và nếu ông không tuân thủ cam kết này, thì ông sẽ phải đối mặt với một bản án hình sự. Tuy nhiên, sau khi thông tin dịch bệnh không còn có thể che giấu được nữa, dưới áp lực của dư luận, Tòa án Tối cao Trung Quốc hôm 29/1 đã có một động thái chưa từng thấy từ trước đến nay khi ra thông cáo khiển trách công an Vũ Hán, bác sĩ Lý chuyển từ người “tung tin đồn thất thiệt” thành “người thổi còi” của dịch bệnh, là anh hùng của người dân.

Ngày 25/1, Trung tâm An ninh WeChat đã đưa ra một thông báo về cái gọi là “tin nhảm về dịch bệnh”, theo đó trích dẫn các điều khoản của “Luật Hình sự sửa đổi” của ĐCSTQ để đe dọa những ai “ngụy tạo tin giả dịch bệnh” sẽ phải ngồi tù.

Nhà Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc, một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Washington, đã tiết lộ rằng trong vòng một tuần từ 22/1 đến 28/1, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ ít nhất 325 công dân Trung Quốc. Hầu hết những người Trung Quốc này bị chụp mũ “lan truyền tin đồn”, “tạo ra sự hoảng loạn” hoặc “hư cấu sự thật gây rối loạn trật tự công cộng“, và bị trừng phạt bằng cách giam giữ hành chính, phạt tiền hoặc giáo dục.

bác sĩ lý, virus corona, ảnh đăng trên mạng xã hội
Bác sỹ Lý Văn Lượng, một trong 8 bác sĩ đầu tiên cảnh báo về bệnh viêm phổi do virus corona gây ra ở Vũ Hán, trong thời gian điều trị bệnh.

Sau cái chết của bác sĩ Lý, theo thống kê từ Initium Media, tính đến 1:12 sáng ngày 7/2, chủ đề “Chúng tôi muốn tự do ngôn luận” đã có tới 2,025 triệu lượt xem và hơn 8.000 bài đăng trên Weibo. Sau khi hashtag này bị xóa, cư dân mạng tiếp tục chia sẻ hashtag “Chúng tôi yêu cầu tự do ngôn luận”. Một số cư dân mạng thậm chí còn học theo phong trào phản đối Luật Dẫn độ ở Hồng Kông, đề xuất tuân theo năm yêu cầu về tự do ngôn luận: “Rút lại những lời chống lại bác sĩ Lý Văn Lượng; rút lại ​​tất cả các lệnh xóa thông tin; rút lại ​​tất cả các phát ngôn cáo buộc vu khống; thành lập một ủy ban điều tra độc lập truy cứu trách nhiệm của những quan chức liên đới; lập tức trao trả lại quyền tự do ngôn luận cho người dân”.

Tuy vậy, những chủ đề này cũng cùng chung số phận nhanh chóng bị xóa bỏ trên MXH bị kiểm soát bởi chính quyền Trung Quốc.

bác sĩ lý, virus corona
Hình ảnh tượng trưng cho việc bác sĩ muốn cứu người và quyền lực kiểm duyệt tại Trung Quốc.

Sự thật vẫn luôn là sự thật

Cùng với các điều luật răn đe và lực lượng DLV đông đảo nhằm hạn chế tối đa quyền truy cập thông tin của người dân muốn biết sự thật về xã hội, ĐCSTQ vẫn không thể ngăn chặn được công dân của họ – những người dũng cảm “xâm nhập” vào thế giới đen tối của quan chức Trung Quốc nhằm đưa sự thật phơi bày ra ánh sáng.

Zhang Ping là nhà báo hàng đầu của Trung Quốc, từng làm việc tại Southern Media Group (Tập đoàn Truyền thông phía Nam) đã bị buộc thôi việc, bị giam giữ sau khi ra một loạt phóng sự tiết lộ nhiều quan chức chính quyền địa phương liên quan đến đường dây buôn bán trẻ em vào năm 2011. Dù buộc kênh truyền thông chính thống phải câm lặng, nhưng ĐCSTQ không thể ngăn loạt bài điều tra của Zhang Ping lan truyền trên MXH. Kết quả 3 tháng sau đó, 12 quan chức bị buộc phải từ chức.

chang ping
Zhang Ping là nhà báo hàng đầu của Trung Quốc

Tháng 5/2009, Deng Guida, một phụ nữ trẻ làm việc trong khách sạn Xiongfeng ở tỉnh Hồ Bắc đã đâm chết một quan chức và làm bị thương một quan chức khác khi hai người này ép Deng Guida phải quan hệ tình dục với họ. Blogger nổi tiếng Wu Gan đã công khai câu chuyện của Deng Guida lên MXH, đồng thời thu thập thông tin của các quan chức Đảng viên có liên quan đến vụ án. Dưới áp lực của cộng đồng mạng,  tòa án đã ra phán quyết tha bổng cho Deng Guida.

Ngày 23/7/2011, một tàu cao tốc bị trật bánh ở Ôn Châu khiến ít nhất 40 người chết và 172 người bị thương. Các quan chức Trung Quốc cấm các nhà báo tiếp cận hiện trường, nhưng người dân địa phương đã chụp được những mảnh tàu vỡ bị chôn vùi và đăng lên MXH, đã làm dấy lên nghi vấn về việc chính quyền cố ý  tiêu hủy bằng chứng. Dưới áp lực của cộng đồng mạng, chính quyền phải mở một cuộc điều tra toàn diện về vụ tai nạn. 54 quan chức có liên quan đã bị kỷ luật.

Năm 2019, Trung Quốc có 854 triệu người sử dụng Internet, trở thành thị trường lớn nhất nhưng cũng là quốc gia có hoạt động kiểm duyệt lớn nhất trên thế giới.  Năm 2017, ĐCSTQ ban hành Luật An ninh Mạng, đã làm giảm đáng kể số lượng bài đăng trên nền tảng blog Trung Quốc như Sina Weibo (tương tự Twitter).

Trong thế giới ảo cũng như thế giới thực, ĐCSTQ dùng bàn tay sắt buộc những tiếng nói ủng hộ cải cách, dân chủ và mở cửa Internet phải “câm lặng”,  huy động các đảng viên phải học thuộc điều lệ Đảng và ủng hộ các giá trị của Đảng, đồng thời ngăn chặn các ý tưởng bên ngoài thẩm thấu vào đời sống chính trị  và xã hội TQ.

Mạng xã hội Trung Quốc
Trung Quốc có đủ các dịch vụ thay thế các dịch vụ của phương Tây. Ảnh: Venitism.


Một thế hệ không biết đến Internet của thế giới

Trong suốt hơn hai thập kỷ, ĐCSTQ đã chặn Google, Facebook, Twitter, Instagram… cũng như hàng vạn trang web nước ngoài, đồng thời “cấy tạo” nên nhiều MXH nội địa dưới sự giám sát của chính quyền Bắc Kinh như Weibo và Tencent. Bằng cách kiểm duyệt chặt chẽ Internet, một thế hệ trẻ sinh ra tại TQ những năm 1990, 2000 gần như hoàn toàn không biết đến Internet thế giới.

Họ gần như không biết FB, Twitter, hay Google… và chỉ quen sử dụng các ứng dụng và dịch vụ trực tuyến tìm kiếm như Baidu, dịch vụ truyền thông xã hội WeChat và nền tảng video Tik Tok. Điều này đã giúp ĐCSTQ xây dựng một hệ thống giá trị theo định hướng nhằm thay thế các giá trị dân chủ, tự do của phương Tây.

Mạng xã hội Trung Quốc
So sánh sự khác biệt trong việc sử dụng các ứng dụng internet tai Trung Quốc Đại Lục và Hồng Kông

Ngay cả khi các ứng dụng và trang web phương Tây xâm nhập được vào Trung Quốc (hiện Facebook và Google đã có chi nhánh nhỏ ở Trung Quốc), hai ông lớn này vẫn phải đối mặt với sự thờ ơ, ghẻ lạnh của giới trẻ Trung Quốc vì họ lớn lên với Baidu, WeChat và quen thuộc với các ứng dụng nội địa.

Giới trẻ Trung Quốc cũng thích bóng rổ, nhạc hip-hop và các siêu phẩm hành động của Hollywood, họ hâm mộ cuồng nhiệt những bộ phim tình cảm ủy mị của Hàn Quốc hay các phim cổ trang đầy những cảnh khoe thân gợi cảm. Họ thích xem những đoạn video ngắn vui nhộn trên TikTok, đọc tin tức trên ứng dụng Jinri Toutiao và thấy rằng nhiều quốc gia đang bị ám mùi khói lửa của chiến tranh và bạo loạn.

Họ thấy nước Mỹ không an toàn với nhiều vụ xả súng giết người, châu Âu trong cơn “hỗn mang” của chia rẽ và bất đồng, Hồng Kông thì hỗn loạn bởi các cuộc biểu tình do những kẻ bạo loạn gây ra… Họ cảm thấy Trung Quốc thật là yên bình và tốt đẹp. Đây cũng là những điều mà ĐCSTQ cho phép họ biết một cách thoải mái trên các MXH “nội địa”.  Khi “gã” khổng lồ Tencent khảo sát hơn 10.000 người trẻ Trung Quốc sinh năm 2000 hoặc sau đó, 80% đã trả lời rằng Trung Quốc đang ở thời điểm tốt đẹp nhất trong lịch sử và ngày càng hùng mạnh. Tỷ lệ tương tự cũng cho biết họ yêu nước (yêu Đảng) và rất lạc quan về tương lai.

80ef8281b6c12d1bb7fc6f98d571507a
Phát chương trình Đại hội 19 cho trẻ mẫu giáo xem
tieu hoc hong quan
Trường tiểu học Hồng quân tại Quý Châu yêu cầu  học sinh hàng ngày mang đồng phục Hồng quân, tiếp thu giáo dục tuyên truyền tẩy não.

Một cuộc khảo sát của ĐH Stanford (Mỹ) đã kết luận rằng, các sinh viên tại Trung Quốc thờ ơ với các tin tức bị kiểm duyệt. Họ đã cho 1.000 sinh viên tại hai trường đại học ở Bắc Kinh các công cụ miễn phí để vượt ‘tường lửa’, nhưng một nửa trong số đó đã không sử dụng chúng. Với hệ sinh thái công nghệ đang nở rộ trong nước, cư dân mạng Trung Quốc không có nhiều lý do để vượt qua bức tường này vì “ứng dụng gì Trung Quốc cũng đều có”.

sinh vien Trung Quoc danh sinh vien Hong Kong
Ảnh trên: Các nam sinh Trung Quốc Đại Lục tranh cãi với nữ sinh Hồng Kông tại Đại học Auckland, New Zealand (trái); Nữ sinh Serena Lee bị xô ngã trong cuộc tranh cãi với các nam sinh ở Đại học Auckland. (Ảnh: YouTube)
Ảnh dưới: Sinh viên Trung Quốc tấn công sinh viên Hồng Kông ủng hộ biểu tình tại Đại học Queensland, Úc (Ảnh: Tweeter)

Điều này cho thấy sự thật ảm đạm rằng bằng cách chặn kết nối Internet thế giới, thiết lập hệ thống MXH nội địa, công cuộc kiểm duyệt của ĐCSTQ đã phát huy hiệu quả: Không những gây khó khăn trong việc truy cập thông tin thế giới bên ngoài, mà nó còn khiến người dân Trung Quốc tự đánh mất dần nhu cầu cần biết các thông tin “nhạy cảm” ở trong nước.

Với sự “tẩy não” như vậy, ĐCSTQ thành công trong việc “tôi luyện” một thế hệ trẻ thờ ơ với đời sống chính trị, tôn sùng chủ nghĩa tiêu dùng và cuồng nhiệt với chủ nghĩa dân tộc. Nguy hiểm thay, xu hướng này hiện đang được ĐCSTQ thiết lập ngày càng chặt chẽ, và đang “xuất khẩu” mô hình Internet bị kiểm duyệt này sang các nước khác.

Mạng xã hội Trung Quốc
ĐCSTQ thành công trong việc “tôi luyện” một thế hệ trẻ thờ ơ với đời sống chính trị, tôn sùng chủ nghĩa tiêu dùng và cuồng nhiệt với chủ nghĩa dân tộc. (Ảnh: Shutterstock)

Tuy vậy, trước sự hoành hành của dịch bệnh ‘viêm phổi Vũ Hán’ lần này, khi tính mệnh của từng người đều đang bị đe dọa và bản chất dối trá cùng sự kiểm duyệt thông tin gắt gao của ĐCSTQ bị vạch trần, liệu người dân Trung Quốc có còn tiếp tục thờ ơ được nữa không, hãy chờ câu trả lời ở phía trước.

Văn Hòa

Bình Luận