Trung Quốc thực thi chính sách 2 con đến nay đã được 2 năm, tuy nhiên chính sách này dường như không cách nào xoay chuyển những ảnh hưởng xấu mà chính sách kế hoạch hóa gia đình trong mấy chục năm qua mang lại.

dân số Trung Quốc
Dù chính quyền Trung Quốc đã xóa bỏ chính sách 1 con, và đang áp dụng chính sách 2 con, nhưng đến năm 2017, dân số mới sinh của Trung Quốc lại có xu hướng giảm (Ảnh minh họa từ Pixabay)

Ngày 18/1, Cục Thống kế Trung Quốc đã công bố số liệu thống kê mới nhất, theo đó, so với năm 2016, dân số mới sinh của Trung Quốc năm 2017 giảm 630 nghìn người.

Năm 2017, dân số mới sinh của Trung Quốc là 17,23 triệu người, tỷ lệ dân số mới sinh chiếm 1,243%. Trong khi chính sách hai con thực thi được 1 năm (năm 2016), dân số mới là 17,86 triệu người, tỷ lệ dân số mới sinh chiếm 1,295% tổng dân số.

Năm 2015, ông Vương Bồi An – Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc từng nói, trong giai đoạn hiện nay có khoảng 90 triệu cặp vợ chồng phù hợp với điều kiện của chính sách hai con. Sau khi thực thi chính sách hai con, dân số mới sinh sẽ tăng trưởng ở mức nhất định, dự tính tổng dân số mới sinh cao nhất trong một năm sẽ trên 20 triệu người.

Tuy nhiên, trong 2 năm qua, tổng dân số mới sinh của Trung Quốc vẫn chưa đạt được con số 20 triệu người, ngược lại, trong năm 2017 còn có xu hướng giảm.

Trang tin Nhật báo Đông phương (Oriental Daily News) của Hồng Kông dẫn phân tích của chuyên gia cho biết, năm 2017, dân số mới sinh của Trung Quốc có xu hướng giảm, điều này cho thấy đỉnh điểm của chính sách 2 con đã qua. Dự tính trong vài năm tới, dân số mới sinh của Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục giảm, nguyên nhân là hiệu ứng tích tụ của chính sách hai con, trong hai năm đầu thực thi chính sách, phần lớn người muốn sinh 2 con thì đều đã sinh rồi.

Thời báo Tài chính (Financial Times) của Anh chỉ ra, chính sách 2 con chưa thể xoay chuyển cục diện tỷ lệ sinh giảm, đây là mối uy hiếp lâu dài đối với sự phát triển của Trung Quốc.

Bản tin cũng dẫn phân tích của giáo sư Martin King Whyte thuộc Đại học Harvard, ông nói “phần lớn người Trung Quốc – ngay cả tại nông thôn cũng vậy – đều lo lắng làm thế nào để chi trả chi phí giáo dục…. rất khó để khuyến khích người ta sinh nhiều con”.

Ông Stuart Gietel-Basten – chuyên gia về vấn đề Kết cấu nhân khẩu thuộc Đại học Oxford cho biết: “Tại Trung Quốc, lập gia đình và sinh con là việc vô cùng vất vả….tuổi kết hôn cũng sẽ lớn dần, điều này cũng sẽ làm giảm tỷ lệ sinh”.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung Quốc đã cùng Đại học Sư phạm Bắc Kinh tiến hành điều tra sau khi chính sách 2 con được thực thi một năm, kết quả cho thấy, chỉ có 20,5% gia đình có ý muốn sinh 2 con; 53,3% gia đình không muốn sinh 2 con; 26,2% gia đình không xác định có sinh 2 con hay không. Do các vấn đề như chi phí sinh đẻ, gánh nặng kinh tế, gánh nặng chăm sóc con cái, nên có nhiều gia đình cho biết “không dám sinh con hoặc không muốn sinh con”.

Cùng với xu hướng giảm của dân số mới sinh và dân số trong độ tuổi lao động, vấn đề già hóa dân số của Trung Quốc đang trở nên trầm trọng hơn. Theo truyền thông tại Trung Quốc đưa tin, năm 2016, dân số trên 60 tuổi của Trung Quốc chiếm 16,7% tổng dân số, năm 2017, tỷ lệ này tăng lên 17,3%, đạt mức 240 triệu người, trong đó số người trên 65 tuổi là 150 triệu người, chiếm 11,4% tổng dân số.

Theo báo cáo điều tra được công bố đầu năm 2016 của cơ quan dự đoán kinh tế Trung Quốc, trên thực tế, là một nước hoặc một khu vực, khi số người trên 60 tuổi chiếm 10% tổng dân số hoặc số người trên 65 tuổi chiếm 7% tổng dân số, điều này có nghĩa là quốc gia hoặc khu vực này đang bước sang giai đoạn xã hội già hóa. Dựa vào tiêu chuẩn này, từ năm 1999, Trung Quốc Đại Lục đã bước sang xã hội già hóa. Ông Diệu Chấn Vũ – Viện trưởng viện Xã hội và Nhân khẩu thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết, “từ Trung Quốc trẻ” đến “Trung Quốc già”, Trung Quốc chỉ mất chưa đầy 20 năm, đã đi qua con đường “biến thành già” mà các nước phương Tây phải mất mấy chục năm, thậm chí là hơn trăm năm mới đi qua.

Vấn đề dân số ngày nay của Trung Quốc chính là do chính sách kế hoạch hóa gia đình cách đây 30 năm của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc. Giáo sư Kiều Hiểu Xuân thuộc Trung tâm nghiên cứu dân số của Đại học Bắc Kinh từng có bài viết chỉ ra, “Quốc gia và nhân dân của chúng ta không thể không thừa nhận hậu quả mà chính sách kế hoạch hóa gia đình mang lại, bởi vì hậu quả của chính sách này sẽ là lâu dài, là hậu quả mà mấy thế hệ sau vẫn còn phải gánh chịu”.

Trí Đạt

Xem thêm