Tình hình dịch bệnh viêm phổi ở Vũ Hán tại Trung Quốc đang rất nghiêm trọng, hai lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là Lý Khắc Cường và Tập Cận Bình đã đích thân vào cuộc, ông Lý Khắc Cường thì đến tận Vũ Hán thị sát, còn ông Tập Cận Bình thì cho biết đích thân chỉ đạo công tác phòng dịch. Nhưng hệ thống Hội Chữ thập Đỏ do ông Vương Kỳ Sơn phụ trách lại xảy ra bê bối dẫn đến nghi vấn đại dịch đã khiến ĐCSTQ sa vào khủng hoảng chưa từng có, phải chăng đang xảy ra cảnh hỗn loạn tại Trung Nam Hải?

Embed from Getty Images

Tại Đại hội 18 ĐCSTQ, các ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường và Vương Kỳ Sơn được xem là liên minh chính trị (Nguồn: Feng Li/Getty Images)

Vào ngày 25/1, các nhà chức trách của ĐCSTQ đã thành lập Ban lãnh đạo của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ để đối phó với dịch bệnh viêm phổi do coronavirus mới. Lãnh đạo của ban này không phải là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, mà là Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Ngày 27/1, ông Lý Khắc Cường đã đích thân đến tuyến đầu của dịch bệnh ở Vũ Hán để kiểm tra công việc phòng chống dịch. Ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh rằng ông “được Tổng bí thư Tập Cận Bình ủy nhiệm”.

Vụ việc này hiển nhiên lại khiến công luận xuất hiện nhiều nghi ngờ. Ngay sau khi ông Lý Khắc Cường nhậm chức đã xuất hiện nhiều tin đồn rằng ông Lý dám đến Vũ Hán, còn ông Tập Cận Bình không dám. Nhìn lại thời kỳ dịch SARS, khi đó ông Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã đích thân đi đến vùng dịch bệnh nghiêm trọng, lẽ nào lần này ông Tập Cận Bình sợ bị nhiễm bệnh?

Tuy nhiên, vào ngày 28/1 khi ông Tập Cận Bình gặp gỡ phái đoàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của mình trong công tác phòng chống dịch bệnh. Ông Tập đã nói với Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới là Tedros Adhanom rằng, dịch bệnh lần này ông đích thân chỉ đạo và bố trí triển khai công tác phòng chống.

Phát biểu này của ông Tập Cận Bình không khó hiểu khi đặt vấn đề trong bối cảnh chính trị của ĐCSTQ, bởi vì ông đại diện cho Đảng, còn Đảng kiểm soát tất cả, bất kể ông Tập có nhậm chức trưởng ban phòng chống dịch bệnh hay không thì cũng đều là ông “đích thân chỉ đạo”. Vì ông Tập cũng cho biết, hoạt động phòng chống dịch bệnh “cần kiên quyết quán triệt bố trí của trung ương”, “thống nhất lãnh đạo, thống nhất chỉ huy, thống nhất hành động”. Mặt khác, ông Tập là lãnh đạo tập quyền tối cao, vì thế có thể cũng lo sợ bản thân nhiễm bệnh khiến tình hình chính trị ĐCSTQ bất ổn. Tuy nhiên Tân Hoa Xã của ĐCSTQ nằm trong quyền lực của ông Vương Hộ Ninh khi đăng thông tin đã lược bỏ câu nói này của ông Tập Cận Bình, hành động bị nghi ngờ không biết là có ý tốt hay ý xấu?

Ông Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn trong vai trò là trợ lý của ông Tập Cận Bình, dường như chưa từng lên tiếng gì về tình hình dịch bệnh. Nhưng Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc do ông Vương Kỳ Sơn là Chủ tịch danh dự lại một lần nữa bùng nổ bê bối.

Trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh này, Hội Chữ thập đỏ Hồ Bắc đã lơ là tình hình tiền tuyến đang chịu cảnh thiếu thốn vật tư y tế, trong khi hệ thống bệnh viện tuyến đầu thiếu thốn vật tư nghiêm trọng lại đi phân phối lượng lớn vật tư cho bộ phận hành chính và Bệnh viện thuộc hệ thống Phủ Điền (Putian), vấn đề khiến công luận băn khoăn không biết cuối cùng Hội chữ thập Đỏ nghe chỉ đạo của ai? Tại sao ngay cả lãnh đạo Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường cũng không điều hành nổi?

Ngày 30/1, khi Hội Chữ thập đỏ Hồ Bắc công bố tình hình sử dụng nguồn vật tư được quyên tặng vào ngày 29/1 đã cho biết Bệnh viện trọng điểm Phòng chống dịch bệnh Vũ Hán là Hiệp Hòa (Xiehe) Vũ Hán đã nhận được nguồn quyên tặng gồm 3.000 khẩu trang thông thường và 12.000 nhân dân tệ. Thông báo cũng tiết lộ Bệnh viện Nhân Ái Vũ Hán và Bệnh viện Thiên Hựu Vũ Hán mỗi nơi nhận được 16.000 khẩu trang N95 và cùng nhận được khoản quyên tặng 360.000 nhân dân tệ. Nhà tài trợ là Công ty TNHH Công nghệ sinh học Bắc Kinh Schengenbiya.

Bệnh viện Thiên Hựu (Tianyou) Vũ Hán là bệnh viện thuộc cấp cao nhất (trong phân loại 3 cấp bệnh viện tại Trung Quốc), đây là một trong 61 bệnh viện được chỉ định khám người bị sốt Vũ Hán. Nhưng Bệnh viện Nhân Ái Vũ Hán là một bệnh viện tư nhân với hoạt động chính là phẫu thuật thẩm mỹ, phá thai và chữa vô sinh, là những hoạt động không liên quan gì đến phòng chống dịch bệnh. Trong danh sách các bệnh viện thuộc hệ thống Phủ Điền mà trước đây bác sĩ Xuân Vũ (Chunyu) công bố cũng có tên Bệnh viện Nhân Ái.

Nhiều thông tin cho thấy ông Trần Chí Tùng (Chen Zhisong), cổ đông lớn thứ hai của bệnh viện này là thành viên quan trọng của hệ thống ý tế Phủ Điền đầy tai tiếng. Vài năm trước, hệ thống này đã bình an vô sự trong cái chết của sinh viên đại học Ngụy Tắc Tây (Wei Zexi), nhiều thông tin đã chỉ ra nguyên nhân nhờ chỗ dựa quyền lực là bà Trần Chí Lập (Chen Zhili), cựu Phó Ủy viên trưởng Nhân đại ĐCSTQ (nhiều tin đồn bà này có quan hệ tình cảm với cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân).

Đã có thông tin từ cộng đồng mạng xã hội ở Vũ Hán tố cáo, trong công tác phòng chống dịch bệnh, Bệnh viện Hiệp Hòa (Xiehe) từng dẫn đầu một số bệnh viện tìm kiếm nguồn tài liệu trực tiếp từ xã hội, cách làm này chẳng khác nào công khai đại chúng về tình hình thực tế dịch bệnh và vấn đề thiếu nguồn cung vật tư phòng chống dịch bệnh, khiến tuyên bố “vật tư đầy đủ” của lãnh đạo tỉnh Hồ Bắc bị vạch trần, và hệ quả là Ủy ban Thành phố Vũ Hán trong vai trò chính trị bảo vệ Đảng nên phải ra quy định mọi khoản đóng góp cần thông qua Hội Chữ thập đỏ. Sau đó Hội Chữ thập đỏ không cấp vật tư phòng chống dịch bệnh cho bệnh viện Hiệp Hòa. Thông tin cho biết hiện nay không chỉ Bệnh viện Hiệp Hòa bị thiếu, cả Bệnh viện Đồng Tế cũng trong cảnh tương tự.

Hội chữ thập Đỏ Hồ Bắc dám hành động to gan như vậy cho thấy phải có thế lực không bình thường làm chỗ dựa. Có thể suy đoán về đường dây cấu kết lợi ích trong quan trường Hồ Bắc và Vũ Hán cùng Hội Chữ thập đỏ. Ví dụ, luật sư Trần Thu Thực (Chen Qiushi) ở Vũ Hán đã có tweet về chiếc xe công vụ xuất hiện tại nhà kho của Hội chữ thập Đỏ vào chiều ngày 1/2, người đàn ông trên xe đã đi thẳng vào kho của Hội Chữ thập đỏ và bê đi hai thùng khẩu trang M3. Khi được hỏi thuộc đơn vị nào thì người này chỉ nói lấy cho các lãnh đạo. Những lãnh đạo này là ai?

Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc luôn bị nghi vấn vì các hoạt động nội bộ mờ ảo, công chúng không biết gì về tình trạng tài chính và hoạt động nội bộ của tổ chức này, làm sao đảm bảo tính khách quan và hiệu quả đối với lợi ích của bên cho tặng và bên nhận? Thực trạng hoạt động mờ ám cũng trở thành môi trường lý tưởng của bê bối trong giới quan chức Hội Chữ thập đỏ, đặc biệt như vụ bê bối chấn động liên quan đến Quách Mỹ Mỹ (Guo Meimei).

Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Trung Quốc hiện nay là Trần Trúc (Chen Zhu), được bầu năm 2015, từng là bộ trưởng cuối cùng của Bộ Y tế Trung Quốc (năm 2013, Bộ Y tế cùng Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình đã sáp nhập lại thành Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Y tế quốc gia), hiện là Phó Ủy viên trưởng Nhân đại Trung Quốc. Theo hệ thống ĐCSTQ, Bí thư Đảng ủy và Phó chủ tịch thường trực của Hội Chữ thập đỏ là người điều hành Hội Chữ thập đỏ.

Ông Trần Trúc sinh năm 1953 ở Thượng Hải, quê ở Trấn Giang tỉnh Giang Tô, từng là Chủ nhiệm phòng thí nghiệm Trung tâm Sinh học Phân tử của Viện Huyết học Thượng Hải, cũng từng là Phó Giám đốc và Giám đốc của Viện Huyết học Thượng Hải. Vào ngày 3/11/1995, Trần Trúc được bầu làm Viện sĩ Ban Sinh vật học của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Năm 1997 được bổ nhiệm Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Thượng Hải; năm 1998 được bổ nhiệm Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia (phía nam Trung Quốc) về gen người. Được bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế vào ngày 29/6/2007, và Phó Ủy viên trưởng Nhân đại Trung Quốc vào tháng 3/2013.

Từ lý lịch của Trần Trúc cho thấy ông có liên quan chặt chẽ đến quan trường Thượng Hải, trong ít nhất 7 năm (từ 1999 đến 2011) đã có quan hệ công việc chặt chẽ với ông Giang Miên Hằng (Jiang Mianheng), con trai của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, khi đó là Phó chủ tịch Viện Khoa học Trung Quốc.

Bản thân Trần Trúc là đảng viên không thuộc ĐCSTQ (thuộc đảng Dân chủ nông công Trung Quốc). Nhà bình luận Cao Tân (Gao Xin) từng chia sẻ trên Đài Á châu Tự do (RFA) rằng, khi mới nhậm chức Phó giám đốc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, ông Giang Miên Hằng chia sẻ với ông Giang Trạch Dân rằng ông rất ngưỡng mộ Trần Trúc, nhưng dường như Trần Trúc không phải là đảng viên (ĐCSTQ). Khi Giang Trạch Dân nghe nói Trần Trúc không phải là đảng viên thì thì thích thú đáp: Điều chúng ta cần hơn chính là những người ngoài Đảng như thế. Vậy là vào tháng 10/2000, Trần Trúc được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.

Vốn dĩ trước đây chức Chủ tịch danh dự của Hội chữ thập đỏ Trung Quốc luôn do Chủ tịch nước đảm trách, nhưng kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, có lẽ thấy những vấn đề tai tiếng của Hội Chữ thập đỏ nên đã từ chối tiếp quản, từ 5 năm trước vai trò được trao cho ông Phó Chủ tịch nước Lý Nguyên Triều. Từ tháng 6 năm ngoái, ông Vương Kỳ Sơn, cựu Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, hiện đang là Phó Chủ tịch nước, đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc.

Như vậy, hiện nay Hội Chữ thập đỏ là hệ thống dưới sự kiểm soát của ông Vương Kỳ Sơn, nhưng chức vụ của ông Vương Kỳ Sơn chỉ là hư chức, nắm quyền hành thực sự là người phe phái cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân.

Gần đây, giới truyền thông tiếng Hoa tại Mỹ đã tiết lộ cuộc đấu tranh quyền lực trong quan trường cấp cao của ĐCSTQ liên quan đến dịch viêm phổi Vũ Hán, theo đó trong cuộc họp khẩn cấp của Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ vào ngày 25/1 đã xảy ra xung đột dữ dội về dịch bệnh mà đại diện hai phe là hai thành viên của Ban Thường vụ Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, đặc biệt cũng tranh luận gay gắt về việc có nên tổ chức “lưỡng hội” vào đầu tháng Ba tới hay không. Hiện vẫn chưa có kết luận.

Theo những gì đã diễn ra trước đây, người ta thường lập luận rằng ông Vương Kỳ Sơn, nhân vật đã toàn lực chống tham nhũng thanh trừng phe Giang Trạch Dân trong vài trước là chí cốt của ông Tập Cận Bình, trong khi đại diện phái đoàn thanh niên là ông Lý Khắc Cường đã từng bị xem liên minh chính trị của Tập Cận Bình, nhưng dư luận đã có thông tin rằng từ sau Đại hội 19 ĐCSTQ thì các phe đã có thỏa hiệp mới, dư đảng phái Giang Trạch Dân được giữ lại, phe Tập Cận Bình dưới trợ giúp của Vương Hộ Ninh đang nỗ lực với con đường cùng bảo vệ Đảng.

Do đó, trong đại dịch này, qua hoạt động phức tạp trong bộ máy Chữ thập đỏ của phe Giang Trạch Dân, một mặt cho thấy đối diện khủng hoảng quyền lực đã làm cuộc chiến nội bộ của ĐCSTQ đang căng thẳng hơn, quan hệ phe phái đã rối loạn, dường như nền tảng của liên minh chính trị Trung Nam Hải đã suy tàn. Điều này còn cho thấy dường như bộ máy tối cao Trung Nam Hải hiện không thể kiểm soát được bộ máy cấp dưới, chính lệnh không thể ra khỏi Trung Nam Hải, thể chế đang lung lay dữ dội.

Trịnh Trung Nguyên

Xem thêm: