Đại sứ Tự do Tôn giáo Mỹ Sam Brownback lần đầu tiên có chuyến thăm Hồng Kông và Đài Loan từ ngày 6 – 13/3/2019, ông đã hội kiến lãnh tụ tôn giáo, thành viên của các nhóm tín ngưỡng, sinh viên và giảng viên nghiên cứu về văn hóa và tôn giáo, cùng thảo luận về việc làm thế nào để ứng phó với sức ảnh hưởng chống lại tự do tôn giáo của Trung Quốc.

tự do tôn giáo
Đại sứ Tự do Tôn giáo Mỹ Sam Brownback (Ảnh: Epoch Times)

Sáng ngày 8/3, ông Sam Brownback có cuộc họp báo tại Hồng Kông, ông có bài phát biểu với chủ đề chính là tự do tôn giáo ở Trung Quốc. Ông đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến hành động bức hại của chính quyền Trung Quốc đối với những người có tín ngưỡng, vì sao chính quyền Trung Quốc lại sợ người dân có tín ngưỡng. Ông còn chỉ trích chính quyền Trung Quốc bức hại những người tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc, và ông gọi việc thu hoạch nội tạng đang diễn ra tại Trung Quốc là vô cùng đáng sợ.

Nhiều câu hỏi “vì sao” liên quan đến chính quyền Trung Quốc đàn áp tín ngưỡng

Trong phát biểu của mình, ông Sam Brownback đã biểu thị sự tôn trọng và khâm phục người dân Trung Quốc, khen ngợi văn hóa Trung Quốc là cống hiến khổng lồ cho nhân loại, do đó, mỗi khi nghe thấy có thông tin người Trung Quốc phải chịu khổ cực vì tín ngưỡng của mình, ông không khỏi băn khoăn, vì sao đảng Cộng sản Trung Quốc không tin tưởng người dân, để người dân lựa chọn con đường tín ngưỡng của mình. “Nhất là việc tín ngưỡng này có liên quan đến tâm linh của hàng trăm triệu người. Chính phủ Trung Quốc đang tuyên chiến với tín ngưỡng, đây là cuộc chiến mà chính phủ Trung Quốc không thể thắng được.”

Sam Brownback cũng đặt ra nhiều nghi vấn về chính quyền Trung Quốc: Vì sao đảng Cộng sản Trung Quốc lại sợ người dân có tín ngưỡng? Vì sao không cho phép người dân dùng tâm linh của mình đế lựa chọn con đường của chính họ? Vì sao sợ Thánh Kinh? Vì sao trẻ em Trung Quốc không được dùng Muhammad làm tên? Vì sao người Tây Tạng không thể tự chọn ra lãnh tụ tôn giáo của họ, mà đây lại là truyền thống hàng ngàn năm của họ”.

Ông nhấn mạnh, “chính phủ Trung Quốc tiếp tục xâm phạm quyền lợi tín ngưỡng thiêng liêng, trong khi quyền lợi này được ghi vào trong hiến pháp Trung Quốc, được ghi vào trong Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.” Điều đáng mỉa mai là, công ty Huawei Trung Quốc hôm 7/3 đã tuyên bố chính phủ Mỹ vi hiến, còn công nghệ giám sát của Huawei từ lâu vẫn luôn trợ giúp cho chính quyền Trung Quốc đàn áp những người có tín ngưỡng.

>> Đảng Cộng sản Trung Quốc rốt cuộc muốn làm gì? (Kỳ 1)

Hiện trạng của “nước cần đặc biệt quan tâm”

Năm 1999, khi Trung Quốc phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công, Mỹ căn cứ vào “Đạo luật Tự do Tôn giáo” được thông qua năm 1998 để liệt Trung Quốc vào nước “cần đặc biệt quan tâm” về tự do tôn giáo (CPC), đây là mức độ đối với quốc gia xâm phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng. Đến nay Trung Quốc vẫn chưa bị xóa khỏi danh sách này.

Khi nhắc đến vấn đề những người có tín ngưỡng Pháp Luân Công bị đàn áp, ông Sam Brownback nói: “Trung Quốc tăng cường đàn áp người tập Pháp Luân Công, những hồ sơ chứng cứ về xâm hại ngược đãi đều có rất đầy đủ. Các con số thống kê liên quan đến việc Trung Quốc giam giữ, ngược đãi và tra tấn người tập Pháp Luân Công cho thấy, có hàng ngàn người tập Pháp Luân Công bị giam giữ trong các nhà tù. Nhóm người tập Pháp Luân Công dự tính chỉ riêng trong năm 2018, ít nhất có 69 người tập Pháp Luân Công bị tử vong trong thời gian bị chính quyền Trung Quốc giam giữ, hoặc bị thương dẫn đến tử vong trong thời gian đang bị giam giữ.

“Có cáo buộc nói chính quyền Trung Quốc tiếp tục cưỡng chế mổ sống lấy nội tạng của những người có tín ngưỡng đang bị giam giữ, đối tượng gồm có cả người tập Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ. Số liệu mà những nhà điều tra đầy dũng cảm và kiên trì thu thập được cho thấy, điều khiến người ta lo lắng là trong hệ thống cấy ghép tạng của Trung Quốc, số người tự nguyện ghép tạng không thể đuổi kịp được nhu cầu (số liệu cấy ghép thực tế). Và sự thực đằng sau còn khiến người ra phải sợ hãi hơn.”

Sam Brownback nhấn mạnh, chính quyền Trung Quốc cần chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công kéo dài 20 năm nay, và cần phải trả lời về tung tích của những người tập Pháp Luân Công đã mất tích. Ông nói, sẽ sớm có một ngày, bức màn thép che đậy hành vi đàn áp tôn giáo bị sụp đổ, còn “chính phủ Trung Quốc đang đứng ở bên sai lầm lịch sử”, tất cả sẽ có thay đổi.

Khi nhắc đến vấn đề người Hồi giáo Tân Cương bị giam giữ trong trại tập trung, ông nói, chính quyền Trung Quốc giam giữ hơn 1 triệu người dân tộc thiểu số tại Tân Cương, trong đó có người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakh, người Kyrgyz. Họ bị bắt giam, người nhà không biết tung tích của họ, thậm chí sống chết ra sao.

Sam Brownback còn nhắc đến việc chính quyền Trung Quốc tiếp tục đàn áp Phật giáo Tây Tạng, dùng máy ủi để phá hủy chùa chiền, xua đuổi hàng nghìn tăng lữ. Sau khi “Điều lệ Sự vụ tôn giáo 2018” bắt đầu được thi hành, chính quyền Trung Quốc đã tăng cường đàn áp tín đồ Cơ Đốc giáo, Thiên chúa giáo, v.v.

Cuối bài phát biểu, ông dẫn lời của Linh mục Vương Đài đang bị Trung Quốc giam giữ: “Tại Tân Cương, Tây Tạng, Thượng Hải, Bắc Kinh, Thành Đô, những người thống trị quốc gia này đều đang phát động một cuộc chiến tranh, nhưng họ lại tạo ra cho bản thân họ một kẻ thù vĩnh viễn không bị giam giữ, vĩnh viễn không bị hủy diệt, vĩnh viễn không đầu hàng khuất phục, không bị chinh phục, và đó chính là tâm linh của con người.”

Sau khi kết thúc phát biểu, ông Sam Brownback được hỏi rằng, dựa vào đâu mà ông tin rằng hiện trạng này của Trung Quốc sẽ nhanh chóng thay đổi. Ông cho biết, dựa vào nhân tính cơ bản và giá trị phổ quát về tự do mà nhân loại khát vọng. Ông lấy ví dụ về lời kêu gọi xô đổ bức tường Berlin của cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan: “Khi Ronald Reagan đứng trước cổng Brandenburg và nói, ‘ông Gorbachev, hãy phá đổ bức tường này’, quanh ông không có máy ủi, nhưng trong ngày hôm đó bức tường đỏ đã sụp đổ. Bức tường vây thực tế sẽ mất một ít thời gian để tháo dỡ, nhưng một câu nói thật có thể có được cộng hưởng từ mọi người, có thể tạo ra sức mạnh. Tôi tin vào sức mạnh của lời nói, khi người dân Trung Quốc nói rằng ‘tôi muốn được tự do, tôi phải có quyền tự do thực hành đức tin’ thì họ có thể tạo ra sức mạnh.”

Ý nghĩa chuyến thăm Hồng Kông, Đài Loan lần đầu

Đại sứ Tự do Tôn giáo Mỹ lần đầu tiên thăm Hồng Kông, Đài Loan được cho là rất có ý nghĩa. Bài phát biểu của ông Sam Brownback tại Hồng Kông, hội kiến lãnh tụ tôn giáo, thành viên của các nhóm tín ngưỡng, chủ đề nói chuyện, làm thế nào để ứng phó với phản tự do tôn giáo của chính quyền Trung Quốc, được diễn giải là Mỹ đang nâng cao chú ý đến tình hình tự do nhân quyền tại Hồng Kông đang dần xấu đi.

>> Con gái tù nhân Duy Ngô Nhĩ tiết lộ tội ác mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ

Về hành trình tại Đài Loan, từ ngày 11/3, ông sẽ tham gia Diễn đàn Tự do Tôn giáo khu vực năm 2019 do Mỹ và Đài Loan đồng tổ chức, và sẽ có bài phát biểu liên quan đến “Đối thoại Xã hội dân sự về bảo vệ tự do tôn giáo khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”. Diễn đàn này sẽ cùng quan chức chính phủ, đại diện xã hội dân sự, chuyên gia tham dự thảo luận về việc làm thế nào để cải thiện bầu không khí tự do tôn giáo trong khu vực, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cũng sẽ tham dự và phát biểu tại diễn đàn này.

Hội nghị này là do Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT) và phía Đài Loan cùng tổ chức. AIT chỉ ra, nội dung Đối thoại Xã hội dân sự về bảo vệ Tự do Tôn giáo khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương là sẽ là nền tảng cho hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ hai về thúc đẩy tự do tôn giáo sắp tới.
Ủy ban Lập pháp Đài Loan chỉ ra, hoạt động này dự kiến sẽ được diễn ra vào tháng 7, với hơn 15 nước tham dự, là một đột phá không nhỏ trong quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố rằng, Hội nghị Thúc đẩy Tự do Tôn giáo cấp bộ trưởng lần thứ 2 sẽ được tổ chức tại Washington từ ngày 16-18/7.

Tô Trí Mẫn