Trong cuộc Đàm phán thương mại Mỹ – Trung lần này, tuy người dẫn đầu đoàn đàm phán Trung Quốc là Phó Thủ tướng Lưu Hạc, nhưng thông tin cho thấy Lưu Hạc không phải “đại diện đặc biệt của Tập Cận Bình”, cũng không phải là “người dẫn dắt” đoàn Trung Quốc. Truyền thông Hồng Kông có chỉ ra, thực tế nhân vật là linh hồn của đoàn đàm phán Trung Quốc lần này có thể không phải là Lưu Hạc, mà là Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn.

thương mại trung mỹ
Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn (trái) và Phó thủ tướng Lưu Hạc

Ngày 2/5, Tân Hoa Xã Trung Quốc đưa tin: “Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ trao đổi quan điểm với phái đoàn của Mỹ về các vấn đề kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ.”

Thông tin đưa đã không nhắc đến danh hiệu “đại diện đặc biệt của Chủ tịch Tập Cận Bình”. Trong khi người tiền nhiệm của ông Lưu Hạc chịu trách nhiệm về kinh tế và thương mại là Phó Thủ tướng Uông Dương đã nhiều lần mang thân phận “đại diện đặc biệt của Chủ tịch Tập Cận Bình” khi chủ trì đối thoại kinh tế và chiến lược Trung – Mỹ, sau đó cơ chế đối thoại được đổi thành “Đối thoại kinh tế toàn diện Trung – Mỹ” thì danh hiệu này của ông Uông Dương cũng đổi thành “người dẫn dắt đoàn Trung Quốc trong đối thoại kinh tế toàn diện Trung – Mỹ”.

Lần này, ông Lưu Hạc không phải là “đại diện đặc biệt”, cũng không phải “người dẫn dắt”, có nhận định cho rằng, vấn đề này liên quan đến chuyến đi thất bại của ông đến Mỹ hồi tháng Hai năm nay để xoa dịu căng thẳng thương mại giữa Trung – Mỹ.

Nhật báo Kinh tế Hồng Kông chỉ ra, ông Lưu Hạc chịu trách nhiệm về mạch máu kinh tế – tài chính quốc gia, là người có thực quyền nhất trong bốn Phó Thủ tướng. Nhưng khách quan mà nói, ông không có đủ kinh nghiệm trong đàm phán và trong ngoại giao với Mỹ, điều này thể hiện rõ vào tháng Hai, khi ông đi Mỹ giải quyết căng thẳng quan hệ thương mại Trung – Mỹ nhưng không được gặp Tổng thống Mỹ Trump, đã công cốc trở về.

Ngày 07/3, Phó Thủ tướng Lưu Hạc tuyên bố hai bên đã đạt được đồng thuận “không gây chiến thương mại”. Nhưng sau đó Mỹ đã tuyên chiến thương mại với Trung Quốc qua việc khởi động cuộc chiến về thuế quan, và sau đó tung đòn trừng phạt nặng nề đối với tập đoàn viễn thông đa quốc gia ZTE của Trung Quốc.

Ông Lưu Hạc từng được xem là “túi khôn kinh tế” của ông Tập Cận Bình, nhưng vào tháng trước sau khi mất chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia, lại tiếp tục mất quyền phụ trách về ngoại thương. Ngày 27/4, tại Hội nghị Làm trong sạch bộ máy do Chính phủ Trung Quốc tổ chức, dù trong vai trò là Phó Thủ tướng nhưng ông Lưu Hạc cũng vắng mặt, động thái hiếm thấy này đã khiến giới quan sát suy đoán về vai trò tương lai của ông.

Ngoài ông Lưu Hạc, truyền thông Hồng Kông cũng đề cập đến hai thành viên Bộ Chính trị là ông Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa. Trong đó, mặc dù Dương Khiết Trì từng là đại sứ Trung Quốc tại Mỹ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, cũng từng là Ủy viên Chính phủ chịu trách nhiệm về ngoại giao, nhưng nhìn chung vẫn thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế.

Phân công nhiệm vụ mới nhất đối với chức Phó Thủ tướng Trung Quốc cho thấy ông Hồ Xuân Hoa đã bất ngờ được phụ trách Bộ Thương mại, về cơ bản tiếp quản lĩnh vực mà Phó Thủ tướng Uông Dương khóa trước phụ trách.

Giới truyền thông Hồng Kông có nhận định, ông Hồ Xuân Hoa tuy phụ trách kinh tế và thương mại, cũng có thể được tham gia trong đàm phán, nhưng kinh nghiệm đàm phán với nước ngoài “rất thiếu, không đủ để để gánh vác đại cuộc”.

Nhìn chung, theo những phân tích chỉ ra, trong bối cảnh này thì “tất nhiên” ông Vương Kỳ Sơn sẽ đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung. Bởi vì Vương có trải nghiệm phong phú trong lĩnh vực kinh tế – tài chính, năm 2008 từng là Phó Thủ tướng phụ trách tài chính và thương mại, đã nhiều lần phụ trách đàm phán thương mại với nước ngoài. Trong giới tài chính tại Mỹ, Vương có mối liên hệ sâu rộng. Cộng thêm việc từng là trợ thủ đáng tin cậy của ông Tập Cận Bình, vì thế trong đàm phán với Mỹ lần này thì nhân vật chủ đạo của Trung Quốc có thể không phải là ông Lưu Hạc mà là ông Vương Kỳ Sơn. Nhưng ông Vương Kỳ Sơn sẽ tham gia vào đàm phán dưới hình thức nào thì vẫn chưa rõ.

Huệ Anh

Xem thêm: