Cựu Bí thư tỉnh Liêu Ninh Trung Quốc Vương Mân bị công bố tội danh bao gồm: công khai công kích trung ương, chống đối điều tra, nhận hối lộ v.v.

Cựu Bí thư tỉnh Liêu Ninh Vương Mân.
Cựu Bí thư tỉnh Liêu Ninh Vương Mân.

Điều đáng chú ý trong danh sách liệt kê tội trạng của Vương Mân là “công khai công kích trung ương”, giống với thông báo tội danh của các quan chức bị bắt trước đó. Tuy nhiên, lần này đặc biệt hơn ở chỗ có thêm từ “công khai”. Ông Vương Mân không chỉ công khai công kích 8 quy định về tác phong công chức do ông Tập Cận Bình đề ra, mà còn trực tiếp vi phạm các quy định này.

Ngày 11/8, báo mạng “Tài Tân” của Trung Quốc cho biết, Viện Kiểm sát Tối cao đã công bố tin tức trên trang web rằng, cựu Phó chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Khoa học Văn hóa của Đại hội đại biểu Nhân dân Toàn quốc, cựu Bí thư tỉnh Liêu Ninh Vương Mân “vì liên quan đến việc nhận hối lộ đã bị lập án điều tra và cưỡng chế thi hành”. Tài Tân cũng cho biết, Vương Mân “ngã ngựa” vào ngày 4/3/2016 chỉ 5 tháng sau khi bị điều tra, so sánh với các quan chức khác thì tốc độ tiến hành nhanh hơn hẳn.

Trang tin Đại Lục Bắc Thanh (ID trên Weixin là upolitics) cho biết, Vương Mân trước sau từng nhậm chức tại Giang Tô, Quế Lâm, Liêu Ninh. Năm ngoái, Vương 65 tuổi nên đã thoái ẩn xuống tuyến hai, nhậm chức ở Đại hội đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Trang tin này cũng nhận định, thông báo của Ủy Ban Kỷ luật Trung ương (UBKLTW) về Vương Mân, không chỉ có nội dung rất dài mà còn có không ít những thuật ngữ lần đầu tiên xuất hiện.

So sánh với thông báo trước đây về các cán bộ quản lý cấp trung ương hay cán bộ quản lý cấp tỉnh khác, thông báo về Vương Mân cũng xuất hiện cụm từ “công kích trung ương”, tuy nhiên nói điều gì thì không được tường thuật lại. Vì vậy, thông báo tội trạng về Vương Minh làm người đọc phải chú ý.

Trước từ “công kích” cũng có thêm 2 chữ “công khai”, ý nói rằng Vương Mân đã từng nhiều lần công khai bàn luận xách động các chính sách trung ương. Như vậy, Vương Mân không chỉ công khai công kích 8 điều quy định mà còn trực tiếp vi phạm các điều quy định chống tham nhũng hủ bại do chính quyền Bắc Kinh yêu cầu tuân thủ.

Ngày 12/8, Hồ Thiếu Giang của Đài phát thanh Châu Á Tự Do phát biểu: cách chính quyền Tập Cận Bình xử lý Vương Mân so với các thông báo “đả hổ” trước đây là hoàn toàn khác. Lần này, thông báo vấn đề tham nhũng của Vương Mân chỉ là thứ yếu, quan trọng nhất chính là buộc tội Vương Mân về mặt chính trị, “công khai công kích trung ương” hay “chống đối điều tra” v.v.

Ngoài ra, Hồ Thiếu Giang còn nhận định rằng, xử lý Vương Mân trong thời kỳ chuyển giao nhạy cảm có ý cảnh cáo nội bộ đảng cấp cao không được can thiệp hay chống đối chính sách bố trí nhân sự của Tập Cận Bình.

Ngày 16/8, một bài viết của Cao Tân đăng trên Đài phát thanh Châu Á Tự Do cho biết, theo một người đang là phóng viên tại Bắc Kinh, trong Đại hội 18, vì không vào được Bộ chính trị và giữ chức Phó tổng lý Quốc vụ viện, Vương Mân đã có nhiều ý kiến về chính trị gây xáo động tại một buổi tiệc.

Người từng là lái xe của Vương Mân tiết lộ, trước Đại hội 18, Vương Mân nhiều lần hỏi ông này có đồng ý lên Bắc Kinh làm việc không, bởi vì Vương Mân khẳng định sau Đại hội 18 thì sẽ lên Bắc Kinh nắm “chức vụ quan trọng”.

Tháng 4/2014, Phó bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Hi chuyển đến nhậm chức Phó bí thư tỉnh Liêu Ninh, kiêm chức Tỉnh trưởng. Vương Mân mặc dù ngoài mặt biểu lộ việc hoan nghênh Lý Hi đến Liêu Ninh nhậm chức, nhưng lại ngấm ngầm cho các thân tín của mình loan tin đồn và gây xáo trộn, khó dễ. Lý Hi, xuất thân từ Lưỡng Đương, tỉnh Cam Túc, thăng tiến nhờ vào mối quan hệ với Tập Cận Bình. Sau đó, Vương Mân gây chuyện khắp nơi và càng lúc càng quá quắt hơn.

Sau khi Lý Hi nhậm chức Bí thư tỉnh Liêu Ninh, việc Vương Mân gây khó dễ về mặt chính trị trước đó đã được báo cáo cho Lý Hi và tổ tuần tra UBKLTW.

Tờ “Nội Mạc” ở hải ngoại số 36 cho biết, ngày 28 – 31/8/2013, trong thời gian Tập Cận Bình đến Liêu Ninh kiểm tra, từng nghiêm khắc cảnh cáo Bí thư tỉnh Liêu Ninh Vương Mân “lừa dối trung ương”, “lừa gạt quần chúng” và có “vấn đề nghiêm trọng”.

Tự Minh

Xem thêm: