Gần đây, truyền thông Trung Quốc có bài viết cho rằng trong báo cáo “Tương lai dân số thế giới” của Liên Hiệp Quốc, số liệu dân số Trung Quốc không khớp với số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Tuy nhiên, dù khớp hay không, thì vấn nạn của dân số Trung Quốc nằm ở những mặt khác như trẻ bị bỏ rơi, nạo phá thai và dân số già.

tre em31 năm qua chính sách dân số của Trung Quốc đã khiến khoảng 13 triệu trẻ chết do phá thai (Ảnh: Pixabay)

Số liệu nào đúng?

Ngày 26/10 vừa qua, trang weixin “Phượng hoàng tài trí đạo” ở Trung Quốc Đại lục có đăng một bài viết, trong đó cho biết số liệu của báo cáo “Tương lai dân số thế giới” của Liên Hiệp Quốc đưa ra liên quan đến dân số Trung Quốc là: tổng dân số Trung Quốc năm 2016 = dân số năm 1990 + sinh ra – chết đi – di chuyển ra ngoài = 1.144.030.000 + 377.870.000 – 234.290.000 – 7.600.000 = 1.280.010.000 người (1,28 tỷ), so với công bố của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc là 1.382.710.000 (1,38 tỷ) thì ít hơn 100 triệu người. Bài viết dựa theo số liệu của Cục Thống kê Trung Quốc, của Niên giám Trung Quốc, theo đó đã bác bỏ số liệu của Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng có rất nhiều số liệu được cung cấp ở Trung Quốc chỉ mang tính tham khảo chứ không chuẩn xác. Mặc dù Trung Quốc có chế độ hộ khẩu được cho là nhằm hạn chế lưu động nhân khẩu mà ít nước trên thế giới có (Việt Nam vừa bỏ chế độ hộ khẩu vào cuối tháng 10 vừa qua), nhưng số liệu của họ thường chồng chéo. Ví dụ, trong quá trình điều tra tham ô, nhiều quan chức một mình nhưng có đến vài hộ chiếu và giấy chứng minh nhân dân, tất cả đều làm bằng con đường chính thức và hợp pháp.

Tuy nhiên, dù dân số Trung Quốc có bao nhiêu, điều đáng quan tâm là nhiều vấn nạn khác trong vấn đề dân số.

Tình trạng vứt bỏ trẻ sơ sinh, phá thai

Vấn nạn mất cân bằng giới tính ở vùng nông thôn Trung Quốc bắt nguồn từ quan niệm truyền thống và vấn đề kết cấu xã hội; vấn đề xã hội thực sự trong câu chuyện dân số mà giới chuyên gia Trung Quốc né tránh đó là tệ nạn “vứt bỏ trẻ sơ sinh và phá thai”.

Theo tin từ Tân Hoa Xã đăng ngày 4/3/2015, dẫn lời của ông Mã Húc – đại biểu  Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, người đứng đầu trung tâm khoa học kỹ thuật thuộc Ủy ban Kế hoạch hoá Gia đình cho biết, năm 2010, mỗi năm có 100.000 trẻ bị bỏ rơi, so với những năm 80 là 5000, năm 90 là 50.000 đã tăng một cách chóng mặt.

Ngày 9/8 năm nay, chị Luo ở Phúc Kiến sau khi sinh một bé gái liền cho bé gái vào túi đen rồi nhờ một công ty chuyển phát nhanh đưa đến cô nhi viện. Còn theo thống kê mới nhất của chính quyền Trung Quốc, Trung Quốc có khoảng 460.000 cô nhi. Một quan chức Trung Quốc nghỉ hưu nói với CNN, có rất nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi vì dị tật bẩm sinh.

Tháng Ba năm nay, trang mạng lifenews.com của Mỹ đưa tin, số ca nạo phá thai ở Trung Quốc (theo chính phủ Mỹ) là 23 triệu trường hợp mỗi năm, cũng đồng nghĩa mỗi ngày xảy ra 63.013 trường hợp phá thai, mỗi giờ là 2.625 trường hợp, mỗi phút là 43 trường hợp. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em (Bộ Y tế), mỗi năm Việt Nam có khoảng 250.000 – 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức.

Già hóa dân số

Ngày 23/10, giáo sư Ninh Hướng Đông thuộc Khoa Kinh tế học Đại học Thanh Hoa chia sẻ một bài viết trên Wechat “Vấn ngưu TV”, theo đó chỉ ra mức già hóa dân số tại các đô thị Trung Quốc đang diễn ra ở mức cao, tình trạng già hóa đã xảy ra từ cách đây 5 năm, đang tăng tốc tiến về “xã hội quá già”. Nghĩa là tỷ lệ dân số trên 65 tuổi ở đô thị chiếm hơn 20%.

Tại Trung Quốc, kể từ sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc chấp chính, vấn đề quản lý dân số đã trở thành vấn đề chính trị, chính quyền từng thực hiện “cưỡng ép bạo lực sinh sản theo kế hoạch”, kìm hãm gia tăng dân số; thêm vào điều kiện kinh tế khá ổn hiện nay, điều kiện chăm sóc y tế tốt hơn giúp tuổi thọ nâng cao, ngày càng nhiều người sống đến 80 tuổi. Một người hơn 60 tuổi nghỉ hưu nhưng còn sống vài chục năm nữa, việc chi phí cuộc sống thường ngày, bảo vệ sức khỏe, chăm sóc y tế, v.v cho những người già đang là gánh nặng lớn của xã hội; trong khi đa số người dân có thu nhập không đủ để chi trả các chi phí đó, áp lực cuộc sống quá lớn, đặc biệt là tăng thu nhập không theo kịp tăng giá cả, tiền không đủ chi cũng là nguyên nhân khiến nhiều cặp đôi chọn kết hôn nhưng không sinh con. Vì vậy dù hiện nay chính quyền cho sinh hai con thì cũng không tạo được cao trào người sinh hai con. Như vậy, chẳng bao lâu sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng.

Tuyết Mai

Xem thêm: