Mỹ và Trung Quốc đã chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh thương mại, nhưng gần đây giới chức Cộng sản Trung Quốc lại bất ngờ im lặng khác thường, không còn giọng điệu khoa ngôn “Mỹ sẽ chết đói”, hay hăm dọa như xưa nay rằng sẽ trả đũa tương xứng đối với Mỹ; thậm chí cả giới dư luận viên trên internet cũng bất ngờ im lặng bất thường, không còn động chút là “thị uy chống Mỹ”…

chiến tranh thương mại
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã chính thức bắt đầu (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, đội quân truyền thông hùng hậu của nhà nước Trung Quốc vẫn còn đó những nỗ lực “định hướng dư luận xã hội”, cho dù hiện đã hết cách để “dọa dẫm lật đổ Mỹ”, nhưng vẫn phần nào mang đến ảo tưởng cho người dân Trung Quốc rằng “thiên triều” sắp giành thắng lợi; mặc dù tuần trước mục “Quan điểm” của báo mạng Nhân dân Trung Quốc có chỉ trích một số tờ báo nhà nước khác đã có những tuyên bố phóng đại không đúng sự thực, cho rằng làm như vậy là “kích động cảm xúc cực đoan, tùy tiện gieo rắc thành kiến”, khiến công chúng “kiêu ngạo, huênh hoang một cách sai lầm”, nhưng cỗ máy tuyên truyền mang phong cách của Đảng đã quen thói dập khuôn khoa trương, tiếp tục sử dụng liệu pháp thắng lợi tinh thần kiểu AQ. Ví dụ như chuyện con tàu Peak Pegasus vận chuyển đậu nành Mỹ sang Trung Quốc của Tổng công ty Quản lý dự trữ lương thực Trung Quốc, vì con tàu này đã không thể cập bến trước thời điểm hai bên khai chiến thương mại mà phải dừng ở ngoài khơi bờ biển Đại Liên, nhưng dưới tuyên truyền của truyền thông nhà nước Trung Quốc thì tựa đề câu chuyện lại mang ý nghĩa khác là “Trump đã hoảng loạn”. Rõ ràng thuế quan Trung quốc áp dụng đối với doanh nghiệp lưu trữ lương thực của Trung Quốc có nghĩa là Đảng trừng phạt chính công ty của Đảng, vậy mà người Trung quốc lại tự sướng cho rằng vụ việc làm người Mỹ sợ hãi, có thể thấy truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày nay trì độn và thoái hóa thế nào.

Tiếp đến phải kể là những tuyên bố của Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam Cheng Yuet-ngor); bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga vì thẳng thắn lên án Mỹ phát động cuộc chiến tranh thương mại nên nhanh chóng được truyền thông nhà nước Trung Quốc ca tụng, tiểu biểu như trong bài viết có tựa đề “Đặc khu trưởng Hồng Kông thể hiện thái độ đối với cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ: Phát ngôn gây chấn động quốc tế!” Lời lẽ hùng hồn cho rằng bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga “gây chấn động quốc tế” chắc hẳn làm người dân Hồng Kông “khóc ngất”, đặc biệt hơn là thái độ khác thường trong cách thay đổi ngôn từ của truyền thông nhà nước, vì xưa nay truyền thông nhà nước Trung Quốc mỗi khi đề cập đến Hồng Kông luôn dùng từ “Hồng Kông Trung Quốc”, ấy vậy mà trong đưa tin lần này lại đột nhiên bỏ đi từ “Trung Quốc”, biến thành “nước bạn”? Chẳng lẽ vấn đề “Hồng Kông độc lập” không còn là vấn đề “nhạy cảm”?

Dòng thông tin nữa đáng chú ý là nhận những tuyên bố của một số học giả Trung Quốc, họ tiếp tục tranh giành nhau “gây chấn động quốc tế”. Ngày 05/7 Minh Báo (Ming Pao) Hồng Kông đưa tin Giáo sư Lê Lân Tường (Lilin Xiang) Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Kinh tế của Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông cho biết, “Trung Quốc không chỉ vừa tăng cường mở cửa, còn thúc đẩy quyền tự chủ khoa học và công nghệ, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; còn chính sách của Trump thất thường làm mất lòng tin của các đồng minh, Mỹ sẽ đánh mất lợi ích về lâu dài, Trung Quốc sẽ thành ‘minh chủ’ trong quá trình thúc đẩy toàn cầu hóa để thay thế địa vị lãnh đạo của Mỹ hiện nay!” Chẳng phải từ thời điểm năm 2000 khi Trung Quốc gia nhập WTO đã có những cam kết như trên? Nếu trong hơn một thập kỷ qua Trung Quốc không “thất tín” thì tại sao lại rơi vào tranh chấp thương mại với các nước? Ngày nay có quốc gia nào muốn tôn Trung Quốc trở thành “minh chủ”? Phải chăng là Sri Lanka đang chồng chất nợ nần, hay là các nước bạn ở châu Phi?

Sau đó ba ngày (10/7) lại xuất hiện nhận định trì độn tương tự trên trang báo mạng tiếng Trung Duowei News trụ sở chính tại Mỹ, đó là lời phát biểu của ông Trịnh Vĩnh Niên (Zheng Yongnian) thuộc Viện Đông Á Đại học Quốc gia Singapore. Nhà nghiên cứu này cho biết “Trung Quốc đã có những nỗ lực mạnh hơn thúc đẩy cởi mở, bảo vệ quyền sở hữu tài sản, thúc đẩy đổi mới công nghệ”, “nhìn từ trung và dài hạn, do chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ không được ưa chuộng, việc Mỹ phát động cuộc chiến thương mại sẽ ảnh hưởng đến vị thế quốc tế và uy tín quốc gia của Mỹ, vì thế trong cuộc chiến thương mại này Mỹ sẽ chịu tổn thất lớn hơn Trung Quốc”. Nhà nghiên cứu này sinh tại Trung Quốc, tốt nghiệp Khoa Chính trị Đại học Bắc Kinh, sau khi tốt nghiệp đến Mỹ học Tiến sĩ, hiện nay tập trung theo hướng “phát triển giá trị quan cánh tả mới của nhà cầm quyền Trung Quốc”; dù lĩnh vực nghiên cứu của nhà nghiên cứu này là chủ nghĩa dân tộc và quan hệ quốc tế, nhưng lại bất ngờ xuất hiện tuyên bố hùng hồn về kinh tế với lý giải u mê không khác gì lời của chuyên gia Lê Lân Tường tại Hồng Kông, khiến nhiều người phải nghi ngờ liệu đây có là giọng điệu của ban tuyên truyền nhà nước Trung Quốc?

Nhưng những nhận định kiểu này không chỉ xuất hiện ở giới học giả cánh tả được hưởng lộc từ nhà nước Trung Quốc! Phát biểu của cựu Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel (phụ trách châu Á-Thái Bình Dương thời chính quyền cựu Tổng thống Obama) trả lời phỏng vấn của tờ “Nhật Bản Hôm nay” (Todays.jp) được Nhật báo Apple và tờ Duowei News dẫn lại cũng phi lý trí như vậy. Ông Daniel Russel cho rằng chính sách hiện nay của Mỹ sẽ “tạo ra cả một thế hệ người Trung Quốc căm thù Mỹ kinh khủng hơn” (create an entire generation of Chinese who believe the worst about the United States); Duowei News dịch là “cái nhìn thù nghịch đối với Mỹ”, còn Nhật báo Apple dịch thành “cái nhìn khinh thường đối với Mỹ” . Cư dân mạng Trung Quốc đại lục đã luôn chỉ ra các quan chức Cộng sản Trung Quốc và người thân gia đình họ tha thiết muốn có được Thẻ Xanh của Mỹ để mua nhà di cư sang Mỹ, vấn đề này khiến cả giới dư luận viên Cộng sản Trung Quốc “thù ghét Mỹ” cũng không thể phản bác được, vậy thì sao có thể nhận định người Trung Quốc “hận thù Mỹ”? Còn về “cái nhìn khinh thường đối với Mỹ”, trường hợp này chỉ có thể áp dụng nếu Mỹ chỉ biết nhắm mắt làm ngơ trước hành động bành trướng của nhà cầm quyền Trung Quốc. Những cách nhìn lệch lạc này không biết là cố tình hay vô ý đã tràn ngập trên truyền thông nhà nước Trung Quốc, đã “ào ào xuất khẩu sang các nước” để đạt được nhiệm vụ vỗ an người dân Trung Quốc Đại lục. Khi không thể tránh được những ngôn từ định hướng dư luận bất kể thực tế đang xảy ra thế nào thì mỗi người nên tập thói quen tự xác minh lại thông tin cẩn thận, để không bị dắt mũi bởi những nhận định có chủ ý định hướng kiểu này!

(Bài viết chỉ đại diện cho quan điểm của cá nhân tác giả)

Blog Lâm Kỵ

Xem thêm: